Kết cấu hình tượng sóng và em trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

ket-cau-hinh-tuong-song-va-em-trong-bai-tho-song-cua-xuan-quynh

Kết cấu hình tượng “sóng”“em” trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh

  • Mở bài:

“Sóng” là một bài thơ tình yêu rất đằm thắm, là lời tự hát tình yêu chân thật, nồng nàn của Xuân Quỳnh. “Sóng” cũng là một trong những bài thơ thể hiện chân thực vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương, gắn bó, trái tim luôn trăn trở lo âu, luôn mong được dâng hiến và hy sinh cho tình yêu. Sự kết hợp giữa hình tượng “sóng”“em” đã tạo nên sự đối sánh thú vị và sâu sắc của bài thơ này.

  • Thân bài:

Bài thơ là sự vận động và phát triển song hành của hai hình tượng“sóng”“em”. “Em”cái tôi trữ tình của nhà thơ, là hình tượng được miêu tả trong những cung bậc khác nhau của tình yêu. “Sóng” là hình tượng nghệ thuật được Xuân Quỳnh sáng tạo để diễn tả những cảm xúc, tâm trạng, những sắc thái tình cảm vừa phong phú, vừa phức tạp của một trái tim người phụ nữ đang rạo rực khao khát yêu đương.

Sóng tồn tại trong những đối cực gắt gao và khát khao mãnh liệt:

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.

Tình yêu trong trái tim “em” cũng như sóng, lúc dịu êm, lặng lẽ, lúc ồn ào, dữ dội, mong muốn vượt qua những giới hạn:

Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.

Tình yêu trong trái tim tuổi trẻ, cũng như con sóng trên đại dương, bí mật và bất biến, đa cực và vĩnh tồn:

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.

Sóng và tình yêu của em, có lúc trào lên và phô bày rõ ràng, có lúc chìm sâu lặng lẽ. Dù ở trên bề mặt, hay chìm sâu, lúc nào nó cũng vận động, chẳng bao giờ đứng yên:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

Sóng và tình yêu trong trái tim em lan toả muôn phương nhưng đều biết quy hướng. Nếu con sóng dù đi vạn dặm đều tìm đến bến bờ nào đó thì anh chính là nơi em sẽ đến, nơi trái tim em sẽ trú ngụ sau những biến động, đổi thay:

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Có thể thấy, “sóng” chính là hình ảnh ẩn dụ cho trái tim người phụ nữ đang yêu, là sự hóa thân thân phận của “em”. Hai hình tượng ấy khi phân đôi để soi chiếu sự tương đồng, khi hòa nhập để âm vang, cộng hưởng. Trái tim người phụ nữ đang yêu soi vào “sóng” để nhận ra mình, thông qua “sóng” để thể hiện những rung động, đam mê, khao khát… Hai hình tượng này đan cài, quấn quýt với nhau từ đầu đến cuối bài thơ, soi sáng cho nhau, nhằm diễn tả sâu sắc, thấm thía hơn những khát vọng tình yêu trào dâng mãnh liệt trong lòng nữ sỹ.

Với hình tượng “sóng”, bài thơ làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đứng trước đại dương, mang tâm thế của một cá thể đối diện với cái vô biên, vĩnh hằng, từ đó mà liên tưởng, suy tư, chiêm ngưỡng về tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, tự khám phá cái tôi trữ tình. Cảm xúc của bài thơ vì thế vừa sôi nổi, mãnh liệt, vừa có chiều sâu của triết lý.

Âm hưởng của bài thơ chính là âm hưởng của sóng, trước hết là sóng biển và sau đó là sóng lòng, là nhịp đập bồi hồi của trái tim người phụ nữ đang yêu. Thể thơ với những dòng thơ thường không ngắt nhịp, sự đắp đối các thanh bằng, trắc ở cuối mỗi câu thơ, khổ thơ, những từ ngữ trùng điệp, những cặp từ sóng đôi hô ứng, xô đuổi nhau từ cuối bài đã tạo nên âm hưởng dạt dào, nhịp nhàng, gợi nhịp điệu những con sóng miên man, bất tận, vô hạn vô hồi, khi ào ạt trào dâng, lúc êm đềm đằm lắng. Đó cũng đồng thời là nhịp đập của những con sóng lòng, những đợt sóng của đam mê khao khát và da diết yêu thương đang cuộn trào trong trái tim người phụ nữ.

  • Kết bài:

Thông qua hình ảnh ẩn dụ“sóng”“em”, bài thơ đã thể hiện chân thực những sắc thái phong phú, phức tạp và đầy quyến rũ của tình yêu, diễn tả sâu sắc trái tim bồi hồi, rạo rực và trăn trở, những trạng thái tâm lý với những nét riêng đầy nữ tính của Xuân Quỳnh.

 


Bài tham khảo:

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ khá nổi tiếng, xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Xuân Quỳnh có một giọng thơ rất duyên, vừa đằm thắm, vừa dịu dàng như chính tính cách của chị. Sinh thời Xuân Quỳnh đã có một số bài thơ tình xuất sắc như: Thơ tình cuối mùa thu, Tự hát, Thuyền và biển… Bài “Sóng” cũng nằm trong số những bài thơ tình nổi tiếng ấy.

Đề tài tình yêu luôn thu hút nhiều thi nhân. Tất cả là để tìm câu trả lời cho tình yêu là gì và tình yêu bắt đầu từ đâu. Với Xuân Diệu: Làm sao định nghĩa được Tình yêu… Xuân Quỳnh đến với thơ tình là để bày tỏ niềm khao khát về một tình yêu lý tưởng, lại vừa hướng tới một hạnh phúc đời thường giản dị và thiết thực. Hình tượng “sóng” trong bài thơ đã thể hiện thật sinh động và hấp dẫn tâm trạng của người con gái đang yêu, bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

Những khổ thơ đầu tiên nhân vật trữ tình đang đối diện với sóng, cảm nhận về sóng, tìm thấy mối liên hệ giữa sóng và khát vọng tình yêu. Hình tượng sóng ở khổ thơ đầu mang ý nghĩa tượng trưng cho tính khí và bản lĩnh của người phụ nữ. Con sóng là hiện thân của các đối cực dữ dội – dịu êm – ồn ào – lặng lẽ. Con sóng trung thực và thẳng thắn: khi sóng không hiểu nổi mình thì con sóng tìm đến biển, đến chân trời thoáng rộng, tự do.

Con sóng cũng tượng trưng cho khát vọng tình yêu nuôn đời của tuổi trẻ. Con sóng ngàn đời nay vẫn thế, cứ đập vỗ vô hồi vô hạn. Tình yêu cũng vậy, luôn đồng nghĩa với tuổi trẻ. Tất cả chúng tồn tại vĩnh hằng trên mặt đất này. Đứng trước sóng biển trùng trùng lớp lớp – nhân vật trữ tình (em) cảm nhận về nguồn gốc bí ẩn của tình yêu với hai câu hỏi: Sóng bắt đầu từ gió – gió bắt đầu từ đâu? khi nào ta yêu nhau? Không ai có thể trả lời cặn kẽ được câu hỏi này. Đó chính là nỗi bí ẩn của tình yêu và cũng vì càng bí ẩn nên càng say đắm, hấp dẫn hơn.

Khi con người đối diện trước thiên nhiên rộng lớn như biển khơi rất dễ sinh ra cảm giác nhỏ nhoi, bất lực, thậm chí rơi vào cảm giác hư vô. Nhưng với tâm hồn nữ tính mang khát vọng tình yêu mãnh liệt thì Xuân Quỳnh hướng tất cả vào tình yêu trần thế.

Hình tượng “sóng” và “em” bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn đơn giản nhưng phức tạp của người phụ nữ trong tình yêu. Sóng tượng trưng cho nỗi nhớ của người phụ nữ khi yêu, nhớ mọi nơi (không gian) lòng sâu, mặt nước, nhớ mọi lúc (thời gian): “Ngày đêm không ngủ được”, cũng như thế em nhớ anh đến nỗi “cả trong mơ còn thức”. Nghe qua có vẻ mơ hồ, vô lý. Nhưng không, em lúc nào cũng nhớ đến anh, trong mơ, khi thức, khi ngủ, khi tỉnh, khi mơ. Nhớ chính là biểu hiện của tình yêu, khi hết nhớ, cũng là lúc tình yêu chấm dứt.

Nhà thơ tiếp tục một cách nói rất lạ: “Dẫu xuôi về phương bắc – Dẫu ngược về phương nam”. Đây là cách nói ngược với cách nói thông thường (ngược bắc xuôi nam). Nhà thơ cố ý lạ hóa ngôn từ để gây ấn tượng. Sự tinh tế nằm ngay trong cái nghịch lí của tình yêu. Hơn nữa, đối với em, đâu chỉ có hai phương bắc và nam, mà còn có thêm một phương anh nữa, phương này là phương của tình yêu đôi lứa, là không gian của tương tư.

Cũng như Sóng, dù muôn vàn cách trở rồi cuối cùng cũng đến được bờ, “Em” ở đây, trên hành trình đi tìm hạnh phúc, cho dù gặp lắm chông gai, trắc trở, nhưng tin tưởng rồi “em” cũng sẽ tới đến bến bờ hạnh phúc. Cuộc đời tuy dài rộng, biển tuy vô tận bao la, nhưng tình yêu vẫn được cảm nhận thật cụ thể trong từng ngày tháng. Sống trong tình yêu con người không bao giờ cảm thấy hư vô mà cuộc đời luôn mới mẻ, đầy ý nghĩa. Cũng như sóng giữa biển lớn tình yêu. “Em” cũng muốn có được một tình yêu lớn lao, bất tử. “Em” nhân vật trữ tình ở đây bỗng vụt lớn để sánh ngang với biển cả. Quả là một nỗi khao khát lớn lao và cảm động.

Quả thật, hình tượng sóng của bài thơ đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu vừa tha thiết say đắm, vừa duyên dáng, nồng nàn mà vô cùng trong sáng cao đẹp của tình yêu đôi lứa muôn đời.

Xuân Quỳnh đã kết hợp sự liên tưởng hợp lí, tự nhiên giữa đặc điểm của sóng và đặc điểm của người con gái đang yêu. Sự liên tưởng này tạo nên hai hình tượng song song, nhưng hai mà một. Câu thơ năm chữ với những câu ngắn, đều nhau, tạo nên một ý niệm về hình thể của các con sóng, như con sóng dâng trào nhưng có khi chậm rãi nhẹ nhàng như lúc sóng êm biển lặng. Nhịp điệu của các câu thơ thật đa dạng, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng : 2/3 0. 1/2/2 0, 3/1/1 (Em nghĩ về anh, em), 3/2 0,v.v… Các cặp câu đối xứng xuất hiện liên tiếp, câu sau thừa tiếp câu trước, tựa như những đợt sóng xô bờ, sóng tiếp sóng dào dạt. Âm điệu của bài thơ với nhiều sắc điệu đa dạng, phong phú, tạo nên vẻ tự nhiên cho bài thơ. Ngoài ra còn phải kể đến tính chất nữ tính trong cách diễn đạt của Xuân Quỳnh, trong cách nhìn sóng của chị: thật dịu dàng đằm thắm nhưng cũng thật dữ dội.

“Sóng” là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân, phân thân của cái “tôi” trữ tình của nhà thơ. Cùng với hình tượng “sóng”, không thể không xem xét nó trong mối tương quan với “em”. Hình tượng sóng trước hết được gợi ra từ âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng của bài thơ. Đó là nhịp của những con sóng trên biển cả liên tiếp, triền miên, vô hồi, vô hạn. Đó là âm điệu của một nỗi lòng đang tràn ngập, đang khát khao tình yêu vô hạn, đang rung lên đồng điệu, hòa nhập với sóng biển.

Qua hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã diễn tả vừa cụ thể vừa sinh động nhiều trạng thái, tâm trạng với những cung bậc tình cảm khác nhau trong trái tim của người phụ nữ đang rạo rực khao khát yêu đương. Mỗi trạng thái tâm hồn cụ thể của người con gái đang yêu đều có thể tìm thấy sự tương đồng của nó với một khía cạnh, một đặc tính nào đó của sóng.

Qua bài thơ “Sóng”, ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ ấy mạnh bạo, chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và những rung động rạo rực trong lòng mình. Người phụ nữ ấy thủy chung, nhưng không còn nhẫn nhục cam chịu nữa. Nếu “sóng không hiểu nổi mình” thì sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó để “tìm ra tận bể”, đến cái cao rộng, bao dung..Đó là những nét mới mẻ “hiện đại” trong tình yêu. Tâm hồn người phụ nữ đó khao khát, không yên lặng. “Vì tình yêu muôn thuở – có bao giờ đứng yên” (Thuyền và Biển). Nhưng đó cũng là một tâm hồn thật trong sáng, thủy chung vô hạn. Bài thơ  “đã thể hiện được một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời nhưng vẫn mang tính chất hiện đại như tình yêu hôm nay”

12 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích 2 khổ đầu bài "Sóng" - Theki.vn
  2. Bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh là tiếng vọng của biển cả, tiếng vọng của tâm hồn - Theki.vn
  3. Phân tích bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  4. Phân tích lí tưởng nghệ thuật của Chế Lan Viên qua bài thơ "Tiếng hát con tàu" - Theki.vn
  5. Cảm nhận sắc điệu trữ tình trong bài thơ "Sóng" - Xuân Quỳnh - Theki.vn
  6. Cảm nhận về hình tượng sóng và tâm trạng của người phụ nữ đang yêu trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  7. Cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  8. Dàn ý phân tích một đoạn thơ hoặc một bài thơ - Theki.vn
  9. Cảm nhận vẻ đẹp tình yêu hồn hậu, đầy nữ tính trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  10. Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  11. Sóng (Xuân Quỳnh) (Ngữ văn 11, tập 1, Cánh Diều) - Theki.vn
  12. Đặc điểm cái tôi trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.