Làm rõ chức năng giao tiếp của văn học qua bài thơ Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du

lam-ro-chuc-nang-giao-tiep-cua-van-hoc-qua-bai-tho-doc-tieu-thanh-ky-cua-nguyen-du

Trong “Lời thơ vào tập Gửi hương”, Xuân Diệu viết:

“Vâng, đáng lẽ làm xong tôi giữ lấy
Vui gì đâu mà đưa đẩy dương tranh.
Nhưng cũng lạ! Mối tình đau khổ ấy,
Ðể riêng tây, như có chỗ không đành”.

Từ ý thơ trên, hãy bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về chức năng giao tiếp của văn học. Phân tích bài thơ “Đọc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du để làm sáng tỏ.

Hướng dẫn làm bài:

1. Giải thích ý kiến của Xuân Diệu:

– Đoạn thơ khẳng định: Hoạt động sáng tạo văn học không phải là để “giữ lấy”, không phải là “để riêng tây” mà là để sẻ chia với người đời về “mối tình đau khổ” của mình, về những tâm tư xúc cảm đang chất chứa trong lòng mình.

– Như vậy, đoạn thơ đã đề cao chức năng giao tiếp của văn học:

+ Giao tiếp là hoạt động tiếp xúc, giao lưu, thông báo, trao đổi. Trong hoạt động ấy có chủ thể khách thể, người nói người nghe, có thái độ tiếp xúc, phương tiện truyền đạt, chuyển tải nội dung thông báo…

+ Viết văn, làm thơ, xét đến cùng là một cách ứng xử, giao tiếp đời sống. Viết là một nhu cầu tinh thần để nói chí, tỏ lòng, giãi bày niềm vui, nỗi buồn. Viết để ghi nhớ, miêu tả, tâm sự. Viết để ca tụng, phê phán, để kêu gọi tập hợp đấu tranh.

+ Sáng tác văn chương là một nhu cầu giao tiếp, là hành động giao tiếp với đời sống, với mọi người và với bản thân chủ thể sáng tạo.

+ Văn chương là nơi cơi mở tâm hồn, phơi bày suy nghĩ, bộc lộ cảm xúc, thái độ, tâm trạng, phản ứng của nhà văn, nhà thơ trước hiện thực.

+ Văn chương trong bản chất là một sự giao tiếp trao đổi không ngừng nghỉ với mọi thời đại và mọi lớp người. Điều đó tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt của văn thơ đối với nhân loại.

⇒ Có thể nói, giao tiếp chính là chức năng thường tại của văn học, nó làm con người hiểu biết, thông cảm nhau, có thể tìm thấy sự tri âm, tri kỷ, đồng ý, đồng chí, đồng tình. Văn học tạo nên những vòng sóng giao tiếp vô cùng vô tận nếu nội dung và hình thức của nó đạt được độ hoàn mỹ của nghệ thuật.

2. Làm sáng tỏ chức năng giao tiếp của văn học qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du.

– Nguyễn Du: tự nhận mình là “đa bệnh đa sầu”, lúc nào cũng chất chứa những nỗi niềm tâm sự không biết chia sẻ cùng ai.

– Đọc Tiểu Thanh kí: rút từ Thanh Hiên thi tập. Nhân đọc tập Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du bày tỏ niềm xót xa, đồng cảm với Tiểu Thanh; đồng thời, gửi gắm niềm khát khao tìm gặp được người tri kỷ.

⇒ Như vậy, qua văn chương (tập Tiểu Thanh ký), Nguyễn Du đã tìm được kênh giao tiếp với Tiểu Thanh. Và, qua Đọc Tiểu Thanh kí, ông cũng tỏ bày khát vọng bắc được cây cầu giao tiếp với người đời, dù là ở ba trăm năm nữa

– Hai câu đề:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

(Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn).

+ Đối sánh quá khứ và hiện tại, mượn sự biến thiên của không gian để nói về sự tàn phá tuyệt đối của thời gian.

+ Ở đây, người làm thơ: nhất chỉ thư, còn người đọc thơ: độc điếu. Cả hai đều cô đơn, nhỏ bé. Nhưng, qua trang sách, họ đã gặp nhau, đã trở thành “những điệu hồn đi tìm hồn đồng điệu”.

⇒ Có thể nói, văn chương đã trở thành nhịp cầu tri kỷ nối giữa Nguyễn Du và Tiểu Thanh, giữa hai tâm hồn: một ở hiện tại và một trong quá khứ.

– Hai câu thực:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.

(Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương).

+ Tiểu Thanh là một con người vừa có tài vừa có sắc.

+ Từ Tiểu Thanh, người ta nhận ra được nỗi hờn hận của một kiếp người tài hoa bạc mệnh, tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân.

⇒ Qua phần dư còn lại, Nguyễn Du đã giao tiếp với Tiểu Thanh, thấu hiểu cảnh ngộ và số phận của nàng.

– Hai câu luận:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang).

+ Từ cuộc đời của Tiểu Thanh, nhà thơ đã khái quát về những kiếp người vì có phong vận mà mang sẵn kì oan mà phải chịu số phận bị thảm- hận cổ kim, trời khôn hỏi.

+ Đồng thời, Nguyễn Du cũng tự coi mình là người cùng hội với kẻ mang nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã.
⇒ Như vậy, từ một người cùng chung nỗi hận, Nguyễn Du tự thấy mình cùng chung nỗi oan với Tiểu Thanh.

– Hai câu kết:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

+ Nguyễn Du muốn vượt hạn định thời gian để tìm sự đồng cảm nơi hậu thế. Như vậy, bên cạnh mối quan hệ quá khứ – hiện tại ở đầu bài, một nhịp cầu nữa đang được Nguyễn Du khao khát bắc lên: nhịp cầu hiện tại – tương lai.
+ Cái tên Tố Như khép lại bài thơ đã khẳng định một cái tôi cô đơn, cô độc. Nguyễn Du đã tri âm với biết bao kiếp người như nàng Kiều, người gảy đàn ở đất Long Thành, Tiểu Thanh nhưng lại không tìm được một ai đồng điệu.
⇒ Câu hỏi cuối bài đau đáu một khát vọng được giao tiếp, được gặp tri âm.

3. Bàn luận:

– Chức năng cơ bản của văn học là chức năng giao tiếp, giao tiếp với đời sống, với mọi người và với chính bản thân chủ thể sáng tạo. Qua văn học, người viết có thể ký thác tâm sự của mình, còn người đọc có thể tìm thấy tâm hồn mình trong đó.

– Văn học giúp giao lưu giữa các dân tộc, thời đại, giữa quá khứ, hiện tại, tương lai trong quá trình tìm đến cái tốt hơn, thật hơn, đẹp hơn.

– Điều này đặt ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ phải sáng tác từ những xúc cảm chân thành nhất, tha thiết nhất. Và người đọc cũng phải sống hết mình với tác phẩm để hiểu được thông điệp thẩm mỹ của tác giả, để sẻ chia, cảm thông với tác giả.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Chức năng nhận thức của văn học. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.