Bài thơ: Gửi em ngày hạ cuối

Gửi em ngày hạ cuối
 Mộc Miên

Có những vần thơ anh muốn gởi em
Khi hạ về rực màu thương nhớ
Chỉ tiếc là em thích màu phượng đỏ
Khi tím bằng lăng anh say đến khôn cùng.

Ngày ra trường với những riêng chung
Em với ai ngắt cành phượng đỏ
Anh đưa mắt về phương thương nhớ đó
Màu tím không còn khi vẫn cánh hoa rơi.

Quy Nhơn- Ninh Hòa xa cách đôi nơi
Đâu rực cháy và phương nào tím ngát
Anh bơ vơ giữa đôi dòng khao khát
Phượng vĩ rực trời và hoa tím bằng lăng.

(Một kỉ niệm ngày đó…….)

Trong đám bạn văn ở Quy Nhơn, Mộc Miên là người ít nói. Bảo rằng anh ít nói cũng không phải, anh vẫn nói nhiều, nói chuyện đông tây kim cổ, chuyện trên trời đưới đát, chuyện vui chuyện buồn, chuyện học và chuyện yêu. Anh ít nói về chuyện yêu của anh thôi, còn những chuyện khác anh nói hết.

Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp những vần thơ của anh viết ở đâu đó, trên đá, trên lá hay trên trang vở cũ, trên mảnh giấy rách nát hoen màu. Anh thích viết thơ ở trên những mảnh tàn của cuộc đời, trên những điểm cuối của thời gian sầu mị như một buổi chiều đông u uất. Anh gửi cả những điều khó nói vào trong thơ và thả nó đi, chẳng bao giờ giữ lại gì.

Khi học cùng nhau, tôi chưa bao giờ nghe anh nói về người anh yêu. Và đến bây giờ anh cũng chưa lấy vợ. Người ta nói anh cẩn thận trong tình yêu, anh qua nghiêm túc, anh sợ đau. Bạn anh, Dương Lê hay Dương Lưu Thủy thì liều lĩnh và cuồng nhiệt lắm. Còn anh cứ điềm tĩnh, không toan tính gì.

Có lần anh đơn phương thương nhớ một người con gái. Nỗi nhớ thương kết chặt trong tim, cuộn tròn trong thơ, đỏ thắm theo màu phượng đỏ. 

“Có những vần thơ anh muốn gởi em
Khi hạ về rực màu thương nhớ”.

Tưởng như nỗi niềm thương nhớ thương ấy sẽ thôi thúc anh hành động, cổ vũ anh tiên lên. Thế mà, anh vẫn cứ điềm tĩnh, anh cứ từ từ, cứ đứng nhìn từ xa xa. Anh chọn điểm đứng qua xa nên người con gái ấy có hiểu được lòng anh đâu:

Chỉ tiếc là em thích màu phượng đỏ
Khi tím bằng lăng anh say đến khôn cùng.

Đâu riêng gì Mộc Miên, tôi và Dương Lưu Thủy cũng thích màu bằng lăng tím ấy lắm. Những hàng bằng lăng đại học Quy Nhơn mùa thu thả màu tím cả sân trường, tím cả lối đi, tím cả tâm hồn người trai trẻ. Anh say sưa, anh đắm chìm, anh sáp nhập muôn vạn phương trời mộng tưởng vào cánh hoa tím màu thương nhớ:

“Ngày ra trường với những riêng chung
Em với ai ngắt cành phượng đỏ
Anh đưa mắt về phương thương nhớ đó
Màu tím không còn khi vẫn cánh hoa rơi”.

Những cánh hoa ra rời buông vào lòng anh khi người con gái đã có cuộc tình mới. Một hình ảnh thôi mà rươm rướm nước mắt, thấy nghẹ ngào trong lòng ngực. Mộc Miên diễn tả cái cảm giác ấy thật khéo léo: “Em với ai ngắt cành phượng đỏ”.

Anh thấy không còn hi vọng khi người con gái đã về với người ta, “chung bóng trăng soi”, “cùng ngắt chùm phượng đỏ”, nói lời của gió trăng. hồn anh như vỡ vụn, trái tim anh nhuốm màu tím ngắt, lạnh lẽo như một buổi chiều đông sầu uất: “Màu tím không còn khi vẫn cánh hoa rơi”.

tất cả giờ đây đã chìm lấp trong trùng trùng cách biệt, lớp lớp thời gian:

“Quy Nhơn- Ninh Hòa xa cách đôi nơi
Đâu rực cháy và phương nào tím ngát?
Anh bơ vơ giữa đôi dòng khô khát
Phượng vĩ rực trời và hoa tím bằng lăng”.

Không lúc nào Mộc Miên buồn bã đến vậy. Lúc còn học cùng nhau, mỗi khi buồn điều gì, chúng tôi thưởng rủ nhau đi cà phê hàn thuyên bao chuyện. Anh trầm tư lặng nhìn xa xăm, nói lời chậm rãi. Anh hay lảng sang chuyện khác chứ ít khi bày tỏ lòng mình. Chuyện vui hay chuyện buồn anh cho qua hết, muốn ngồi với bạn bè cho bớt nặng nề thêm thôi. Trong chuyện tình yêu, anh vẫn thế, tinh tế, rung cảm nhưng ngại ngùng, ít khi thổ lộ.

Cho đến bầy giờ anh vẫn bơ vơ, khô khát giữa dòng đời xuôi ngược. Những hoài niệm bám chặt trong kí ức, trở thành vết thương lòng khó phai.

Đọc lời thơ Mộc Miên, tôi như muốn đi tìm cuộc tình đầu đầy mộng tưởng, thấy run run lại những ngày đông xưa cũ, dưới cơn mưa thổn thức, đôi mắt mơ màng nhìn trời cao biển rộng, đâu đó trong không gian, tiếng sóng vỗ bờ vọng về, đàn hải âu khan tiếng gọi, bóng chiều hấp hối.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.