Nghị luận: Hận thù hãy viết lên cát, ân nghĩa hãy khắc lên đá.

han-thu-viet-len-cat-an-nghia-khac-len-da-12462-2.png

Hận thù hãy viết lên cát, ân nghĩa hãy khắc lên đá.

  • Mở bài:

Trong cuộc sống, có những lúc ta gặp khó khăn, thất bại, buồn bã, khổ đau thì ta liền nhận được tình thương, sự quan tâm, giúp đỡ của ai đó, lòng ta tràn ngập niềm vui. Nhưng cũng có khi ta bị một người nào đó làm tổn thương mình, ta buồn bã, giận hờn. Vậy mỗi khi rơi vào những tình huống đó bạn hãy luôn tự nhủ lòng mình: “hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá”

  • Thân bài:

Cát” là vật mềm yếu, dễ thay đổi, hình thù không ổn định. “Đá” là vật rắn chắc, khó làm tan vỡ hay biến dạng được. Bởi thế, những gì viết lên cát thì chỉ cần một cơn gió thoảng qua, hay một con nước tràn bờ, một dấu chân người giẫm lên đó thì tất thảy đều sẽ tan biến. Ngược lại, những gì khắc ghi trên đá thì sẽ còn mãi, trường tồn, bất biến.

Như vậy, qua câu nói này, nhà văn muốn khuyên ta trong cuộc sống có những cái con người nên ghi nhớ nhưng cũng có những cái ta hãy lãng quên. Hãy tập cho mình cách sống bao dung,  biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác; biết buông bỏ những điều làm ta khổ đau, đừng chứa chấp trong lòng mình những oán hận. Còn đối với những điều tốt đẹp mà người khác đã làm cho mình thì hãy luôn trân trọng, biết ơn và tìm cách đền đáp. Hận thù ghi lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá chính là lối sống thiện lành và tri ân.

“Hận thù hãy viết lên cát, ân nghĩa hãy khắc lên đá”. Khi ta mang trong lòng mình nỗi thù hằn, oán hận một ai đó thì người đau khổ trước tiên là ta, bởi lúc nào cũng sống trạng thái buồn phiền đau khổ, bực dọc, không giờ phút nào được thanh thản. Ta đánh mất đi khả năng nhìn thấy những gì tốt đẹp đang hiện hữu xung quanh mình; bị những nỗi đau oán hận che lấp không bao giờ ta còn có thể tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

Do đó, tha thứ cho một ai đó đã từng làm tổn thương mình không phải là đem đến niềm vui và hạnh phúc cho người đó mà trước hết là đem đến niềm vui, hạnh phúc cho bản thân mình, tự cởi trói cho mình thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, khiến cho lòng mình nhẹ nhàng thanh thản, an vui. Cuộc sống vốn đã nhiều lo toan vất vả sao ta lại cứ đeo đẳng trong lòng mình những chuyện không vui? Hận thù ghi lên cát và hãy khắc ghi những ân nghĩa lên đá. Hãy buông bỏ mọi thù hận bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp đẽ biết bao?

Hãy nhớ rằng con người không ai là hoàn hảo. Ngay cả những người yêu thương ta nhất như cha mẹ, anh chị em trong nhà cũng có thể có những lời nói, hành động làm ta tổn thương, thì huống hồ là những người không quen biết, ruột rà, máu mủ. Do đó, một người hay hờn dỗi, trách móc, chấp nhất lỗi lầm của người khác. Hễ ai làm trái ý là giận hờn, buồn phiền thì chắc là người ấy sẽ còn giận hoài. Bởi thế, tâm hồn của họ không khi nào được yên ổn,  sẽ không bao giờ họ có được cuộc sống hạnh phúc.

Mình giận người khác là tự mình làm mình xấu, tự làm mình khổ bản thân. Bản thân sẽ không thể tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Đừng làm nặng hành trang của đời mình bằng những nỗi buồn phiền đau khổ, oán hờn vì một ngày nào đó ta sẽ ân hận. Như đức Phật đã dạy nỗi giận dữ chính là ngọn lửa thiêu đốt cuộc đời ta vậy.

Chỉ có người đầy đủ sự hiểu biết, can đảm, tấm lòng bao dung, quảng đại mới có đủ sức mạnh tha thứ cho người khác. Đôi lúc chính sự bao dung tha thứ có sức mạnh lớn lao kì diệu có thể cảm hóa người khác giúp họ tự nhận ra lỗi lầm, ăn năn hối hận, tìm cách sửa chữa. Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ. Như thế, tâm hồn và cuộc sống mới được an lành và bình yên.

Đối với lỗi lầm của người khác ta sẵn sàng bao dung tha thứ còn đối với những điều tốt đẹp mà người khác đã làm cho mình ta phải luôn ghi nhớ trân trọng. Bởi đó là một lối sống đẹp, chứng tỏ ta là người sống có đạo đức, ân nghĩa, thủy chung. Ghi nhớ công ơn của người và luôn tìm cách đền đáp còn làm cho mối quan hệ giữa ta với người đó ngày càng trở nên tốt đẹp. Nếu người đó có lầm lỗi ta hãy nhớ lại tình nghĩa trước đây mà không đem lòng oán hận.

Sống được như thế bản thân ta sẽ được mọi người yêu quý coi trọng. Ngay cả loài vật khi chịu ơn ai còn tìm cách đền đáp huống hồ là con người chúng ta (câu chuyện Con hổ có nghĩa). Đừng học thói vong ân bội nghĩa, ăn cháo đá bát, lấy oán báo ân vì như thế là tàn nhẫn bất lương, tự hạ thấp giá trị con người mình và sẽ bị mọi người coi thường xa lánh.

Hãy sống bao dung và giàu lòng vị tha, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của người khác. Đừng đem lòng oán hận một ai bởi cuộc đời ngắn ngủi. Hãy khôn ngoan chọn cho mình cách sống bình an, hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương để nâng cao giá trị đời sống của cá nhân mình.

  • Kết bài:

Hãy viết những điều không hài lòng lên cát và nhẹ nhàng xóa nó đi. Hãy ghi khắc những điều tốt đẹp mà người khác đã dành cho ta và ghi nhớ đến suốt đời. Hãy sống một cuộc đời đầy lòng vị tha bạn sẽ thấy được cuộc đời thật đẹp, thật đáng sống. Hạnh phúc không thể tự nó tạo ra mà chính do bởi hành động tốt đẹp và ý nghĩa của con người. Mỗi người chúng ra hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá nhé.

Nghị luận: Mỗi chúng ta hãy học cách viết những đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa trên đá


Tham khảo: Câu chuyện HAI NGƯỜI BẠN

Có hai người bạn đang bước đi trên sa mạc trong một chuyến đi dài ngày. Hai người nói chuyện với nhau, rồi xảy ra cuộc tranh cãi gay gắt về một vấn đề gì đó. Không giữ được bình tĩnh, một người kia đã tát vào mặt người bạn mình. Cảm thấy rất đau nhưng người bạn không nói gì.

Anh ta chỉ lặng lẽ viết lên trên cát một dòng chữ rất to: “HÔM NAY, NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA TÔI ĐÃ TÁT VÀO MẶT TÔI“.

Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và nghỉ mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý đã trượt chân rơi xuống một vũng lầy và dần dần lún sâu xuống. Nhưng người kia đã kịp thời cứu được anh.

Ngay sau khi được cứu, anh đã khắc ngay lên một tảng đá gần đó dòng chữ: “HÔM NAY, NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA TÔI ĐÃ CỨU SỐNG TÔI”.

Người bạn kia thấy vậy liền hỏi: “Tại sao khi tôi tát cậu, cậu lại viết chữ lên trên cát còn bây giờ cậu lại khắc chữ lên một tảng đá?”.

Và câu trả lời anh ta nhận được là: Khi ai đó làm chúng ta đau đớn thì chúng ta nên viết điều đó lên trên cát, nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan đi những nỗi trách hờn. Còn khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc điều ấy lên đá, nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.

Nghị luận: Mỗi chúng ta hãy học cách viết những đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa trên đá

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.