Kết cấu của tác phẩm văn học

Kết cấu của tác phẩm văn học

1. Kết cấu là gì?

Kết cấu là một phương tiện cơ bản của sáng tác nghệ thuật. Trên một mức độ lớn, có thể nói sáng tác tức là kết cấu. Khi người ta nói xây dựng tác phẩm, xây dựng cốt truyện, xây dựng tính cách, xây dựng cấu tứ trong thơ, … Có thể nói kết cấu tác phẩm là toàn bộ tổ chức tác phẩm phục tùng đặc trưng nghệ thuật và nhiệm vụ nghệ thuật cụ thể mà nhà văn đặt ra cho mình. Kết cấu tác phẩm không bao giờ tách rời nội dung cuộc sống và tư tưởng trong tác phẩm. Lê Lưu Oanh quan niệm: “Kết cấu là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố trong tác phẩm để tạo dựng được thế giới hình tượng giàu ý nghĩa thẩm mĩ, có khả năng khái quát đời sống, thể hiện tư tưởng của nhà văn”. Để tạo thành những sinh mệnh nghệ thuật có sức sống, tái hiện những bức tranh đời sống giàu tính khái quát, nghệ sĩ phải thực hiện công việc tổ chức các yếu tố của tác phẩm để tạo thành một chỉnh thể mang giá trị nghệ thuật. Việc tổ chức này rất sinh động và vô cùng phong phú.

Bất kì một tác phẩm văn học nào cũng có một hình thức kết cấu nhất định. Trong tác phẩm văn học, nhiêm vụ của kết cấu đi sâu hơn vào việc tổ chức nội dung, xây dựng tính cách. Việc xây dựng kết cấu của tác phẩm văn học phải được chỉ đạo thường xuyên của chủ đề và tư tưởng, phải phù hợp với những quy luật của đời sống xã hội và những quy luật vận động của tư tưởng. Do đó, kết cấu tạo điều kiện để người đọc có khả năng khái quát hóa được chủ đề và tư tưởng, nắm bắt được tính cách nhân vật một cách trực tiếp theo quy luật và trình tự phát triển của nội dung hiện thực của tác phẩm. Hà Minh Đức cho rằng: “Nhìn bên ngoài thì kết cấu như một cái sườn cấu tạo bao gồm các bộ phận và biện pháp thuần túy hình thức của tác phẩm. Nhưng thực ra nhiệm vụ trọng yếu và sâu xa hơn của kết cấu là sự tổ chức nội dung mà trực tiếp nhất là việc xây dựng tính cách và hoàn cảnh”2.

Trong mối quan hệ giữa kết cấu với chủ đề – tư tưởng thì chủ đề – tư tưởng bao giờ cũng đóng vai trò chỉ đạo và chi phối với kết cấu. Thông qua ý thức năng động của chủ quan nhà văn, nó sẽ quy định hình thức kết cấu của tác phẩm. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của kết cấu là phải tổ chức tác phẩm sao cho chủ đề tập trung, tư tưởng thống nhất, sao cho chủ đề – tư tưởng thấm sau vào từng bộ phận của tác phẩm, kể cả những chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ, trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, nếu không có sự xuất hiện chi tiết bát cháo hành của Thị Nở vào đúng lúc Chí Phèo bị bệnh và không một ai xót thương thì chắc chắn giá trị nhân đạo của tác phẩm sẽ không được sâu sắc như nó vốn có.

Các hình thức kết cấu trong tác phẩm văn học không còn giữ nguyên kết cấu tự nhiên của đời sống mà đã có sự tái tạo lại. Kết cấu trong tác phẩm văn học có thể không giống với kết cấu tự nhiên của một sự việc hoặc một cuộc đời riêng lẻ nào đó, nhưng bao giờ cũng phải dựa trên những quy luật và nguyên tắc của hiện thực xã hội và do những quy luật này chi phối. Những sáng tác văn học được viết theo phương pháp sáng tác hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa thường bao giờ cũng tuân thủ đúng theo nguyên tắc này. Ví dụ, dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945 đã mang rất rõ đặc điểm này. Trong Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng của Ngô Tất Tố; Chí Phèo, Sống mòn của Nam Cao; Bước đường cùng, Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, … mỗi tác phẩm đều có một hình thức kết cấu riêng.

Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm. Ở đây, chúng ta cần phân biệt kết cấu với bố cục của tác phẩm. Lê Bá Hán cho rằng: “Kết cấu thể hiện một nội dung rộng rãi, phức tạp hơn. Tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nội bề mặt, ở những tương quan bên trong. Bố cục là một phương diện của kết cấu. Ngoài bố cục, kết cấu còn bao gồm: tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm; nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thể của các thành phần của cốt truyện, nghệ thuật trình bày, bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện, … sao cho toàn bộ tác phẩm thực sự trở thành một chỉnh thể nghệ thuât”1. Còn bố cục nhằm chỉ sự sắp xếp phân bố các chương đoạn, các bộ phận của tác phẩm theo một trình tự nhất định. Một tác phẩm văn học, dù dung lượng lớn hay nhỏ cũng đều là những chỉnh thể nghệ thuật, bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận, … Tất cả những yếu tố, bộ phận đó được nhà văn sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học. Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đồi sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định.

2. Chức năng của kết cấu trong tác phẩm văn học.

Kết cấu là một yếu tố của hình thức, vì thế vai trò của nó chủ yếu được khẳng định trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với các yếu tố của nội dung tác phẩm như chủ đề, tư tưởng, tính cách, cốt truyện, các yếu tố ngoài cốt truyện. Kết cấu tác phẩm không chỉ là liên kết các hiện tượng, con người. Mối quan tâm lớn của nhà văn là làm sao sắp xếp tài liệu để cho cái chính yếu được nổi bật lên cái quan trọng gây được ấn tượng mạnh mẽ. Kết cấu tác phẩm thể hiện quá trình vật lộn của nhà văn với tài liệu sống, để biểu hiện một chân lí khái quát. Nó cũng phải phản ánh quá trình tư duy của nhà văn, quá trình vận động của tư duy ấy.

Khi nói đến vấn đề kết cấu của tác phẩm văn học, cần tránh khuynh hướng xem kết cấu thuần túy chỉ là những biện pháp có tính chất hình thức như cách chia các phần, các chương, các đề mục, … Mặt khác, cũng cần tránh khuynh hướng xem kết cấu như một yếu tố làm nền tảng của tác phẩm. Đề cập đến khái niệm kết cấu trong tác phẩm văn học, có khuynh hướng muốn đồng nhất khái niệm kết cấu với cốt truyện hoặc với sườn truyện, … để từ đó thủ tiêu khái niệm kết cấu. Thực ra kết cấu luôn tự nó được xác định như một yếu tố về hình thức của tác phẩm có những chức năng cụ thể không thể lẫn lộn với các khái niệm.

Kết cấu có khả năng và nhiệm vụ thâm nhập đến những đơn vị cơ bản nhất của cốt truyện (như động tác, biến cố), của nội dung (hình tượng, con người, sự vật, cảnh vật, …), của nhịp điệu (đoạn tiết tấu, vần, …). Kết cấu góp phần tổ chức, liên kết những xúc cảm, hành động, ngôn ngữ, … để trực tiếp xây dựng hình tượng tác phẩm. Nhiệm vụ bao quát và quan trọng nhất của kết cấu là góp phần biểu hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Trong quá trình sáng tác một tác phẩm văn học, thường chủ đề và tư tưởng của tác phẩm như một dự kiến khái quát toát lên do sự gợi ý trực tiếp của đời sống. Dự kiến về mặt chủ đề – tư tưởng được mở rộng và chủ đề – tư tưởng được hình thành thì nhà văn đã thai nghén, suy nghĩ về kết cấu của tác phẩm. Kết cấu của tác phẩm được xây dựng trong khuôn khổ và nhằm phục vụ trực tiếp cho việc bộc lộ chủ đề – tư tưởng của tác phẩm. Hà Minh Đức cho rằng: “Chúng ta cần phải phê phán chủ chủ nghĩa kết cấu, một khuynh hướng của chủ nghĩa hình thức, xem tổ chức kết cấu như khởi điểm và mục đích của sự sáng tạo, khẳng định mục đích tự thân của kết cấu, lấy kết cấu làm trung tâm của sự phân tích tác phẩm. Những khuynh hướng suy đồi phản ánh trong văn học cũng thường vận động những biện pháp kết cấu đặc biệt để thực hiện mục đích của chúng”1.

Kết cấu là toàn bộ tổ chức tác phẩm, khái niệm kết cấu có nhiều bình diện và cấp độ. Nó được xem xét ở bình diện quy luật tổ chức thể loại: kết cấu tự sự, kết cấu kịch, kết cấu trữ tình. Trần Đình Sử cho rằng: “Quả vậy, mỗi thể loại văn học có những phương thức tổ chức riêng. Kết cấu vở kịch khác hẳn với kết cấu một bài thơ trữ tình. Kết cấu một bài văn tế cũng khác hẳn với kết cấu một bài thơ trữ tình hay một bài kí. Ngay kết cấu của các loại tiểu thuyết cũng không giống nhau. Chẳng hạn, tiểu thuyết chương hồi khác so với tiểu thuyết hiện đại. Kết cấu tiểu thuyết tâm lí khác kết cấu tiểu thuyết trinh thám, phiêu lưu. Ở đây, sự hiểu biết về các loại hình tác phẩm, các tri thức về thi pháp của các dân tộc, các thời đại sẽ có ý nghĩa quan trọng để nhận ra tính độc đáo trong kết cấu của một tác phẩm”.

Ngoài ra, kết cấu còn có ba chức năng cơ bản sau: kết cấu là phương tiện khái quát hiện thực. Nhờ kết cấu mà các hiện tượng, sự vật, con người được liên kết lại trong một chỉnh thể nhằm thể hiện một nội dụng đời sống nhất định. Quê hương trong kỉ niệm của Đỗ Trung Quân là một tổng thể của những sắc màu, hương vị, âm thanh, hình ảnh, con người mang dấu ấn của tuổi thơ:

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay.”

(Quê hương)

Kết cấu góp phần biểu đạt tư tưởng và cảm xúc nhà văn: kết cấu tác phẩm thể hiện quá trình lựa chọn, sắp xếp tài liệu đời sống của nhà văn, để biểu hiện một tư tưởng sống động của nhà văn cũng thể hiện qua kết cấu. Kết cấu cũng phản ánh quá trình tư duy của nhà văn và quá trình vận động của tư duy ấy. Hình ảnh cây sồi rừng Nga trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi được miêu tả kĩ hai lần nhằm thể hiện sự chuyển biến sâu sắc tâm hồn của nhân vật Anđrây Bôncônxki. Kết cấu tạo nên giá trị thẩm mĩ và sức hấp dẫn của hình tượng: sẽ là thiếu nếu như không nói đến kết cấu tạo nên những giá trị thẩm mĩ cho hình tượng. Nhờ kết cấu, thế giới hiện thực được khái quát có giá trị thẩm mĩ cao, nghĩa là hướng tới cái đẹp, cái mới mẻ, hấp dẫn, giàu ý nghĩa nhân văn. Trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, dù có cái xấu, cái đau thương, đáng buồn cười nhưng cả thiên truyện vẫn vừa toát lên vẻ đẹp của tình người, của những khát vọng nhân sinh, vừa có sức lôi cuốn, thú vị của cách kể chuyện, cách xây dựng hệ thống nhân vật, cách miêu tả tâm lí, …

Như vậy, kết cấu của tác phẩm bao giờ cũng tăng cường sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm văn học, tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Phân tích kết cấu tác phẩm, người đọc có thể so sánh nó với các hình thức, thủ pháp kết cấu chung nhưng điều quan trọng là phải xuất phát từ bản thân tác phẩm và xem nó thể hiện tốt nhất chủ đề tư tưởng của tác phẩm hay không.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang