Hướng dẫn kỹ năng làm phần đọc hiểu trong đề thi tốt nghiệp THPT.

huong-dan-ky-nang-lam-phan-doc-hieu-trong-de-thi

Hướng dẫn kỹ năng làm phần đọc hiểu trong đề thi tốt nghiệp THPT.

I. KHÁI NIỆM VÀ MỤC ĐÍCH ĐỌC HIỂU VĂN BẢN.

1. Khái niệm:

– “Đọc” là một hoạt động của con người, dùng mắt  để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc và sử dụng bộ máy phát âm phát ra âm thanh nhằm truyền đạt đến người nghe.

– “Hiểu” là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó. Hiểu còn là sự bao quát hết nội dung và có thể vận dụng vào đời sống. Hiểu là phải trả lời được các câu hỏi Cái gì? Như thế nào? Làm thế nào?

– “Đọc hiểu” là đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng- sai về logic, nghĩa là kết hợp với năng lực, tư duy và biểu đạt.

2. Mục đích:

– Trong tác phẩm văn chương, đọc hiểu là phải thấy được:

+ Nội dung của văn bản.

+ Mối quan hệ ý nghĩa của văn bản do tác giả tổ chức và xây dựng.

+ Ý đồ, mục đích?

+ Thấy được tư tưởng của tác giả gửi gắm trong tác phẩm.

+ Giá trị đặc sắc của các yếu tố nghệ thuật.

+  Ý nghĩa của từ ngữ được dùng trong cấu trúc văn bản.

+ Thể lọai của văn bản?Hình tượng nghệ thuật?

II. PHƯƠNG PHÁP LÀM BÀI ĐỌC HIỂU.

– Hình thức đề bài.

+ Đưa ra một hoặc hai văn bản (thơ, văn xuôi, văn bản nhật dụng…) có trong chương trình- thường các bài đọc thêm hoặc không có trong chương trình.

+ Đưa ra hệ thống câu hỏi (từ 4 đến 8 câu) theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

III.TÌM HIỂU VỀ CÂU HỎI ĐỌC – HIỂU TRONG ĐỀ THI QUỐC GIA.

1. Thông tin về đổi mới thi Ngữ văn.

– Thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn theo hướng đánh giá năng lực học sinh ở những mức độ phù hợp.

– Tập trung đánh giá hai kĩ năng quan trọng: tiếp nhận văn bản và tạo lập văn bản.

– Đề thi sẽ gồm 2 phần:

+ Đọc – hiểu: 30% tổng số điểm bài thi, đánh giá khả năng tiếp nhận văn bản

+ Viết – làm văn: nghị luận xã hội  và nghị luận văn học): 70% tổng số điểm bài thi, đánh giá khả năng tạo lập văn bản

– Hình thức đề bài:

+ Đưa ra một văn bản (thơ, văn xuôi, văn bản nhật dụng…) có trong chương trình- thường các bài đọc thêm hoặc không có trong chương trình.

+ Đưa ra hệ thống câu hỏi (từ 4 đến 8 câu) theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

3. Câu hỏi đọc – hiểu tập trung vào những khía cạnh.

– Nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản.

– Thông điệp ngầm của văn bản.

– Tên văn bản.

– Những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu.

– Phong cách ngôn ngữ.

– Phương thức biểu đạt.

– Kết cấu đoạn văn.

– Ngôi kể.

– Thể thơ.

– Các biện pháp tu từ nghệ thuật và hiệu quả nghệ thuật của chúng.

4. Văn bản đọc – hiểu sẽ như thế nào?

– Phần ngữ liệu đọc – hiểu có thể nằm ngoài sách giáo khoa.

– Phần ngữ liệu này sẽ “vừa” với học sinh: dài vừa phải, không có nhiều câu phức, không sử dụng nhiều từ địa phương gây khó hiểu,…

– Văn bản đọc – hiểu có thể là thơ hoặc văn xuôi.

5. Đọc – hiểu: câu hỏi duy nhất trong đề thi có thể dễ dàng đạt điểm tối đa.

– So với việc viết 10 trang giấy để dành 3 – 4 điểm thì việc đầu tư 15 – 20 phút để dễ dàng “ẵm trọn” 3 điểm câu hỏi đọc hiểu là lựa chọn thông minh của học sinh.

– Câu hỏi đọc – hiểu là câu hỏi duy nhất trong đề thi có thể dành điểm tối đa.

– Không yêu cầu ba phần mở bài, thân bài, kết bài.

– Hỏi gì đáp nấy: chỉ trả lời yêu cầu của bài, không cần liên hệ dài dòng.

– Chỉ yêu cầu ngắn gọn, chính xác và đầy đủ mà không cần thiết phải lý luận sâu sắc, văn phong mượt mà.

VI. KĨ NĂNG  ĐỂ LÀM TỐT 3 PHẦN ĐỌC HIỂU.

1. Nắm vững kiến thức trọng tâm.

– Xác định nội dung chính, thông tin quan trọng, thông điệp và tên của văn bản.

– Phong cách chức năng ngôn ngữ.

  • Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
  • Phong cách ngôn ngữ khoa học.
  • Phong cách ngôn ngữ báo chí.
  • Phong cách ngôn ngữ chính luận.
  • Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
  • Phong cách ngôn ngữ hành chính.

– Phương thức biểu đạt.

  • Miêu tả.
  • Nghị luận.
  • Thuyết minh.
  • Điều hành.
  • Biểu cảm.
  • Tự sự

– Phép liên kết:

  • Phép nối.
  • Phép thế.
  • Phép tỉnh lược.
  • Phép lặp.
  • Phép liên tưởng.
  • Phép tương phản.

– Phương thức trần thuật:

  • Ngôi thứ nhất.
  • Ngôi thứ ba.
  • Ngôi thứ hai

– Các biện pháp tu từ và hiệu quả nghệ thuật.

– Các hình thức kết cấu đoạn văn.

2. Rèn luyện một số kĩ năng cơ bản khi làm bài.

– Sử dụng thời gian hợp lí để làm câu đọc – hiểu.

– Đọc kĩ văn bản và đọc yêu cầu trước để định hướng khi đọc văn bản.

– Trả lời trực tiếp câu hỏi.

-Nên dùng kí hiệu thống nhất như trong đề thi.

– Trình bày sạch đẹp, sáng rõ.

V. ÔN LUYỆN NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN.

1. ÔN TẬP KIẾN THỨC VỀ TỪ NGỮ.

a. Khái niệm: từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa.

Vd: nhạc, hoa, chiếc nón, nhí nha nhí nhảnh…

– Cấu tạo: đơn vị cơ sở để cấu tạo từ tiếng Việt là tiếng, còn gọi là âm tiết.

– Từ đơn: là những từ cấu tạo bằng một tiếng.

Vd: sách, bút, bàn, ghế, mưa, nắng.

– Từ ghép: là những từ có hai hoặc hơn hai tiếng được ghép lại với nhau dựa trên quan hệ ý nghĩa.

+ Ghép đẳng lập: là từ ghép mà giữa các tiếng có quan hệ bình đẳng, độc lập ngang hàng nhau, không có tiếng chính, tiếng phụ.

Vd: con cháu, bàn ghế, sách vở, tàu xe…

+ Ghép chính phụ: Từ ghép có tiếng chính, có tiếng phụ. (Thường thì tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau)

Vd: tàu hoả, đường sắt, sân bay, hàng không, nông sản, cà chua, dưa hấu, cỏ gà… xấu bụng, tốt mã, lão hoá… xanh lè, đỏ rực, ngay đơ, thằng tắp, sưng vù…

– Từ láy: Đa số đều là từ tượng thanh/ từ tượng hình

+ Láy hoàn toàn: ầm ầm, ào ào, rầm rầm, oa oa, gâu gâu, meo meo…

+ Láy bộ phận: róc rách, lom khom, hí ha hí hửng, sạch sành sanh…

b. Phân loại.

– Thực từ: Là những từ có ý nghĩa từ vựng và có khả năng cấu tạo thành phần chính trong câu

+ Danh từ: là những từ chỉ sự vật ( người, vật, hiện tượng, khái niệm hoặc đơn vị).

Vd: thầy giáo, dãy núi, gió, mưa…

+ Động từ: là những từ chỉ hành động, trạng thái của sự vật

Vd: đi, đứng, ăn, uống, nói, cười.

+ Tính từ: là những từ miêu tả đặc điểm hoặc tính chất( màu sắc, hình dáng, kích thước, trọng lượng, dung tích, phẩm chất) của sự vật, hoạt động, trạng thái,…

VD:  xanh , đỏ, tím..tròn,  méo..dài, ngắn, ngắn ngủn..nặng, nhẹ, ít, nhiều, nặng trịch…tốt, xấu, sạch, sạch bóng…

+ Đại từ: là từ dùng để xưng hô, để thay thế hoặc chỉ trỏ (chỉ định), tránh lặp lại danh từ.

Vd: tôi, tao, chúng tôi, anh ấy, nó, chúng nó…/này, kia, thế, ấy, đấy, nọ, vậy, cả…

+ Số từ: là những từ chỉ số lượng và thứ tự sự vật

Vd: một, hai, ba… tá …

– Hư từ: Là những từ không có ý nghĩa từ vựng, chỉ có ý nghĩa ngữ pháp.

+ Quan hệ từ: và, hoặc, nhưng, của, do, mà, để. Cặp quan hệ từ: tuy -nhưng, vì-nên, không những -mà còn, càng – càng…

+ Phụ từ: đã, đang, vẫn, cũng, mãi, nữa,…

+ Trợ từ tình thái: chính, ngay, cả, đến, tới, à, ư, nhé, nhỉ, chứ,….

+ Thán từ: a, ôi, ối á…

c. Quan hệ giữa các từ.

* Hiện tượng chuyển nghĩa: Trong từ nhiều nghĩa, bao giờ cũng có nghĩa gốc (nghĩa đen) và nghĩa chuyển (còn gọi là nghĩa bóng). Hiện tượng thay đổi nghĩa từ nghĩa gốc ban đầu của từ gọi là chuyển nghĩa.

Ví dụ:

Chẳng bao giờ đi cả
Là chiếc bàn bốn chân.
Riêng cái võng Trường Sơn
Không chân, đi khắp nước.

– Từ chân ở đây đã được dùng với nghĩa chuyển.Nghĩa chuyển với nghĩa gốc được tác giả sử dụng đồng thời đã tạo nên những liên tưởng thú vị, nhất là hình ảnh cái võng Trường Sơn dù không có chân mà cũng “đi khắp nước“.

* Đồng âm:

– Từ đồng âm là những từ trùng nhau về hình thức ngữ âm nhưng khác nhau về nghĩa.

+ Đường ­1 (đường tàu Thống Nhất); đường 2 (mua một cân đường).

+ Sao 1 (ông sao trên trời); sao 2 (sao anh lại làm như thế); sao 3 (đi sao giấy khai sinh); sao 4 (sao thuốc nam)…

+ Chỉ 1 (cuộn chỉ) – chỉ 2 (chỉ tay năm ngón) – chỉ 3 (chỉ còn có dăm đồng).

+ Câu 1 (nói vài câu) – câu 2 (rau câu) – câu 3 (chim câu) – câu 4 (câu cá).

*  Đồng nghĩa:

Từ đồng nghĩa là những từ tương đồng với nhau về nghĩa, khác nhau về âm thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong cách,… nào đó, hoặc đồng thời cả hai.

Ví dụ:

+ hy sinh, từ trần, băng hà, ngủm, chết, mất, qua đời

+ trông, ngó, liếc, dòm, nhìn…

* Trái nghĩa:

–  Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản về logic.

Ví dụ:

+ Mềm – cứng (chân cứng đá mềm); mềm – rắn (mềm nắn rắn buông); ít – nhiều (của ít lòng nhiều), lợi – hại (lợi bất cập hại), sống – chết….

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.