Hình tượng văn học là gì?

Hình tượng văn học nghệ thuật là gì?

1. Khái niệm hình tượng văn học.

– Hình tượng “là phương thức chiếm lĩnh, thể hiện và tái tạo đời sống theo quy luật của nghệ thuật”. (theo Từ điển Văn học ). Khác với khoa học, nghệ sĩ không diễn đạt trực tiếp ý nghĩ và tình cảm bằng khái niệm trừu tượng, bằng định lý hay công thức mà bằng hình tượng, tức làm sống lại một cách cụ thể và gợi cảm những sự việc, hiện tượng của đời sống, làm cho ta suy nghĩ về tính cách, số phận, tình đời, tình người.

– Hình tượng văn học nghệ thuật là phương thức giao tiếp đặc biệt giữa nhà văn và độc giả. Hình tượng là thế giới sống do nhà văn tạo ra bằng sức gợi ngôn từ.

– Gọi là hình tượng vì một mặt, nó cũng sống động y và hấp dẫn như thật, nhưng mặc khác nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng con người, nó không phải là sự thật trăm phần trăm. Nhưng, thật sai lầm nếu chỉ quan niệm hình tượng nghệ thuật chỉ là phản quang đơn thuần của đời sống. Hình tượng, một mặt nó vừa mang tính khách quan, mặt khác vừa mang tính chủ quan của nghệ sĩ. Hình tượng không chỉ là thế giới đời sống, mà còn là “thế giới biết nói”.

– Thông qua các chi tiết, nhân vật trong tác phẩm, nhà văn muốn đối thoại với độc giả về quan niệm nhân sinh nào đó. Hình tượng là kết tinh của những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời làm nhà văn day dứt. Anh viết ra để nói to, để chia sẻ với mọi người. Hình tượng, như thế nó gắn liền với quan điểm, lí tưởng và khát vọng của nhà văn. Cuộc sống và con người được miêu tả trong văn học, vừa giống cái đã có và hiện có, vừa là cái có thể và cần có.

2. Đặc điểm cơ bản của hình tượng văn học nghệ thuật.

– Gắn liền với thực tiễn đời sống.

– Có sự thống nhất giữa hai mặt: khách quan và chủ quan, lí trí và tình cảm.

– Vừa khái quát, vừa cụ thể.

3. Tính phi vật thể của hình tượng văn học.

Âm nhạc dùng âm thanh, hội họa dùng đường nét, điêu khắc dùng mảng khối để xây dựng hình tượng. Những chất liệu đó đều mang tính “vật chất”, tức có thể nhìn, nghe, cảm nhận được bằng giác quan, nó khác với ngôn từ của văn học. Ngôn từ tồn tại trong trí óc, không thể sờ, thấy, hay cảm nhận bằng những cách thong thường, mà buộc độc giả phải thâm nhập, cảm nhận và tưởng tượng như mình đang sống chung với hình tượng. Độc giả buộc phải nhập cuộc, đau nỗi đau của người trong cuộc thì mới có thể cảm nhận rõ những gì mà nhà văn viết ra.

Nhờ dùng chất liệu ngôn từ mà bức tranh đời sống không bị hạn chế về không gian, thời gian. Những gì tinh vi, mong manh, mơ hồ, ngay cả tâm trạng sâu thẳm của con người, đều có thể mô tả trực quan, sinh động bằng từ ngữ. Văn học có thể “họa” lại tâm trạng của người thanh niên khi tiếp nhận ánh sáng của Đảng (bài thơ Từ ấy của Tố Hữu ), hay mô tả phong thái ung dung, đường hoàng, tự tin của người chiến sĩ Cách mạng khi trèo đèo lội suối: “Nhớ chân người bước lên đèo” nhưng hội họa lại bất lực trước điều đó. Thông qua trí tưởng tượng, độc giả có thể tái tạo lại hình tượng cuộc sống, con người. “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc” là vì thế.

4. Xây dựng hình tượng nghệ thuật văn học.

Anhxtanh từng nói: “Chân lý khoa học đạt được bằng cách giải phóng nó khỏi cái tôi của nhà khoa học”. Còn hình tượng trong nghệ thuật biểu hiện rõ nét những cảm xúc của nghệ sĩ.

Nghệ sĩ bao giờ cũng tái hiện đời sống dưới ánh sáng của các lợi ích và lý tưởng của một giai cấp, của một thời đại nhất định. Khi xây dựng hình tượng, họ biểu hiện trong đó một thái độ, một cảm xúc riêng, nghĩa là họ hiện thân vào hình tượng.

Hình tượng văn học nghệ thuật là phương tiện đặc thù của nghệ thuật ngôn từ để phản ánh hiện thực khách quan. Nó phản ánh tính khái quát, tính quy luật của hiện thực qua hình thức cá thể, độc đáo, là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ trong quá trình nhận thức và tái hiện cuộc sống. Người nghệ sĩ có quyền hư cấu, tưởng tượng nhưng không được bịa đặt một cách tùy tiện, chủ quan. Nghệ sĩ phải là thư ký trung thành của thời đại mình. Nếu nghệ sĩ không đếm xỉa đến chân lý đời sống thì tác phẩm sẽ rơi vào tình trạng tô hồng hoặc bôi đen, tức là xuyên tạc hiện thực khách quan.

Dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ xuyên thấm từ cách tiếp cận hiện thực, cách phát hiện vấn đề và phương thức chuyển tải tư tưởng, tình cảm qua hình tượng. Hình tượng văn học nghệ thuật là vũ khí của người nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh cho lý tưởng. Người cầm bút phải dùng hình tượng để bảo vệ cái đẹp, lên án cái xấu, tác động đến xúc cảm người đọc, giáo dục người đọc về mặt thẩm mỹ.

Sở dĩ, hình tượng nghệ thuật có sức thuyết phục cao vì trong cái cụ thể trực tiếp đã chứa đựng tính quy luật của đời sống. Trong quá trình sáng tạo, nghệ sĩ khám phá thế giới một cách riêng biệt, họ có thể nắm bắt được bản chất trong muôn vàn sự vật, hiện tượng đồng loại để rồi từ đó làm nổi bật những nét bản chất ấy qua một hình tượng cụ thể, độc đáo.

Bài văn tham khảo:

Bàn về hình tượng văn học.

– Văn học nhận thức đời sống, thể hiện tư tưởng tình cảm, khát vọng và mơ ước của con người thông qua hình tượng nghệ thuật. Hình tượng “là phương thức chiếm lĩnh, thể hiện và tái tạo đời sống theo quy luật của nghệ thuật” (theo Từ điển Văn học). Theo L. I. Timôphêép, hình tượng là bức tranh về đời sống con người vừa cụ thể vừa khái quát, được sáng tạo bằng hư cấu và giàu ý nghĩa thẩm mĩ. Đây là định nghĩa quen thuộc và phổ biến nhất.

– Văn học hàm chứa tư tưởng tình cảm và không nói một cách khô khan, giáo điều nên nó nhận thức và thể hiện đời sống bằng hình tượng nghệ thuật, tức làm sống lại một cách cụ thể và gợi cảm những sự việc, hiện tượng của đời sống, làm cho ta suy nghĩ về tính cách, số phận, tình đời, tình người. Văn chương thấm vào lòng người và bất tử với thời gian, không có biên giới bởi lẽ văn học nhận thức và thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật.

– Hình tượng nghệ thuật trong thơ văn có thể là một bông hoa, một vầng trăng, một nàng Thúy Kiều, một người chinh phụ, một Chí Phèo, một Bá Kiến… cũng có thể là một tâm trạng, cảm xúc của con người… Nó có thể là bất cứ gì tồn tại trong thực tế khách quan. Hình tượng nghệ thuật về thiên nhiên hay về con người, sự vật đều được nhà văn sáng tạo ra bằng sự liên tưởng, tưởng tượng để nhà văn thể hiện tư tưởng tình cảm của mình và khái quát về hiện thực đời sống, hướng người đọc đến cái chân, thiện, mỹ.

– Mặc dù có thể là bất cứ thứ gì trong thực tại khách quan nhưng để trở thành hình tượng trong văn học thì nó phải được tạo nên từ nhiều yếu tố, hình ảnh, chi tiết… Chẳng hạn, đọc tác phẩm văn học phải cảm nhận được các chi tiết nghệ thuật, từ các chi tiết hợp thành ấy mới có thể khám phá ra cái hay cái đẹp của hình tượng nghệ thuật.

– Hình tượng văn học thường có tính hàm súc, có ý nghĩa biểu tượng, trở nên đa nghĩa, đa thanh và qua hình tượng người đọc có thể cảm nhận thấy cái hay cái ý vị của văn chương. Không nên hiểu đơn giản hình tượng chỉ là những bức tranh đời sống, những hình ảnh (tượng ). Ở đây cần phân biệt hai khái niệm hình ảnh và hình tượng. Hình ảnh chính là những bức tranh đời sống mà chúng ta gặp trong tác phẩm: cây đa, giếng nước, con đò, và cả con người… Nhưng tất cả mới chỉ là hình ảnh khi chúng chỉ mang ý nghĩa biểu vật cho chính nó.

Chẳng hạn như, cây tre chỉ cây tre, giếng nước chỉ giếng nước. Nhưng nếu những hình ảnh đó đã mang những ý nghĩa khác ngoài nó, những ý nghĩa mới, kết tinh, chứa đựng tư tưởng tình cảm của con người, tức những ý nghĩa nhân sinh, khi đó hình ảnh mới trở thành hình tượng. Các nhà mĩ học phương Tây cho rằng hình tượng có chức năng biểu ý, còn người Trung Hoa thường dùng khái niệm ý tượng (hình ảnh có ý) là vì thế.

Ví dụ: Cây tre trong bài thơ Tre Việt Nam (Nguyễn Duy) là hình tượng bởi ngoài nghĩa cụ thể, nó còn mang ý nghĩa khái quát về con người Việt Nam bất khuất, kiên cường, bền bỉ trong khó khăn, vất vả, đói nghèo. Cô Tấm (Tấm Cám) là hình tượng, bởi vì nhân vật đó đã thể hiện ước mơ về hạnh phúc, công lí của người xưa.

– Mọi hình thức của đời sống khi đã chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh mới mẻ, giàu tính thẩm mĩ, chứa đựng tư tưởng và tình cảm của con người sẽ trở thành hình tượng. Cho nên, hình tượng vừa cụ thể vừa khái quát, vừa khách quan vừa chủ quan, vừa vật chất vừa tinh thần là vì thế. Bởi lẽ, văn học xây dựng hình tượng vừa để khái quát hiện thực, cắt nghĩa, lí giải đời sống, vừa thể hiện tư tưởng, tình cảm dưới ánh sáng của một lí tưởng thẩm mĩ nhất định.

* Như vậy, có thể hiểu, hình tượng là phương thức phản ánh thế giới đặc thù của văn học bằng những hình thức đời sống, được sáng tạo bằng hư cấu và tưởng tượng, vừa cụ thể vừa khái quát, mang tính điển hình, giàu ý nghĩa thẩm mĩ, thể hiện tư tưởng và tình cảm con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang