Kết cấu thẩm mỹ trong tác phẩm văn học

ket-cau-tham-my-trong-tac-pham-nghe-thuat

Kết cấu thẩm mỹ trong tác phẩm văn học.

Kết cấu thẩm mỹ là một mạng lưới tổ hợp sự kiện, nhân vật, tình tiết, chi tiết…, trong các mối quan hệ đa dạng nhưng thống nhất trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Bản thân kết cấu đúng nghĩa là kết cấu thi pháp học luôn mang tính nội dung, vì nó thể hiện hình thức mới của tư duy nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật và ý đồ sáng tạo nghệ thuật của tác giả. Việc nghiên cứu kết cấu phải đúng đặc thù thẩm mỹ của từng tác phẩm, nhất là kết cấu bên trong, bề sâu; không nên chỉ theo những tiêu chuẩn của đặc điểm thể loại có tính chất khuôn mẫu xưa nay. Vì kết cấu của thể loại nói chung chỉ là cái khung, cái sườn có ý nghĩa như là thể thức cố định, tự nó không phản ánh được hình thức bên trong, không phải là phương diện thể hiện được hình thức mới của cái nhìn cũng như cá tính sáng tạo của nhà văn. Chẳng hạn, kết cấu mang tính chất thể loại của thể thơ Đường luật (thất ngôn bát cú) là: Đề – Thực – Luận – Kết; của văn tế là: Lung khởi – Thích thực – Ai vãn – Kết luận.

Kết cấu thẩm mỹ của tác phẩm cần được tiếp cận và nghiên cứu như là một sự tổ chức cái nhìn nghệ thuật của tác giả. Chẳng hạn, khi tìm hiểu kết cấu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, cần đi từ hình thức mới trong cái nhìn nghệ thuật của tác giả, từ đó, xác định mạng kết cấu, các điểm nhìn và mối quan hệ giữa các điểm nhìn. Theo đó, cái nhìn mới của tác giả bài văn tế này là nhìn người nông dân trong những dáng nét, phẩm chất anh hùng, vì nghĩa, yêu nước, tự nguyện dấn thân, sẵn sàng hy sinh vì đất nước.

Các điểm nhìn trong mạng lưới kết cấu được triển khai ở các cách thức khác nhau.

+ Một là, nhìn người nông dân trong hai cực, hai không gian – thời gian trái ngược là thời bình và thời chiến để làm bật lên những đặc điểm thân phận và bản chất người nông dân. Thời bình thì vất vả lo toan với miếng cơm manh áo, thân phận hẩm hiu, bị quên lãng: cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó, chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung, chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ; việc cuốc việc cày, việc bừa việc cấy, tay vốn làm quen, tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó…). Thế nhưng, trong thời chiến, khi súng giặc đất rền, thì lòng dân trời tỏ. Người nông dân nghĩa sĩ sẵn sàng tự nguyện đứng lên anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc.

+ Hai là, điểm nhìn ở việc người nông dân bộc lộ ý thức với đất nước, động cơ, mục đích và tinh thần chiến đấu.

+ Ba là, nhìn người nông dân giữa hai phạm trù sống và chết, ý thức và hành xử giữa lẽ sống và cái chết.

+ Bốn là, nhìn người nông dân ở tính thủy chung như nhất với tổ tiên, đạo lý, Tổ quốc.

Đó chính là kết cấu thẩm mỹ bên trong của tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu. Kết cấu, với ý nghĩa là tổ chức và triển khai cái nhìn thành những điểm nhìn và mối quan hệ giữa chúng sẽ tạo nên mạng lưới gắn kết các điểm nhìn với nhau. Trong đó, các điểm nhìn sẽ là những phân hệ trong kết cấu chung có tính hệ thống của tác phẩm. Người phân tích cần phải không chỉ tìm ra giá trị của từng phân hệ, từng yếu tố mà còn phải tìm thấy giá trị của các mối quan hệ tạo nên tính tổng hợp thẩm mỹ của hình tượng. Chẳng hạn, kết cấu tác phẩm Người trong bao” của Sêkhôp phải được tìm hiểu và khai thác ở các phân hệ: người trong bao qua lời kể trực tiếp của nhân vật người kể chuyện (Bu-rơ-kin), người trong bao trong các mối quan hệ với những người xung quanh (Va-ren-ca, Cô-va-len-cô) người trong bao trong lời bình phẩm của người nghe chuyện (I-van). Từ các phân hệ trong mối quan hệ với nhau, kết cấu chung sẽ thể hiện rõ cách tổ chức và triển khai cái nhìn nghệ thuật và dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Khi phân tích tác phẩm, có thể tìm hiểu cả kết cấu bên ngoài (bề mặt) và kết cấu bên trong (bề sâu). Trong đó cần tập trung vào kết cấu bên trong, vì kết cấu bề mặt thường là những cái khung kết cấu có tính cố định. Chẳng hạn kịch thì có 5 bước phát triển; thơ Đường luật thì có Đề – Thực – Luận – Kết, văn tế thì có Lung khởi – Thích thực – Ai vãn – Kết luận; văn bản văn xuôi thì thường có thể có kết cấu ba phần là nêu vấn đề (đặt vấn đề), giải quyết vấn đề và kết luận. Còn kết cấu bên trong là kiểu kết cấu mang tính sáng tạo của tác giả, tạo nên hình thức bên trong mang tính độc đáo, đặc thù không lặp lại của tác phẩm. Do vậy, kết cấu bên trong không như cái khung kết cấu có tính mặc định của kết cấu bề mặt thể loại, mà nó mang tính nội dung, tư tưởng và thẩm mỹ.

Tính sáng tạo của tác giả trong kết cấu tác phẩm còn thể hiện ở chỗ: Mỗi tác phẩm cụ thể có kiểu kết cấu riêng, tùy thuộc vào cái nhìn, điểm nhìn và cách tổ chức, sắp xếp tình tiết, sự kiện…, của tác giả. Đối với thơ hiện đại thì tứ thơ có ảnh hưởng lớn đến kết cấu tác phẩm. Chẳng hạn trường hợp hai bài thơ cùng viết về một đề tài, phản ánh một kiểu nhân vật trong xã hội nhưng có kết cấu khác nhau như Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu và Lời kỹ nữ của Xuân Diệu. Ở một tác giả, kết cấu bên trong của các tác phẩm, dù cùng thể loại, nhưng cũng luôn khác nhau với kết cấu riêng mang tính đặc thù. Chẳng hạn trong sáng tác của Nam Cao: Ở Chí Phèo”, kết cấu tác phẩm xoay xung quanh trục cuộc đấu tranh của hai con người trong một con người Chí Phèo; quan hệ giữa tác giả và nhân vật chính là tác giả vừa ở bên ngoài nhân vật, có khi lại nhập thân nhân vật. Trong Sống mòn thì tác giả hoàn toàn đắm vào trong nhân vật Thứ, không có miêu tả ngoại hình nhân vật. Kết cấu Chí Phèo chặt chẽ, kết cấu Sống mòn lỏng lẻo, tự do.

TrongĐời thừa” thì kết cấu bên trong thể hiện ở những không gian tồn tại của con người vật chất và con người tinh thần của nhân vật Hộ; ở sự xung đột, bất hòa giữa ước mơ, khát vọng với thực tại áo cơm thường nhật; giữa viết để kiếm sống cho cá nhân và gia đình mình với viết vì con người, vì xã hội; giữa mơ và thực. Sáng tác cũng như phê bình, nghiên cứu văn học hiện đại và hậu hiện đại không đề cao kết cấu bề mặt, cốt truyện truyền thống. Đặc biệt, trong văn học hậu hiện đại theo xu hướng văn học dòng ý thức, các tác giả hoàn toàn bỏ qua kết cấu bề mặt. Do vậy, trong việc tìm hiểu, nghiên cứu thì phân tích cốt truyện theo năm bước không phù hợp nữa, vì các bước đó không đóng vai trò quan trọng trong truyện hiện đại, không có tác dụng gì trong việc thể hiện mục tiêu, ý đồ và sáng tạo của tác giả. Nghĩa là nếu tìm hiểu, phân tích và nghiên cứu theo hướng đó thì không tìm được giá trị tư tưởng và thẩm mỹ đích thực của tác phẩm.

Như vậy, khi tìm hiểu và nghiên cứu văn học hiện đại và hậu hiện đại, không nên tìm hiểu theo kết cấu bề mặt mà cần phân tích theo kết cấu bên trong. Có như vậy thì mới hiểu đúng được chân giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm, cũng như hiểu được những sáng tạo nghệ thuật đích thực của tác giả. Chẳng hạn, kết cấu bên trong của truyệnVợ chồng A Phủ” của Tô Hoài thể hiện tính tương hỗ thẩm mỹ ở cấu trúc hình tượng nhân vật cũng như bức tranh chung của tác phẩm, từ ý nghĩa của tiêu đề, sự phối kết giữa hai nhân vật chính là Mỵ và A Phủ, sự tương phản và xung đột giữa các nhân vật chính diện và phản diện, sự tương tác thẩm mĩ giữa con người với thiên nhiên và với văn hóa cư dân ở đó.

Qua Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, hãy làm sáng tỏ ý kiến: “Điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.