Hình ảnh con người nghệ sĩ tài hoa trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

hinh-anh-con-nguoi-nghe-si-tai-hoa-trong-chu-nguoi-tu-tu

Hình ảnh con người nghệ sĩ tài hoa trong “Chữ người tử tù”của Nguyễn Tuân

  • Mở bài:

Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa” (Nguyễn Minh Châu). Cả cuộc đời ông là hành trình tìm kiếm, phát hiện và ngợi ca cái đẹp. Ông thích những cái gì nó lớn lao, kì vĩ, vượt quá sức tưởng tượng của con người. Hình ảnh “người nghệ sĩ tài hoa” trong “Chữ người tử tù” là một minh chứng sinh động cho ngòi bút điêu luyện của Nguyễn Tuân. Dù trước hay sau cách mạng, ta vẫn thấy rằng, bút pháp lãng mạng trong việc khắc họa con người nghệ sĩ tài hoa trong văn Nguyễn Tuân không có gì thay đổi.

  • Thân bài:

Nhân vật Huấn Cao, viên quản ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù là những nhân vật lãng mạn. Với những nhân vật này, tác giả đưa người đọc trở về với một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng. Để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, Nguyễn Tuân đã đặt các nhân vật vào một tình huống truyện độc đáo: cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao với quản ngục và thơ lại. Đó là cuộc gặp gỡ của tử tù với quan coi ngục, nhưng cũng là cuộc hội ngộ của những kẻ “liên tài tri kỉ”.

Huấn Cao tỏ thái độ hiên ngang, bất khuất khi tin tưởng viên quản ngục chỉ là viên quản ngục (tàn bạo, độc ác, ỷ thế, cậy quyền). Nhưng khi biết quản ngục chỉ là áo khoác phủ ngoài của một tâm hồn đẹp thì ông liền đổi hẳn thái độ. Cũng nhờ tình huống ấy mà viên quản ngục mới càng tỏ rõ là một tâm hồn biết trọng cái tài, cái đẹp, cái “thiên lương”, bất chấp luật pháp và trách nhiệm quản ngục, hết lòng biệt đãi Huấn Cao dù lúc đầu bị ông ta khinh bỉ.

Tình huống truyện có một không hai ấy có tác dụng bộc lộ rõ tính cách của mỗi nhân vật mỗi lúc thêm đầy đủ, rõ nét và trọn vẹn hơn. Từ tình huống truyện này mà Huấn Cao đã hiểu thêm về viên quản ngục. cũng từ đó, quản ngục đã trút bỏ con người bên ngoài, con người công cụ để trở về với con người thật của mình.

Hình tượng nhân vật Huấn Cao được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn tuyệt đỉnh. Ông là một người anh hùng thất thế, vốn là thũ lĩnh những người “phản nghịch” đứng lên chống lại triều đình, nay bị kết án tử, giam cầm và chờ ngày ra pháp trường xử lý. Huấn Cao là người tử tù sắp đi vào cõi chết. Trong “Chữ người tử tù”, nhân Vật Huấn Cao được miêu tả là một nghệ sĩ tài hoa xuất chúng. Nét tài hoa này trước hết là tài viết chữ đẹp. Đó là tài viết chữ Hán – thứ chữ tượng hình – đã được người xưa nâng lên tầm nghệ thuật thư pháp.

Tài viết chữ đẹp của Huấn Cao không được thể hiện qua việc miêu tả trực tiếp của tác giả mà thông qua sự nhận xét, đánh giá và thái độ của một nhân vật khác trong truyện là viên quản ngục: “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm…Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đờì”. Viên quản ngục sẵn sàng chịu nhục, bất chấp nguy hiểm để đạt được mong ước bấy lâu là “có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do chính tay ông Huấn cao viết”. Điều đó có nghĩa là nhân vật này đã đặt chữ ông Huấn cao hơn cả danh dự và tính mạng của mình.

Đây là sáng tạo độc đáo của Nguyễn Tuân. Một mặt nó làm cho nhân vật hiện lên khách quan, tránh được mọi sự gò ép, áp đặt. Mặt khác nó cũng có tác dụng như một chiếc đòn bẩy, tôn cái tài, cái đẹp, cùng những phẩm chất đáng quý của Huấn Cao lên nhiều lần. Và như vậy người đọc có cảm giác tại năng của nhân vật Huấn Cao đã đạt đến độ siêu phàm, hiếm có, sống mãi trong sự tôn thờ, ngưỡng mộ của người đời. Điều này cũng phù hợp với quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân.

Chữ của Huấn Cao đẹp đến như vậy thì nhân cách của Huấn Cao cũng thật đáng ca ngợi. Ông là con người tài, tâm vẹn toàn. Huấn Cao có cốt cách ngạo nghễ, phi thường của một bậc trượng phu. Ông đã dám chống lại triều đình mà ông căm ghét để giờ đây khép vào tội “đại nghịch”, chịu án tử hình. Huấn Cao lại là người có tấm lòng nhân ái bao la. Ông Huấn thương cho nhân dân vô tội nghèo khổ, lầm than bị áp bức bóc lột bởi giai cấp thống trị tàn bạo thối nát. Ông Huấn rất căm ghét bọn thống trị và thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân “thấp cổ bé họng”.

Nếu như Huấn Cao phục tùng bọn phong kiến kia thì ông sẽ được hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng không, ông Huấn đã lựa chọn con đường khác: con đường đấu tranh chống lại triều đình mục nát, giành quyền sống cho người dân vô tội. Cuộc đấu tranh không thành công, ông bị bọn chúng bắt. Giờ đây phải sống trong cảnh ngục tối chờ ngày xử chém. Trước khi bị bắt vào ngục, viên quản ngục đã nghe tiếng đồn Huấn Cao rất giỏi võ, ông có tài “bẻ khóa, vượt ngục” chứng tỏ Huấn Cao là một người văn võ toàn tài, quả là một con người hiếm có.

Trong những ngày chờ thi hành án, mặc dù “sa cơ lỡ vận” nhưng Huấn Cao vẫn giữ được khí phách hiên ngang, kiên cường. Tuy bị giam cầm về thể xác nhưng ông Huấn vẫn hoàn toàn tự do bằng hành động “lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái” và lãnh đạm, không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải. Dưới mắt ông, bọn kia chỉ là “một lũ tiểu nhân thị oai”. Cho nên, mặc dù chịu sự giam giữ của bọn chúng nhưng ông vẫn tỏ ra “khinh bạc”. Ông đứng đầu gông, ông vẫn mang hình dáng của một vị chủ soái, một vị lãnh đạo.

Người anh hùng ấy dù cho thất thế nhưng vẫn giữ được thế lực, uy quyền của mình. Thật đáng khâm phục. Mặc dù ở trong tù, ông vẫn “thản nhiên nhận rượu, thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình”. Huấn Cao hoàn toàn tự do về tinh thần. Khi viên cai ngục hỏi Huấn Cao cần gì thì ông trả lời: “Ngươi hỏi ta cần gì à? Ta chỉ muốn một điều là nhà ngươi đừng bước chân vào đây”.

Cách trả lời ngang tàng, ngạo mạn đầy trịch thượng như vậy là bởi vì Huấn Cao vốn hiên ngang, kiên cường; “đến cái chết chém cũng còn chẳng sợ …”. Ông không thèm đếm xỉa đến sự trả thù của kẻ đã bị mình xúc phạm. Huấn Cao rất có ý thức được vị trí của mình trong xã hội. Ông biết đặt vị trí của mình lên trên những loại dơ bẩn “cặn bã” của xã hội. “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Thiên lương của Huấn Cao cũng thật trong sáng, cao đẹp. “Tính ông vốn khoảnh, không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình cho chữ bao giờ”, vì ông không sợ quyền uy, không ham vàng ngọc. Theo ông, chỉ có “thiên lương”, bản chất tốt đẹp của con người mới là đáng quý. Do vậy khi biết được nỗi lòng của viên quản ngục, Huấn Cao không những vui vẻ nhận lời cho chữ mà còn thốt rằng: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Hành động cho chữ viên quản ngục chứng tỏ Huấn Cao là một con người biết quý trọng cái tài, cái đẹp, biết nâng những kẻ tầm thường lên ngang hàng với mình.

Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ của nhân vật Huấn cao được thể hiện rõ nét trong cảnh Huấn Cao cho chữ. Đó quả là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Người cho chữ là tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang “đậm tô từng nét chữ trên vuông lụa bạch trắng tinh” với tư thế ung dung tự tại. Huấn Cao đang dồn hết tài năng, tinh hoa vào từng nét chữ. Đó là những nét chữ cuối cùng của con người tài hoa ấy.

Những nét chữ chứa chan tấm lòng của Huấn Cao và thấm đẫm nước mắt thương cảm của người đọc. Viết chữ rất đẹp nhưng cả đời Huấn Cao mới chỉ viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân rồi phải vội vã ra đi, để lại biết bao tiếc nuối cho người đọc. Qua đó, Nguyễn Tuân cũng gián tiếp lên án xã hội đương thời đã vùi dập tài hoa con người. Và người tù kia bỗng trở nên có quyền uy trước những người đang chịu trách nhiệm giam giữ mình.

Ông Huấn đã khuyên viên quản ngục như một người cha khuyên bảo con: “Tôi bảo thực thầy quản nên về quê ở đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững rồi cũng có ngày nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Vì theo Huấn Cao, cái đẹp không thể nào ở chung với cái xấu được. Con người chỉ thưởng thức được cái đẹp khi có bản chất trong sáng, nhân cách cao thượng mà thôi. Những nét chữ cuối cùng đã cho rồi, những lời nói cuối cùng đã nói rồi.

Huấn Cao, người anh hùng, con người nghệ sĩ tài hoa kia dù đã ra đi mãi mãi nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã thấy, đã nghe, đã từng được thưởng thức nét chữ của ông. Sống trên cõi đời này, Huấn Cao đã đứng lên đấu tranh vì lẽ phải, đã xóa tan bóng tối hắc ám của cái ác, cái xấu. Chính vì vậy, hình tượng Huấn Cao đã trở nên bất tử. Huấn Cao sẽ không chết mà bước sang một cõi khác để mang ánh sáng của cái đẹp xua tan bóng tối nơi đó, đem lại hạnh phúc cho mọi người ở mọi nơi.

Ở Huấn Cao ánh lên vẻ đẹp của cái “tài” và cái “tâm”. Trong cái “tài” có cái “tâm”. Và cái “tâm” ở đây chính là nhân cách cao thượng, sáng ngời của một con người tài hoa. Cái đẹp luôn song song “tâm” và “tài” thì cái đẹp đó mới trở nên có ý nghĩa thực sự. Xây dựng hình tượng Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã thành công trong việc xây dựng nên chân dung nghệ thuật điển hình lí tưởng về thẩm mĩ trong văn học. Dù cho Huấn Cao đã đi đến cõi nào chăng nữa thì ông vẫn sẽ mãi trong lòng người đọc thế hệ hôm nay và mai sau.

Bên cạnh nhân vật huấn Cao, Nhân vật viên quản ngục tuy là một nhân vật phụ nhưng cũng được nhà văn khắc họa đẹp đẽ. Viên quản ngục không có cái tài hoa của một nghệ sĩ nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ đó là yêu cái đẹp và trân trọng người tài.

Hai chữ quản ngục đã phần nào gợi lên đầy đủ nghề nghiệp về nhân vật đó là cai tù, nghề đại diện cho quyền lực phong kiến, đối lập với những con người tài hoa, khí phách như Huấn Cao, đối lập với cái đẹp. Nghề nghiệp ấy cũng gợi lên một môi trường của gông cùm, xiềng xích, tội ác. Nhân vật ấy hằng ngày phải chứng kiến bao điều tàn nhẫn, lọc lừa, ăn đời ở kiếp với bọn tiểu nhân… Cảnh sống ấy dễ làm cho con người bị chai sạn, dễ bị đẩy vào bùn nhơ của tội lỗi. Nhưng quản ngục vẫn giữ được vẻ đẹp nhân cách đáng quí.

Cách ví von của Nguyễn Tuân “Đó là một thanh âm trong trẻo chen giữa vào bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”, là “cái cao khiết giữa một đống cặn bã…” thể hiện sự nhìn nhận, khám phá, đề cao con người mang vẻ đẹp thiên lương nghệ sĩ. Để làm nổi bật thanh âm trong trẻo, cái cao khiết của viên quản ngục, nhà văn Nguyễn Tuân đã đi vào thể hiện nhân vật quan ngục là con người bị ném vào môi trường cặn bã nhưng vẫn giữ được thiên lương. Điều đó bộc lộ qua thái độ và cách ứng xử của viên quản ngục đối với sáu người tử tù đặc biệt là đối với Huấn Cao.

Khi nhận được phiến trát, quản ngục hỏi thầy thơ lại: “Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh rất đẹp đó không?” Câu hỏi là sự thăm dò kín đáo, thận trọng nhưng cũng chính là bộc lộ sự ngưỡng mộ, khâm phục, kính nể của quản ngục đối với tài hoa, danh tiếng và khí phách của Huấn Cao.

Khi biết mình nắm trong tay sinh mệnh của Huấn Cao, quản ngục đã phải trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng. Ông ngồi đó với khuôn mặt tư lự và suy nghĩ. Quản ngục hiểu rằng, ông là người hành pháp phải làm việc theo bổn phận và chức trách mà chính quyền giao cho. Ông băn khoăn, trăn trở không biết phải đối xử với Huấn Cao như thế nào. Bởi đó là một con người mà từ lâu quản ngục đã mến mộ. Nguyễn Tuân đã dành những trang văn trang trọng, nên thơ miêu tả khung cảnh đêm tối khi quản ngục suy ngẫm: “Tiếng trống thành phủ gần đấy đã bắt đầu thu không…nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”.

Vẻ đẹp nhân cách viên quản ngục được Nguyễn Tuân tô đậm khi nhà văn miêu tả thái độ khác thường của quản ngục lúc tiếp đón sáu người tử tù. Quản ngục đã nhìn Huấn Cao và các bạn tù của ông bằng cặp mắt hiền lành và lòng kiêng nể. Cái nhìn ấy, tấm lòng ấy đã ẩn chứa một thái “độ biệt nhỡn liên tài”. Chính thái độ kiêng nể của quản ngục đã làm cho bọn lính lấy làm lạ, nhắc quản ngục: “Xin thầy để tâm cho…”. Quản ngục đã trả lời với bọn lính: “ Ta biết rồi, việc quan ta đã có phép nước. Các chú chớ nhiều lời”.

Như vậy, Nguyễn Tuân đã khai thác yếu tố tương phản, đối lập giữa một bên là bọn lính áp giải hung hăng, với một bên là ánh mắt hiền lành của viên quản ngục để làm nổi bật về viên quản ngục: quản ngục tuy là đai diện cho quyền lực phong kiến nhưng ông không phải là hung đồ với bàn tay vấy máu. Ngược lại sống giữa bùn nhơ nhưng ông không bị hoen ố, không bị vấy bẩn mà thực sự là cái cao khiết giữa một đống cặn bã.

Xây dựng nhân vật viên quản ngục, nhà văn không chỉ thể hiện vẻ đẹp nhân cách mà còn khám phá và thể hiện vẻ đẹp của một con người có tâm hồn của một người nghệ sĩ. Theo cách giới thiệu của nhà văn, viên quản ngục là một nhà nho, biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền và có một khát vọng cháy lòng là xin được con chữ Huấn Cao, coi đó là vật báu. Nghĩa là đằng sau cái con người công cụ của bộ máy trấn áp quyền lực phong kiến, nhân vật viên quản ngục còn là một con người có tâm hồn nghệ sĩ, trân trọng cái đẹp, khao khát thưởng thức cái đẹp.

Từ khi Huấn Cao trở thành người tù nơi trại giam của mình, viên quản ngục khổ tâm nhất đó là có được Huấn Cao ở trong tay mà không biết làm thế nào để tiếp cận được Huấn Cao.Quản ngục luôn tư lự, đăm chiêu, nghĩ ngợi tìm cách xin chữ Huấn Cao cho bằng được. Vì chữ Huấn Cao là báu vật trên đời, nếu không xin được thì quản ngục sẽ ân hận suốt đời.

Miêu tả chân dung quản ngục lúc này giọng văn Nguyễn Tuân trở nên chậm rãi, trang trọng: Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ.” Một hôm quản ngục mở khóa cửa buồng kín, tỏ ý biệt đãi Huấn Cao và bị Huấn Cao thể hiện thái độ khinh bạc nhưng quản ngục không hề trả thù. Ngược lại ông còn “Xin lĩnh ý” rất từ tốn và khiêm nhường. Có lẽ, ông đã tự ý thức được khoảng cách xa vời giữa người tử tù Huấn Cao với mình và ông hiểu được để có cái đẹp phải tự nguyện chứ không phải là cưỡng bức bằng những mánh khoé tầm thường.

Cảnh cho chữ là nơi kết đọng vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ của quản ngục. Khi Huấn Cao viết xong một chữ “viên quản ngục lại vội khúm núm”. Sự khúm núm ấy không phải là nỗi sợ sệt tầm thường mà là cảm kích tột cùng trước một nhân cách lớn, tài năng lớn. Khi nghe những lời khuyên chân thành của Huấn Cao, quản ngục đã cảm động “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Đây không phải là cái cúi đầu đớn hèn, nhục nhã mà cái cúi đầu này khiến quản ngục trở nên lớn lao, cao cả. Bởi cúi đầu trước cái đẹp thì đó cũng là hành động đẹp của một con người có nhân cách cao đẹp.

Phải chăng cái cúi đầu ấy như cái cúi đầu của Cao Bá Quát thuở nào: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Bên cạnh cái cúi lạy cao cả đó là giọt nước mắt của tâm hồn nghệ sĩ biết yêu, biết trân trọng đến xót xa ngậm ngùi, nuối tiếc cho cái đẹp. Thái độ nhã nhặn và tinh thần phục dịch tận tụy Huấn Cao của viên quản ngục là biểu hiện một thái độ tôn trọng, thành kính trước một nhân cách đẹp. Luôn hướng về cái đẹp, chăm sóc cái đẹp cũng là hành vi trọng nghĩa, một phẩm chất trong sáng cao quý hiếm có của nhân vật này. Yêu cái đẹp đến mức dám phạm đến phép nước, dám bất chấp nguy hiểm là một tâm hồn đẹp đẽ hiếm thấy. Nhân vật viên quản ngục xứng đáng được nêu gương ,ca ngợi.

Làm nghề quản ngục, môi trường làm việc là nhà tù, đối tượng tiếp xúc hằng ngày là tù nhân, tội phạm, nhưng với sự hoà quyện giữa nhân cách cao đẹp và tâm hồn người nghệ sĩ, nhân vật viên quản ngục có thể được ví như một bông sen vươn dậy từ bùn lầy “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Trong một đời cầm bút đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân luôn cảm kích, ngợi ca những con người tài hoa nghệ sĩ trong bất cứ nghề gì và hình tượng viên quản ngục là một nhân vật như thế.

Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ của nhân vật Huấn Cao và tâm hồn nghệ sĩ của viên quản ngục còn được Nguyễn Tuân thể hiện qua việc sử dụng sức mạnh của nguyên tắc tương phản, đối lập của bút pháp lãng mạn: đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái đẹp, cái cao cả với cái phàm tục, dơ bẩn. Có sự tương phản ở những chi tiết tạo hình được sử dụng để miêu tả không khí của cảnh cho chữ (bóng tối phòng giam, ánh sáng đỏ rực của bó đuốc, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián, tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ…). Có sự đối lập tương phản giữa việc cho chữ (công việc tạo ra cái đẹp nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người) với hoàn cảnh cho chữ (nơi hôi hám, bẩn thỉu, nơi giam cầm, cùm trói tự do). Có sự đối lập ở phong thái của người cho chữ (đường hoàng, đĩnh đạc) với tư thế của kẻ nhận chữ (khúm núm, yếu đuối)…

  • Kết bài:

Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã khắc hoạ thành công hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa xuất chúng, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. Qua đó nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước. Tác phẩm thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo; trong nghệ thuật dựng cảnh khắc hoạ hình ảnh con người nghệ sĩ tài hoa, tạo không khí cổ kính, trang trọng, trong việc sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ giàu tính tạo hình.

5 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hình ảnh con người nghệ sĩ tài hoa trong "Người lái đò sông Đà" - Theki.vn
  2. Trình bày cảm nhận của em về cảnh cho chữ: "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” trong Chữ người tử tù - Theki.vn
  3. Dàn ý: Phân tích cảnh cho chữ trong "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân - Theki.vn
  4. Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân - Theki.vn
  5. Cảm nhận vẻ đẹp tài hoa, khí phách và thiên lương của nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.