Hình ảnh thiên nhiên thay đổi nhẹ nhàng mà rõ rệt trong khoảnh khắc giao mùa và cảm nhận hết sức tinh tế của tác giả Hữu Thỉnh trong bài thơ Sang thu

hinh-anh-thien-nhien-giao-mua-va-cam-nhan-tinh-te-cua-tac-gia

Hình ảnh thiên nhiên thay đổi nhẹ nhàng mà rõ rệt trong khoảnh khắc giao mùa và cảm nhận hết sức tinh tế của tác giả Hữu Thỉnh trong bài thơ Sang thu.

  • Mở bài:

Xưa nay, cảnh sắc mùa thu vốn là thi hứng bất tận của các thi nhân. Với sắc lá vàng phai phủ khắp đất trời, làn sương nhẹ che bóng không gian, thu xưa gợi vẻ u buồn, nhớ thương trong thơ cổ điển. Tiếp nối nguồn thi hứng ấy, Hữu Thỉnh góp vào làng thơ một vẻ thu hoàn toàn mới mẻ, vừa nhẹ nhàng, đằm thắm vừa sôi động và trẻ trung đặc sắc miền đồng bằng Bắc Bộ với bài thơ Sang thu. Cảnh thiên nhiên thay đổi nhẹ nhàng mà rõ rệt trong khoảng khắc giao mùa và cảm nhận của tác giả cũng hết sức tinh tế. Những thay đổi nhẹ nhàng mà rõ rệt trong khoảng khắc giao mùa và cảm nhận hết sức tinh tế của tác giả Hữu Thỉnh.

  • Thân bài:

Bằng những cảm nhận tinh tế với phút rung động rất nghệ sĩ, sự chuyển biến trong cảnh vật được miêu tả rất tài hoa…Mùa thu đến không phải từ lá ngô đồng, từ hoa cúc, hương cốm mà l từ hương ổi ngọt ngào:

Bỗng nhận ra hương ổi
Pha vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.

Nếu trong Đây mùa thu tới, cảm nhận thu sang của Xuân Diệu là rặng liễu thu buồn ven hồ:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

thì Hữu Thỉnh lại cảm nhận về một mùi hương quen thuộc phảng phất trong “gió se”, thứ gió khô và se se lạnh, đặc trưng của mùa thu về ở miền Bắc. Đó là “hương ổi”, mùi hương đặc sản của dân tộc. Mùi hương riêng của mùa thu làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam nhẹ nhàng lan tỏa khắp dường làng ngõ xóm. Hương thơm ấy không ngọt ngào như hoa sữa Hà Nội, cũng không nhạt nhòa dễ quên mà nó thơm dịu, thanh ngọt và nhẹ nhàng.

Hương ổi gắn liền với bao kỉ niệm của thời thơ ấu. Đó là mùi vị của quê hương đã thấm đẫm trong tâm tưởng nhà thơ. Và cứ mỗi độ thu về thì nó lại trở thành tác nhân gợi nhớ. Chính Hữu Thỉnh đã tâm sự rằng: “Giữa trởi đất mênh mang, giữa cái khoảnh khắc giao mùa kì lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi… Hương ổi tự nó xốc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ…”.

Mùi hương ấy không hòa vào quyện vào mà “phả” vào trong gió. “Phả” nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra từng luồng. Hữu Thỉnh đã không tả mà chỉ gợi, đem đến cho người đọc một sự liên tưởng thú vị. Tại vườn tược quê nhà, những quả ổi chín vàng trên các cành cây kẽ lá tỏa ra hương thơm nức, thoang thoảng hương đưa trong gió. Chỉ một chữ “phả” thôi cũng đủ gợi hương thơm như sánh lại. Sánh lại bởi hương đậm một phần, sánh bởi tại gió se. Cơn gió như mùa hạ cũng không lạnh lẽo như gió mùa đông mà chỉ lành lạnh, se sắt làn da. Đất trời mới chỉ đang dần bước qua ngưỡng cửa của mùa hạ để nhẹ nhàng chuyển mình vào thu: “Sương chùng chình qua ngõ”.

Sương đang đợi ai mà dung dằng. Nó như cố ý chậm lại, cố níu kéo một cái gì đó .Hay sương cố tình chùng chình để cho mùa hè làm nốt cuộc chia tay với đất trời? Biện pháp nghệ thuật nhân hóa làm sương chở nên có hồn, tinh tế hơn, nhạy cảm hơn và giàu sức gợi. Cảm nhận được những điều này, Hữu Thỉnh bất ngờ thốt lên: “Hình như thu đã về.”

“Hình như” như có mà như không, vừa mơ hồ vừa rõ rệt. Một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng không thật rõ ràng. Đúng là một trạng thái cảm xúc của thời điểm chuyển giao. Thu đến nhẹ nhàng quá, mơ hồ quá. Đằng sau không gian làng quê sang thu ấy ta cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm của một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thiết tha. Bởi tất cả chỉ đang trong dây phút chuyển mình. Hương ổi chỉ mới thanh dịu. Gió bắt đầu nhuốm chút hanh hao. Sương còn đang chùng chình, dùng dằng… Trong khổ thơ thứ hai, không gian miêu tả rộng lớn hơn, khái quát hơn:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã

Con sông sau mùa lũ bây giờ như lắng lại, hiền hòa và tĩnh lặng hơn. Miêu tả về con sông, có lần Hữu Thỉnh đã từng viết: “Sông gầy, đê choãi chân ra”. Hữu Thỉnh cảm nhận dòng sông đang nhẹ nhàng lắng xuống để nghỉ ngơi sau một mùa lũ mỏi mệt. Nếu như con sông còn đang dần dàng thì những cánh chim lại bắt đầu vội vã: “Chim bắt đầu vội vã”

Những chú chim bay về phương Nam tránh rét. Nhưng Hữu Thỉnh lại tinh tế ở chỗ này. Chim bắt đầu vội vã chứ không phải là đang vội vã. Cảm nhận được sự thay đổi trong từng cách chim thì quả là tinh tế biết bao! Hai hình ảnh trên tưởng chừng như thuộc hai thái đối lập trong từng cánh chim thì quả là tinh ý. Hai hình ảnh trên tưởng chừng như thuộc hai thái cực đối lập. Dềnh dàng vội vã nhưng chúng lại cùng hướng với sự chuyển mình của đất trời vào thu. Rời khỏi mặt đất, hướng nhìn lên bầu trời, vũ trụ đang diễn ra cuộc phân li dữ dội:

Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang  thu.

Đám mây mỏng hơn, bồng bềnh hơn. Trong đám mây còn vương lại những dấu hiệu cuối cùng của mùa hè nhưng cũng đã mang sắc thái của mùa thu. Đám mây mỏng manh như chiếc khan của người thiếu nữ duyên dáng “vắt nửa mình sang thu”. Cái “vắt nửa mình kia sao mà thi vị”. Hữu Thỉnh thật tinh tế ở cách cảm nhận. Đám mây kia đang ở ranh giới giữa mùa hạ và mùa thu. Phải tài hoa đến đâu mới nghĩ cách “vắt nửa mình sang thu” thật ra mới lạ độc đáo và duyên dáng.

Nguyễn khuyến trong bài Thu điếu cũng đã một lần trong thấy bầu trời thu ấy:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Huy Cận cũng đã từng thảng thốt khi nhận ra cuộc chuyển luân vĩ đại của vũ trụ:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.

Xuân Quỳnh cũng đã có lần tự thán trước mùa thu:

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá.

Những dấu hiệu của mùa hạ vẫn còn vương lại sự thay đổi trong cảnh vật cũng bắt đầu rõ rệt hơn:

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa

Nắng vẫn đang tràn trề khắp không gian. Những cơn mưa của mùa hạ dần vơi, thưa thớt hơn, không còn ồn ào và xối xả nữa. Cách nói “bao nhiêu nắng”, “vơi dần cơn mưa” thật hay. Nó thể hiện được sự tinh tế trong tâm hồn Hữu Thỉnh:

Hơn một loài hoa đã rung cảnh

(Xuân Diệu – Đây mùa thu tới)

Nhưng nó lại độc đáo và mới lạ. Cũng giống như nắng và mưa, sấm giờ đây cũng chỉ là những âm thanh ì ầm loang ra khắp bầu trời:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

Sấm cũng nhẹ hẳn đi, đã mang sắc thái của mùa thu. Nó không còn nổ vang trời như trong những cơn mưa mùa hạ mà nhẹ dần rồi vắng hẳn. Sự chuyển biến nhẹ nhàng của cảnh vật, đất trời cũng trở nên rõ ràng. Cái triết lí ngầm ẩn cũng trở nên sâu sắc.

Cuối hạ – đầu thu, khi đã vơi đi những cơn mưa xối xả thì sấm cũng bớt bất ngờ và dữ dội. Nó không còn đột ngột, đùng đoàng rền vang cùng với những tia sáng chớp lòe như xé rách bầu trời trong những trận mưa báo tháng 6 tháng 7 nữa. “Hàng cây đứng tuổi” phải chẳng là hàng cây đã đi qua bao cuộc chuyển mùa. Không biết chính xác là bao nhiêu nhưng chắc cũng đủ trải nghiệm để có thể điềm nhiên đứng trước những biến động.

Cảnh vật, thời tiết thay đổi. Tất cả vẫn còn nhiều dấu hiệu của mùa hè nhưng giảm dần mức độ, cường độ. Để rồi tất cả lặng lẽ vào thu qua con mắt quan sát và cảm nhận tinh tế của tác giả.

Giọng thơ trầm hẳn xuống. Câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ, chiêm nghiệm về đời người. Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã “đứng tuổi”. Phải chăng, mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chín chắn…trước những chấn động của cuộc đời?

Họ không còn bất ngờ trước những thay đổi của cuộc sống. Họ đã trở nên vững vàng hơn, chính chắn hơn và bình thản hơn. Triết lí của đời nhẹ nhàng và đi vào lòng người vầ để lại bao cảm xúc trong lòng tác giả, hương ổi sang thu, sương, sông, mây, nắng… Và cuối cùng là lòng người tất cả đều sang thu. Như vậy bài thơ đã chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt trong những thời điểm cuối hạ, đầu thu. Qua đây ta cũng thấy được những cảm nhận tinh tế của hồn Hữu Thỉnh.

  • Kết bài:

Với một đề tài đã quá quen thuộc như mùa thu, phải làm sao để vượt qua những lối mòn xưa cũ để tạo nên những điều mới mẻ và không hề dễ dàng. Nhưng Hữu Thỉnh đã làm được. Hơn nữa còn xuất sắc. Bài thơ đã khép lại những dư âm vẫn còn vang vọng trong lòng hay độc giả. Đó là sự nhẹ nhàng trong phút chuyển mình của cảnh vật hay cảm nhận tinh tế của nhà thơ.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích ý nghĩa bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.