Cảm nhận hình tượng nhân vật chú Năm trong Những đứa con trong gia đình

hinh-tuong-nhan-vat-chu-nam-trong-nhung-dua-con-trong-gia-dinh

Cảm nhận hình tượng nhân vật chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình”

Chú Năm là người duy nhất còn sống của thế hệ trước trong gia đình. Hình ảnh chú gắn liền với những câu hò và cuốn sổ ghi chép chuyện gia đình.

Giọng hò của chú không hay, giọng “đục” và “tức như tiếng gà gáy” nhưng mỗi lần hò chú đều hò thật hết mình, thật trang nghiêm và tha thiết làm sao: “ Gân cổ chú nổi đỏ lên, tay chú đặt lên vai Việt, đôi mắt chú mở to… đầu chú lắc lư nhắc nhủ”. Nội dung câu hò của chú khi là những tấm áo vá quàng, con sông dài cá lội, khi về người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công…

Trong trích đoạn, trước ngày chị em Chiến, Việt lên đường, giọng hò của chú lại vang lên, đó “không phải là giọng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông” mà nó “nổi lên giữa ban ngày” và “cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội”. Tiếng hò của chú Năm như chiếc cầu bắc giữa quá khứ cha ông và lớp con cháu hôm nay. Nó thôi thúc, giục giã như những kì vọng lớn lao của các thế hệ trước đã và đang đặt trọn niềm tin vào những thế hệ mai sau. Tiếng hò ấy không chỉ là hồi trống lên đường mà còn là một lời thề thiêng trước lúc xung trận.

Cuốn sổ ghi chép của chú Năm lưu giữ lại chiến công của các thế hệ và tội ác của kẻ thù. Gọi là cuốn sổ nhưng thực ra nó là một biên niên sử của gia đình. Cuốn sổ biên niên ấy được viết ra từ một ngòi bút thực sự bình dân “chữ viết lòng còng”, lời văn mộc mạc. Những sự kiện được ghi trong đó hết sức thon mọn kiểu như: thím Năm bị bắn bể suồng khi đi dọc lá chuối, chết còn mặc cái quần mới, trong túi còn hai đồng bạc hay ông nội ra nắm giàm bò bị lính tổng phòng bắn vào giữa bụng, thậm chí cuốn sổ còn ghi rõ ngày bà nội bị bom giặc đánh, cụ thể là đánh ba roi hay ngày bọn lính chửi bác Hai một câu…

Lời lẽ trong cuốn sổ của chú Năm có vẻ đúng là những sự kể lể nhưng thử nghĩ xem mất cái chất vụng về thô mộc đó chắc chắn những gì chú Năm viết ra sẽ không còn giá trị của những bằng chứng nóng hổi về nợ máu của kẻ thù và về sự dũng cảm và kiên cường của dòng họ trong  chiến đấu! Cuốn sổ không chỉ là lịch sử gia đình mà còn là một hình thức giáo dục con cháu lòng tự hào về truyền thống và trách nhiệm với dòng họ mà chú Năm rất có ý thức xây dựng. Chú “thường ví chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó”.

Câu nói này của chú Năm cần được hiểu trên hai ý nghĩa. Thứ nhất, chỉ được coi là con của gia đình những ai đã ghi vào được, đã làm nên được cái “khúc” của mình trong dòng sông truyền thống. Thứ hai, không thể hiểu được hết những “khúc” sau của một dòng sông nếu không hiểu ngọn nguồn đã sinh ra nó. Chính vì thế, khi chú nói với hai chị em Chiến, Việt: “Chừng nào bây trọng  tao giao cuốn sổ cho hai chi em bây” thì câu nói ấy không chỉ là sự bàn giao của thế hệ đi trước đối với thế hệ đi sau mà còn là sự nhắc nhở  về trách nhiệm đối với thế hệ mới – những người sẽ phải viết tiếp những trang mới, vẻ vang cho truyền thống gia đình

Trong truyện, nhân vật chú Năm còn có một câu nói rất hay: “Trăm sông đổ về một biển, con sông của gia đình ta cũng chảy về biển. Mà biển thì rộng lắm… rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”. Câu nói này tự nhiên mà giàu ý nghĩa. Nó đã vượt ra ngoài không gian của một dòng sông gia đình để hòa vào biển cả, đại dương của nhân dân và nhân loại. Câu nói ấy bắt ta phải nghĩ đến không chỉ một gia đình mà cả một đất nước, thâm chí cả nhân loại tiến bộ đang hào hùng chiến đấu cho lẽ phải, công bằng, hạnh phúc bằng chính sức mạnh sinh ra từ nỗi thương đau.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Dàn bài: so sánh hình tượng nhân vật cụ Mết (Rừng xà nu) và nhân vật chú Năm (Những đứa con trong gia đình) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.