La Hai đôi mắt thắm màu khói mơ!

la-hai-dong-xuan-phu-yen

La Hai đôi mắt thắm màu khói mơ! 

Thi sĩ Tản Đà có lần đã viết:

Qua Tuy Hòa có gì để nhớ ?
– Em đa tình, con mắt Phú Yên
Ở nơi ấy biển trời sóng vỗ
Thực dịu hiền để muốn ở thêm”.

Quả thật Tản Đà có đôi mắt tinh đời đã nhìn thấy vẻ đẹp trong đôi mắt nghìn trời xanh biếc. Đi khắp khắp trời Nam đất Bắc, đi hết miền ngược miền xuôi, qua Tuy Hòa muốn có gì để nhớ, chợt lặng nhìn con mắt Phú Yên. Tản Đà đã tinh tế miêu tả cái đôi mắt dịu hiền ấy nhưng mà sao nó mơ hồ quá. “Ở nơi ấy” là ở đâu? Là thế giới thẳm sâu trong đôi mắt người con gái hay là trong xứ sở của đồng xanh, biển rộng, trời thăm thẳm… Nó rộng lớn quá. Nó mênh mông quá. Tản Đà đã thấy gì thế? Phải chăng qua đây, ông thấy long lanh biển trời, mặt nước lấp lóa mà nghĩ về đôi mắt chăng? Hay là thi sĩ đã thấy một vẻ dịu hiền, mềm mại như sương đêm, như sóng vỗ từ trong đôi mắt ấy mà nghĩ về vũ trụ hiện sinh.

Tôi bỗng nhớ đến đôi mắt người Sơn Tây trong câu thơ Quang Dũng:

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em như nước giếng thôn làng
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?…”

Đôi mắt này thực rõ ràng long lanh như “nước giếng thôn làng”. Sự so sánh tương cận giúp người đọc nhận rõ vẻ long lanh và sâu thẳm trong đôi mắt của người con gái nhỏ.

Tôi cũng đã bỏ quên một người con gái nhỏ ở đâu đó nơi xứ sở này. Một chiều về bên La Hai, đứng bên dòng sông xanh mà không ngừng hồi tưởng. Em ở đâu đó trong mênh mông đất trời. Cố gọi tên em trong chiều sương gió, chỉ nghe tiếng vọng về trầm mặc của dòng sông. Tôi nhớ một nụ cười đầy nắng, tỏa rạng trên môi em. Tôi nhớ một ánh mắt ngời sáng, một chiều em qua đây.

La Hai mơ màng như một thiếu nữ ngủ say trên gác núi. Lúc nào người ta cũng thấy La Hai thật nhẹ nhàng dẫu rằng ngoài kia cuộc đời lăn vạn ngã. Cánh đồng xanh trải rộng, con sông dài lênh đênh, núi khum tay che gió trăm miền. La Hai hiền dịu như một giấc mơ mà mỗi lần đi ta thả dài nỗi nhớ. Đến đoạn Hà Bằng vẫn ngoái nhìn về trông mong.

Ngược sông cái lên miền Phước Lộc, Thạnh Đức, Xuân Phước, Kỳ Lộ…, những chiều vàng trên ngọn đồi mây bay, én lượn vẽ ra khung cảnh bình yên như một chốn thần tiên nào đó trong cổ tích xưa. Hai bên bờ sông, hàng tre trăm năm tỏa bóng, những cánh đồng trù phú xanh màu ngô khoai. Nhìn lên miền ngược Phú Mỡ núi liền núi, mây liền mây, khói biếc cuộn tròn bóng núi, túp lều tranh lưng dốc mơ hồ, tiếng hoẵng kêu bối rối vọng về từ Trà ô lại khiến lòng ta càng thêm say mê bất tận.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.