Nội dung:
Đặc điểm khuynh hướng thơ tượng trưng, siêu thực sau 1975.
1. Vài nét về khuynh hướng thơ tượng trưng, siêu thực sau 1975.
Sau năm 1975, nền văn học Việt Nam có một bước chuyển mình lớn, với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm có giá trị, nhiều tác giả ưu tú, nhiều tư tưởng mới, tuyên ngôn mới trong sáng tác đã ra đời. Từ đó nhiều khuynh hướng văn học ra đời với những nét độc đáo riêng. Nói đến các khuynh hướng văn học sau năm 1975 phải kể đến ba khuynh hướng cơ bản sau: khuynh hướng tiếp tục mạch cảm hứng sử thi, nhưng thiên về bi tráng và gắn với những trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân; hay hướng vào đời sống thế sự và trở về với cái tôi cá nhân; và khuynh hướng đi sâu vào những vùng mờ của tâm linh, vô thức và đưa thơ theo hướng tượng trưng siêu thực.
Khuynh hướng đi sâu vào vùng mờ của tâm linh, vô thức và đưa thơ theo khuynh hướng tượng trưng siêu thực đã tạo nên tiếng vang lớn với sự góp mặt của những tác giả như: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng, Dương Tường, Đặng Đình Hưng… với những tác phẩm có giá trị như “Mưa Thuận Thành”, “Cổng tỉnh”, “Mùa sạch”, “Bóng chữ”, “Người đi tìm mặt”, “Bến lạ”, “Ô mai”… Xuất phát từ quan niệm thơ chủ yếu là sự biểu hiện của cái tôi ở phần tiềm thức, vô thức, tâm linh, các nhà thơ thuộc khuynh hướng này đã đưa thơ vào sâu trong các vùng mờ của tiềm thức, những miền vô thức mờ ảo với những giấc mơ, những mộng mị và hư ảo. Những tìm tòi theo hướng hiện đại chủ nghĩa đáng chú ý ở chỗ nó thể hiện ý hướng triệt để cách tân thơ, vượt ra khỏi những khuôn khổ và thói quen đã định hình quá lâu, để mở ra những con đường và những khả năng mới cho thơ. Tuy nhiên, việc chìm quá sâu vào cõi mông lung của vô thức, chối bỏ ý thức, hoặc biến thơ thành một thứ trò chơi ngôn từ thuần túy dễ có nguy cơ đẩy thơ vào một thế giới khép kín, thành vật “ tự nó”, không còn hoặc rất ít mối liên hệ với đời sống.
Sau 1975, thơ trữ tình có những thay đổi phức tạp và đa dạng. Thơ trữ tình giai đoạn này vận động theo nhiều xu hướng khác nhau, bên cạnh những khuynh hướng như: tiếp tục mạch cảm hứng sử thi, nhưng thiên về bi tráng và gắn với những trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân; hay hướng vào đời sống thế sự và trở về với cái tôi cá nhân, thì khuynh hướng đi sâu vào những vùng mờ của tâm linh, vô thức và đưa thơ theo hướng tượng trưng siêu thực được xem là một khuynh hướng đặc biệt.
2. Khuynh hướng thơ đi sâu vào vùng mờ tâm linh, vô thức và những biểu hiện.
Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90, xuất hiện nhiều tập thơ như “Mưa Thuận Thành”, “Cổng tỉnh”, “Mùa sạch”, “Bóng chữ”, “Người đi tìm mặt”, “Bến lạ”, “Ô mai”… thường được gọi theo khuynh hướng “hiện đại chủ nghĩa”. Đây là một khuynh hướng thơ mà trong đó tập trung phần lớn là các nhà thơ trước 1975 với những cái tên quen thuộc như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng, Dương Tường, Đặng Đình Hưng,… Sau này còn có sự tham gia của các nhà thơ thuộc thế hệ xuất hiện sau năm 1975 như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Quyến,….
Về thực chất, xu hướng đi sâu vào những vùng mờ tâm linh đậm chất tượng trưng siêu thực là sự phát triển sâu hơn của khuynh hướng hướng vào đời sống thế sự và sự trở về của cái tôi cá nhân. Với quan niệm “nhân thân tiểu vũ trụ” nên việc đi sâu vào vũ trụ người, khám phá chiều sâu khôn cùng của nó bao giờ cũng là một đề tài, một thách thức đầy sức hút đối với người nghệ sĩ thuộc khuynh hướng này. Nỗ lực đào sâu vào cái tôi ẩn giấu bên miền sâu thẳm, những người nghệ sĩ ấy cố gắng phát hiện chiều sâu tâm linh của con người. Đó cũng chính là nét nổi bật của xu hướng thứ ba này.
Xuất phát từ quan niệm thơ chủ yếu là sự biểu hiện của cái tôi ở phần tiềm thức, vô thức, tâm linh, các nhà thơ thuộc khuynh hướng này đã đưa thơ vào sâu trong các vùng mờ của tiềm thức, những miền vô thức mờ ảo với những giấc mơ, những mộng mị và hư ảo:
Mặt ga đêm
Miệng mở ngủ
Giật thức
Mắt kinh hoàng
Người bốn phương chạy đổi chỗ. Em đi về đâu em có đi cùng anh
Em có một cái mặt không ? Ta soi nhau mà tìm. […]
(Người đi tìm mặt – Hoàng Hưng)
Những nhà thơ thuộc khuynh hướng hướng vào những vùng mờ tâm linh, vô thức, và đưa thơ theo hướng tượng trưng siêu thực đã chối bỏ sự áp đặt của ý thức, kinh nghiệm. Họ chỉ coi trọng những cảm giác thực thể và siêu nghiệm, được biểu đạt bằng ấn tượng, biểu tượng, bằng những ám thị hoặc các liên tưởng trùng phức, theo cách biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng hay siêu thực. Thơ chính là hoạt động tâm lý của con người. Nó là nguồn sáng tạo cho những sáng tác mang màu tâm linh cá nhân. Đồng thời cũng phản ánh hiện thực nên những hiện thực ở đây được lý giải bằng chính tiềm thức: Thơ đương đại thường có xu hướng quay về những ẩn ức quá khứ, những ám ảnh tiềm thức như một sự giải mã cho thế giới nội tâm của mình hoặc một số tác giả lại có xu hướng quay tìm về thế giới tâm linh với những vùng mờ, độ nhòe khó phân định, đậm chất tượng trưng siêu thực – (Hồ Thị Tâm).
Thế nhưng, thực chất cả hai xu hướng này chỉ cùng một mục đích và một biểu hiện là thể hiện cái tôi trong thơ. Cùng nói về cái tôi nhưng cái tôi trong khuynh hướng đi vào những vùng mờ tâm linh, vô thức, tượng trưng, siêu thực này lại khác so với cái tôi trong khuynh hướng hướng vào đời sống thế sự, trở về của cái tôi cá nhân. So với khuynh hướng hướng vào thế sự và trở về của cái tôi cá nhân, thì khuynh hướng đi sâu vào vùng mờ tâm linh, vô thức và đưa nhà thơ theo hướng tượng trưng siêu thực này có điểm khác nhau.
Sự khác biệt giữa khuynh hướng này và khuynh hướng hướng vào đời sống thế sự, trở về của cái tôi cá nhân chủ yếu nằm ở cấp độ và cách khai thác sự đa chiều của cái tôi. Nếu như xu hướng thứ hai chủ yếu tìm hiểu bản thể cái tôi trong các quan hệ đời sống, sự tương tác giữa cá nhân với hoàn cảnh thì ở xu hướng thứ ba này, các nhà thơ tập trung tìm hiểu cái tôi trong quan hệ với chính nó. Tại đây, tính “tự động tâm lý” đậm màu siêu thực và sự “ú ớ” trong cảm thức nghệ thuật được đề cao. Muốn thế, nhà thơ, theo cách nói của Đặng Đình Hưng, phải “nhập – thấy”. Trong trường hợp ấy, thơ là hình ảnh nội tâm về thế giới nội tâm, là ý thức chống lại các quy tắc có sẵn trong thơ, là sự khước từ sự có mặt của tư duy duy lý trong nghệ thuật. Về thực chất, các cây bút đi theo hướng này muốn trình loài người hình ảnh về con người tâm linh. Đây là một đoạn thơ của Đặng Đình Hưng trong “Ô mai”.
Cơn thể nghiệm đầy triển vọng hoàn thành, thì một hôm (có lẽ tại thời tiết, jở jời) bỗng phát sinh một số biến chứng, biến chứng từ trong ra. Hôm ấy trời se se – mùa chuyển, anh lại thấy người gai gai khó nói – như man mác – như mây trôi – lại như trống trải cô li – như tiếng gọi mùa:
xuân hạ thu đông
đi jiữa mùa em jó lộng
thu cùng đi jiữa mùa xuân jó lạnh xuân mùa
thay áo mùa sương em
sương ngượng
ngỡ ngàng ngấp nghé
3. Cái tôi tâm linh, vô thức trong khuynh hướng thơ tượng trưng, siêu thực – hành trình của sự kế thừa và phát triển.
Bất kì một hiện tượng, sự vật nào cũng đều trải qua giai đoạn mạnh nha, khởi đầu, phát triển và suy tàn. Trào lưu, khuynh hướng văn học cũng vậy. Ngày nay, hẳn là chúng ta không lạ lẫm gì với những bài thơ hiện đại đầy màu sắc tượng trưng siêu thực như:
Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu
(Bóng chữ – Lê Đạt)
Với khuynh hướng đi vào những vùng mờ của tâm linh, vô thức và đưa nhà thơ theo hướng tượng trưng siêu thực này, để có được một hướng đi như ngày hôm nay, thì trước đó đã có sự manh nha và trải nghiệm của nhiều nhà thơ ưu tú. Họ là những người đi tiên phong và chấp nhận như những cánh chim lạc để tìm đến những chân trời mới. Tuy nhiên, ở mỗi thời kì lại có một cái hay riêng khó mà đối sánh rõ ràng. Nhưng dường như trong thơ đương đại thì vấn đề này đã trở thành một xu hướng mang nhiều giá trị với rất nhiều tác phẩm độc đáo đã định hình. Các nhà thơ như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần,… đã đến với xu hướng này từ những năm 50 và 60 của thế kỉ trước nhưng thi phẩm của họ chỉ công bố sau khi có công cuộc đổi mới và những tác phẩm ấy đã trở thành một hiện tượng gây nhiều tranh luận trong nửa đầu những năm 90.
Ngược thời gian, đối sánh với những tác phẩm trước thì chúng ta thấy rằng ngay từ lúc cái tôi được giải phóng một cách mạnh mẽ thì nhiều tác giả của phong trào Thơ mới đã đi những bước đầu tìm về với vùng sâu thẩm của tâm hồn: Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ mộng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo nào như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu (Trích Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh).
Tiêu biểu hơn hết được nhắc tới có thể kể đến Hàn Mặc Tử. Thi sĩ không dừng lại ở sáng tác mà còn nêu lên quan điểm sáng tác của bản thân lúc bấy giờ. Đây cũng có thể xem như là một tuyên ngôn mới về sáng tác đối với thơ ca: Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá, tôi phản lại tất cả những gì máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi mất trí, tôi phát điên (Tựa tập Thơ điên – 1938). Trong bài Rượt trăng, chàng thi sĩ họ Hàn viết:
A ha! Ta đuổi theo trăng Ta đuổi theo trăng
Trăng bay lả tả ngã lên cành vàng
Tới đây là nơi tôi gặp được nàng […]
Chúng tôi lại là người của ước mơ
Không xác thịt, chỉ có linh hồn đang mộng.
Chao ôi! Chúng tôi rú lên vì kinh động
Vì trăng ghen, trăng ngã, trăng rụng xuống mình hai tôi!
(Rượt trăng – Hàn Mặc Tử)
Không dừng lại ở đó, nếu Hàn Mặc Tử cho là như thế, thì trong lời mở đầu của tập Điêu tàn Chế Lan Viên lại thêm vào: Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là sự phi thường, thi sĩ không phải là người. Nó là người mơ, người say, người điên. Nó là tiên, là ma, là quỷ, là tinh, là yêu.
Đó là những tuyên ngôn nghệ thuật, là quan điểm của hai nhà thơ Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử. Từ hai quan điểm trên, tác giả Nguyễn Mai Hương Trà đã rút ra một nhận định và khẳng định luôn đây chính là những bước đầu manh nha đáng phấn khởi để yếu tố tâm linh trong thơ phát triển hơn nữa về sau. Thơ là tư tưởng nảy sinh trong trạng thái siêu thăng của cảm giác. Đó là lúc cảm hứng đến như một “cơn sốc”, ý thức tỉnh táo mờ đi, lùi lại phía sau nhường phần lớn quyền điều hành cho tiềm thức, vô thức. Những ý kiến trên, dù đó là quan niệm riêng của cá nhân các nhà thơ nhưng lại rất gần với quan niệm của “Chủ nghĩa hiện đại” và tương đồng với chiều hướng vận động đi tới các phi lí tính trong văn học thế giới.
Bên cạnh những tác giả của phong trào Thơ mới, thì còn có những nhóm tác giả cách tân quyết liệt hơn còn mang nhiều luồng phán xét cũng đã đi vào thế giới tâm linh qua thơ. Như tác giả Nguyễn Mai Hương Trà tiếp tục nhận định: Sau thời kỳ lãng mạn thuần khiết, một số tác giả của Trường thơ Loạn, nhóm Xuân Thu nhã tập, nhóm Dạ đài tiến thêm một bước mới, đi vào tìm hiểu, khám phá những bí ẩn nằm trong chiều sâu tâm linh huyền bí với những chiều kích khác nhau của thế giới và con người. Từ quỹ đạo lãng mạn họ đã bước đầu dịch chuyển sang địa hạt tượng trưng và thậm chí đã có dấu hiệu của Chủ nghĩa siêu thực… .
Nhóm Xuân Thu nhã tập cũng đã đưa ra những quan điểm sáng tác đầy màu sắc tượng trưng, siêu thực, khước từ những lí trí: Trước khi thưởng thức hương, nhận chân sắc, dò hỏi trời, phân tích vui, trước khi dùng những phương thức lý trí, có ý thức, có hệ thống để phán đoán, để hiểu biết, ta đã chịu sự quyến rũ của mùi thơm, sự lan tràn của ý thích, ta đã cảm thấy đẹp, đạt được thật, đầm trong thơ, nát (niết) bàn nghệ thuật. Hay quan điểm: Tính chất của thơ là hàm súc, tĩnh mạc, tổng hợp. Ngôn ngữ, cú pháp Á Đông rất thích hợp cho thơ. Tứ thơ thường đọng lại, cốt gợi hơn là tả…
Từ cuối thế kỷ trước, thơ Pháp nhờ dòng “tượng trưng” đã gặp thơ Á Đ ông , ở chỗ uẩn khúc, huyền ảo… Theo đó, một bài thơ không nên được hiểu như một bài văn, một cách lộ liễu nhất định. Thơ phải chứa nhiều sức khêu gợi, ý ở ngoài lời… Thơ không cần lúc nào cũng rõ nghĩa, không phải lúc nào cũng sáng sủa… Nó giữ phần sâu kín, giữ phần sâu sắc; không phải lúc nào cũng theo lý luận, vì nó chịu sức chi phối của những luật vô hình… Vậy thơ là một cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu, cái hình ảnh sự khắc khoải bất diệt của muôn vật: cõi Vô Cùng. Với quan điểm ấy, Đoàn Phú Tứ đã sáng tác nên bài Màu thời gian nhẹ nhàng, tinh tế và tượng trưng:
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
(Màu thời gian – Đoàn Phú Tứ)
Đã có nhiều ý kiến, nhận xét, đánh giá về tính tượng trưng siêu thực trong những tác phẩm của các nhóm như Xuân Thu nhã tập và Dạ đài. Ví như trên Tạp chí sông Hương – Số 207 tác giả Trần Huyền Sâm cũng đưa ra nhiều minh chứng: Hầu hết, các sáng tác của “Xuân Thu nhã tập” đã vượt lên tính xúc cảm, tính chất giãi bày cái tôi cá nhân của “Thơ mới”. Xuân Thu đã tiến đến chủ nghĩa tượng trưng ở tính ám gợi, tính biểu tượng, tính mơ hồ, huyền bí.
Cùng chung một cách nhìn về sự vận động trên, tác giả TS. Đặng Thu Thủy lại cho chúng ta một cái nhìn như khẳng định thêm một lần nữa ở giai đoạn tiếp theo. Tác giả nhận xét: Dẫn thơ theo hướng này là các nhà thơ thuộc thế hệ trước 1975 – các nhà thơ “hiện đại chủ nghĩa” (theo cách gọi quen thuộc của thi giới): Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng… (tiếp nối bước chân của Xuân thu nhã tập, Dạ Đài). Họ có tham vọng khám phá “tâm lý học miền sâu”, “miền còn hoang dã” của con người. Xuất phát từ quan niệm: thơ chủ yếu là sự biểu hiện của cái tôi ở phần tiềm thức, vô thức, họ đã đưa thơ vào sâu trong các địa hạt này, khai thác những giấc mơ, mộng mị, hư ảo.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã sáng tác một bài thơ với đầy những hình ảnh của vô thức, của giấc mơ:
Con chim mang giấc mơ bay đi
Chú bé ngủ dưới trời sao sáng
Thanh thảnh
Đêm qua em mơ gì?
Tôi mơ thành chim
[…]
Đêm qua
Tôi mơ thành tôi
Tôi mơ thành chim
Tôi mơ thành giấc mơ.
(Đề tặng một giấc mơ – Lâm Thị Mỹ Dạ)
4. Những tác giả tiêu biểu của dòng thơ tượng trưng, siêu thực sau 1975.
Chúng ta khẳng định yếu tố tâm linh trong thơ đương đại đã trở thành một xu hướng định hình. Bởi lẽ, nhìn lại một chặng đường ta không khó để kể đến những cái tên tiêu biểu; Từ đã thành danh ở chặng đường trước và vẫn phát huy sáng tạo cho đến hôm nay như: Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Phùng Khắc Bắc… Đến các nhà thơ trẻ đang sáng tạo mạnh mẽ như: Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Vĩnh Tiến, Văn Cầm Hải…
a. Nhà thơ Hoàng Cầm.
Khi nhắc đến Hoàng Cầm, người ta lại nghĩ ngay đến một nhà thơ với những tác phẩm gắn liền với không gian văn hóa Kinh Bắc. Không gian văn hóa Kinh Bắc thấm đẫm và linh hồn nhà thơ từ tuổi thơ ấu. Và nó đã trở thành một cõi – cõi về, cõi mơ của cả đời ông. Trong tác phẩm của ông, hình ảnh thơ và âm điệu thơ được đan dệt nên trong một trạng thái đặc biệt. Trong những giấc mơ, ở đó là sự siêu thăng của những khát khao, ẩn ức, hoài niệm. Tất cả đã được kết tinh vào những biểu tượng của những cái đẹp nữ tính mà hình tượng chung đúc tất cả là hình ảnh cô gái Kinh Bắc vừa đằm thắm, duyên dáng, đa tình lại vừa dân dã, đôi lúc lại kiêu sa.
Phương thức biểu hiện của thơ Hoàng Cầm là sự hài hòa, hòa trộn giữa hai yếu tố thực và ảo. Khởi nguồn bao giờ cũng là từ cái thực nhưng sau đó, nó dẫn dắt độc giả bước vào thế giới siêu thực. Tiêu biểu là bài thơ Lá diêu bông. Lá diêu bông siêu thực nhưng lại đầy sức ám gợi, mê hoặc lòng người. Nó như một khúc hát huyền ảo ám gợi về những khát khao, những kiếm tìm dai dẳng theo đuổi suốt cuộc đời nhưng vẫn vô vọng:
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá […]
Ngày cưới chị […]
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời…
…ới Diêu Bông…!
(Lá Diêu bông – Hoàng Cầm)
Thi sĩ Hoàng Cầm cũng có lần tâm sự về thơ của mình. Thơ ông luôn mang hòa màu hư – thực; mà cụ thể nói đến là về cảm hướng sáng tác, có lần Hoàng Cầm nói về hoàn cảnh ra đời của bài Lá Diêu bông: … Tôi xoay người trong chăn về phái trái và ghi ngay. Giọng nữ vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ. Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bẫng hẳn, một lát sau tôi ngủ thiếp đi. Sớm hôm sau thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè dòng kia, chữ nọ như xóa mất chữ khác. Phải mất gần tiếng đồng hồ, tôi mới tách ra được theo thứ tự đúng như người nữ nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm hôm qua. Bài Lá Diêu bông ra đời như vậy, nói có người không tin, nhưng tôi nghĩ bây giờ khoa tâm thần học, vô thức luận, tâm linh học có thể lý giải hiện tượng đó một cách khoa học.
Còn trong bài Cơn mưa Thuận Thành, cơn mưa làm hiện lên vẻ đẹp đầy quyến rũ của người con gái Kinh Bắc từ bậc vương phi quyền quý đài các cao sang đến cô thôn nữ mộc mạc, giản dị:
Long lanh mắt ướt
Là mưa ái phi
Tơ tằm óng chuốt […]
Phủ Chúa mưa lơi
Cung Vua mưa chơi
Lên ngôi hoàng hậu
Cứ mưa Thuận Thành
Hạt mưa chưa đậu
Vai trần Ỷ Lan
(Mưa Thuận Thành – Hoàng Cầm)
Còn tác giả Nguyễn Văn Ba cũng đưa thêm một thức mới trên sự kiến giải tương đồng: Từ vô thức, ý thức, tiềm thức đến cái siêu thức, đó chính là những bước phát triển của ý thức tâm linh đỉnh cao của nó là cái siêu thức. Siêu thức ở đây không phải là cái không nhận thức được mà đó là sự nhận thức thế giới một cách hiện thực, sâu sắc nhất. Tác giả cũng lý giải cái siêu thức ấy: …siêu thức như một hiện thực, một mạch ngầm ẩn của con người, chứa đựng một phẩm chất cao siêu của nó, đến việc giải thoát cái tâm linh ra khỏi những rào chắn của tôn giáo, triết học và các hệ tư tưởng huyền bí khác.
b. Nhà thơ Hoàng Hưng và Đặng Đình Hưng.
Trong khuynh hướng đi sâu vào vùng mờ ảo, tâm linh, siêu thực này, phải kể đến hai nhà thơ nổi tiếng mà họ có sự tương đồng về “cái tôi” – đó là Hoàng Hưng và Đặng Đình Hưng. Ở hai nhà thơ này có sự gặp gỡ giữa cái tôi cô đơn, cô đơn tuyệt đối, và nhiều khi là tuyệt vọng. Cái tôi ấy dường như chối bỏ ý thức mà chỉ còn hiện diện trong những ấn tượng, những cảm giác, những giấc mơ trong sâu thẳm của thế giới vô thức. Có lúc nhà thơ Hoàng Hưng rơi vào tuyệt vọng :
Sống chỉ còn như một thói quen
Ước nằm nghe mưa rơi rồi chết.
Chẳng biết hồn lạc về đâu.
Cũng có lúc nhà thơ rơi vào trạng thái day dứt, đau đáu đi tìm mặt:
Ta đói mặt người ta khát mặt ta
Ta vọng mặt em mặt em ở đâu?[…]
Gió, cát đuổi theo để vẽ mặt ta
Đi thôi đi thôi
Đi tạc mặt vào đêm Hút hút
(Người đi tìm mặt – Hoàng Hưng)
Còn Đặng Đình Hưng cảm thấy nhiều lúc xa lạ với chính mình, muốn xa lánh tất cả mọi thứ, tự giam mình trong không gian riêng, không gian tách biệt mà tác giả gọi là siêu hầm để chỉ sống với mình và những “siêu nghiệm”. Trong bài Ô mai, tác giả viết Sống như vậy nhiều năm, anh thấy thoải mái. Thoải mái tới sảng khoái. Bởi thế, hễ có ai tốt bụng gợi ý là nên tìm một cái trại sống cho tĩnh, anh lịch thiệp không đáp. Như vậy, tự tại. Trên cái nền tự tại này, thỉnh thoảng (hình như cứ năm năm một lần) lại nổi lên, có thể nói chồm lên một cơn xáo động. Xáo động mà anh gọi là “xáo động thể nghiệm”.
Cụ thể, đã có những thể nghiệm đi tới tạm sơ kết, gần như tổng kết hẳn. Thể nghiệm về danh lợi quyền – tình-ước mơ – kiến thức jì đó…- những cái gọi là đề bắt buộc của đời (các tập chép, đóng, xếp từng chồng, fân loại đánh số). Khi nghe bàn, anh điềm đạm nghĩ qua việc khác. Hoàng Hưng đề xuất lối thơ “vụt hiện” giống như lối viết tự động từng được nói đến ở phương Tây, nhưng được đẩy cao hơn. Bài thơ là tập hợp của những câu của những hình ảnh rời rạc, dường như không chút liên hệ nào, chỉ là bản tốc kí những gì vụt hiện ra trước mắt hoặc đến từ tiềm thức, vô thức…
Buồn ư em
đan len…
tóc đêm nhòe dưới vòm đèn
Càng dịu! a ê len
ngắm em
Em về – anh ngợi ca v
Em đi – anh lại ngợi ca đi xa xa tít mù xa
thật thật jà
anh cứ đứng ngợi ca Em
hình cứ tang thương
Đau thương là lửa đấy
Ô mai fải lạnh lùng.
(Chiều thứ bảy – Hoàng Hưng)
c. Các nữ thi sĩ trẻ khác.
Khuynh hướng đi sâu vào vùng mờ của tâm linh, vô thức này còn có sự kế thừa của các nhà thơ trẻ, đặc biệt là các nữ thi sĩ như : Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư,… Với những nhà thơ trẻ này, cái tôi được khẳng định mạnh mẽ, táo bạo thông qua hình ảnh của những giấc mơ, mộng mị, hư ảo:
Tôi nằm mơ một đám ma người chết là tôi.
Tôi người đã chết.
Những người tình xếp hàng lần lượt những người không hề biết nhau và những người từng định giết nhau họ đến xếp hang rồi gật đầu chào mời nhau hút thuốc đồng loạt thở dài rồi lần lượt đi vòng quanh.
Từng người vòng quanh cam đoan không bao giờ quên rồi nghe chừng như sốt ruột trong khi xếp hàng họ hỏi nhau xem hoa hậu năm nay mới đăng quang là ai… mua phim sex lậu ở đâu rẻ nhất…
Lần lượt và lần lượt họ liếc nhìn mắt tôi đã nhắm chặt rồi họ lặng im Họ đã không quên
Tôi nằm mơ một đám ma người chết là tôi. Tôi người đã chết.
(Giấc mơ – Phan Huyền Thư)
Một trong những khuynh hướng vận động của thơ sau 1975 là khuynh hướng đi sâu vào vùng mờ tâm linh, vô thức, đưa thơ theo hướng tượng trưng, siêu thực. Nó được manh nha từ trước, tuy mỗi giai đoạn, mỗi thời có những nét riêng, ưu và nhược điểm riêng, khó có thể đối chiếu so sánh được. Thế nhưng trải qua một quá trình dài, khuynh hướng thơ siêu thực tượng trưng này đã được đông đón nhận. Ngày có nhiều nhà thơ sáng tác theo quan điểm này và độc giả đương đại ngày nay đã khá quen thuộc với những sáng này.
5. Hình thức thể hiện của khuynh hướng thơ tượng trưng, siêu thực:
a. Từ quan niệm mới về chữ và nghĩa của thơ, xu hướng thơ dòng chữ…
Sự đổi mới của thơ Việt Nam sau 1975 in đậm dấu ấn trong khuynh hướng thứ ba này, khuynh hướng đi sâu vào những vùng mờ của tâm linh, vô thức và đưa thơ theo hướng tượng trưng, siêu thực. Sự tìm tòi không chỉ biểu hiện trên phương diện nội dung mà còn hướng vào hình thứ ngôn từ thơ, là sự cách tân về chữ. Thơ Việt càng ngày càng có chiều hướng trở về đúng bản chất nghệ thuật ngôn từ. Chính vì thế không ngỡ ngàng gì khi Hoàng Hưng lại gọi xu hướng này bằng một cái tên vừa quen vừa lạ “dòng chữ” và tất nhiên những nhà thơ đi theo xu hướng này phải là những “nhà thơ dòng chữ”.
Với ý muốn thoát ra khỏi những quan niệm thơ và thi pháp truyền thống, muốn giải phóng thơ ra khỏi chức năng làm phương tiện biểu đạt những cái ngoài nó, đưa thơ về với chính nó, những nhà thơ theo xu hướng này đã đưa ra một quan niệm mới về chữ và nghĩa của của thơ. Họ muốn chữ thoát khỏi chức năng kí hiệu thay thế cho những cái được biểu đạt, đọc thơ không phải là đi tìm nghĩa sau các chữ và làm thơ chính là làm chữ.
Những nhà thơ đại diện cho lối làm thơ độc đáo này có thể kể ra như Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Đoàn Văn Chúc và gần đây là Từ Huy. Với các thi sĩ này, ngôn ngữ hay chữ chính là hiện thực trực tiếp và thứ nhất của tư duy thơ. Chữ khơi gợi tư duy và mĩ cảm. Khi tuyên bố làm thơ là làm chữ, đồng nhất thơ vào chữ Trần Dần từng nói : Tôi viết tức là tôi để con chữ tự mình làm nghĩa, Sau này, Lê Đạt phát triển lên thành “phu chữ”, chăm sóc, nâng niu, ông thẳng thắn tuyên bố rằng: chữ bầu lên nhà thơ, nghĩa là “nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải bằng nghĩa tiêu dùng, nghĩa tự vị của nó mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan với câu thơ, bài thơ”.
Các thi sĩ đã đi đến tận cùng chiều năng nghĩa của chữ hay như Dương Tường nói là phát huy tối đa cái “năng biểu” của chữ. Âm, hình, tự dạng, màu sắc, cách thức bày bố, thể hiện chữ được triệt để khai thác, vượt qua những lớp nghĩa tự vị, tiêu dùng để phát sinh năng lượng thi tính mới. Các nhà thơ dòng chữ đã rút bỏ khả năng biểu vật, biểu thái, biểu niệm của thực từ, hư hóa thực từ bằng cách đẩy chúng vào các cấu trúc mới, phát sinh nghĩa trong cú pháp hơn là nghĩa từ vựng, buộc chúng phải sống đời sống của hư từ. Cùng với đó, việc phá bỏ cấu trúc của từ ghép, từ láy, đảo trật tự, nhể bỏ hình vị ra khỏi từ hoặc sử dụng mình hình vị gốc sau khi đã cắt đuôi từ tố ăn theo, tách và ghép các âm tố, làm sai (theo tín niệm ngữ pháp thông thường), nhịu, vấp trong chuỗi ngữ lưu tiếng Việt… tạo cơ hội vẫy gọi liên tưởng hay giải phóng các năng biểu về âm, nghĩa, hình của từ, hình vị, âm vị…
Tuyên ngôn đầy quyết liệt cũng như những tác phẩm của các nhà thơ tiên phong ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà thơ đương đại. Họ là các nhà thơ trẻ, họ rất có ý thức trong việc xác định trở lại các giá trị đã bị đánh mất trong thơ, đặc biệt các nhà thơ tập trung chú trọng đến ngôn ngữ thơ ca. Nữ nhà thơ Phan Huyền Thư viết rằng có những nhà thơ đang cố gắng tạo ra chữ, chữ ở đây không đơn thuần được hiểu một cách bình thường như trước giờ người ta vẫn hiểu, chữ ở đây là biểu hiện của sự sáng tạo cao độ của lớp nhà thơ đang trên hành trình đổi mới thơ ca.
Nhà thơ Vi Thùy linh tự nhận mình là người thợ thủ công trong việc sáng tạo hình ảnh và ngôn ngữ thơ. Người rất có tâm huyết với con chữ cũng phải kể đế nhà thơ trẻ Nguyễn Hồng Minh với tập thơ Giọng nói mơ hồ.
b. Biểu hiện phong phú ở từng nhà thơ.
Có thể nói những quan niệm này thời bấy giờ như một điều gì đó rất mới mẻ và xa lạ với số đông người đọc thơ và cả người làm thơ ở nước ta nhưng nó không phải là mới ở các nước phương Tây. Đáng trân trọng là các nhà thơ không chỉ bắt nguồn từ gốc rễ lối thơ tượng trưng và siêu thực mà quan trọng hơn là họ đã chú trọng rất nhiều vào chữ và âm. Tiếng Việt của chúng ta vì thế không những giàu mà còn rất đẹp với những sự biến hóa “diệu kì” của những chữ tưởng như đã quá quen thuộc.
Trần Dần là người tiên phong sử dụng từ ngữ để tạo âm, tạo nhịp, ông được xem là người khởi nguồn cho loại thơ dòng chữ. Những thể nghiệm này đã được Trần Dần đưa ra trong các tập Mùa Sạch và Jờ joặcx:
jòng mùa jọc nịt
Joạc jờ jêrô… vòng tròn
thằng Truồng bị vây trong vòng tròn
tôi không hiểu tôi bò hai chân trên sẹo joạc jờ nào?
sao cứ thun thút những sẹo mưa jọc jài ỗng ễnh bầu mưa?
chứ tôi đâu phải thằng quíc-ss? mà tôi vẫn bị ngửa thì jờ ướt mưa
joạc vườn jạch ngực joạt đùi jầm mùi jũi lòng.
Tôi biết jành jạch sử kí cả
(Tựa Jờ joặcx – Trần Dần)
Với những thể nghiệm đầy ấn tượng, Trần Dần được mệnh danh là người cách tân số một cho thơ Việt Nam. Những thể nghiệm này cũng được Lê Đạt và Dương Tường thử sức trong 36 bài tình.
Trong Romance 4, Dương Tường viết thơ mang hơi hướng phong cách haiku nhưng nội dung thì phải gọi là rất độc đáo:
Bỗng nông nỗi chiều tình si giáng thứ
giọt sao dềnh vũng nhớ khuya em về mưa mi mineur
Trong tập Bóng chữ, Lê Đạt viết rằng:
Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó.
[…]
Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao
(Thu nhà em – Lê Đạt)
Lê Lưu Oanh trong cuốn Thơ Trữ tình Việt Nam 1975 – 1990 đã nhìn nhận khá rõ phong cách thơ Lê Đạt. Ông tả những cái thực bằng một ngôn ngữ dồn nén, đầy tỉnh lược, liên tưởng xa, đầy ấn tượng. khi ông tả bèo dâu thì gọi đó là “mộng hoa dâu” trong câu: Mộng hoa dâu lum lúm má sông đào. Đó chưa hẳn là ấn tượng khi ta chưa đọc dòng thơ tả quả vải chín của ông: Tuổi vào ga mùa ủ lửa má vừa. Tả cô gái đánh đàn thì Sóng tháp bút bước mở trầm âm lắng, Mưa búp măng lung phím nắng dạo ngần. Tả tóc con gái bay trên phố chiều là Gáy nê ông chiều lả liễu lam bay.
Nghĩa là như thế nào? Hóa ra tả thực đã chuyển màu siêu thực bởi việc sử dụng ngôn ngữ ấn tượng và cắt dán, đặc biệt với kĩ thuật cắt dán của nghệ thuật trừu tượng và siêu thực. Những chi tiết của các chỉnh thể khác nhau bị tách rời, gán ghép vào nhau tạo thành một chỉnh thể mới. như ngôn ngữ hội họa siêu thực của Picatxo vậy. Ca dao đã diễn tả một nỗi nhớ thật ấn tượng:
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống rơm
Nhưng nếu đọc những dòng thơ sau của lê Đạt thì người ta phải ồ lên thán phục trầm trồ bỏi vì nó không ấn tượng mà phải là “quá ấn tượng”:
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa mây mấy độ thu
(Bóng chữ – Lê Đạt )
Cũng kiểu kỹ thuật cắt dán của nghệ thuật trừu tượng và siêu thực trong Vườn màu:
Đường nắng cánh sen đèn hội má
Vườn hoa con gái
Hay trong bài thơ Phố Nêông:
Hồ Chành
bướm phù dâu
mi thổi viễn dương xanh
Chiều thả bóng những con tàu giấy
Thậm chí, một số thực hành của Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Dương Tường, ngôn ngữ thơ lại chính là sự ký âm, ký họa các phương diện của chữ:
Em về phố lặng lòng đổ chuông llềnh llềnh nước lli
lluâng lloang llưng
lliêng llinh lluông buông boong ad lllibitum
(Noel 1 – Dương Tường)
Cấu trúc của thơ dòng chữ là cấu trúc của những “tiền giả định” (Lê Đạt gọi là vân chữ, bóng chữ), xuất hiện do chính khả năng vẫy gọi, tụ nghĩa, liên tưởng của từ, chữ, âm, hình… trong quá trình vỡ ra và tái thiết một trật tự, một khả năng biểu nghĩa mới:
Nắng tạnh heo may hoa lạnh
Mimôza chiều khép cánh mi môi xa
(Mimôza – Lê Đạt)
Thơ đang hướng về lối tượng trưng, siêu thực của cõi mông lung của tiềm thức, tâm linh mà đặc điểm của lối thơ này là không nhìn và miêu tả thế giới theo lôgíc thông thường, kinh nghiệm mà theo lôgíc siêu nghiệm. Thế giới trong thơ tượng trưng được dựng lên bằng ám thị, không phải bằng những hình thức cảm tính của đời sống mà bằng ẩn ngữ, những tín hiệu, không phải để phát biểu ý nghĩa tình cảm trực tiếp mà để tự sự vật gợi lên một ám ảnh,
một cảm giác nào đó. Vì vậy ngôn ngữ thơ tượng trưng rất nhiều ấn tượng, biến ảo, dùng nhiều biểu tượng, liên tưởng trùng phức và đặc biệt chú trọng đến mặt âm thanh của chữ, bởi âm nhạc giàu khả năng tạo ấn tượng và ám thị. Nhà thơ tượng trưng khi sáng tạo những chữ mới, không quan tâm đến ngữ nghĩa mà chú trọng giá trị âm thanh của chúng trong việc diễn tả cảm giác, ấn tượng. Dương Tường thật ấn tượng khi viết:
Nôel đèn
môi e Za em
Sê ru za lem pha phem
hang/ hem Đức mẹ Jọt
Jọt hé he
mùi quen mà quên
(Noel 2 – Dương Tường)
Dương Tường là một nhà thơ đã sử dụng những phụ âm tắt trong tiếng Việt như là một sự uất nghẹn, sự bế tắc tâm trạng, cảm giác bị mất lời, mất sự giao cảm giữa người với người trong thời đại văn minh cơ giới, đồ hộp lên ngôi. Điều này thể hiện rõ qua những dòng thơ sau trong bài khoảnh khăk:
khoảnh khăk phố nằm tênh hênh
con jó thôk bỗng chốk vú nũm cau phau phau
khoảnh khăk
le lói
chân mây mày mạy chợt đỏ ệk
những câu thơ xác ướp ái tình đóng hộb
ôi chao văn minh đồ hộb
chẳng thể nào xuất
tinh
thần khoảnh khăk
hàng cây tok rũ con jó tôk anatômi hè hẹ lub bub nũm cau lạch ngần xuội luội tr’
sao em không ờ khoảnh khăk
sao em kh^ sao em kh^ sao em kh^
Tập thơ đầu tay của Trần Nguyễn Anh Mặc xanh áo em ông chơi thơ bằng cách cắt xén, lai ghép không hạn định các từ, chữ và âm. Sau đó, ông sắp xếp trên văn bản theo nhiều loại hình khác nhau. Nói như Nguyễn trọng Tạo khi ông đọc tập thơ này của Trần Nguyễn Anh, anh chọn một câu thơ rồi khuôn bài thơ vào mấy chữ trong câu thơ mà anh đã chọn bằng cách đảo các vị trí của chữ để tạo ra câu thơ mới mang ý nghĩa mới. Bốn chữ Đêm dài lắm mộng đã biến thành bài thơ 12 câu, bốn chữ Em mặc áo xanh đã biến thành bài thơ 8 câu là cách chơi chủ đạo. Trần Nguyễn Anh cũng kỳ công làm ra những đoạn thơ gồm những cặp từ lấp láy, những dãy từ bắt đầu cùng một chữ cái, và có khi chỉ là một câu hỏi điệp đi điệp lại sau những dòng thơ chỉ sắc thái như những ký hiệu chỉ sắc thái ghi trong bản nhạc, mà tạo được hiệu quả đáng kể:
cực cực nhỏ em ở đâu cực nhỏ
em ở đâu
…………
nhỏ
em ở đâu
to
em ở đâu cực to
em ở đâu…
…Và cuối cùng là: hoàn toàn im lặng/ em/ ở/ đâu.
Mặc xanh áo em còn làm người đọc bối rối bởi hình dung quen thuộc của nhiều người đọc về một bài thơ đã bị phá bỏ hoàn toàn. Nó khiến chúng ta phải băn khoăn tự hỏi đâu là tính thơ trong những ký hiệu, những con số, những dấu chấm… xuất hiện dày đặc trong tập thơ này:
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
2 4 6 8 10
10 10 10 10 10 10 10 10 10 10 10
1,001 1,002 1,003 1,004 1,005 1,006 1,007 1,008 1,009
2 2 (bằng) 4
(khoảng) 7 8
(mồm) 5 (miệng) 10
3 5 7 cn
…
1…2 1…2 1..2 1..2 1…2
(trên) 6
(dưới) 8
…
9,5 9,5 9,5 9,7 9,5
1 2 3 4 5 6 7 8
2 2 3 4 5 6 7 8
3 2 3 4 5 6 7 8
4 2 3 4 5 6 7 8 (hít thở)
Ngoài ra còn có các nhà thơ khác như Đặng Đình Hưng trong Bến lạ, Hoàng Hưng với Người đi tìm mặt, Đoàn Văn Chúc và mới đây là Từ Huy với bài thơ Chữ cái rất ấn tượng, đã có những cống hiến rất lớn trong công cuộc cách tân thơ hiện đại.
A
ừ Z đế
t n
k h ô n g
c ó
c h ỗ c h o
TÔI
Đơn cử bài thơ Từ A đến Z và cả những bài thơ với cái tên đầy “ấn tượng”: Chữ T, chữ C… để thấy Từ Huy đã chạm đến nỗi đau lớn nhất của con người: sự bất lực. Với nhà thơ, đó là sự bất lực của từ ngữ. Bất lực mà vẫn không thể không nói ra. Nghịch lý ấy làm bật ra thơ.
Tóm lại, trong hơn ba mươi năm qua tính từ thời điểm sau 1975, thơ ca Việt Nam đã đi được một đoạn đường dài trên con đường hiện đại hóa, hội nhập với thơ ca nhân loại, bước tiếp hành trình bền bỉ của sự kế thừa và phát triển. Giai đoạn văn học từ sau 1975, bên cạnh văn xuôi là thơ ca không chỉ hoàn tất tiến trình văn học Việt Nam thế kỉ XX , mà còn mở ra bước phát triển tiếp theo trong thế kỉ mới của văn học với một viễn cảnh phong phú, nhiều hứa hẹn.