Hình ảnh trời chiều trong thi ca

hinh-anh-troi-chieu-trong-thi-ca

Hình ảnh trời chiều trong thi ca.

Rừng chiều”, “Chiều thu” hay “đèo cao bóng xế” là những hình ảnh vốn rất quen thuộc trong thơ ca. Nắng chiều mang lại cho ta cảm giác u buồn, hiu quạnh. Ngay trong thời khắc vũ trụ sắp chuyển mình, tâm trạng con người cũng rơi vào cảm giác vắng vẻ, cô đơn, một nỗi lo âu vời vợi khuấy động trong lòng không yên.

Nguyễn Trãi lúc ở Côn Sơn cũng thường dạo bước dưới vườn chiều, hòa mình vào chốn tùng lâm hoang dã, cảm nhận cái trong sạch và tĩnh lặng miên man của đất trời:

Giữa bao nhiêu bụi bụi lầm
Xăn tay áo đến tùng lâm
Rừng nhiều cây hợp hoa chầy động
Đường ít người đi cỏ kíp xâm
Thơ đới tục hiềm câu đới tục
Chủ vô tâm ấy khách vô tâm“.

Trải qua biết bao gian khổ cùng Lê Lợi nằm gai nếm mật hơn mười năm trời mưu thành sự nghiệp. Đến khi đất nước thái bình, không yên ở chốn quan trường, ông dứt áo quan về quê ở ẩn, vui thú với thiên nhiên, mặc sự đời lợi danh tranh đấu.

Lên núi đếm tùng là cách ông làm dịu bớt nhịp sống quan trường đầy mưu đồ biến động. Ông muốn thực sự tĩnh tâm lại, lấy thiên nhiên làm điểm tựa cho tâm hồn. Rừng vốn vô tâm nhưng nay lại hữu tâm. Người hiểu cảnh tất cảnh sẽ lay động. Nguyễn Trãi đã dùng cái tâm thiện để đến với cảnh vật thế nên cảnh vật sinh tình, hòa hợp trong mối tiêu dao. Lòng thi nhân thanh bạch đã giũ sạch bụi phù trần, lâng lâng một niềm thanh thản giữa rừng chiều hoang liêu tịch mịch. Người đã trút bỏ cái uẩn của tâm hồn, chỉ còn có cái tâm sạch không vướng chút bụi trần.

Thực sự đó là một cuộc sống mà Nguyễn Trãi mong ước từ lâu. Thỉnh thoảng đến chốn tùng lâm thưởng ngoạn xem hoa, uống trà đàm đạo. Chủ và khách, tăng và tục cùng vô tâm đối ẩm nguồn thi cảm với thông với trúc, với rừng cao núi thẳm ngát hương trầm.

Đến với Thu Vịnh” của Nguyễn Khuyến, khung cảnh trời chiều lại hiện ra trong sự tĩnh mịch, cô liêu thấm đẫm nỗi buồn trần thế:

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc ánh trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào ?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”.

(Thu vịnh)

Khác với cảnh rừng chiều ở núi Côn Sơn, khung cảnh hiện ra trong bài thơ là bức tranh đồng quê đặc trưng của vùng Bắc Bộ. Hiện ra đầu bài thơ là bầu trời thu xanh ngắt, bất chợt cảnh co nhỏ lại trên một cành trúc phất phơ trong gió chiều hiu hắt:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”.

Hạ thấp xuống chút nữa là bóng nước mùa thu khói phủ mờ, song thưa vắng vẻ, vô âm:

Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc ánh trăng vào”.

Không thiền mà đẫm vị thiền. Nhìn vào cảnh vật không có một chuyển động nào. Vạn vật như đang đứng yên, trầm tư trong cô liêu tịch mịch. Có làn gió thoáng qua nhưng nhẹ nhàng quá, chỉ đủ làm lay lắt ngọn trúc rồi lại rơi vào trạng thái tĩnh lặng. Đó cũng là lúc tĩnh lặng dẫn dắt lòng người vào nỗi nhớ xa xăm đằng đẵng:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?

Có vẻ như lạc hướng khi tâm hồn thoát ra khỏi cảnh vật nhưng thật ra từ cảnh bầu trời chiều yên ả, thanh bình, cô liêu ấy, bất chợt thi nhân liên tưởng đến những buổi chiều xưa, liên tưởng đến gánh nặng cuộc đời. Dòng đời cứ chảy trôi, tuổi đời đã muộn mà sự nghiệp công danh chưa có được gì. Bởi thế, khi muốn cầm bút lên ghi lại cảnh đẹp, thi nhân bất chợt thẹn thùng:

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”.

Ngẫm mình chưa bằng Đào Uyên Minh đời Đường mà không dám xuống bút. Đó quả thật là một nỗi thẹn cao thượng, có sức mạnh nâng cao tầm vóc con người.

Bà Huyện Thanh Quan trong một lần qua đèo Ngang, cũng đã có những cảm ngộ sâu sắc trước cảnh trời chiều bản lãng trên đèo cao lúc xế tà:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta”.

(Qua đèo Ngang)

Cũng là thủ pháp mượn cảnh để thổ lộ cái tình sâu nặng của lữ khách đường xa xứ lạ, cũng là cảm giác cô đơn, lạc lõng dưới trời chiều nhưng ở đây, cảnh vật và lòng người thực sự lạc vào chốn man man của tâm thức. Cảnh hiện ra trước mắt với núi sông cây cỏ, có con người, có âm thanh nhưng không thể làm ấm không gian. Ánh chiều nghiêng nghiêng càng gợi lên cái rợn ngợp của không gian trải rộng đến muôn trùng. Bởi bóng chiều có sức ám thị to lớn, gây cho hồn ta nỗi thương nhớ người xưa cảnh cũ.

Chỉ cần có thế thôi mà Huy Cận, một lần đứng trước trời chiều trên sông dài biển rộng, lòng nao nao nhớ tiếc:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

(Tràng giang)

Phải đâu bởi cái muôn trùng bờ bãi mà nhớ nhà tha thiết mà bởi bóng chiều dần buông, cảnh vật hiện hình bóng quê nhà mà gợi nhớ đấy thôi.

Hình ảnh bóng hoàng hôn trong thi ca

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.