Khái quát về văn bản (Tiếng Việt)

KHÁI QUÁT VỀ VĂN BẢN.

I. Văn bản là gì?

  • Xét các ví dụ:

Ví dụ 1: Loại thực vật này không chỉ bắt ăn những loại côn trùng mà có thể “ăn thịt” cả những con nhái nhỏ. Nhưng trên thế giới còn có những loài thực tế vật ăn động vật, gọi là các loài cây ăn thịt. Động vật ăn thực vật là điều ai cũng biết. Loại thực vật này trên thế giới có khoảng 500 loài.

Ví dụ 2: Động vật ăn thực vật là điều ai cũng biết. Nhưng trên thế giới còn có những loài thực vật ăn động vật, gọi là các loài cây ăn thịt. Loại thực vật này không chỉ bắt ăn những loại côn trùng mà có thể “ăn thịt” cả những con nhái nhỏ. Loại thực vật này trên thế giới có khoảng 500 loài.

– So sánh hai ví dụ trên ta thấy: ở hai ví dụ trên đều có một số câu, chữ như nhau nhưng ví dụ 2 là một thể hoàn chỉnh có giá trị tạo nên một thông tin có tính chất logic trọn vẹn. Còn ví dụ 1 là một chuỗi lộn xộn không đủ khả năng tạo nên một thông tin hoàn chỉnh. Người đọc không hiểu người viết muốn nói gì. Mặc dù, nếu tách rời từng câu, mỗi câu vẫn là một chỉnh thể ngữ pháp, đúng với văn phạm tiếng Việt.

– Như vậy, nếu ta có một loạt câu đúng nhưng không được sắp xếp, tổ chức theo một phương thức nhất định thì không thể trở thành văn bản.

– Khi giao tiếp, người nói phải thực hiện việc lập mã, nghĩa là chuyển nội dung ý nghĩa thành ngôn bản, còn người nghe phải thực hiện việc giải mã, nghĩa là tìm ra ý nghĩa của ngôn bản tiếp nhận được. Đó là quá trình tạo lập ngôn bản của người nói và phân tích ngôn bản của người nghe. Một ngôn bản được biểu hiện bằng chữ viết sẽ được gọi là một văn bản.

Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp ở dạng viết, thường là tập hợp của các câu, có tính trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức, có tính liên kết chặt chẽ và hướng tới một mục tiêu giao tiếp nhất định.

II. Đặc trưng của văn bản.

1. Tính mục đích.

Mỗi một văn bản hướng tới một mục tiêu giao tiếp nhất định. Tức là phải trả lời cho câu hỏi: Viết văn bản nhằm mục đích gì? Viết để làm gì? Mục tiêu của văn bản quy định việc lựa chọn chất liệu nội dung và phương tiện ngôn ngữ.

2. Tính chỉnh thể.

a. Tính trọn vẹn về nội dung:

– Văn bản dù dài hay ngắn cũng trình bày được một nội dung trọn vẹn, khiến cho người đọc tiếp nhận được nội dung thông báo: yêu cầu, sự việc, tư tưởng hay tình cảm của người viết.

– Tất cả các câu trong văn bản đều tập trung thể hiện một chủ đề nhất định. Chủ đề này có thể được phát triển qua các chủ đề bộ phận nhưng toàn văn bản vẫn đảm bảo tính nhất quán về chủ đề chung.

– Toàn bộ nội dung trong văn bản mang chung một tiêu đề hoặc có khả năng đặt một tiêu đề chung.

Tính trọn vẹn về nội dung có tính chất tương đối và ở nhiều mức độ khác nhau, phụ thuộc vào các nhân tố của hoạt động giao tiếp.

b. Tính hoàn chỉnh về hình thức:

Văn bản ở dạng hoàn chỉnh nhất gồm bốn phần. Dựa vào cấu trúc có thể chia văn bản thành 4 loại:

  1. [tiêu Đề], Mở đầu, Phát triển, Kết luận.
  2. [tiêu Đề], Mở đầu, Phát triển.
  3. [tiêu Đề], Phát triển, Kết luận.
  4. [tiêu Đề], Phát triển.

– Tính hoàn chỉnh của một văn bản càng cao thì việc cắt bỏ các bộ phận ra khỏi văn bản lại càng khó thực hiện. Nói cách khác, ở các văn bản có tính hoàn chỉnh cao, các bộ phận và các yếu tố hợp thành của nó có quan hệ qua lại, ràng buộc với nhau rất chặt chẽ, bền vững, không thể loại bỏ một yếu tố nào đó mà không ảnh hưởng đến các yếu tố còn lại.

Ví dụ : “Tuyên ngôn độc lập” (Hồ Chí Minh) là một văn bản có tính chỉnh thể.

– Tiêu đề: “Tuyên ngôn độc lập”.

– Cấu trúc chặt chẽ, có sự thống nhất về chủ đề, thống nhất về tư tưởng trong tác phẩm: bố cục chặt chẽ, gồm 3 phần: cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn, cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn, lời tuyên bố hòa bình. Phần 1 là cơ sở của phần 2, phần 3 là kết quả tất yếu được rút ra từ phần 1 và phần 2.

– Phong cách chính luận với lập luận chặt chẽ, giàu chất trí tuệ, gắn lí luận với thực tiễn, giàu tính chiến đấu

→ Tạo được sự thống nhất về nội dung và hình thức.

3. Tính phong cách.

a. Văn bản mang phong cách nói:

– Hội thoại (tự do) khẩu ngữ tự nhiên: dùng các từ ngữ ít chọn lọc, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, dùng nhiều hư từ, lặp từ, cử chỉ…

– Hội thoại chọn lọc: gần với phong cách viết hơn, được dùng trong giao tiếp chính thức (đoạn thoại của văn bản, truyện ngắn…).

b. Văn bản mang phong cách viết:

– Mang rõ phong cách của từng thể loại một, mang tính chất thuật ngữ rõ nét, ngoài ra, còn mang đặc trưng phong cách của người viết.

– Khi viết thường bộc lộ rõ: Viết cho ai? Viết về vấn đề gì? Viết để làm gì?

– Từ đó, thể hiện phong cách viết như thế nào?

4. Tính chính xác:

– Tính chính xác của văn bản thể hiện ở chỗ: văn bản phải được tổ chức theo đúng các quy tắc sử dụng tiếng Việt. Theo cách hiểu đó, yêu cầu chính xác trong việc sử dụng tiếng Việt thể hiện như sau:

– Yêu cầu về chữ viết: người viết phải viết rõ và đặc biệt phải viết đúng các quy tắc chính tả tiếng Việt hiện hành. Việc viết sai chính tả thường dẫn đến những hậu quả xấu, gây hiểu lầm, làm cho văn bản mất chính xác.

– Yêu cầu về từ ngữ: phải dùng đúng nghĩa của từ đã được xác định. Nghĩa của từ là nội dung do từ biểu thị.

– Yêu cầu về ngữ pháp: Ngữ pháp tiếng Việt bao gồm toàn bộ các quy tắc sắp xếp các từ để tạo thành ngữ và câu. Những quy tắc ấy có tính chặt chẽ, bắt buộc mọi người phải tuân theo trong khi tạo văn bản.

III. CẤU TẠO VĂN BẢN.

1. Đoạn văn.

a. Đoạn văn là gì?

– Đoạn văn là một bộ phận của văn bản do câu tạo thành theo một cấu trúc nhất định, biểu thị một nội dung đầy đủ hoặc tương đối đầy đủ, độc lập tương đối hay phụ thuộc, được tách ra một cách hoàn chỉnh, rõ ràng về mặt hình thức (được mở đầu bằng chữ lùi đầu dòng và kết thúc bằng dấu ngắt đoạn).

b. Câu chủ đề của đoạn văn.

– Đoạn văn thường có hai loại câu: câu chủ đề và câu khai triển. Câu chủ đề là câu mang ý khái quát, gần trùng với ý chính của đoạn. Câu khai triển làm nhiệm vụ minh họa, khai triển ý của câu chủ đề.

– Cũng có trường hợp, đoạn gồm các câu câu có vai trò như nhau, cùng nhau thể hiện một chủ đề. Ta gọi đoạn văn đó không có câu chủ đề.

– Đoạn văn có câu chủ đề:

+ Đoạn văn diễn dịch: câu chủ đề ở đầu đoạn văn. Nội dung của đoạn đi từ cái chung, cái khái quát đến cái riêng, cái cụ thể.

Ví dụ: “Nhật ký trong tù” canh cánh một tấm lòng nhớ nước. Chân bước đi trên đất Bắc mà lòng vẫn hướng về Nam, nhớ đồng bào trong cảnh lầm than, có lẽ nhớ cả tiếng khóc của bao nhiêu em bé Việt Nam qua tiếng khóc của một em bé Trung Quốc, nhớ người đồng chí đưa tiễn đến bến sông, nhớ lá cờ nghĩa đang tung bay phấp phới. Nhớ lúc tỉnh và nhớ cả trong lúc mơ (Hoài Thanh).

+ Đoạn văn quy nạp: câu chủ đề đứng cuối. Câu sau làm rõ, khái quát nâng lên thành luận điểm cho các câu trước.

Ví dụ: Nhân dân ta tốt thật. Nhưng ta nên nhớ câu chuyện anh Tăng. Địch tuyên truyền xảo quyệt và bền bỉ, ngày này đến ngày khác, năm này đến năm khác, “giọt nước nhỏ lâu đá cũng mòn”. Cho nên không khỏi có một số đồng bào bị địch tuyên truyền mãi mà hoang mang. (Hồ Chí Minh).

+ Đoạn văn quy nạp – diễn dịch: câu chủ đề nằm ở giữa đoạn.

Ví dụ: Những bất hạnh của cuộc đời riêng, những bất hạnh của dân tộc là những thử thách vô cùng lớn lao của Nguyễn Đình Chiểu. Vì vậy, cuộc đời ông là cuộc đấu tranh vô cùng gay go và gian khổ. Đấu tranh để không bị gục ngã trước số phận khắc nghiệt và tàn bạo, đấu tranh để chống lại những lưới bẫy của kẻ thù, những thành kiến lỗi thời của xã hội… Đấu tranh với bên ngoài, đấu tranh với cả bản thân trước những ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo để gia nhập vào hàng ngữ nhân dân cách mạng và trở thành người nghệ sĩ nhân dân…

+ Đoạn văn tổng phân hợp: Câu chủ đề vừa ở đầu đoạn, vừa ở cuối đoạn.

Ví dụ: Căn nhà anh Hoàng ở nhờ có thể gọi là rộng rãi. Ba gian nhà gạch sạch sẽ. Hàng hiên rộng ở ngoài. Một mảnh vườn trồng hoa tươi rười rượi. Xinh xắn lắm. (Nam Cao).

– Đoạn văn không có câu chủ đề:

+ Đoạn văn móc xích: các ý trong đoạn nối tiếp nhau, câu này làm tiền đề xuất hiện câu khác và cứ như thế cho đến hết đoạn.
Thường xuất hiệt trong truyện dân gian với các câu tồn tại hoặc nêu những sự kiện theo một trình tự có tính chất liệt kê.

Ví dụ: – Ngày xưa, ở làng nọ có một quả núi cao. Trong núi có một cái hang. Trước cửa hang có một tảng đá. Tảng đá giống hình con thỏ.

– Cám tức lắm về nhà kể cho mẹ nghe. Mẹ nó xui bắt chim làm thịt ăn. Cám về cung sai lính giết chim ăn rồi vứt lông ra vườn. Lông chim lại hoá ra cây xoan đào tốt tươi. Vua thấy cây đẹp, lấy làm thích, sai mắc võng đào nằm nghỉ, hóng mát.

Trong văn chính luận, kết cấu của đoạn văn thường mang tính chất lập luận.

Ví dụ: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước và thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của trong bể máu”. (Hồ Chí Minh).

Ví dụ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa thì phải có học vấn tiên tiến. Vì vậy văn hóa là một vấn đề rất quan trọng, việc học văn hóa là rất cần thiết”. (Hồ Chí Minh).

+ Đoạn văn song hành: đây là đoạn văn mà vai trò các câu đều bình đẳng như nhau. Trong nội dung, các ý đều như nhau, không có hiện tượng ý này bao quát ý kia. Kiểu kết cấu này thường phổ biến trong miêu tả liệt kê.

Ví dụ: Mọi tiếng động trong nông trường đã im bặt từ lâu. Những quả đồi trọc nằm gối đầu vào nhau ngủ im lìm. Chỉ có gió và bóng tối vẫn thì thào đi lại. Hơi lạnh trên khắp mọi nẻo căm căm.

3. Vấn đề liên kết văn bản.

– Văn bản với tư cách là đơn vị giao tiếp cơ bản, phải được tổ chức theo một nguyên tắc nào đó mang tính đặc trưng, bản chất của nó. Đặc trưng đó chính là tính liên kết.

– Liên kết “là khái niệm của lí thuyết hệ thống chỉ tình trạng gắn bó các đơn lẻ, khác biệt thành những chỉnh thể, đồng thời cũng có nghĩa là chỉ tình trạng hay quá trình dẫn đến kết quả ấy”. Ta hiểu một cách khái quát: liên kết là mạng lưới các mối liên hệ để tạo thành chỉnh thể. Như vậy, liên kết là nhân tố quan trọng để biến chuỗi câu thành văn bản.

a. Liên kết nội dung.

Được tạo thành nhờ liên kết chủ đề và liên kết logic.

– Liên kết chủ đề: là cách thức làm cho các thành phần trong văn bản xoay quanh chủ đề, tập trung thể hiện chủ đề. Nội dung của chủ đề văn bản thường được diễn đạt thành hai bộ phận: đối tượng chủ đề và đặc trưng chủ đề. Đối tượng chủ đề là sự vật trung tâm được nói đến, đặc trưng chủ đề là phần nói về chủ đề, giải thích chủ đề.

– Liên kết lôgic: các câu trong văn bản phù hợp với nhau trong những quan hệ ngữ nghĩa nhất định, các phần trong văn bản có sự sắp xếp thể hiện qua bố cục, kết cấu một cách hợp lí.

+ Lôgic hiện thực: các sự vật, hiện tượng, tư tưởng trong văn bản phải phản ánh đúng qui luật của hiện thực khách quan.

+ Lôgic tự nhiên của một nền văn hóa: người viết phải tôn trọng những qui định, những lẽ thường của một nền văn hóa.

+ Lôgic của tư duy, nhận thức: là lôgic của sự trình bày, thuyết phục của người viết sao cho phù hợp với tư duy, nhận thức của người đọc.

b. Liên kết hình thức.

Muốn thể hiện được nội dung cần phải có một loạt các phương tiện, phương thức hóa để vật chất hóa, cụ thể hóa. Người ta chỉ có thể đánh giá chính xác mức độ liên kết nội dung nhờ vào các phương tiện, phương thức đó. Nói cách khác, liên kết hình thức là hoạt động của các phương tiện liên kết câu theo những phương thức nhất định: lặp, thế, nối…để thể hiện sự liên kết nội dung.

– Các dạng liên kết:

+ Liên kết tiếp giáp (trực tiếp): khi hai câu đứng liền kề nhau, liên kết với nhau.

+ Liên kết cách bức (gián tiếp): hai câu đứng xa nhau liên kết với nhau.

+ Liên kết bắc cầu: hai câu đứng liền nhau có sự liên kết với nhau nhờ việc chúng cùng có quan hệ với câu thứ ba.

c. Vai trò của liên kết.

Sự liên kết giúp văn bản trở thành một thể thống nhất, chặt chẽ, một khối định hình về tất cả các mặt nội dung, hình thức và cấu trúc.

– Liên kết giúp mỗi câu, mỗi đoạn có giá trị đích thực của nó.

– Nhờ có tính liên kết mà những câu nếu đứng tách riêng ra thì sai, nhưng ở trong văn bản thì chấp nhận được, thậm chí rất hay, có nghệ thuật.

– Nhờ có tính liên kết mà nhiều câu vốn phi logic trở thành logic.

→ Như vậy, liên kết làm cho văn bản dù đa dạng, phong phú về nội dung và dung lượng đến đâu vẫn đảm bảo tính mạch lạc, thống nhất về chủ đề, đồng thời liên kết còn làm cho người đọc nắm bắt được những vấn đề mà người viết đã gửi gắm trong văn bản.

4. Một số phép liên kết câu trong văn bản.

Để liên kết câu thành văn bản, phải dùng các phép liên kết. Các phép liên kết gồm: phép lặp, phép thế, phép tỉnh lược, phép liên tưởng, phép đối, phép tuyến tính và phép nối. Trong một văn bản, có thể dùng một hoặc một số phép liên kết nói trên.

a. Phép lặp.

Phép lặp là việc dùng đi dùng lại nhiều lần trong văn bản một yếu tố ngôn ngữ nào đó (từ ngữ, cấu trúc âm thanh) nhằm tạo ra sự liên kết. Phép lặp, ngoài khả năng kết nối các bộ phận của văn bản lại với nhau, còn có thể đem lại những ý nghĩa tu từ như nhấn mạnh, gây cảm xúc, gây ấn tượng…

* Lặp từ vựng: là dạng lặp các yếu tố từ vựng, đây là dạng lặp thường gặp nhất trong văn bản. Yếu tố được lặp có thể nguyên vẹn mà cũng có thể được lược bớt.

Ví dụ:

– Dân là gốc của nước. Dân có giàu thì nước mới mạnh.

* Lặp ngữ âm: là hiện tượng thành tố sau lặp lại âm tiết, vần, thanh điệu của một thành tố đi trước.

Ví dụ: Đi một ngày đàng học một sàng khôn; Giỏ nhà ai quai nhà nấy; Con hơn cha là nhà có phúc

* Lặp ngữ pháp: câu sau lặp lại cấu trúc (mô hình) của câu trước.

Ví dụ:

– Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt. (Hồ Chí Minh).

– Đức có vững, tài mới bền. Cũng như, gốc có vững, cành lá mới xanh tươi; than có tốt, lửa hồng mới đượm.

b. Phép thế.

– Là phép liên kết, bằng cách thay những từ ngữ nhất định bằng những từ ngữ có ý nghĩa tương đương (cùng chỉ sự vật ban đầu, còn gọi là có tính chất đồng chiếu). Từ ngữ thay thế và từ được thay thế cùng nói tới một đối tượng chung nên chúng có tác dụng liên kết giữa các phần văn bản chứa chúng.

– Ngoài chức năng liên kết, phép thế còn là một biện pháp hiệu quả để rút ngắn độ dài văn bản, đa dạng hóa trong cách diễn đạt, tránh sự lặp lại một cách đơn điệu.

– Có hai loại phương tiện dùng trong phép thế là thay thế bằng từ ngữ đồng nghĩa và thế bằng đại từ.

* Thế đại từ: là dùng những đại từ (nhân xưng, phiếm chỉ, chỉ định) để thay cho một từ ngữ, một câu, hay một ý gồm nhiều câu… nhằm tạo ra tính liên kết giữa các phần văn bản chứa chúng.

Ví dụ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta” (Hồ Chí Minh).

“Những bất bình đẳng về kinh tế thường đưa đến sự bùng nổ của đấu tranh cách mạng. Chúng ta cần giữ quan điểm ấy khi nghiên cứu lịch sử các nước.

Lưu ý:

– Hiệu quả liên kết của thế đại từ sẽ gia tăng nếu đại từ đi kèm với một danh từ có nghĩa khái quát.

– Thế đại từ cũng có khả năng duy trì chủ đề như lặp từ ngữ.

* Thế đồng nghĩa.

– Là phương thức liên kết thực hiện bằng cách sử dụng ở những câu sau những từ ngữ đồng nghĩa với những từ ngữ khác đã xuất hiện ở những câu trước đó. Phương tiện ngôn ngữ dùng ở đây là từ đồng nghĩa hoặc đồng sở chỉ.

– Thế đồng nghĩa từ vựng:

Ví dụ: Người Pháp đổ máu đã nhiều. Dân ta hy sinh cũng không ít → Thế đồng nghĩa phủ định.

+ Ông Tám Xẻo Đước chết để quân giặc khiếp sợ. Sự hy sinh của ông làm cho đồng bào quyết tâm hơn. (Thế đồng nghĩa biểu cảm).

+ Thơ lục bát giàu nhạc điệu. Nguyễn Du đã dùng thể thơ thuần túy Việt Nam ấy để viết nên tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng → Thế đồng nghĩa miêu tả.

– Thế đồng nghĩa ngữ cảnh (thế đồng nghĩa lâm thời):

Ví dụ: Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu.

Lưu ý:

+ Thế đồng nghĩa giúp người viết tránh sự lặp đi lặp lại nhiều lần một từ ngữ nào đó gây cảm giác nhàm chán.

+ Thế đồng nghĩa cung cấp thông tin phụ, làm tăng nội dung biểu đạt của văn bản.

+ Thế đồng nghĩa có khả năng duy trì chủ đề như lặp từ ngữ và thế đại từ nhằm tạo tính liên kết cho các câu trong văn bản.

c. Phép liên tưởng.

– Liên tưởng là quan hệ giữa các từ mà khi một từ xuất hiện thì làm cho người ta nghĩ đến từ khác. Các từ có quan hệ liên tưởng thường biểu hiện những sự vật, hoạt động, tính chất, trạng thái, số lượng… thuộc cùng một phạm trù, một phạm vi của thực tế khách quan. Việc dùng các từ đó ở các câu kế tiếp nhau trong văn bản có tác dụng liên kết các câu với nhau. Cũng căn cứ vào hệ thống các từ có quan hệ liên tưởng này, ta có thể phát hiện ra đề tài, cũng như chủ đề của văn bản nói chung, đoạn văn nói riêng.

+ Liên tưởng bộ phận: là phương thức liên kết thực hiện bằng cách sử dụng ở câu thứ hai một từ ngữ chỉ bộ phận mà toàn thể của nó đã được một từ ngữ khác nói đến ở câu thứ nhất. Ví dụ: Thế giới ngày nay là một thế giới phẳng. Mọi nền kinh tế đều thâm nhập lẫn nhau. Hàng rào thuế quan cũng chẳng giúp gì nhiều trong việc bảo hộ sản xuất nội địa.

+ Liên tưởng toàn thể: là phương thức liên kết thực hiện bằng cách sử dụng ở câu thứ hai một từ ngữ chỉ toàn thể mà bộ phận của nó đã được nói đến ở câu thứ nhất bằng một từ ngữ khác. Ví dụ: Chồng ngồi xem báo. Vợ đang khâu vá. Các con ríu rít học bài. Cái gia đình ấy thật hạnh phúc.

+ Liên tưởng đồng loại: là phương thức liên kết thực hiện bằng cách sử dụng ở hai câu văn những từ ngữ chỉ cùng một loại sự vật hay hiện tượng. Ví dụ: Vàng lên giá. Nhà đất đóng băng. USD lường khừng. Tiền Đồng đang đứng trước sức ép lớn.

+ Liên tưởng định vị: là liên tưởng theo quan hệ định vị giữa các vật hay theo công dụng, chức năng của vật (phản ánh sự vật vào ngôn ngữ theo lô gic khách quan). Ví dụ: Sau khi mở cửa phòng mổ, đèn bật sáng trưng. Bác sĩ đang rửa tay thay áo. Các y tá lăng xăng chạy đi chạy lại.

+ Liên tưởng theo quan hệ nhân quả: là liên tưởng theo phép kéo theo như: tuy… nhưng (nghịch nhân quả), nếu… thì (điều kiện/ giả thiết- hệ quả). Ví dụ: Dân tộc Việt Nam quá hiểu về giá trị của tự do. Họ đã không ngần ngại chấp nhận những hy sinh mất mát lớn lao để có được điều đó.

Lưu ý:

+ Hoạt động liên tưởng thường được thực hiện thông qua những từ ngữ có chung một trường nghĩa. Nhờ sự gần gũi về nghĩa mà có liên tưởng là có liên kết.

+ Liên tưởng đồng loại thực hiện giữa những sự vật ngang hàng với nhau, nghĩa là không có cái nào bao hàm cái nào như liên tưởng bộ phận và liên tưởng toàn thể.

+ Liên tưởng đồng loại thường được dùng để phát triển chủ đề.

d. Phép đối.

– Là việc sử dụng từ hoặc cụm từ ở câu sau có ý nghĩa đối lập với từ hoặc cụm từ đã sử dụng ở câu trước trong đoạn văn đó. Ví dụ: Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, dù là việc nhỏ. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, dù là việc nhỏ.

1.4.5. Phép tỉnh lược

– Là phép liên kết mà câu sau được lược bớt đi một số từ ngữ đã có ở câu trước, có thể khôi phục được do sự hỗ trợ của ngữ cảnh.

– Tỉnh lược mạnh: bị lược bỏ các thành phần như: chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ. Câu có yếu tố bị lược bỏ trở thành một câu rút gọn.

Ví dụ:

– Tôi lặng lẽ ra khỏi hang. Cũng không có một ý nghĩ rõ rệt. (Tô Hoài) → tỉnh lược chủ ngữ.

– Chỉ ở những chỗ không ai ngờ mới có đò ngang sang sông. Có lối vào sau lưng phủ Hoài ra đầu ô. Và có hàng quán. (Tô Hoài).

– Tỉnh lược yếu: lược bỏ các thành tố của cụm động từ hoặc cụm danh từ.

Ví dụ:

– Bố viết thư ngay cho mẹ để mẹ biết. Rồi con sẽ viết sau (tỉnh lược bổ tố).

– Y vào một hiệu phở, gọi một bát phở tái ăn. Nước dùng ngon. Y gọi luôn một bát thứ hai. (Nam Cao).

e. Phép tuyến tính.

– Là phép liên kết dùng trật sắp xếp các câu trong văn bản theo quan hệ chặt chẽ với nhau về nội dung mà không dùng các yếu tố liên kết khác.

+ Quan hệ theo thời gian thuần túy:

Ví dụ: Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới. (Hồ Chí Minh).

+ Quan hệ nhân quả:

Ví dụ: Phát súng nổ. Em bé từ trên lưng trâu ngã xuống. (Anh Đức).

+ Quan hệ đối lập:

Ví dụ:

– Đường làng lắm ổ gà và lầy lội. Chúng tôi vẫn cố gắng trở về đúng hẹn.

– Sợi dây đã đứt. Có nối lại vẫn còn cái gút.

g. Phép nối.

– Là phép liên kết các câu trong đoạn bằng các quan hệ từ có quan hệ chuyển tiếp.

+ Nối bằng kết từ: là phương thức liên kết thực hiện bằng cách dùng ở câu thứ hai một từ nối để liên kết hai câu văn (và, với, thì, mà, còn, nhưng, vì, nếu, tuy…).

Ví dụ:

– Ngủ trọ phải hai xu một tối. Nếu chị không ăn cơm, ăn quà.

– Mẹ nói, miệng mỉm cười. Nhưng tôi biết mẹ có điều không vui.

+ Nối bằng tổ hợp từ: là phương thức liên kết thực hiện bằng cách dùng ở câu thứ hai một nhóm từ có chức năng của từ nối để liên kết hai câu văn:

  • Chỉ ra trình tự của sự việc trình bày: một là, hai là, ba là, tiếp theo…
  • Chỉ ra sự đánh giá chung có ý tổng kết: kết luận, nhìn chung, tóm lại, vậy nên, trên đây…
  • Chỉ ra sự giải thích, minh họa: nghĩa là, chẳng hạn như, ví dụ như, tỉ như,…
  • Chỉ ra sự tương phản: tuy nhiên, tuy vậy, ngược lại là, vậy mà…

Một số ví dụ tham khảo về các kiểu lập luận thường gặp trong đoạn văn:

– Lập luận là đưa ra một hoặc một số luận cứ (lí do) nhằm dẫn dắt người nghe, người đọc đến một kết luận nào đấy mà người nói, người viết muốn đạt tới.

+ Quy nạp: Là quá trình lập luận đi từ cái riêng đến cái chung, từ cụ thể đến khái quát, từ luận chứng riêng đến nguyên lí phổ biến.

Ví dụ: Bầu trời xanh cao vời vợi với nắng vàng óng ả đã dần dần nhường chỗ cho màu xám đục nặng nề bao phủ. Gió mùa đông bắc kéo về từng đợt dài. Rồi mưa phùn, rồi sương muối kéo theo cái lạnh buốt đến tận xương… Thế là mùa đông đã đến.

Ví dụ: Thú mỏ vịt ngày nay còn mang nhiều đặc điểm của loài bò sát. Ngoài ra, cấu tạo hóa thạch của một số loài bò sát sống ở Đại Trung sinh đã có một số đặc điểm của giống thú: có răng mọc trong lỗ chân răng ở xương hàm… Vì vậy, bò sát cổ hẳn phải là tổ tiên của loài thú.

Ví dụ: Ai trồng cây đào, cây mận thì mùa hè được bóng mát nghỉ, mùa thu được quả ngon ăn. Ai trồng cây lật lê thì mùa hè bóng mát không có, mùa thu chỉ được những chông gai. Cứ như vậy thì có phải do cây mình trồng lúc trước không? Nay ông sở dĩ đến nỗi thế là vì ông gây dựng cho mình những kẻ không ra gì. Cho nên người quân tử phải chọn người trước rồi sau mới gây dựng.

+ Diễn dịch: Là phương pháp lập luận ngược với quy nạp, lập luận đi từ cái chung, cái khái quát đến cái riêng, cái cụ thể, vận dụng nguyên lí chung để xem xét những sự vật riêng biệt.

Ví dụ: Các sản phẩm trùng hợp của axit acrylic và axit metacrylic, đặc biệt là các este của chúng, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp. Đáng chú ý hơn cả là polimetyl metacrylat. Sản phẩm này được gọi là thuỷ tinh hữu cơ. Nó rất cứng, không giòn và trong suốt. Polimetyl metacrylat được dùng để chế tạo lăng kính, thấu kính, vật liệu cho kĩ thuật laze, làm răng giả.

Ví dụ: …Cô con gái có bề ngoài rắn rỏi là thế lại là người hay nghĩ ngợi, dễ cảm thương. Có bữa đi xem phim, những cảnh ngộ trong phim làm Chấm khóc suốt buổi. Đêm ấy ngủ, trong giấc mơ, Chấm lại khóc biết bao nhiêu nước mắt. (Đào Vũ)

+ Tổng – phân – hợp: Trong thực tế lập luận, ít khi thấy quy nạp và diễn dịch tồn tại như một phương pháp duy nhất. Hai phương pháp này thường được kết hợp với nhau, đi đôi với nhau. Sự kết hợp ấy làm tăng thêm hiệu quả biểu đạt của nội dung lập luận.

Ví dụ1: …Biển luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng xanh thẳm, như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề.. Trời ầm ầm giông tố, biển đục ngầu, giận dữ…Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.

Ví dụ 2:

…Sau cùng hỏi đến Hồ tinh, thì Hồ tinh đáp: Ta chỉ sợ hồ tinh.

Ai nấy đều cười, bảo rằng: Người ta sợ hồ tinh mới phải, anh là đồng loại can gì mà sợ? Phạt anh một chén rượu.

Hồ Tinh cười nói: Thiên hạ duy có đồng loại là sợ nhau. Con cùng nhau mới tranh nhau gia sản, gái cùng chồng mới hay ghen tuông, kẻ tranh quyền tất là quan lại trong triều, kẻ tranh lợi nhau tất là lái buôn một chỗ. Bức nhau thì trở ngại nhau, trở ngại nhau thì khinh loát nhau. Nay lại còn người bắn con trĩ thì dùng con trĩ làm mồi, không dùng con gà con ngỗng, người săn hươu thì dùng con hươu làm mồi, không dùng con dê con lợn. Phàm những việc phản gián đều là phải dùng đồng loại cả. Cứ thế mà suy thì tài nào mà hồ tinh lại chẳng sợ hồ tinh?

+ Nêu phản đề: Là nêu ý kiến phản bác lại kết luận, ý kiến của mình. Nếu bác bỏ được ý kiến đó thì sự khẳng định càng có giá trị thuyết phục hơn.

Ví dụ:

Lâu nay, nói về những nhân cách cao thượng, người ta thường nhấn mạnh đến tinh thần gang thép, đến cái “vô uý”, cái không biết sợ trước những lực lượng thù địch. Thiên hướng ấy thật ra cũng dễ hiểu đối với một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với những bọn xâm lược, với bạo lực hung hãn nhất.

Ba nhân vật Huấn Cao, quản ngục và thơ lại đều có cái “vô uý” ấy!…

Nhưng thử nghĩ xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả liệu có phải là con người không? Cái gì cũng “vô uý”, cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ cái gì, đấy là loài quỷ sứ chứ đâu phải là người. Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dạy cho ta hiểu rằng, muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người. Vậy kẻ nào không hề biết sợ cái gì hết, đó là loài quỷ sứ. Loại người này thực ra rất hiếm hoi. Nhưng loại người sau đây thì chắc không ít: sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền, nhưng đối với cái tài, cái đẹp, cái thiên lương thì lại không biết sợ, thậm chí còn sẵn sàng lăng mạ giầy xéo. Phân tích Chữ người tử tù , không những cần đề cao thái độ không biết sợ của Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại mà còn phải biết ca ngợi cái “biết sợ” của những nhân vật này nữa.

+ So sánh:

  • So sánh tương đồng: Từ một chân lí đã biết, đã được công nhận, suy ra một chân lí tương tự, có chung lôgíc bên trong.

Ví dụ:

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. (Hồ Chí Minh, Tuyên Ngôn độc lập)

+ So sánh tương phản: Đối chiếu các mặt trái ngược với nhau (trắng-đen, phải-trái, cũ-mới, tốt-xấu…) để làm nổi bật điều mình muốn hướng tới.

Ví dụ:

Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng viết:
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. (Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập)

+ Nhân quả: Dựa trên mối quan hệ nhân quả, vạch rõ nguồn gốc của các hiện tượng cụ thể, dự kiến các hiện tượng xảy ra.

  • Trình bày nguyên nhân trước, kết quả sau:

Ví dụ:

Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ, định liệu công việc của mình, lúc chưa làm được vui rằng mình có ý định làm, lúc đã làm được thì lại vui rằng mình có tài làm được việc. Thế cho nên người quân tử có cái vui thú suốt đời, không có cái lo sợ một ngày nào cả.

  • Trình bày kết quả trước, nguyên nhân sau:

Ví dụ:

– Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.

  • Trình bày hàng loạt sự việc theo quan hệ – nhân quả: Đưa ra hàng chuỗi sự kiện, các sự kiện vừa là kết quả của sự kiện trước, vừa là nguyên nhân của sự kiện sau. Có thể hình dung điều đó theo mô hình sau:

Nhân 1 + quả 1 → Nhân 2 + quả 2 → Nhân 3 + quản 3.

Ví dụ: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kĩ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kĩ thuật thì phải có văn hoá. Vì vậy, công việc bổ túc văn hoá là cực kì quan trọng.

IV. Cấu trúc của văn bản.

1. Cấu trúc.

Văn bản là sự tổ chức liên kết hai phạm trù nội dung và hình thức theo một trật tự cấu trúc nhất định nhằm thực hiện một mục đích giao tiếp nào đó. Tùy theo từng loại hình cụ thể mà mỗi văn bản có một trật tự cấu trúc riêng. Văn bản nói chung thường gồm 4 phần:

a. Đầu đề (nhan đề, tựa đề, tiêu đề): là thành phần trọng yếu, gây chú ý trước tiên khi tiếp nhận văn bản và soạn thảo văn bản. Đôi khi đầu đề quyết định việc ta đọc hay không đọc một văn bản. Đầu đề thường ngắn gọn, là ngữ danh từ, ngữ động từ, ngữ tính từ… Trong một số văn bản (đặc biệt là văn bản hành chính công vụ), đầu đề được cấu tạo từ hai phần: danh từ chung chỉ loại hình văn bản (ví dụ: Đơn…, Hợp đồng…, Báo cáo…) và phần nội dung cơ bản của văn bản (ví dụ: …xin việc làm, …xin cấp đất…).

Nội dung cơ bản của văn bản được thể hiện ở đầu đề. Do vậy, phải rất chú ý cách trình bày (phân đoạn, ngắt dòng, bố trí kiểu và cỡ chữ…), nhằm đảm bảo tính chính xác về nội dung ngữ nghĩa và tính thẩm mĩ (sự cân đối, hài hòa…).

– Cần phân tích đầu đề về cấu trúc cú pháp để tạo lập tổ hợp.

– Tránh ngắt dòng giữa những từ đa tiết, thành ngữ hoặc cụm từ cố định.

– Ngắt dòng trong trường hợp cần thiết…

b. Đặt vấn đề (Mở đầu).

Phần này nêu những thông tin mang tính tổng luận

– Khái quát về vấn đề sẽ trình bày, giới thiệu đối tượng, nội dung, phạm vi bàn luận.

– Chủ đề chung và chủ đề bộ phận của văn bản (thường có trong câu luận đề).

– Phương pháp, phương hướng, nguyên tắc trình bày, giải quyết vấn đề (thường gặp trong văn bản nghị luận, văn bản khoa học).

Yêu cầu:

+ Nêu đúng, rõ vấn đề đặt ra trong văn bản

+ Trình bày ngắn gọn, hấp dẫn, thu hút được sự chú ý, hứng thú ở người đọc.

c. Giải quyết vấn đề (phần khai triển)

– Là phần trọng tâm của văn bản, phần này có nhiệm vụ phát triển những tư tưởng chủ yếu đã được vạch ra ở phần mở đầu cho đầy đủ, trọn vẹn.

– Nếu phần mở đầu mang tính tổng luận thì phần này mang những thông tin chi tiết, cụ thể, đáp ứng sự chờ đợi của người đọc. Ở đây diễn ra mọi quá trình trong sự triển khai nội dung văn bản: giải thích, bình luận, phân tích…

– Được đặc biệt chú ý trong phần phát triển là mối tương quan giữa vấn đề chung và riêng, giữa cái khái quát và cái cụ thể, giữa những sự kiện và những con số… Cần trình bày các luận điểm, luận cứ, luận chứng một cách hợp lí, có sức thuyết phục.

+ Luận điểm: là những ý lớn tạo thành nội dung bài viết hay đoạn văn theo quan điểm chung của toàn bài.

+ Luận cứ: là các nội dung cần làm rõ để hướng vào giải quyết luận điểm. Luận điểm bao hàm các luận cứ.

+ Luận chứng: các dẫn chứng chứng minh cho luận cứ và luận điểm.

+ Lập luận: là phương pháp tổ chức trong văn bản nhằm thiết lập mối liên hệ giữa các phán đoán (câu) để từ đó đưa ra được những kết luận có tính thuyết phục.

Yêu cầu:

– Các đoạn văn phải được sắp xếp theo một trật tự logic nào đó và được liên kết với nhau về mặt hình thức.

– Văn phong phải mạch lạc, các ý phát triển một cách hợp lý, phản ánh các mối quan hệ nội tại của chúng. Phải tạo thành một khối thống nhất, hoàn chỉnh.

– Các luận điểm không được trùng lặp, mâu thuẫn, đối lập nhau.

d. Kết thúc vấn đề (Kết luận)

– Phần này có nhiệm vụ đặt dấu chấm cuối cùng cho nội dung văn bản, thông báo về sự hoàn chỉnh, trọn vẹn của văn bản.

– Kết luận có thể đảm nhận nhiều chức năng khác nhau: tóm tắt nội dung thông tin đã trình bày ở phần phát triển, nhấn mạnh một ý tưởng hoặc một chi tiết nội dung nào đó, làm chiếc cầu nối đề giới thiệu qua những phần khác, trình bày những cảm nghĩ chủ quan của người tạo lập văn bản về những vấn đề, sự kiện đã nêu…

– Có hai kiểu kết thúc thường gặp:

 Kết thúc khép: là kết thúc theo kiểu tóm tắt lại những vấn đề chính đã được trình bày trong phần phát triển một cách ngắn gọn.

 Kết thúc mở: là kết thúc theo kiểu dựa vào những điểm đã trình bày ở phần phát triển mà đưa ra những lời đề nghị, khuyến cáo, kêu gọi, cảm nghĩ…

Yêu cầu:

– Dù trình bày theo kiểu kết thúc nào thì kết đề cũng phải thực hiện được nhiệm vụ giải tỏa sự căng thẳng tâm lí một cách thành công, đảm bảo cho văn bản không bị dừng lại một cách đột ngột, bất ngờ và hụt hẫng đối với người đọc.

2. Liên kết đoạn văn thành văn bản.

– Cũng như câu trong văn bản, các đoạn văn trong văn bản không phải tồn tại một cách cô lập. Trái lại, chúng có quan hệ gắn bó với nhau, sự quan hệ này được gọi là sự liên kết (cohesion) và có thể mô hình hóa được. Điểm giống nhau của sự liên kết giữa các đoạn văn và sự liên kết giữa các câu là chúng cùng sử dụng chung một hệ thống liên kết. Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống chung này, đoạn văn còn có liên kết riêng, đó là câu nối. Như vậy, câu nối là phương tiện liên kết chỉ có ở cấp đoạn văn. Nói rõ hơn, cả câu và đoạn văn đều sử dụng phươg tiện từ ngữ để liên kết, còn câu nối chỉ dùng để liên kết giữa các đoạn văn. Các đoạn văn liên kết với nhau giúp cho việc trình bày các ý trong văn bản được liền mạch và chặt chẽ hơn.

– Một số phương tiện liên kết thường gặp:

a. Dùng từ ngữ để liên kết:

* Dùng các từ ngữ chỉ trình tự:

– Các từ ngữ sau đây thường được sử dụng: trước hết, đầu tiên, thứ nhất, một mặt, mặt khác, một là…, hai là…, bắt đầu là…, cuối cùng…

* Dùng các từ ngữ có ý nghĩa tổng kết hoặc khái quát vấn đề:

– Các từ ngữ thường được sử dụng: tóm lại, nói tóm lại, nhìn chung, khái quát, tổng kết…

* Dùng các từ ngữ chỉ sự đối lập – tương phản:

– Các từ ngữ thường được sử dụng: trái lái, ngược lại, nhưng, tuy nhiên, tuy vậy, mặc dầu vậy…

* Dùng các yếu tố đại từ hay đại từ hóa để thay thế:

– Các từ ngữ thường được sử dụng: đó, này, vậy, nó, chúng, thế, ấy, tất cả…

b. Dùng câu nối liên kết:

– Câu nối thường đứng ở vị trí đầu đoạn văn nhằm mục đích liên kết các đoạn có chứa nó với các đoạn khác, đôi khi nó được tách ra thành một đoạn riêng vừa liên kết với đoạn trước lại vừa liên kết với đoạn sau. Chức năng chủ yếu của câu nối là liên kết, còn chức năng ngữ nghĩa rất mờ nhạt. Trong các văn bản khoa học, chính luận và hành chính, câu nối được dùng khá phổ biến.

Câu nối có các dạng sau:

* Câu nối liên kết với phần trước của văn bản: hướng liên kết là hướng lùi hay còn gọi là hồi chỉ.

Ví dụ: Trở lên là …

* Câu nối liên kết với phần sau của văn bản: hướng liên kết là hướng tiến hay còn gọi là khứ chỉ.

Ví dụ: Sau đây chúng tôi sẽ nói tới…

* Câu nối liên kết cả phần trước lẫn phần sau của văn bản: hướng liên kết vừa là hướng tiến vừa là hướng lùi hay còn gọi là hồi – khứ chỉ.

Ví dụ: Trở lên/ phần trước đã nói về…. Tiếp theo là…

Lưu ý:

– Trong câu nối liên kết với phần trước văn bản, tức liên kết hồi chỉ, có bộ phận tóm tắt nội dung phần trình bày trước đó (trước câu nối).

– Trong câu nối liên kết với phần sau văn bản, tức liên kết khứ chỉ, có một bộ phận nêu khái quát nội dung sẽ được đề cập ở phần sau.

– Trong câu nối hồi – khứ chỉ, vừa có bộ phận tóm tắt nội dung trình bày ở trước, vừa có bộ phận nêu khái quát nội dung sẽ được đề cập ở câu sau.

– Các hướng liên kết của đoạn văn cũng được dùng để xem xét các hướng liên kết giữa các câu trong văn bản.

* Mô hình câu nối:

– Câu nối có mô hình như sau: Ch – (C) – V – B

Ch: là các từ ngữ có tính chất chuyển tiếp. Nếu câu nối liên kết với phần trước, thường sử dụng các từ ngữ sau đây: ở trên, bên trên, trên đây, trở lên, ngược lên trên, vừa rồi…, nếu liên kết với phần sau, các từ ngữ sau đây thường xuất hiện: sau đây, dưới đây, tiếp theo, kế đến…

(C): là chủ ngữ. Các từ ngữ thường dùng: tôi, chúng tôi, chúng ta, ta, người viết bài này… hoặc tên các thể loại văn bản: cuốn sách này, luận án, chuyên luận này…

V: là vị ngữ. Các động từ thường dùng: phân tích, xem xét, nghiên cứu, làm sáng tỏ, chứng minh, trình bày, giải thích, so sánh, biện luận…

B: là bổ ngữ, nêu chủ đề hoặc nội dung tóm tắt của phần trước, đoạn trước (nếu câu nối để liên kết với đoạn trước) hoặc phần sau, đoạn sau (nếu câu nối dùng để liên kết với đoạn sau).

3. Lập dàn ý văn bản.

– Dàn ý là một bản thiết kế cho việc tạo lập văn bản. Tuy mới chỉ bao gồm những ý chính, những luận điểm cơ bản cùng với những luận cứ cần thiết nhưng là cơ sở cho việc tạo lập văn bản.

a. Tác dụng của lập dàn ý.

– Phác ra một cái nhìn bao quát, tổng thể về văn bản trước khi tiến hành những công việc cụ thể. Nhờ đó, có thể tránh cho văn bản bị xa đề, lạc đề, lệch trọng tâm.

– Qua việc lập đề cương, người viết có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn, sắp xếp các bộ phận sao cho hợp lý. Việc lập dàn ý đảm bảo cho chúng ta loại trừ các ý không cần thiết, cũng như không bỏ sót những ý quan trọng, bước đầu hình thành trình tự cùng các mối quan hệ trong nội dung của văn bản.

– Dựa vào đề cương, người viết có thể chủ động trong việc triển khai viết các phần của văn bản.

b. Các bước lập dàn ý:

* Xác lập các ý lớn: thực chất là xác lập các chủ đề bộ phận trong tương quan với chủ đề chung của văn bản. Chủ đề chung phải được thể hiện xuyên suốt qua toàn bộ văn bản thông qua các chủ đề bộ phận.

Ví dụ: Chủ đề chung là nạn ô nhiễm môi sinh thì chủ đề bộ phận có thể là: thực trạng ô nhiễm môi sinh; những tác nhân gây ra nạn ô nhiễm môi sinh; các biện pháp khắc phục.

* Xác lập các ý nhỏ: các ý lớn cần được cụ thể hóa, khai triển thành các ý nhỏ hơn. Đến lượt mình, các ý nhỏ này cũng có thể được cụ thể hóa, khai triển thành các ý nhỏ hơn nữa.

Ví dụ:

Thực trạng ô nhiễm môi sinh có thể có các ý nhỏ: ô nhiễm nguồn nước; ô nhiễm không khí; ô nhiễm đất đai.

Ô nhiễm nguồn nước lại có thể khai triển thành các khía cạnh: biển và đại dương bị ô nhiễm, sông, hồ bị ô nhiễm, các mạch nước ngầm bị ô nhiễm…

* Sắp xếp các ý: việc sắp xếp các ý có ảnh hưởng quan trọng đến việc tiếp thu của người đọc. Có nhiều cách tổ chức, sắp xếp các ý nhưng nguyên tắc chung là làm sao để người đọc dễ tiếp thu nhất và việc trình bày được tiết kiệm nhất, không bị trùng lặp.

Yêu cầu:

– Đề cương phải thể hiện được sự triển khai nội dung của văn bản thích hợp với các nhân tố giao tiếp.

– Các bộ phận nội dung đề cương cần phải được sắp xếp thành hệ thống, phù hợp với các quy luật trong thực tế khách quan và những quy luật của nhận thức, tư duy của con người.

– Các bộ phận trong đề cương cần cân đối, hài hòa, thích hợp với vai trò và vị trí của chúng trong tổng thể văn bản.

c. Các cách lập dàn ý.

* Trình bày vấn đề theo các trình tự khách quan:

– Trình bày theo trình tự thời gian:

+ Phương thức trình bày này rất thông dụng để miêu tả các sự kiện lịch sử, các văn bản có tính chất tự thuật như tiểu sử, báo cáo quá trình công tác… Phương thức trình bày này cũng hay gặp trong một số loại văn bản khoa học (mô tả một phản ứng hóa học, giải thích các quá trình biến đổi vật lý, các thao tác vận hành của các thiết bị cơ học…).

+ Nguyên lý trình bày: sự kiện nào xảy ra trước trình bày trước, sự kiện nào xảy ra sau trình bày sau. Các mốc lớn theo thời gian đối với dòng chảy sự kiện hay các công đoạn chính đối với quy trình thao tác có thể được chọn làm chủ đề bộ phận của các đoạn văn.

+ Đối với loại văn bản này, cần chú ý đến những tín hiệu chuyển tiếp đặc thù, chỉ ra sự nối tiếp nhau theo thời gian: trước tiên, trước hết, sau đó, thế rồi, bước đầu tiên là, cuối cùng…

– Trình bày vấn đề theo các quan hệ logic khách quan, tồn tại thực t.ế

+ Trình bày vấn đề theo quan hệ toàn thể – bộ phận:

+ Cách trình bày này dựa trên cấu trúc hệ thống của đối tượng, của hệ vấn đề được đưa ra khảo sát. Cấu trúc của hệ thống thường có tính tầng bậc, bao hàm nhiều tiểu hệ thống thành viên. Theo cách trình bày này, người viết sẽ lần lượt trình bày theo tầng bậc, các bộ phận cấu thành hệ thống.

Ví dụ: Khảo cứu triết học. Có thể chia thành các thành tựu: triết học phương Đông và triết học phương Tây; các bộ phận: triết học về xã hội, triết học về tự nhiên; các cấp độ: thế giới khách quan; xã hội loài người, dân tộc, dòng họ, cá nhân…

+ Trình bày theo quan hệ nguyên nhân – kết quả:

Theo khối: trước hết nêu ra toàn bộ nguyên nhân của vấn đề đang được xem xét, sau đó người ta mới xét đến các kết quả tương ứng. Theo kiểu tổ chức này, nguyên nhân và kết quả sẽ nằm ở các đoạn văn khác nhau.

Theo chuỗi: Lần lượt thảo luận nguyên nhân thứ nhất và kết quả của nó, nguyên nhân thứ hai và kết quả của nó… như vậy, nguyên nhân và kết quả thường nằm trong cùng một đoạn văn.
Việc tổ chức chuỗi hay khối thường phụ thuộc vào vấn đề được trình bày. Nếu các nguyên nhân và kết quả có quan hệ chặt chẽ, đối ứng với nhau thì việc tổ chức văn bản theo chuỗi sẽ dễ dàng hơn và ngược lại.

Cần chú ý đến các từ ngữ làm nhiệm vụ chỉ nguyên nhân – kết quả: nguyên nhân thứ nhất là, lý do đầu tiên là, trước hết phải kể đến nguyên nhân, có nhiều lý do khiến cho… hệ quả là, hậu quả là, bởi vậy, do đó, vì thế cho nên…

* Trình bày vấn đề theo các quan hệ có tính chủ quan:

– Trình bày vấn đề theo logic chủ quan

+ So sánh tương đồng và tương phản:

So sánh tương đồng là nhằm chỉ ra những đặc điểm, những bình diện giống nhau giữa các sự vật được đem ra so sánh (A và B có đặc điểm gì chung).

So sánh tương phản có nhiệm vụ chỉ ra những đặc điểm, những nét dị biệt giữa các sự vật được đem ra so sánh (A và B khác nhau như thế nào).

Đối với các văn bản kiểu này, cần đặc biệt chú ý:

→ Các đặc điểm, các bình diện được chọn làm đối tượng so sánh cần được sắp xếp nhất quán theo một logic nhất định.

Khi so sánh có thể nêu và so sánh lần lượt các đặc điểm của hai đối tượng với nhau (so sánh một đối một), hoặc có thể nêu toàn bộ các đặc điểm của đối tượng này, sau đó nêu toàn bộ các đặc điểm của đối tượng kia theo cùng một trình tự tương ứng (so sánh theo khối, tổng thể).

→ Sử sụng một cách thích hợp các từ ngữ, kết cấu chỉ sự tương đồng hay tương phản: tuy nhiên, thế nhưng, nếu X…thì Y lại, đối chiếu với… chúng tôi nhận thấy rằng, khác với, chẳng những thế, trong khi đó, bên cạnh…còn có, khác chăng, ngược lại, trái lại, song song với… còn có, tương tự, cũng như…

+ Trình bày vấn đề theo trình tự đánh giá về mức độ quan trọng hay điểm nhìn của người viết.

Người viết có thể sắp xếp các tiêu chí của vấn đề theo trình tự nhất định, tùy theo sự đánh giá của mình về mức độ quan trọng của chúng,

Các từ ngữ thường sử dụng: một là, trước hết, thoạt tiên, đặc điểm quan trọng đầu tiên, kế đó, cũng cần phải kể đến, cuối cùng là…

– Trình bày theo tâm lý, cảm xúc

Cách trình bày này thích hợp với một số đề tài có tính cảm xúc cá nhân, đời sống riêng tư…

*Bài tập Lập dàn ý và viết một văn bản thuyết minh theo chủ đề tự chọn, sử dụng cách chia đoạn và các phương tiện liên kết nêu trên.

V. Phong cách chức năng văn bản.

1. Phong cách ngôn ngữ hội thoại.

– Phong cách ngôn ngữ hội thoại là phong cách chức năng có ít nhất 3 người tham gia giao tiếp trở lên, trong đó người nói bày tỏ quan điểm của mình về một vấn đề nào đó.

a. Hình thức tồn tại:

– Phong cách ngôn ngữ hội thoại tồn tại dưới dạng nói. Khi tồn tại dưới dạng viết có nghĩa là nó đã được văn tự hóa. Có 2 phong cách hội thoại cơ bản:

+ Phong cách hội thoại đời sống

+ Phong cách hội thoại khoa học

b. Đặc điểm và chức năng ngôn ngữ:

– Đặc điểm ngôn ngữ:

+ Tính khẩu ngữ: thường tồn tại trong hội thoại đời sống, trong hội thoại khoa học đó là thứ ngôn ngữ đã được gọt dũa.

+ Tính khuôn mẫu: thể hiện ở khuôn mẫu mào đầu và khuôn mẫu kết thúc.

+ Tính logic chặt chẽ: thường tồn tại trong hội thoại khoa học.

– Chức năng ngôn ngữ:

Ngôn ngữ của phong cách hội thoại có chức năng chính là chức năng thông báo có tính lí trí. Ngoài ra, nó còn có chức năng bổ sung: biểu cảm, tác động, thuyết phục, cầu khiến…

c. Từ ngữ:

– Trong hội thoại khoa học vốn từ được sử dụng thường là các thuật ngữ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

– Trong hội thoại đời sống, sử dụng các từ ngữ thuộc đời sống hằng ngày. Hội thoại đời sống gắn liền với khẩu ngữ tự nhiên cho nên chứa nhiều thán từ, từ đệm, từ biểu cảm. Đôi khi có cả từ ngữ mang tính văn chương, thành ngữ, tục ngữ.

d. Câu.

– Câu trong hội thoại khoa học là câu ngắn gọn, mang tính khách quan. Đó là các câu được dùng theo trật tự ngữ pháp thông thường và đầy đủ thành phần, ít có hiện tượng tỉnh lược.

– Câu trong hội thoại đời sống mang tính đa dạng: Có nhiều thành phần đệm, nhiều yếu tố sinh động, bộc lộ những cảm xúc, đánh giá của người nói. Có nhiều hiện tượng tỉnh lược, rút gọn do sự hỗ trợ của ngữ cảnh.

2. Phong cách hành chính.

– Phong cách hành chính là phong cách chức năng biểu thị mối quan hệ giao tiếp giữa những người trong các đơn vị hành chính, các tổ chức đoàn thể xã hội theo một khuôn mẫu nhất định.

a. Dạng thức tồn tại:

– Phong cách ngôn ngữ hành chính chủ yếu tồn tại dưới dạng viết. Đó là các văn bản, giấy tờ được biên soạn theo các quy định mang tính hành chính pháp luật (đơn từ, quyết định, nghị quyết, thông báo, chỉ thị, công văn, hợp đồng, biên bản…).

– Phong cách hành chính tồn tại dưới dạng nói, đó là việc phổ biến các chỉ thị, thông báo từ Trung ương xuống cơ sở hoặc phổ biến truyền tin trên các cơ sở thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình.

b. Đặc điểm ngôn ngữ:

– Tính khuôn mẫu: Thể hiện ở thể thức, qui cách trình bày áp dụng cho tất cả các thành viên giao tiếp có liên quan đến nội dung văn bản. Nhiều văn bản hành chính được in sẵn, người viết chỉ cần ghi thêm thông tin cần thiết vào những chỗ trống. Tính khuôn mẫu tạo điều kiện tự động hóa trong tiếp nhận và xử lí.

– Tính chính xác, tường minh: Là điều kiện bắt buộc, góp phần thực hiện điều chỉnh pháp luật và các quan hệ xã hội.

– Tính chính xác trong cách dùng từ, đặt câu phải đi đôi với tính minh bạch trong kết cấu đoạn văn và toàn văn bản để đảm bảo cho tính đơn nghĩa của nội dung. Cần ngắn gọn, đơn giản nhưng phải đầy đủ thông tin cần thiết để giải quyết các nhiệm vụ, yêu cầu… đã đề ra trong văn bản. Văn bản hành chính chỉ cho phép một cách hiểu, không gây sự hiểu nhầm cho các thành viên tham gia giao tiếp.

– Tính khách quan nghiêm ngặt: Thể hiện ở tính chất xác nhận, khẳng định, đánh giá, chi phối hành động… trong nội dung thông tin.

– Nội dung ý nghĩa thể hiện chuẩn mực pháp luật, nhấn mạnh tính mệnh lệnh, yêu cầu, chỉ thị… cho đối tượng tiếp nhận văn bản, loại trừ các yếu tố sắc thái cá nhân (tuy nhiên, tùy từng loại văn bản mà đôi khi dấu ấn cá nhân cũng xuất hiện).

– Tính đơn điệu, “lạnh lùng”, khô khan.

– Tính nghi thức: kính gửi, kính chuyển, theo đề nghị…

– Sự tồn tại ngầm ẩn một quan hệ tôn ti, thứ bậc giữa các vai tạo lập và tiếp nhận văn bản; do dó, chi phối cách xưng hô riêng trong từng vai trò và trong từng loại văn bản.

c. Từ ngữ.

Hệ thống thuật ngữ mang tính đơn nghĩa, thống nhất, được chuẩn hóa. Có những thuật ngữ riêng trong từng loại văn bản.

– Tên gọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cục, vụ, viện, sở, bộ, ủy ban, trường, công ti, xí nghiệp…).

– Tên gọi chức vụ, chức danh (giám đốc, hiệu trưởng, trưởng phòng…).

– Tên tài liệu, tên loại văn bản (đơn, biên bản, hợp đồng, báo cáo…).

– Có nhiều danh từ làm định ngữ và động từ được danh từ hóa (biện pháp hành chính, hợp đồng kinh tế, bảo hiểm xã hội, sự điều động, việc truy tố…).

– Nhiều từ Hán Việt nhất là trong văn bản pháp lí (khởi tố, thụ lí, pháp lí, nguyên cáo, bị cáo…).

– Không dùng tiếng địa phương, tiếng lóng…

d. Ngữ pháp.

– Theo trật tự văn xuôi, có sự lặp lại từ ngữ (nhất là danh xưng) và cấu trúc câu để diễn đạt mạch lạc và tránh mơ hồ về nội dung.

– Thường có trạng ngữ kèm dấu phẩy ở đầu câu thứ nhất trong mỗi văn bản để tách bạch các vấn đề và làm sáng rõ nội dung (Đối với các trường hợp…, Trong tình hình hiện nay…, Về vấn đề trên…, Xét về phương diện…).

– Các câu thường ngắn gọn, đầy đủ thành phần (các câu có ý nghĩa chủ động). Các câu thường gặp có kết cấu thuận chỉ dùng kết cấu đảo khi cần lưu ý, nhấn mạnh những thông tin cần thiết. Có nhiều câu mang ý nghĩa tường thuật, khẳng định, phủ định, cầu khiến; hầu như không có câu nghi vấn, cảm thán; vì vậy, không dùng hoặc dùng rất ít dấu cảm, dấu hỏi, dấu lửng…

3. Phong cách khoa học.

Phong cách ngôn ngữ khoa học là một loại phong cách chức năng biểu thị mối quan hệ giao tiếp giữa những người làm công tác khoa học. Nói cách khác, đó là mối quan hệ giao tiếp giữa những người trong cùng một lĩnh vực khoa học.

a. Dạng thức tồn tại.

– Dạng ngôn ngữ nói: bao gồm các bài giảng, thuyết trình, hướng dẫn khoa học, phổ biến khoa học…

– Dạng ngôn ngữ viết: bao gồm các công trình khoa học, các sáng chế, phát minh, luận án, giáo trình khoa học, các bài nghiên cứu, tập san, tạp chí, báo cáo khoa học…

b. Đặc điểm ngôn ngữ của phong cách khoa học.

– Tính logic chặt chẽ: Tính logic chặt chẽ đảm bảo cho người giao tiếp hiểu được ý đồ của người trình bày và biết được sự lập luận của chúng đúng hay sai. Tính logic chặt chẽ đảm bảo cho người trình bày các vấn đề khoa học có sự nhất quán.

– Tính khuôn mẫu – hệ thống: Tính chất này chung cho các loại văn bản như: luận văn tốt nghiệp, luận án tiến sĩ, đề cương luận án, tóm tắt luận án, báo cáo khoa học… Các vấn đề cần được trình bày theo một hệ thống từ A đến Z (Tên gọi đề tài – mục đích – ý nghĩa – nhiệm vụ – phương pháp – kết luận).

Đặc điểm về tính khuôn mẫu – hệ thống giúp cho văn bản thuộc phong cách khoa học có tính logic chặt chẽ, dễ hiểu.

– Tính khái quát – trừu tượng: Khoa học bao giờ cũng đi từ các thí nghiệm, dẫn giải đến chứng minh và kết luận. Cho nên đó là quá trình mang tính khái quát và trừu tượng hóa. Quá trình này làm cho khoa học phát hiện ra bản chất của sự vật, hiện tượng và các qui luật của nó.

– Tính chính xác- khách quan: Khoa học là kết quả của quá trình phản ánh các quy luật của tự nhiên và xã hội. Sự phản ánh này phải đạt được yêu cầu về sự chính xác và khách quan. Nếu phản ánh là lệch lạc, mang tính chủ quan sẽ gây ra sự sai lầm quan trọng trong nhận thức và hoạt động thực tế. Do đó, mọi cách diễn đạt phải tạo một cách hiểu thống nhất. Nói cách khác, mỗi cách diễn đạt chỉ có một nghĩa (đơn nghĩa).

VI. Các loại văn bản viết thường gặp.

1. Văn bản hành chính.

– Văn bản hành chính là các loại văn bản được sử dụng trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp nhằm chuyển giao các thông tin từ tổ chức này sang tổ chức khác phục vụ các quan hệ giao dịch, trao đổi công tác, nêu các yêu cầu để kết hợp với nhau cùng giải quyết. Văn bản hành chính có hình thức rất đa dạng: công văn, báo cáo, thông báo…

a. Công văn hành chính.

– Công văn hành chính là một hình thức của văn bản hành chính được sử dụng phổ biến nhằm mục đích thông tin quy phạm của Nhà nước trong các hoạt động giao dịch, trao đổi công tác với cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp bên ngoài, với cả cấp trên và cấp dưới trực thuộc nhằm đề nghị, giải thích, thúc đẩy, yêu cầu… tới các chủ thể cần giao dịch, quan hệ.

– Công văn hướng dẫn nhằm giải thích và hướng dẫn phương hướng, thủ tục, các cách thức cho đối tượng có quan hệ, biết cách thực hiện hoặc sử dụng một quyền nào đó nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tượng giao dịch.

– Công văn phúc đáp nhằm giải thích hoặc trả lời yêu cầu, thắc mắc, khiếu nại của các chủ thể có quan hệ hoặc có quyền lợi liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của tổ chức ban hành công văn.

– Công văn đôn đốc nhằm nhắc nhở trách nhiệm, chấn chỉnh hoạt động của cấp dưới hoặc các chủ thể khác có trách nhiệm thi hành một trách nhiệm pháp lí.

– Công văn giao dịch nhằm thông tin cho các tổ chức bên ngoài hoặc ngang cấp những yêu cầu và điều kiện; giải thích các lí do trong thực hiện các thỏa thuận đã cam kết trước đó.

b. Tờ trình.

– Tờ trình là loại văn bản có nội dung chủ yếu đề xuất với cơ quan cấp trên phê chuẩn một chủ trương hoạt động, một phương án công tác, một công trình xây dựng… Khi có mệnh lệnh của cấp trên thì cơ quan trình báo mới được tiến hành thực hiện nội dung đó.

c. Báo cáo.

– Báo cáo là loại văn bản hành chính trình bày tình hình thực tế hay kết quả đạt được trong hoạt động của một cơ quan, một ngành chức năng hay của một cá nhân để đề xuất những chủ trương mới phù hợp với thực tiễn. Báo cáo gồm:

  • Báo cáo sơ kết, tổng kết định kỳ hoạt động.
  • Báo cáo bất thường.
  • Báo cáo chuyên đề
  • Báo cáo trước Đại hội, hội nghị

d. Thông báo.

– Thông báo dùng để thông tin những nội dung và các kết quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức hoặc truyền đạt kịp thời các văn bản pháp quy quan trọng của các cơ quan có thẩm quyền đến đối tượng tác động.

e. Thông cáo.

– Thông cáo dùng để công bố trước nhân dân một văn bản pháp quy hoặc một sự kiện quan trọng về đối nội hoặc đối ngoại của Quốc hội hoặc của Chính phủ.

g. Biên bản.

– Biên bản là văn bản hành chính ghi chép lại sự việc xảy ra ngay tại chỗ hoặc xảy ra trong một thời gian giới hạn nào đó (người làm biên bản không nên thêm bất cứ sự bình luận nào).

  • Biên bản ghi nhận các sự kiện đã và đang xảy ra làm căn cứ cho các quyết định xử lí.
  • Biên bản bàn giao, tiếp nhận công tác.
  • Biên bản ghi nhận các nội dung chủ yếu của hội nghị.
  • Biên bản ghi nhận giao dịch, bổ sung hoặc thanh lí hợp đồng.
  • Biên bản xác nhận chủ thể không thực hiện một nghĩa vụ pháp lí nào đó.

h.  Diễn văn.

– Diễn văn là một loại văn bản mang tính diễn thuyết được dùng ở nhiều cấp, nhiều ngành theo nhiều mục đích khác nhau: diễn thuyết trước quần chúng, diễn văn khai mạc, bế mạc Đại hội, hội nghị…

VII. MỘT SỐ KHUÔN MẪU VĂN BẢN HÀNH CHÍNH THƯỜNG GẶP.

1. Biên bản.

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ.
  • Tên cơ quan làm biên bản và cơ quan cấp trên trực tiếp.
  • Tên biên bản và đối tượng ghi chép.
  • Thời gian và địa điểm xảy ra sự kiện cùng với các thành phần tham gia.
  • Diễn biễn của sự kiện.
  • Chữ ký xác nhận và những ghi chú cần thiết (biên bản làm ở đâu, ai xác nhận…). Cần tối thiểu hai người để xác nhận biên bản.

2. Hợp đồng.

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ.
  • Tên hợp đồng.
  • Các bên tham gia ký hợp đồng.
  • Nội dung hợp đồng (quyền và nghĩa vụ được cụ thể hóa bằng các điều khoản).
  • Các điều khoản về bồi thường khi một bên không thực hiện hợp đồng.
  • Phương thức giải quyết tranh chấp.
  • Số lượng hợp đồng và giá trị của chúng.
  • Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng.

3. Báo cáo.

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ
  • Tên cơ quan làm báo cáo và cơ quan cấp trên trực tiếp, số hiệu của báo cáo (nếu là báo cáo hành chính trong các cơ quan nhà nước).
  • Địa điểm và thời gian làm báo cáo.
  • Tên của báo cáo.
  • Nơi, người nhận báo cáo.
  • Nội dung báo cáo: Mô tả tình hình thực tế hay kết quả công việc đạt được. Phân tích, đánh giá tình hình và các kết quả đã đạt được, rút ra những ưu, khuyết điểm, những vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Những định hướng công việc hoặc kiến nghị.
  • Họ tên, chức của người làm báo cáo, đóng dấu (nếu có).
  • Ghi chú những nơi nhận và lưu báo cáo.

4. Đơn.

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ.
  • Tên đơn.
  • Nơi, người nhận đơn.
  • Giới thiệu tóm tắt về người viết đơn.
  • Nội dung sự việc và nguyện vọng của người viết đơn.
  • Lời cam kết hoặc cảm ơn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.