Khái quát về văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945

khai-quat-ve-van-xuoi-lang-man-viet-nam-1930-1945

Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945.

I. Đặc trưng về nội dung.

Tư tưởng văn xuôi lãng mạn 1930 – 1945 giải phóng cá nhân khỏi những khuôn khổ, ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến, khẳng định tình yêu tự do. Có thể do đặc trưng thể loại, văn xuôi lãng mạn có điều kiện tiếp cận gần hơn với những vấn đề xã hội hơn Thơ mới, và việc phản ánh tư tưởng về giải phóng con người cá nhân thông qua các hình tượng nhân vật có phần cụ thể, tỉ mỉ hơn.

Như đã biết, nhóm Tự lực văn đoàn được thành lập sau sự kiện Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) từ Pháp trở về nước (1930) với một quan niệm hoàn toàn mới mẻ về văn học và xã hội. Cơ quan ngôn luận của Tự lực văn đoàn là hai tờ báo “Phong hóa” và “Ngày nay”. Nơi này trở thành trung tâm tập hợp các nghệ sĩ lãng mạn, là nơi tuyên truyền cho cuộc cách tân trong văn học, “phong trào Âu hóa” chống lại lễ giáo và quan trường phong kiến, là nơi đề xướng những hoạt động cải lương tư sản của hội Ánh sáng.

Tôn chỉ hoạt động của Tự lực văn đoàn gồm chín điểm, trong đó có những điểm quan trọng định hướng cho sáng tác như “Ca tụng những nét hay, vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân”, “tôn trọng tự do cá nhân”, “làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa”…

Những quan niệm này mở đường cho sự xuất hiện một loạt tác phẩm đấu tranh cho quyền tự do cá nhân trong tình yêu. Giống như cái tôi trong Thơ mới, tư tưởng giải phóng cá nhân trong văn xuôi Tự lực văn đoàn cũng trải qua các chặng đường khác nhau, phức tạp và có sự phân hóa. Tuy nhiên, có thể do số lượng sáng tác ít hơn thơ nên tư tưởng giải phóng cá nhân trong văn xuôi được thể hiện có phần tập trung hơn. Nhìn một cách tổng thể, lấy tiêu chí là tư tưởng giải phóng cá nhân làm cơ bản, người ta chia quá trình phát triển văn xuôi Tự lực văn đoàn thành ba giai đoạn nhỏ: ban đầu là lãng mạn mơ mộng với “Hồn bướm mơ tiên”, “Gánh hàng hoa”; tiếp đến là lãng mạn tiến bộ với “Nửa chừng xuân”, “Đoạn tuyệt” và cuối cùng là lãng mạn suy đồi với “Bướm trắng”, “Đẹp”, “Thanh Đức”.

Thực ra, cuộc đấu tranh đòi giải phóng con người trong tình yêu đã xuất hiện manh nha ở một vài tác phẩm lãng mạn trước 1930 nhưng chưa mạnh mẽ và quyết liệt, còn lại tiếng vang nhất cho đến nay là “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách. Tác phẩm viết về mối tình đẹp đẽ, lãng mạn của một đôi trai tài gái sắc Đạm Thủy – Tố Tâm. Kết thúc bi kịch của mối tình này cho thấy cuộc đấu tranh của con người để đến với tình yêu tự do mới bắt đầu bước vào giai đoạn đầu, khó khăn và đầy thử thách.

Khi văn xuôi lãng mạn của Tự lực văn đoàn ra đời, người ta thấy một loạt những tác phẩm ca ngợi tình yêu của những chàng – nàng được đăng tải trên báo chí sách vở. Độc giả tìm đọc những tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên”, “Gánh hàng hoa” vì gặp được ở đó nhu cầu được giải phóng cá nhân để được tự do yêu đương. “Hồn bướm mơ tiên” miêu tả được chuyện tình lãng mạn giữa Ngọc – một thanh niên tây học với Lan – một thiếu nữ đẹp giả trai đi tu. Khi về thăm bác là sư trụ trì chùa Long Giáng, Ngọc đã gặp chú tiểu Lan, ban đầu từ lòng cảm mến, Ngọc đã đem lòng yêu Lan sau khi biết Lan là gái. Mối tình của hai người đẹp đẽ, trong sáng, nhưng không thể tiến xa hơn vì dù yêu, Lan đã phải đấu tranh với tình cảm đó của mình, vượt lên trên những cám dỗ ngọt ngào của tình yêu để kiên định theo đuổi con đường chân tu mà mình đã chọn. Ngọc chấp nhận điều đó, chỉ thỉnh thoảng đến chùa thăm Lan cho thỏa miền mong nhớ. Rõ ràng, đó là một tình yêu đẹp nhưng còn bị chi phối bởi tư tưởng từ bi của đạo Phật.

Càng về sau, tư tưởng giải phóng cá nhân càng được thể hiện đậm nét hơn trong văn xuôi Tự lực văn đoàn. Một loạt tác phẩm lãng mạn tiến bộ đấu tranh cho quyền sống cá nhân, phê phán đại gia đình phong kiến như “Nửa chừng xuân”, “Đoạn tuyệt” ra đời. Trong tác phẩm, các tác giả thường miêu tả sinh động cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái bảo thủ lạc hậu và cái tiến bộ thông qua mâu thuẫn, xung đột trong gia đình giữa mẹ chồng và nàng dâu, mâu thuẫn này có nhiều lúc được đẩy lên đến mức đỉnh điểm, đòi hỏi được giải quyết.

Điều đáng nói nhất là trong cuộc đấu tranh này, có nhiều trang văn miêu tả rất hiện thực về hình ảnh những bà mẹ chồng (mẹ của Lộc và mẹ của Thân) với những âm mưu thâm độc, lối chửi bới chua ngoa, những cách hành hạ độc ác đối với con dâu. Điều đó chứng tỏ cái cũ luôn muốn khẳng định uy quyền tuyệt đối của mình trong trật tự phong kiến. Nhưng điều đáng quý nhất là cũng chính ở những trang văn này, các tác giả vừa miêu tả rất chân thật những nỗi khổ bị hành hạ, giày vò của những nàng dâu mới như Mai trong “Nửa chừng xuân” hay Loan trong“Đoạn tuyệt” vừa làm sống dậy hình ảnh những người phụ nữ đại diện cho cái mới với tâm hồn khỏe khoắn và bản lĩnh vững vàng.

Mai trong “Nửa chừng xuân” là một cô gái nghèo nhưng đầy lòng tự trọng. Bị mẹ chồng lập mưu hãm hại, bị mang tiếng ngoại tình, Mai chấp nhận chia tay Lộc trong khi bụng mang dạ chửa, một mình nuôi con và nuôi em trai ăn học. Sau này, bà Án hối tiếc tìm Mai để lấy lại đứa con, Lộc hiểu ra và xin Mai tha thứ, muốn đón về nhưng Mai khuyên chàng nên trở lại cuộc sống của riêng mình, với quan niệm về tình yêu lý tưởng “hãy xa nhau mà vẫn gần nhau”. Mai dù là nhân vật của văn học lãng mạn nhưng thực sự là cô gái mới bản lĩnh, có ý thức về hạnh phúc cá nhân, thầm lặng gan góc chống lại số phận và dám đấu tranh trực diện với lễ giáo phong kiến, giữ vẹn nguyên vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống, rất mực đoan chính, thủy chung, khinh ghét sự giả dối, đến với tình yêu một cách táo bạo đắm say, song cũng đầy lòng vị tha, tảo tần và giàu sức hi sinh.

Loan trong “Đoạn tuyệt” cũng là một cô gái tân học, yêu Dũng nhưng cuối cùng phải lấy Thân – con một gia đình giàu có – để hài lòng cha mẹ, tránh rắc rối. Loan bắt đầu dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đau khổ, nhẫn nại sống bên cạnh một người chồng mình không yêu, phải làm công việc nặng nề, phải hầu hạ mẹ chồng như tôi tớ, bị mẹ chồng đối xử độc ác cay nghiệt, phải chịu cảnh chồng chung, bị mang tiếng giết chồng, bị bắt bỏ tù tưởng không còn nhìn thấy được tự do, cuối cùng nhờ trạng sư bào chữa bảo vệ, Loan được tòa xử trắng án và có cơ hội tìm lại được hạnh phúc với Dũng, “đoạn tuyệt” chuỗi ngày sống trong đau khổ và cay đắng. Báo chí đương thời bình luận: Cuốn “Đoạn tuyệt” là một vòng hoa tráng lệ đặt trên đầu chủ nghĩa cá nhân. Tác giả đã đường hoàng công nhận sự tiến bộ và hăng hái tín ngưỡng tương lai. Ông giúp bạn trẻ vững lòng phấn đấu, nghĩa là vui mà sống”.

Ngoài ra, những tác phẩm khác được viết trong giai đoạn 1936-1939 như “Lạnh lùng”, “Thoát ly”, “Thừa tự” cũng tiếp tục khuynh hướng phê phán lễ giáo và đại gia đình phong kiến hết sức tiến bộ.
Nhìn chung, trong cuộc đấu tranh cho tự do yêu đương, cho việc giải phóng cá nhân ra khỏi sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến, Tự lực văn đoàn đứng hẳn về phía cái mới. Một đại biểu của Tự lực văn đoàn, nhà văn Hoàng Đạo, viết: “Theo mới, như chúng ta đã nói, là Âu hóa… Âu hóa là đem những nguyên tắc của nền văn minh Tây phương áp dụng vào đời ta. Ngày xưa ta không sống theo lẽ phải, ta sống theo tục lệ thành kiến, theo mệnh lệnh bất khả luận của cổ nhân. Âu hóa là điều hòa chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa xã hội, là hành động làm sao cho trong xã hội, cá nhân được tự do phát triển giá trị của mình, cá nhân được tự do nảy nở tính tình, tri thức của mình”.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đòi giải phóng cái tôi cá nhân trong văn học lãng mạn nói chung không đi đến một kết quả mỹ mãn vì nó thoát ly đời sống hay quá viển vông, mơ mộng, ảo tưởng. Cho nên cũng như cái tôi trong Thơ mới “xuất hiện chưa được bao lâu đã hóa ngay thành con bướm trắng”, ngọn cờ đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, đòi quyền sống cho con người không đi đến thắng lợi cuối cùng… Các nhà văn lãng mạn quan niệm về tình yêu tự do thuần túy, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, ái tình như một sự đuổi bắt, tình yêu như một “trò chơi ú tim”, khi chàng và nàng đuổi bắt được nhau, nghĩa là tình yêu đã đi đến hôn nhân, tức là hết đẹp, hết thơ mộng. Do đó, tình yêu và hôn nhân là hai việc hoàn toàn khác nhau, khi hôn nhân bắt đầu thì tình yêu kết thúc. Một nhân vật trong “Nửa chừng xuân” cho rằng “ái tình là bông hoa thơm không bao giờ kết quả”.

Cho nên mặc dù đấu tranh để cá nhân được thoát ra khỏi đại gia đình phong kiến nhưng con người cá nhân vẫn không tìm được hạnh phúc thực sự, vì không xây được một gia đình hạnh phúc lứa đôi kiểu mới. Đấu tranh chỉ để đấu tranh, cá nhân được giải phóng nhiều khi loay hoay không biết làm gì với cái tự do mình vừa giành được, cho nên lại rơi vào lối sống hành lạc sa đọa như Tuyết trong “Đời mưa gió”, Hiền trong “Trống mái”, coi trên cõi đời này chẳng có gì quan trọng và thiêng liêng, chỉ có lạc thú ở đời như vị thuốc trường sinh và ái tình chẳng qua chỉ là “sự gặp gỡ của hai xác thịt”. Điều này lại gặp gỡ với “Thơ say” của Vũ Hoàng Chương. Càng ngày, Tự lực văn đoàn càng tiến gần đến quan niệm hiện sinh chủ nghĩa.

Tự việc đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, Tự lực văn đoàn đã chuyển rất nhanh sang chủ nghĩa cá nhân cực đoan của Anđrê Gai. Lý thuyết của Gai cho rằng muốn có tự do cá nhân, có bản lĩnh và cá tính, con người phải sống khác với xung quanh, phải đối lập với cộng đồng, thoát ra khỏi cuộc sống mờ nhạt, ngược dòng “chúng nhân”, một mình một kiểu. Cho nên thanh niên phải chọn lấy một trong hai cách sống hoặc là một chiến sĩ xã hội, hoặc là một kẻ trác táng, hoặc trắng hẳn hoặc đen hẳn chứ không mờ mờ, nhạt nhạt xam xám ở giữa. Nhưng làm một chiến sĩ xã hội là phải chấp nhận đối mặt với khám lớn Sài Gòn, hỏa lò Hà Nội, nghĩa địa Hàng Dương, Côn Đảo thật không phải chuyện dễ. Cho nên một số đồ đệ của Anđrê Gai cuối cùng đã trở thành “anh hùng” đất Khâm Thiên Vạn Thái (những chốn ăn chơi sa đọa).

Nhiều nhân vật của Tự lực văn đoàn rơi vào chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa vô luân, bắt đầu là “Đời mưa gió”, rồi đến “Đẹp”, “Bướm trắng” và cuối cùng đỉnh cao là “Thanh Đức”. Trong tác phẩm này, nhân vật Cảnh đã trắng trợn ca ngợi ái tình xác thịt, triết lý vô luân của Anđrê Gai: “Người ta chỉ thành thực khi nào người ta vâng theo mệnh lệnh của xác thịt (…) giả dối để được tiếng khen không bằng cứ để bản ngã tự phô diễn ra (…) đời không có cái gì tốt, cái gì xấu. Tốt và xấu chẳng qua chỉ ở sự xét đoán cố hữu và sai lầm của loài người từ mấy ngàn năm nay mà có”. Cũng trong “Thanh Đức”, Khái Hưng đã ảnh hưởng khá sâu triết lý sức mạnh của Nitsơ cho rằng cái Đẹp thuộc về kẻ mạnh, kẻ giàu, kẻ có tiền, kẻ chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh. Ông ca ngợi tư sản Thanh Đức, tên nô lệ của dục vọng, của đồng tiền, dù phất lên bằng những thủ đoạn thâm độc, làm giàu trên máu và nước mắt của người khác, nhưng trở thành “người hùng” dưới con mắt của phái đẹp…

Ở những tác phẩm cuối cùng của Tự lực văn đoàn, các tác giả chẳng những không đấu tranh đòi nhân quyền mà còn có xu hướng đẩy con người vào chủ nghĩa duy tâm và định mệnh. Nhân vật của Tự lực văn đoàn cuối cùng chỉ còn lại là những người sa đọa về nhân phẩm, cô đơn bất lực vì đã bị tước hết mọi vũ khí về tư tưởng, mọi quan hệ tốt đẹp giữa cá nhân và cộng đồng xã hội.

Nói về văn học lãng mạn Việt Nam 1930-1945, ngoài Tự lực văn đoàn còn phải kể đến Nguyễn Tuân. Có thể nói, bức tranh đa sắc về chủ nghĩa cá nhân sẽ thiếu đi một mảng màu quan trọng, nếu thiếu Nguyễn Tuân….

II. Đặc trưng về nghệ thuật.

Trong suốt mười thế kỷ của văn học trung đại Việt Nam, thành tựu để lại chủ yếu là thơ. Ngoài mấy tập truyện bằng chữ Hán hầu như không có tác phẩm văn xuôi nào để lại tiếng vang. Đến đầu thế kỷ XX mới thấy lác đác xuất hiện một số truyện ngắn viết bằng chữ quốc ngữ, còn ảnh hưởng khá nặng nề của văn học trung đại ở việc sử dụng ngôn ngữ, lối viết văn biền ngẫu, cách miêu tả tâm lý bằng chi tiết ngoại hiện…

Từ đầu những năm 30, văn xuôi lãng mạn Tự lực văn đoàn ra đời đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc trong nghệ thuật làm văn. Chỉ trong vòng mười lăm năm, Tự lực văn đoàn đã góp phần đưa trình độ phát triển nền văn học dân tộc từ ẫu trĩ sang hiện đại, thể hiện tập trung qua sự sáng tạo về nghệ thuật biểu hiện.

Trước tiên, phải nói đến ngôn ngữ và câu văn.

Ngôn ngữ trong văn xuôi lãng mạn là một thứ ngôn ngữ giản dị, trong sáng giàu chất thơ, có khả năng miêu tả chính xác, tinh tế và gợi cảm những vẻ đẹp của thiên nhiên, biểu hiện những cung bậc cảm xúc, tâm trạng phức tạp của con người. Câu văn xuôi tiếng Việt cũng được giải phóng, hoàn toàn thoát khỏi tính chất khuôn sáo, ước lệ trong văn học cổ điển. Lối viết câu cũng trở nên linh hoạt, nhuần nhuyễn hơn.

Tiếp đến, cần chú ý đến nghệ thuật tả cảnh tài hoa trong văn xuôi lãng mạn.

Từ những sáng tác của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân… có nhiều trang văn xuôi miêu tả cảnh thiên nhiên đất nước rất đặc sắc, vừa có khả năng gợi vẻ đẹp rất dân tộc, vừa biểu hiện được đúng tâm lý của nhân vật. Đây là đoạn văn tả cảnh trong “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng, được Nhất Linh ca ngợi là “không tả cảnh rườm rà, chỉ một vài nét chấm phá thanh đạm như những bức thủy họa của Tàu…”: “Về phía đông nam, mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà nhuộm một sắc da cam. Nền trời xanh nhạt, lơ thơ mấy áng mây hồng. In trên cánh đồng lúa chín vàng thẫm, con cò trắng thong thả bay về phía tây, đôi cánh lờ đờ cất lên đập xuống loang loáng ánh mặt trời”.

Và đây là đoạn văn tả cảnh buổi chiều tài hoa trong truyện ngắn Thạch Lam: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”.

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.

So với những tiểu thuyết trước 1930, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đi sâu hơn nhiều vào thế giới nội tâm phong phú của con người. Các nhà văn lãng mạn đó có ý thức vận dụng khoa học phân tâm để phân tích tâm lý của các lớp người ở những lứa tuổi khác nhau. Các nhà văn đặc biệt thành công khi miêu tả tâm lý của bà mẹ chồng phong kiến (mẹ Lộc trong “Nửa chừng xuân”, mẹ Thân trong “Đoạn tuyệt”…). Tâm lý của tuổi đang yêu, những chàng nàng được khắc họa sinh động mà tinh tế, từ những rung động đầu tinh vi, yêu chưa hẳn là những lời tỏ tình đắm say, mới chỉ là chút ngập ngừng, e thẹn xuyến xao trong lòng, mượn một chút hương hoa mà gửi gắm.

Trong “Đôi bạn”, Nhất Linh mượn mùi hương hoa khế để diễn tả tình yêu của Dũng với Loan: “Mùi hoa khế đưa thoảng qua, thơm nhẹ quá nên Dũng tưởng như không phải là hương thơm của một thứ hoa nữa. Đó là một thứ hương vị lạ đánh dấu một khoảng thời khắc đã qua trong đời. Dũng thấy trước rằng độ mươi năm sau thứ hương đó sẽ gợi chàng nhớ đến bây giờ, nhớ đến cái phút chàng đương đứng với Loan ở đây. Cái phút không có gì lạ ấy chàng thấy nó sẽ ghi mãi trong lòng chàng cũng như hương thơm hoa khế hết mùa này sang mùa khác thơm mãi trong vườn cũ”. Còn Thạch Lam trong truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” thì mượn hương hoa hoàng lan để diễn tả những rung động đẹp đẽ đầu đời giữa Thanh và Nga: “Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây khiến chàng vương phải…”.

Các nhà văn lãng mạn cũng biết khai thác hiệu ứng của đôi mắt – cửa sổ tâm hồn trong việc biểu đạt tình yêu. Trong tiểu thuyết “Đôi bạn”, Nhất Linh đã viết nên những trang hay nhất miêu tả cảnh tỏ tình im lặng bằng đôi mắt đắm đuối: “Không nghe Loan và Thảo nói chuyện nữa, Dũng nghiêng mặt quay về phía hai người. Chàng thấp thoáng thấy hai con mắt đen lánh của Loan. Thấy Dũng bắt gặp mình đang nhìn trộm, Loan vội nhắm mắt lại và làm như ngủ, song biết là Dũng đã trông thấy rồi, nàng lại vội mở mắt ra rồi qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau… Tình yêu hai người vốn đã có từ trước nhưng sao cái phút đầu tiên tỏ ra cho nhau biết ấy lại quan trọng đến thế, không có gì cả mà sao Dũng lại như thấy một sự thay đổi to tát trong đời, hình như tấm ái tình của chàng với Loan chỉ mới có thực, bắt đầu từ phút vừa qua.

Quả tim chàng đập mạnh nhưng lòng chàng thốt nhiên yên tĩnh lạ thường. Khoảng trời ở giữa chàng và Loan hình như không có màu nữa, cao lên và rộng mênh mông, chắc không bao giờ Dũng quên được hình dáng một đám mây trắng ngay lúc đó, đương thong thả bay ngang qua, một sự hiển hiện sáng đẹp, linh động trôi êm nhẹ trong sự yên tĩnh của bầu trời và của lòng chàng…” Những đoạn tả tâm lý thật thơ mộng, lãng mạn mà cũng thật tinh tế! Có thể nói, đến văn học lãng mạn, trình độ miêu tả tâm lý con người đã đạt đến sự tinh vi và khá nhuần nhuyễn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.