Hình ảnh cánh chim trong thi ca

hinh-anh-canh-chim-trong-thi-ca

Hình ảnh cánh chim trong thi ca.

Đi giữa miền thơ, ta đã quen lắm với cảnh tượng ở một khung trời miên viễn nào đó, chợt xuất hiện cánh chim lẻ loi bay về trời xa. Ngàn đời vẫn vậy xui khiến con người nhớ tới cảnh ngộ cô đơn của mình, từ đó thấm thía về sự xa xăm, phiêu bạt của đời người.

“Lạc hà dữ cô lộ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”

(Vương Bột)

Dịch thơ:

(Cánh cò bay với nắng chiều
Trời xa cùng với hồ thu một màu).

Quả là cảm cái nỗi cô đơn bất tận của đời người nổi trôi. Người xưa thường đặt hình ảnh cánh chim trong tương quan với bầu trời, đám mây, ngọn gió. Đặt trong tương quan với bầu trời để cảm hết được cái rộng dài hun hút của không gian, trong tương quan với đám mây để gợi cảm giác chia ly, và phải đặt trong quan hệ với ngọn gió, áng mây mới thấy hết được cái khó khăn, vất vả của cánh chim đang đập cách vội. Hồ Chí Minh cũng đã một làn nhìn thấy điều đó:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng

Dịch thơ:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây lơ lửng giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng.

(Chiều tối – Hồ Chí Minh)

Cánh chim lẻ loi bay về tìm chốn ngủ tuy thanh bình nhưng gợi lên trong ta cái cảm giác buồn bã một chiều trên núi cao. Tuy có nơi đi chốn về nhưng phận chim lạc lỏng, nhỏ bé giữa muôn trùng núi non. Bóng chim chập chờn rồi mất hút giữa tàn cây trong nắng chiều buông xuống, nhìn thấy cảnh ấy ly khách sao khỏi nhớ nhà. Cảnh thấm vào tình, tình hòa trong cảnh đượm buồn tha thiết.

Thế nhưng cũng là cánh chim ấy bên rừng cây nhưng Liễu Trung Nguyên lại thấy một cảm giác lạc loài đến đáng sợ:

Nghìn non chim hết vẫy vùng
Vắng tanh muôn nẻo tuyệt không dấu người
Áo tơi nón lá ông chài
Con thuyền giữa tuyết ngồi hoài buông câu

(Giang tuyết, Liễu Tông Nguyên)

Giữa muôn trùng núi thăm, cánh chim mệt mỏi tuyệt đường bay, không thể tìm thấy một nơi trú ngụ và mất hút giữa bao la đất trời. Cảnh vật tiêu điều gợi cho cảm giác bất an khi bóng chiều dần xuống mà đường về còn qua xa xôi cách trở. Đó cũng là cái quẫn trí của người lữ khách đường đời vạn khổ.

Cánh chim còn là xứ giả đưa thư kết nối bao mối tình nồng thắm, là biểu tượng của niềm tin, của tiếng lòng thấp thỏm mong chờ. Và khi mối tình tan vỡ, cánh nhạn lại là kẻ đưa tiễn tình đi:

Nhưng tội nghiệp, trên trời đôi nhạn lạc,
Cứ yêu nhau đừng tưởng đến ngày mai.
Dẫu có lúc em mơ vui thú khác,
Anh cũng mừng đã được em yêu rồi.

(Lòng anh – Hàn Mặc Tử)

Trong bài Buồn thu, hàn Mặc Tử cũng có viết:

Ấp úng không ra được nửa lời,
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt.
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi…

Ấp ứng chưa kịp gửi lời thì cánh nhạn đã vút bay về phương trời miên viễn. Trời thu nhuốm màu bi thương, ai oán cho mối tình tuyệt vọng. Cánh chim ở đây là kẻ đưa tin, kết nối những phương trời. Chim bay khắp nẻo đường trời, chính là phương tiện cho những kẻ yêu nhau gửi gắm tâm tình. Biết là ảo vọng thôi nhưng cũng với bớt sầu thương, tủi nhớ.

Dường như, hình ảnh cánh chim nhạn gắn với mùa thu ly biệt. Có lẽ nó thường xuất hiện khi mùa thu đến với bóng dáng nhỏ nhoi, tiếng kêu thê thiết. Thi sĩ Quách Tấn từng một lần nghe thấy:

“Dìu dặt tiếng ve còn vẳng đấy.
Vội vàng cánh nhạn rủ về đâu?”

(Cảm thu – Quách Tấn)

Mùa thu sang lấn át mùa hè. Tiếng ve như gắng gượng ca bài ca cuối trước khi im bặt trong đất nhường bầu trời cho mùa thu đang sang. Cánh nhạn cũng vội vã bay về phía trời Nam trú ngụ. Mùa thu lặng lẽ sang âm thầm mà mãnh liệt vô cùng. Trong bài “Sang thu”, Hữu Thỉnh cũng nhìn thấy:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”

(Sang thu – Hữu Thỉnh)

Con sông dềnh dàng không chảy như còn lưu luyến lắm với mùa hạ nhưng cánh chim dã vội vã lên đường về nam như sợ không kịp cho chuyến hành trình vạn lí tìm về nơi ấm. Đám mây mùa hạ trên trời cao chơi trò nghịch ngợm, vắt nửa mình sang hai mùa tạo nên bức tranh ngày trời tuyệt đẹp. Cái đẹp của sự xung đột dữ dội. Có lẽ ngoài rừng phong, hoa cúc thì cánh chim trời vội vã là một trong những dấu hiệu điển hình của mùa thu trong thi ca. Cả cổ thi hay thi ca hiện đại đều quý trọng hình ảnh này và sử dụng nó một cách đầy hình tượng có giá trị biểu cảm cao.

Hình ảnh bóng hoàng hôn trong thi ca

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hình ảnh dòng sông trong thi ca - Theki.vn
  2. Hình ảnh bóng hoàng hôn trong thi ca - Theki.vn
  3. Hình ảnh con đò trong thi ca - Theki.vn
  4. Phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.