Cảm nhận hình ảnh nhân vật Thúy Kiều qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

hinh-anh-toi-nghiep-dang-thuong-cua-thuy-kieu-tron-doan-ma-giam-sinh-mua-kieu-12127-2

Cảm nhận hình ảnh nhân vật Thúy Kiều qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

  • Mở bài:

Không thể phủ nhận cái tài của Nguyễn Du trước hết chính ở năng lực miêu tả con người cả về hình thức lẫn nội tâm. Bút lực của ông càng xuất thần hơn khi đi vào biểu hiện nội tâm của nhân vật chỉ bằng những nét miêu tả bề ngoài. Hình ảnh tội nghiệp, đáng thương của Thúy Kiều khi phải bán mình cho Mã Giám Sinh hiện lên rõ nét dưới ngòi bút đầy thương cảm xót xa của nhà thơ. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là nỗi đau thấu tận trời xanh, niềm cảm thương vo hạn của nhà thơ đối với người con gái lỡ bước sa chân vào cạm bẫy cuộc đời:

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!

Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.

  • Thân bài:

Chỉ với 6 câu thơ, Nguyễn Du đã miêu tả được hình ảnh xót xa, tội nghiệp của Kiều. Đang từ một tiểu thư thuê các, sống yên vui trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”, lại đang yêu say đắm, một tai họa ập xuống bất ngờ, tàn khốc, nàng phải bán mình cứu cha, cứu gia đình, bị biến thành một món hàng cho người ta mua bán. Là người thông minh, nhạy cảm, Kiều cảm nhận được cảnh ngộ éo le tủi nhục và đau đớn ê chề của mình:

Nỗi mình thêm tức nổi nhà
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng.

“Nỗi mình” là nỗi đau phải bán thân, phải lìa bỏ gia đình, phải lìa bỏ tình yêu với chàng Kim – mối tình tuyệt đẹp hứa hẹn bao hạnh phúc lứa đôi, phải lìa bỏ tuổi thanh xuân mà không biết sẽ bị tung vào cuộc đời mưa gió ra sao.

Lại cộng thêm “nỗi nhà” là nỗi tức cho cha mẹ, em út bị vu oan, đánh đạp không biết sống chết ra sao, tài sản bị cướp phá, nhà cửa tan nát. Câu thơ đã khái quát được nỗi thương tâm của Kiều. Nàng đau đớn tới mức mỗi bước đi là chân như muốn khụy xuống, mấy hàng nước mắt lã chã tuôn rơi: “thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”. Nàng thấm thía nỗi nhục, nỗi thẹn của mình nên “ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt này”. Con người càng ý thức về phẩm giá bản thân thì càng đau đớn, tủi nhục khi nhân phẩm bị vùi dập, xúc phạm. Vừa lo sợ cho tương lai, Kiều vừa thấy mình “dơ dáng dại hình”. Tất cả những nỗi đau ấy khiến Kiều như người mất hồn, trở nên tê dai, thẫn thờ, câm lặng suốt buổi mua bán.

Hình ảnh Kiều thật tiều tụy, hao gầy: “nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”. Kiều giống như cành mai, bông cúc bị sóng gió dập vùi, gầy yếu, xác xơ. Đằng sau dáng vẻ ấy một tâm trạng tê tái, đau đớn, không nói nên lời. Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện rõ ràng qua việc miêu tả vẻ buồn khổ và đau đớn ấy. Tác giả đã tỏ thai độ khinh bỉ, căm phẫn sâu sắc với bọn buôn người; tố cáo thực trang xã hội xấu xa, lên án thế lực đồng tiền chà đạp lên nhân phẩm, tài sắc con người, làm khuynh đảo cả trật tự xã hội, làm thoái hóa đạo đức con người qua cách tác giả miêu tả bản chất giả dối và đê tiện của nhân vật Mã Giám Sinh.

Thái độ ấy được bộc lộ qua cách miêu tả nhân vật phản diện bằng ngôn ngữ tả thực, cách dùng từ ngữ mỉa mai, châm biếm, lên án: bộ mặt mày râu nhẵn nhụi cho thấy sự thiếu tự nhiên, cạo râu nhẵn, lông mày tỉa tót rất trai lơ. Hai chữ “nhãn nhụi” gợi cảm giác về một sự trơ, phẳng lì, bất cận nhân tình. Áo quần bảnh bao là áo quần chưng diện cũng thiếu tự nhiên. Hai chữ “bảnh bao” thường dùng để khen áo quần trẻ em chứ ít dùng cho người lớn. Sự đã kích ngầm ngày càng sâu cay hơn khi một người đã chạc ngoại tứ tuần lại tỉa tót công phu, cố tô vẻ cho mình ra dáng trẻ. Hành động gật gù tán thưởng món hàng: “Mặn nồng một vẻ một ưa” chẳng khác gì cử chỉ đê tiện “lẩm nhẩm gật đầu” của Sở Khanh sau này.

Thái độ của Nguyễn Du tố cáo thế lực đồng tiền chà đạp lên con người thể hiện qua lời nhận xét: “Tiền lưng đã có, việc gì chẳng xong”. Lời nhận xét có vẻ khách quan nhưng chứa đựng trong đó cả sự chua xót lẫn căm phẫn. Đồng tiền biến nhan sắc thành món hàng tủi nhục, biến kẻ tán tận lương tâm thành kẻ mãn nguyện, tự đắc. Thế lực đồng tiền cùng với thế lực lưu manh hùa nhau tàn phá gia đình Kiều tàn phá cuộc đời Kiều.

Nguyễn Du còn thể hiện niềm cảm thương sâu sắc trước thực trang tài sắc con người bi ha thấp, bi chà đạp, bi biến thành hàng hoá: cảm thông với nỗi đau của những con người phải chịu bao nhiêu nghịch cảnh trong xã hội phong kiến bất nhân ngang trái. Tác giả bộc lộ thái độ ấy qua ngòi bút miêu tả ước lẽ, nhà thơ như hoá thân vào nhân vật để nói lên nỗi đau đớn, tủi hổ của Kiều.

  • Kết bài:

Qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước số phận của nhân vật Thúy Kiều, một con người tài sắc vẹn toàn nhưng bị chà đạp, bị biến thành hàng hóa, rẻ rúng đến mức thảm hại. Nhà thơ cũng cảm thông với nỗi đau của những con người phải chịu bao nhiêu nghịch cảnh trong xã hội phong kiến bất nhân ngang trái.


Dàn bài: Cảm nhận của em về tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

I. Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích

II. Thân bài:

Thúy Kiều vốn là người con gái “thông minh vốn sẵn tính trời”, nên không khó gì để nàng nhận ra buổi vấn danh thực chất là một cuộc mua bán. Chính vì vậy, tâm hồn nàng dậy sóng:

“Sự đau đớn, uất nghẹn
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!”

+ Điệp ngữ “nỗi mình”, “nỗi nhà” với từ đặc tả cảm xúc “tức” đã  lột nỗi đau chồng chất, sự ấm ức vì gia đình bị hàm oan, sự xót xa khi chứng kiến cha và em trai bị “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Kiều xuất hiện trong lễ vấn danh không phải với hình ảnh tươi tắn của một cô gái mong chờ tìm ý chung nhân, mà với nỗi đau tận cùng.

+ Điệp ngữ “thềm hoa… lệ hoa…”, nhịp thơ 2/2/2/2 khiến cho câu thơ như từng bước chân của Kiều, chậm rãi, run rẩy, ngập tràn nước mắt. Tình cảnh của Kiều rất đáng thương.

+ Nguyễn Du đã khéo léo sử dụng ẩn dụ: “lệ hoa”. “Hoa” chính là chỉ Kiều. Mới hôm nào, vẻ đẹp đó còn “hoa ghen thua thắm”, tươi tắn, quyến rũ nay trở nên đau thương, đẫm lệ. Trước tình cảnh ấy, trái tim Nguyễn Du dường như cũng dấy lên một nỗi xót xa đau đớn.

“Sự xấu hổ, bẽ bàng
Ngại ngùng dợn gió e sương
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”.

+ Tính từ chỉ cảm xúc “ngại ngùng”  và  cụm từ “dợn gió e sương” thể hiện sự xấu hổ, ngượng ngùng của Kiều giữa buổi vấn danh. Kiều hiện lên như một đóa hoa mỏng manh tan tác giữa sương gió của cuộc đời. Sương gió hay chính là lòng người lạnh lùng, tàn nhẫn, bất nhân, chà đạp lên nhân phẩm nàng?

+ Kiều “Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”, ngắm hoa mà thẹn với lòng. Chữ “bóng” ở đây chính là hoán dụ, bóng là để chỉ Kiều. Khi một con người được miêu tả như một cái bóng, đó là một tình cảnh đáng thương, mất hết sức sống, như người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm:

“Buồn rầu chẳng nói nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

Cái thẹn của Kiều, có thể là cái thẹn khi đã không giữ trọn được mối tình với Kim Trọng; cũng có thể là cái thẹn của một con người có lòng tự trọng và nhận thức một cách rõ ràng nhân phẩm của mình đang bị chà đạp. Hoàn cảnh của Kiều đáng thương tận cùng, khi con người biết giá trị của mình bị dẫm đạp nhưng không còn lựa chọn nào khác, họ rơi vào bi kịch. Kiều hy sinh bản thân để giữ tròn đạo hiếu. Đau đớn thay bi kịch của một kiếp người!

Dáng vẻ buồn bã,  hao gầy
Mối càng vén tóc bắt tay
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.

Kiều hiện lên hao gầy, xanh xao, tiều tụy. Mới hôm nào, “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, cốt cách cao quý, thanh tú như mai; giờ đây hình ảnh “mai” lại được dùng để chỉ vẻ buồn bã, hao gầy của Kiều.

III. Kết bài:

– Qua đoạn trích, số phận đáng thương của Kiều được thể hiện dưới ngòi bút xót thương: tài năng, sắc đẹp của Kiều nay trở thành một món hàng để người ta cân đo, đong đếm, nhân phẩm của Kiều bị chà đạp đến tận cùng è Dự cảm đầy đau thương “chữ tài liền với chứ tai một vần” dường như bắt đầu ứng nghiệm vào Kiều!

– Đồng thời, phẩm chất của Kiều cũng tỏa sáng: tấm lòng giàu đức hy sinh; tấm lòng hiếu thảo; lòng tự trọng, nhận thức được phẩm giá của mình. Giữa bi kịch cuộc đời, phẩm giá ấy càng tỏa sáng, đáng trân trọng.

– Tấm lòng của Nguyễn Du cũng thể hiện rất rõ: Một trái tim xót thương vô hạn tới nàng Kiều hồng nhan bạc phận; sự căm phẫn tột độ đến những kẻ như Mã Giám Sinh, kiếm lợi trên thân xác và phẩm giá con người, chà đạp không thương tiếc lên con người.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích bản chất giả dối và đê tiện của nhân vật Mã giám Sinh qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.