Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình (UNESCO). Suy về mục đích của việc học

hoc-de-biet-hoc-de-lam-hoc-den-chung-song-hoc-de-khang-dinh-minh-unesco-suy-ve-muc-dich-cua-viec-hoc

“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình” (UNESCO).

Suy về mục đích của việc học từ câu nói trên.

  • Mở bài:

Tổng thống N.Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới“. Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện. Nghĩa là sau khi được giáo dục, ai cũng trở thành người tốt và có một cuộc sống tốt đẹp. Khẳng định điều đó, UNESCO đưa ra mục đích học tập cho toàn nhân loại: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” .

  • Thân bài:

1. Giải thích:

“Học” là một công việc mà mỗi chúng ta phải làm hằng ngày và có thể là cả cuộc đời. Học là một quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích luỹ kiến thức cho bản thân mình từ thầy cô giáo bạn bè trên tư liệu sách vở và học ở ngoài cuộc sống. Kiến thức nhân loại vô cùng phong phú khoa học kĩ thuật không ngừng phát triển cố nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống cần được chúng ta giải quyết và tiếp thu.

“Học để biết” là quá trình con người tiếp nhận tri thức để mở mang hiểu biết cá nhân. “Học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” là cách con người ta áp dụng những lí thuyết vào trong thực tế lao động và sản xuất, học cách đối nhân, xử thế trong cuộc sống thường nhật. Và từ việc học để biết, học để làm, học để chung sống sẽ tạo cho mỗi cá nhân một vị thế, một chỗ đứng riêng trong xã hội để tự khẳng định mình.

Câu nói của UNESCO nhằm khái quát 4 mục đích trong học tập. Học để tích luỹ kiến thức và vận dụng vào cuộc sống qua đó cống hiến cho cộng đồng và hoàn thiện bản thân mình.

2. Bàn luận:

– Học là để hiểu biết?

+ “Học để biết” là mục đích đầu tiên của việc học. “Biết” là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Con người từ chỗ chưa biết đến biết, biết ít đến biết nhiều, biết sơ sài đến biết sâu sắc, biết một lĩnh vực đến hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống… Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc… Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, “biết người”, “biết mình”, biết giao tiếp, ứng xử với nhau sao cho “Đắc nhân tâm”… 

+ Tuy nhiên, những điều ta biết chỉ là một giọt nước nhỏ trong khi đó điều ta chưa biết lại là biển cả rộng lớn bao la. Vì vậy còn có nhiều miền tri thức cần được chúng ta khám phá học hỏi. Thế nên, việc học trước hết là hướng đến mục đích học để biết nhiều miền kiến thức ấy để thế giới xung quanh mở ra một cách sáng tỏ trước mắt bạn lật mở mọi vấn đề mọi khía cạnh của cuộc sống muôn màu. Có vậy chúng ta mới có thể không lạc hậu với thời đại và yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

– Học là để làm việc thành công?

+ “Học để làm” là mục đích tiếp theo của việc học. “Làm” là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học.  Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân và góp phần tạo nên của cải cho xã hội. Người nông dân, kĩ sư, bác sĩ… đều mang kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế, để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.

+ “Học phải đi đôi với hành” lời dạy thật có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc học của chúng ta ngày nay. Tiếp thu kiến thức hôm nay mà không quên những điều đã học ngày hôm qua thì đó mới gọi là việc học đúng cách. Muốn vậy thì tất cả chúng ta phải học tập kiến thúc lí thuyết sau đó vận dụng làm nó ngoài thực tế để thêm hiểu phần kiến thức ấy và ghi nhớ sâu hơn. Ở đây theo Unesco muốn nhắn bảo chúng ta phải kết hợp song song việc học và làm với nhau có như vậy việc học mới thực sự có ích.

+ Học và làm việc dựa trên những kiến thức đã học vừa là mục đích vừa còn là phương phát học tập. Một khi đã nắm vững kiến thức, đã tiếp thu kiến thức mà không vận dụng vào thực tiễn thì việc học thật khô khốc không linh động. Trong khi vừa học ta lại áp dụng giải quyết những công việc của cuộc sống thì đó là cơ hội để giúp đỡ bản thân gia đình và xã hội đó còn là dịp để bạn phát triển tư duy sáng tạo của mình.

– Học là để cùng nhau chung sống?

+ Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học là để chung sống với mọi người và sống một cuộc đời có ý nghĩa. “Chung sống” là khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử… để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống để không bị tụt hậu, lạc lõng. Đây là hệ quả tất yếu của việc “biết”, “làm”. Bởi lẽ, “con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.

+ “Ngọc không mài không thành đồ vậy người không học không biết rõ đạo” làm người ở đời phải có có học, cần am tường hiểu biết mọi vấn đề xã hội. Đó là điều cần thiết cho mỗi chúng ta. Nhưng việc học còn mang lại cho con người ta sự hiểu biết về đạo lí làm người đạo lí đối nhân xử thế cách ứng xử với mọi người trong cuộc sống hằng ngày. Một đứa trẻ được dạy bảo tốt sẽ trở thành người tốt. Đó là điều cần thiết để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và tiến bộ.

+ Trong quá trình học tập chúng ta sẽ có nhiều bài học về đạo đức nhiều câu chuyện hay về lòng nhân hậu … Từ đó hình thành ý thức rèn luyện nên nhân cách con người ý thức cái hay cái đẹp làm việc tốt giúp đỡ mọi người xung quanh có những đức tính tốt và cần thiết trong cuộc sống của mỗi người: siêng năng chăm chỉ hiếu thảo nhân hậu,… Tất cả đã làm hoàn thiện bản thân bạn.

+ Hơn thế nưa là con người có văn hoá có đạo đức biết cách ứng xử đúng đắn với mọi người bạn sẽ thực sự hoà nhập và thích ứng nhanh với môi trường khác nhau của xã hội. Đó là chúng ta đã học được cách chung sống. Thế giới này chỉ tồn tại nhưng con người biết chung sống hoà thuận gân gũi gắn bó với nhau để tạo thành một cộng đồng một xã hội bền vững từ đó biết giữ gìn nó và giữ gìn cải tạo thiên nhiên đang ngày càng xấu đi do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

+ Khi con người biết chung sống thì người người nắm tay nhau trong tình thân ái đất nước hoà bình thịnh trị. Giữa đất nước trên thế giới sẽ không có mâu thuẫn, chiến tranh tất cả đều hướng tới sự phát triển của nhân loại làm chủ thế giới làm chủ vũ trụ và những miền tri thức mới. Có vậy mới có thể hướng tới một xã hội tốt đẹp một thế giới phát triển trong hoà bình.

– Học là để tự khẳng định mình?

+ Học để tự khẳng định mình là mục đích sau cùng của việc học. “Tự khẳng định mình” là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống. Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất…

+ Một người vừa có tri thức vừa có trình độ văn hoá hay giúp đỡ người khác thành công trong công việc và cuộc sống thì sẽ được mọi người kính nể cảm phục, mọi người khác sẽ lấy đó làm tấm gương học hỏi theo và bạn luôn được tôn trọng và nhận những tình cảm yêu mến.

+ Mình có tài có đức ai lại không trọng dụng. Đó là học để tự khẳng định mình. Mỗi người đều có một tính cách riêng và luôn muốn khẳng định mình được xã hội công nhận. Nếu không ngừng nỗ lực học tập rèn luyện cả chí tài đức trở thành người có ích cho xã hội thì bạn sẽ có một “thương hiệu” riêng cho bản thân mình. Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình.

3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:

– Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện. Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay. Mục đích này không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà còn dành cho tất cả những ai là người học. Vì thế, có thể coi đây là mục đích học tập chung, có tính chất toàn cầu.

– Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp; học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống, không thể khẳng định mình. Ví dụ: Học sinh không biết viết đơn xin nghỉ học đúng quy cách; kĩ sư giỏi, được đào tạo bài bản mà không chế tạo được những công cụ trong sản xuất nông nghiệp; có học vị, bằng cấp nhưng cách ứng xử thì vụng về, lối sống lại thiếu văn hóa…

4. Bài học về nhận thức và hành động của bản thân:

– Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học: không chỉ học ở một giai đoạn mà phải học suốt đời; không chỉ học trong nhà trường mà cần phải học ngoài xã hội; người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy “làm người”…

– Mục đích học tập này giúp người học: Xác định rõ mục đích, động cơ và thái độ học tập. Ra sức học tập và rèn luyện, trang bị kiến thức về mọi mặt để có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng hội nhập quốc tế.

  • Kết luận:

“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Mục đích học tập của UNESCO đề xướng thật đúng đắn và có ý nghĩa to lớn trong việc học tập ngày nay của mỗi chúng ta trước những thay đổi từng ngày từng giờ của thế giới. Hiểu rõ và thực hiện theo đúng như thế tương lai tươi sáng đang chờ đón bạn hãy biết nắm lấy cơ hội.


Tham khảo:

Lênin từng có câu: “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói trên đã khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của việc học. Và để việc học của chúng ta đạt được kết quả tốt đẹp thì mỗi cá nhân cần xác định rõ mục đích học tập cho bản thân. Vì lẽ đó mà UNESCO đã đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khằng định mình”. Vậy chúng ta hãy cùng làm rõ vấn đề trên.

“Học” là sự tiếp thu kiến thức ở nhiều lĩnh vực không chỉ từ nhà trường mà còn từ cuộc sống. Ông bà ta khi xưa thường khuyên con cháu: “Không biết thì hỏi, muốn giỏi phải học”.

Thật vậy, để mở mang sự hiểu biết cũng như tích luỹ tri thức quý giá thì con người ta luôn phải trải qua quá trình học tập không ngừng nghỉ. Bạn có thể biết được những điều hay, mới lạ, bổ ích bằng cách tìm tòi học hỏi qua sách vở, qua thầy cô ,bạn bè cũng như từ thực tế cuộc sống. Chỉ cần luôn cố gắng và có tinh thần ham học hỏi, chắc chắn ta sẽ giải đáp được những điều ta muốn biết và hơn nữa là hiểu thêm về những điều ta chưa biết. Nhờ vậy mà bản thân luôn bắt kịp với thời đại, với sự phát triển vượt bậc của xã hội.

Bên cạnh việc học để tiếp thu kiến thức, chúng ta còn cần xác định cho mình một mục đích học tập quan trọng khác nữa , đó là “học để làm”.Ta có thể hiểu “học để làm” ở đây là vận dụng những kiến thức mình đã học vào cuộc sống. Hay nói rõ hơn là học cho tương lai, học để mai sau có thể kiếm được công việc, nghề nghiệp ổn định nhờ đó nuôi sống bản thân và cống hiến sức lực , trí tuệ cho đất nước…

Học còn là để chung sống với nhua và sống một cuộc đời có ý nghĩa. Cuộc sống quanh ta vốn muôn màu muôn vẻ, đa dạng và vô cùng phức tạp với nhiều mối quan hệ. Việc “học” trong trường hợp này được hiểu là học cách đối nhân xử thế, học những điều hay lẽ phải cũng như cách sống đẹp. Quan hệ giữa người với người đi đến tốt đẹp, hoà hảo hay mâu thuẫn, xung đột đều là do chúng ta quyết định. Nếu biết cư xử phải lẽ với nhau, biết nghĩ cho nhau, cho tập thể thì hẳn mỗi người đểu cảm nhận được niềm hạnh phúc khi cho đi và nhận lại. Mặt khác, “học để chung sống” còn là học tập và tuân theo những chuẩn mực về đạo đức, pháp luật để trở thành một cong dân gương mẫu , góp phần xây dựng bộ mặt văn minh, tích cực cho đất nước.

Học để có thể tự khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống. Ai mà không muốn được mọi người kính nể, ai mà không muốn đạt được địa vị cao cũng như gặt hái được thành công trong cuộc sống. Thế nhưng không phải muốn là có thể có được mà ta phải trải qua sự rèn luyện, học tập chăm chỉ. Vì lẽ đó mà mỗi chúng ta phải luôn nổ lực tìm tòi kiến thức, cố gắng học thật giỏi để chứng minh được mình là người hữu ích và khẳng định tài băng của chính bản thân.

Có thể nói, bốn yếu tố trên đóng vai trò hết sực quan trọng cho sự học. “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình” là yêu cầu tiếp thu kiến thức rồi vận dụng nó vào thực hành, vào hành động trong cuộc sống từ đó hoàn thiện nhân cách và khẳng định chính bản thân.

Là học sinh, việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải ra sức học tập văn hoá để ứng dụng kiến thức đã học vào thức tế. Nhưng học giỏi vẫn chưa đủ mà ta còn phải rèn luyện nhân cách, đạo đức. Có những người rất giỏi giang, thành đạt nhưng chỉ biết có bản thân mình mà không nghĩ đến tập thể, không bao giờ biết giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Như vậy là họ đã bỏ qua việc học để chung sống với xã hội. Cũng có những bạn chẳng xác định được mình học để làm gì. Các bạn ấy chỉ học qua loa, đối phó sao cho đủ điểm, học chỉ vì nghĩ ba mẹ ép buộc mà không hiểu rằng việc học có ý nghĩa rất quan trọng cho tương lai của mình. Bởi lẽ đó, mỗi học sinh hãy luôn có ý thức học tập và có trách nhiệm với chính bản thân cũng như gia đình và xã hội.

Tóm lại, việc học là rất quan trọng không chỉ với mỗi cá nhân mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội. Do đó, mỗi chúng ta, nhất là thế hệ thanh niên thế kỉ XXI hãy xác định cho mình mục đích học tập và phấn đấu nổ lực hết mình để mai này trở thành công dân có ích, góp phần xây dựng đất nước thêm giàu mạnh.

Nghị luận: Học tập là cuốn vở không có trang cuối (Ka-li-nin)

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về ý nghĩa việc xây dựng mục đích học tập đối với học sinh hiện nay - Thế Kỉ
  2. Nghị luận: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.