Hình ảnh thiên nhiên trong một số tác phẩm văn học trung đại.

hinh-anh-thien-nhien-trong-van-hoc-trung-dai

Hình ảnh thiên nhiên trong một số tác phẩm văn học trung đại.

Quan niệm về thiên nhiên trong văn học trung đại.

Thiên nhiên có địa vị danh dự trong văn học trung đại. Trong sáng tác của các thi nhân giai đoạn này, hình như không thể vắng bóng thiên nhiên. Thiên nhiên biểu hiện cảm quan vũ trụ, mỹ cảm và tư tưởng, triết lý phương Đông của các nhà Nho: con người hòa đồng với vạn vật, tạo vật và con người tương sinh trong thế giới này và làm nên diện mạo, linh hồn của các tác phẩm văn chương. Bước vào vũ trụ văn chương trung đại, người đọc như được sống giữa thế giới tạo vật thiên nhiên non nước hữu tình vừa trong trẻo, trầm lắng vừa hoành tráng, kì vĩ đến lạ thường.

Đối với người xưa, thiên nhiên có một giá trị riêng biệt gắn liền với cảm thức của con người. Trước hết, đời sống lệ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp đã tạo nên một sự gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Mặt khác, chủ trương vô vi, sống hoà vào thiên nhiên của Lão Trang đã gieo vào tâm thức người trung đại một ý thức rất coi trọng không gian thiên nhiên. Thiên nhiên vừa rất huyền bí lại vừa rất gần gũi với con người. Do vậy, điều dễ thấy nhất trong thơ ca trung đại là sự xuất hiện rất thường xuyên của không gian vũ trụ, không gian thiên nhiên. Hầu như trong tác phẩm của các nhà thơ lớn, thiên nhiên và không gian bao la khoáng đạt của nó có một vị trí hết sức quan trọng.

Từ tư tưởng và quan niệm trên, văn chương trung đại đã miêu tả thiên nhiên theo một bút pháp đặc biệt: không tả hình xác của tạo vật mà gợi tả linh hồn của thiên nhiên. Thiên nhiên trở thành ý niệm tượng trưng, dấu hiệu tượng trưng, chứa đựng những cảm giác, cái không thấy của con người. Thiên nhiên là nơi gởi gắm những tư tưởng, tình cảm hay triết lý của con người.

Thiên nhiên trong thi ca là một không gian phức hợp giữa không gian thực và cảm của nghệ thuật của người nghệ sĩ. Thế nhưng, vạn vật dưới con mắt thi nhân dường như vẫn còn giữ nguyên cái vẻ trinh nguyên, non tươi.

Một bậc đại nhân, đại trí, đại dung như Nguyễn Trãi không chỉ nhìn thấy cái bao la của không gian mà còn nhận ra được sự tồn tại của không gian ấy trong cái rất ư nhỏ bé, bình thường:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.

Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”.

(Trích Bài ca Côn Sơn – Nguyễn Trãi)

Tuy xa lánh bụi trần nhưng Nguyễn Trãi không hoàn toàn là một ẩn sĩ chỉ biết “say mùi đạo, trà ba chén, rửa lòng phiền, thơ bốn câu”. Mặc dù lúc về ở ẩn núi Côn Sơn,  “Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn, Khách tục không ai bén mảng gần” nhưng ông vẫn yêu đời tha thiết, vẫn lắng nghe tiếng vọng của cuộc đời và lo lắng cho vận mệnh của dân tộc. Như một bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, phẩm chất trong sáng của Nguyễn Trãi luôn ngời lên như một viên ngọc quý.

Với hình ảnh nhân vật “ta” giữa cảnh tượng Côn Sơn nên thơ, hấp dẫn, đoạn thơ cho thấy sự giao hòa trọn vẹn giữa con người và thiên nhiên bắt nguồn từ nhân cách thanh cao, tâm hồn thi sĩ của chính Nguyễn Trãi. Cái lớn lao có thể tồn tại trong cái nhỏ bé, cái vô hạn có thể hiện diện trong cái hữu hạn, ấy chính là lẽ diệu kỳ của vạn vật.

Ở giai đoạn thượng kỳ trung đại, không gian nghệ thuật trong các bài thơ bộc lộ chí hướng là một không gian vũ trụ khoáng đạt, rộng lớn và hoành tráng, mà trong đó, con người dù nhỏ bé song vẫn cố gắng vươn lên ngang tầm và có khát vọng làm chủ trời đất, vũ trụ, chinh phục thiên nhiên.

Không gian thiên nhiên là một nơi ẩn mình lý tưởng của nhiều bậc trí thức thời trung đại. Chốn quan trường lao xao, nhiều tranh chấp, không thích hợp cho những bậc quân tử nên họ thường tìm về thiên nhiên, chọn cách xê dịch khắp núi sông, du sơn ngoạn thủy để giữ tinh thần luôn được thanh tịnh. Không gian thiên nhiên lúc này không mang cái vẻ bao la, huyền bí nữa mà nó đã trở thành người bạn thân thiết, tri âm tri kỷ của thi sĩ:

“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này:
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây”

(Xa ngắm thác núi Lư – Lý Bạch)

Bài thơ đã miêu tả một cách sinh động vẻ đẹp nhìn từ xa của tác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư, qua đó, thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm và phần nào bộc lộ tính cách mạnh mẽ, hào phóng của tác giả. Tình cảm của người thi sĩ đối với người bạn thiên nhiên thật ấm áp, chân thật. Và thiên nhiên dường như cũng giao hòa, san sẻ những nỗi buồn vui của con người.

Không gian xuất hiện trong các tác phẩm văn học trung đại thường là không gian tĩnh. Trong không gian ấy, vạn vật dường như ở trạng thái ngưng đọng, vừa có vừa không. Trong “Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra”, Trần Nhân Tông đã khắc hoạ không gian vũ trụ hoà lẫn với không gian sinh hoạt, làm cho bài thơ có một sức sống mới :

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

(Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra – Trần Nhân tông)

Cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu. Thiên nhiên ở đây được cảm nhận và tái hiện một cách tinh vi như muốn khám phá linh hồn ẩn kín, bí mật của tạo vật. Một bức tranh thiên nhiên “tĩnh lặng tối đa”, trong trẻo đến lạ thường. Không gian nên thơ ấy được tái hiện bằng cảm xúc dạt dào, tình cảm lắng sâu của người làm thơ, gieo vào lòng người một tình cảm trong sáng, một cảm giác bay bổng, thoát tục.

Ở đây vẫn ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ. Qua đó giúp chúng ta thấy rằng, tác giả tuy có địa vị tối cao nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương dân dã. Không gian thiên nhiên nổi trội lên với tất cả sức sống của nó, bởi vì khi hoạt động của con người đã lắng lại, thưa đi thì người ta mới cảm nhận được toàn vẹn sự vận động của vũ trụ từ những biểu hiện cụ thể nhất cho đến những hình ảnh tinh tế, lung linh nhất. Đó cũng là biểu hiện của một con người biết gạt bỏ những ưu tư, phiền muộn của đời thường để hoà điệu cùng với sự vận động của thiên nhiên.

Trái với kiểu thiên nhân hòa hợp, trong bài thơ “Qua đèo ngang” của Bà huyện Thanh Quan, không gian xuất hiện luôn là không gian tĩnh lặng, mà con người trong không gian đó thật lạc loài, nhỏ bé. Đó cũng là nghệ thuật đặc trưng trong thơ bà. Không gian ấy luôn được khắc hoạ vào thời điểm buổi chiều, đấy là lúc mà mọi hoạt động của con người dừng lại nhưng cũng là thời điểm không gian sinh hoạt chiếm ưu thế. Thế nhưng mọi hình ảnh xuất hiện trong thơ lại gợi cho người ta một cảm giác cô đơn, buồn man mác một nỗi sầu thiên cổ:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.

Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta”.

(Qua đèo Ngang – Bà huyện Thanh Quan)

Bài thơ cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời, thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà, nỗi buồn thầm lặng, cô đơn của tác giả

Cảnh tượng khoáng đãng nhưng heo hút, con người có xuất hiện, có hoạt động nhưng lặng lẽ, thưa thớt. Cái không gian được nói đến trong bài thơ hãy còn hoang sơ, cô tịch. Tác giả đã rất thành công khi khắc họa hình tượng không gian tĩnh mịch, cô liêu để biểu đạt cảm nhận sâu sắc của mình về sự biến đổi khôn lường của vạn vật.

Với mỗi ý đồ riêng biệt của từng tác giả mà không gian nghệ thuật có một ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa đó gắn liền với cách cảm thụ và quan niệm về thế giới của người trung đại.

Qua những phân tích trên đây, chúng ta có thể nhận thấy trình độ nghệ thuật của ông cha ta rất phong phú, đa dạng, sự trình bày, diễn đạt cũng đi đến độ nhuần nhuyễn, điêu luyện không kém gì chúng ta ngày nay. Nhưng qua lăng kính của các nhà văn, nhà thơ, thiên nhiên không chỉ xinh đẹp lung linh mà còn có thể có nhiều tầng ý nghĩa. Các tác giả không dừng lại ở việc phác họa một bức tranh về thiên nhiên mà còn gửi gắm trong đó một tình yêu, một khát khao, một suy gẫm, một triết lý nhân sinh. Văn học trung đại Việt Nam là một kho báu vô giá, nó còn ẩn chứa rất nhiều điều kì diệu mà chúng ta cần phải học tập và khám phá. Mỗi tác phẩm đều có sức cuốn hút và truyền tải được những thông điệp giàu tính nhân văn. Chiêm ngưỡng những bức tranh thơ, để bồi đắp, hoàn thiện tâm hồn.

Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.