»» Nội dung bài viết:
Không gian, thời gian, kết cấu và nhân vật trong truyền thuyết.
I. Không gian trong truyền thuyết.
Không gian truyền thuyết là không gian đời thường, không gian chiến trường và không gian xã hội, đất nước, khác với thần thoại chủ yếu là không gian vũ trụ, không gian thiên nhiên. Trong truyền thuyết Thánh Gióng có không gian đời thường khi Gióng còn nhỏ và không gian chiến trường khi Gióng ra trận. Truyền thuyết An Dương Vương vừa có không gian đất nước bao quát một vùng đất vừa có không gian đời thường trong phạm vi gia đình Vua, vừa có không gian chiến trường. Không gian truyền thuyết gắn liền với các địa danh, di tích cụ thể như làng Phù Đổng, huyện Quế Võ, Trân Sơn, núi Sóc Sơn (Thánh Gióng), Phong Khê, núi Thất Diệu, Dạ Sơn (An Dương Vương), Thanh Hóa, Lam Sơn, hồ Tả Vọng (Sự tích Hồ Gươm)…Những địa danh di tích ấy đều gắn liền với sự nghiệp của nhân vật truyền thuyết.
Theo Meletinsky, không gian huyền thoại được phân chia theo hệ thống chiều ngang và chiều dọc. “Mô hình vũ trụ theo chiều ngang – đó là cái nền không gian cho nhiều truyền thuyết về các cuộc phiêu lưu của các thượng thần. Cuộc chiến với những khổng lồ được tiến hành nhằm tranh giành các nữ thần và các báu vật…Yếu tố nước trong mô hình chiều ngang (biển) chủ yếu được nhắc tới với dấu hiệu phủ định”, (Thi pháp của huyền thoại, Sđd, tr.335-336). Đặc điểm này thể hiện rõ trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thuỷ Tinh của người Việt, hai vị thần đánh nhau để tranh giành người đẹp và của cải. Thuỷ Tinh thần nước hàng năm dâng nước lên đánh Sơn Tinh là sự phủ định vai trò thống lĩnh của Sơn Tinh đối với vương quốc Núi và người đẹp.
2. Thời gian trong truyền thuyết.
– Thời gian trong thần thoại là thời quá khứ phiếm định, quá khứ của những sự vật đầu tiên: ngọn lửa đầu tiên, con người đầu tiên…còn thời gian trong truyền thuyết là thời quá khứ xác định. Truyền thuyết kể chuyện đã xảy ra và vào một thời kì nhất định. Truyền thuyết luôn mang tính thời đại.
– Tuy nhiên, thời gian truyền thuyết ra đời và thời gian lịch sử mà truyền thuyết phản ánh không phải bao giờ cũng đồng nhất.
3. Kết cấu truyền thuyết.
– Khác với thần thoại chỉ có kết cấu đơn, mỗi truyện kể về một thần, một việc thì truyền thuyết chủ yếu là các kết cấu chuỗi, gồm một số truyện kể về một sự kiện, một nhân vật lịch sử và có tính xác định cụ thể. Trong đó truyền thuyết thường chia ra làm ba chặng như sau:
+ Nguồn gốc xuất thân: sự ra đời kì lạ, tướng lạ của nhân vật.
+ Hành trạng của cuộc đời, những chiến công
+ Kết thúc cuộc đời (vinh hiển hoặc hoá thân)
Một mô hình kết cấu đầy đủ trong thần tích đã được nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch vẽ thành sơ đồ như sau:
Lai lịch (bao gồm sinh đẻ thần kỳ và hình dáng dị thường) – Tài đức – Sự nghiệp – Chết thần kỳ – Hiển linh, âm phù – Sắc phong, gia phong
Như vậy, kết cấu của thần tích chỉ khác là có thêm phần sắc phong, gia phong mà thôi.
Truyền thuyết bắt buộc phải có kết cấu chuỗi vì:
+ Do tính địa phương của truyền thuyết, mỗi nơi lưu giữ một truyền thuyết về người anh hùng.
+ Sự nghiệp dựng nước, giữ nước không thể là công trình của một cá nhân mà phải là sự nghiệp của cả một tập thể. Cần có những người chung tay, giúp sức với người anh hùng. Bên cạnh truyền thuyết về nhân vật chính còn có những truyền thuyết về các nhân vật phò tá, nhưng sự nghiệp, hành trạng của nhân vật chính bao giờ cũng vẫn là đường dây xâu chuỗi những câu chuyện khác
– Kết cấu ba chặng cũng luôn luôn phải đảm bảo vì truyền thuyết có nhu cầu làm sử nên cần có đầy đủ nguồn gốc và kết thúc của sự việc, sự vật. Ngược lại với Thần thoại không thể biết được nguồn gốc – kết thúc, bởi khi con người sinh ra, các hiện tượng tự nhiên đã tồn tại, và khi con người mất đi các hiện tượng tự nhiên vẫn còn đó; và Truyện cổ tích thì không có nhu cầu biết nguồn gốc- kết thúc, truyện cổ tích có thể kết thúc ngay sau khi nhân vật chính đã đạt được ước mơ đổi đời.
– Trong mỗi chặng như thế, truyền thuyết lại sử dụng những môtíp khác nhau. Những môtíp này kế thừa từ thần thoại, đồng thời cũng xuất hiện những môtíp mới gắn liền với đặc trưng của truyền thuyết. Theo sơ đồ kết cấu này thì các yếu tố hoang đường, kì ảo thường xuất hiện ở chặng 1 và chặng 3. Chặng 2 cũng có yếu tố hoang đường nhưng ít hơn vì những chiến công kì tích của nhân vật phần lớn dựa vào tài năng có thật của nhân vật và nó phải phù hợp nhất định với sự thật lịch sử. Địa điểm, hành vi chính yếu và công tích quan trọng của người anh hùng bao giờ cũng được nhân dân gĩư vững tính lịch sử cụ thể của nó.
4. Nhân vật truyền thuyết.
– Cảm quan lịch sử đã chi phối nghệ thuật xây dựng hình tượng truyền thuyết. Các nhân vật dù có là hư cấu hay là nhân vật lịch sử thì cũng đều có tên tuổi, gốc gác nói chung là có một lý lịch rõ ràng gắn với địa phương hay thời đại.
– Truyền thuyết được sáng tạo trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, vì vậy ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, các nhân vật lại được sáng tạo dưới sự chi phối khác nhau của quan niệm thẩm mĩ nhân dân. Càng về những giai đoạn lịch sử sau này, các nhân vật truyền thuyết càng gần gũi với hiện thực, ít bị chi phối bởi những yếu tố kì ảo.
Ví dụ: ở truyện Bà áo the (thời bắc thuộc) có chi tiết bà cởi chiếc áo thần kỳ của mình cho quân giặc mặc vào, chiếc áo lập tức thắt chặt quân thù đến chết. Đến truyện về nàng Ả Đào (thời Lê Lợi) kể nàng có giọng hát hay, chinh phục được lòng tin của giặc được chúng giao cho thắt dây các miệng túi vải tránh muỗi khichúng ngủ trong đó, nàng đã báo cho trai tráng trong thôn đến khiêng các túi ấy vứt ra sông. Bà hàng nước họ Lương cũng đã dùng mưu thắt miệng túi vải quân sĩ đến trọ ở quán nước nàh bà và báo cho quân vua Lê đến tiêu diệt…Như vậy, càng về sau nhân dân càng đề cao mưu trí và sự dũng cảm tự thân của người anh hùng, hơn là nhờ vào phép lạ.