Làm rõ tư tưởng yêu nước qua một số tác phẩm văn học trung đại

lam-ro-tu-tuong-yeu-nuoc-trong-cac-tac-pham-van-hoc-trung-dai

Tư tưởng yêu nước qua một số tác phẩm văn học trung đại.

Lòng yêu nước là tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Lòng yêu nước là gắn liền lí tưởng “trung quân ái quốc” (trung với vua là yêu nước, yêu nước là trung với vua); thể hiện ý thức độc lập tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc. Lòng yêu nước là thể hiện lòng căm thù giặc, tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù; niềm tự hào trước chiến công thời đại, tự hào trước truyền thống lịch sử, biết ơn, ca ngợi những người hi sinh vì đất nước. Lòng yêu nước còn thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước.

1. Yêu nước thể hiện trước hết ở lòng tự hào dân tộc.

Bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt là tiếng nói đầu tiên như âm vang từ khí thiêng sông núi dội về: đất nước Việt Nam do vua Nam làm chủ. Nước là của vua, vua là tượng trưng cho chủ quyền của nước:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. 

(Sông núi nước Nam vua Nam
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)

(Nam quốc sơn hà))

Đọc bài thơ, người đọc không khỏi ngỡ ngàng như đứng trước một công trình nhỏ bé, bền chắc mà tài hoa. Bài thơ hoàn toàn không có vũ khí binh đao mà kì lạ thay ta vẫn nhận ra tiếng quân reo, ngựa hí…Sự liên tưởng nhiều tầng ấy phải chăng được gợi lên từ tiếng nói tự hào dân tộc của một con người giàu lòng yêu nước và tinh thần tự chủ. Ở đây, ý thức tinh thần độc lập, tự chủ khá rõ nét. Bài thơ xứng đáng là một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Nếu không có lòng tự hào dân tộc thì khó có thể viết ra được những câu thơ đầy xúc cảm như thế.

2. Yêu nước thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược.

Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này qua thơ các thi sĩ thời Trần, thơ Nguyễn Trãi… Một trong những thành tựu quan trọng của thơ thời Trần là đã thể hiện được chủ nghĩa yêu nước, ý chí quật cường chống quân xâm lược của dân tộc ta. Chính cảm hứng này đã tạo ra Hào khí Đông A” trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc. Hào khí ấy vang lên hùng tráng mà tha thiết qua khúc ca khải hoàn Tụng giá hoàng kinh sư” của Trần Quang Khải:

“Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.”

Bài thơ làm sống dậy một không gian trận mạc chiến trường, đao kiếm với ngựa thét quân reo ngất trời tráng khí. Một trong hai trận ấy do đích thân Trần Quang Khải chỉ huy. Chương Dương, Hàm Tử nằm trong hệ thống chiến thắng mở màn có ý nghĩa chiến lược cho cuộc phản công thắng lợi, mạnh và nhanh, cường độ lớn và tốc độ phi thường đã tạo cho lời thơ khí thế hùng tráng, thiêng liêng.

Khi đất nước đã sạch lòng giặc, lòng yêu nước thể hiện trong ý chí gìn yên bờ cõi, khát vọng lập công trạng lớn, sống xứng đáng với thời đại. Khát vọng ấy được Phạm Ngũ Lão, một vị dũng tướng đời Trần thể hiện rõ ràng trong bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng):

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử con vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu) 

Qua bài thơ, hiện lên hình ảnh của đấng nam nhi thời đại Bình Nguyên, với khát vọng có thể phá được cường địch để báo đáp hoàng ân, để non sông được vững vàng. Vẻ đẹp của người anh hùng lồng trong vẻ đẹp của thời đại làm nên hào khí của thời đại nhà Trần. Bài thơ cũng là nỗi lòng riêng của Phạm Ngũ Lão về khát vọng lí tưởng, về chí làm trai và nhân cách lỗi lạc của con người phải được giữ gìn.

3. Yêu nước là tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.

Trong thơ Trung đại Việt Nam dường như vẫn còn văng vẳng tiếng mài giáo dưới ánh trăng của Đặng Dung. Yêu nước còn là ca ngợi những người hi sinh vì đất nước. Không thể cầm gươm tham gia nghĩa quân như các sĩ phu yêu nước khác, Nguyễn Đình Chiểu đã đánh giặc bằng ngòi bút:

“…Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…”

Nỗi lo lắng và niềm đau xót cho ách nước, nạn dân ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Mỗi bữa thấy, mỗi ngày trông kẻ thù trước mắt lấn thêm một bước, Đồ Chiểu đau đớn như bị cắt đi một phần máu thịt. Cảm hứng bao trùm bài Chạy Tây là sự xửng sốt, nỗi bàng hoàng, lo lắng cho vận nước nạn dân:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay….”

4. Yêu nước là thể hiện tình yêu thiết tha đối với cảnh trí thiên nhiên đất nước.

Trong thơ, thiên nhiên đất nước Việt Nam hiện lên thật đẹp đẽ, tráng lệ giàu đường nét, màu sắc. Với thơ thời Trần, qua cảnh trí thiên nhiên các thi sĩ đã gửi vào đó tình yêu quê hương đất nước của mình. Nguyễn Trung Ngạn khi đi sứ cũng đã viết nên những vần thơ xúc động về tình yêu quê hương đất nước với những phong vị riêng của một vùng đồng bằng Bắc Bộ:

“Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về ”

(Quy Hứng)

Còn Nguyễn Trãi, cảnh đẹp thiên nhiên, khí trời lúc sang xuân thật huyền hồ đầy âm thanh, màu sắc. Xuân về mang theo sự tươi tốt với những làn mưa. Cỏ ở bến xanh như màu khói bao la bát ngát:

“…Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời…”

(Bến đò xuân đầu trại)

Như vậy cảm hứng yêu nước trong thơ trung đại Việt Nam đã thể hiện ở nhiều khía cạnh phong phú và sâu sắc. Đất nước, dân tộc là nỗi niềm khắc khoải không nguôi trong tâm hồn con người Việt Nam nói chung và các thi nhân nói riêng. Vậy nên, ở mỗi nhà thơ có cách khai thác, cảm nhận khác nhau song lại là vẫn sự thống nhất và làm nên một cảm hứng yêu nước lớn. Chính cảm hứng ấy đã làm nên cái độc đáo riêng và giá trị của thơ ca Việt Nam thời Trung đại.


Tham khảo:

CẢM HỨNG YÊU NƯỚC TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

Việt Nam từ khi lập quốc đến nay trải qua bao nhiêu thăng trầm trong lịch sử. Đất nước có hơn bốn nghìn năm xây dựng và phát triển thì có đến hơn 2000 năm nhân dân ta gian nan trong các cuộc chiến tranh chống giặc giữ nước. Lịch sử ghi nhận công lao vất vả, truân chuyên của dân tộc Việt Nam trong việc sinh tồn quốc gia, nhưng lịch sử cũng ghi nhận những trang sử hào hùng, chói lọi chiến công và sự anh dũng của một dân tộc đã gan góc chống lại sự nô lệ, sự áp bức vô lí và phi nghĩa của các tập đoàn phong kiến, đế quốc thực dân khác để dành lại tự do, hoà bình cho chính mình.

Không hề quá đáng khi nói rằng, nhân loại sẽ mãi mãi nhớ và khâm phục một Việt Nam anh hùng, can trường, dũng cảm và thông minh trong chiến trận nhưng rất yêu chuộng hoà bình, dễ gần và đầy thiện chí trong cuộc sống thường nhật. Vậy yếu tố nào đã mang lại những chiến công kì diệu ấy cho dân tộc Việt Nam? Phải chăng là sự may mắn, sự ngẫu nhiên? Có lẽ không có sự lí giải nào xác đáng hơn ngoài câu trả lời, đó chính là nhờ lòng yêu nước, ý thức dân tộc và niềm tin mãnh liệt của người dân về sự tồn tại của dân tộc, của giang sơn đất Việt.

Lòng yêu nước ấy tồn tại một cách tự nhiên, sâu sắc trong tiềm thức của người Việt. Tuỳ theo từng hoàn cảnh xã hội khác nhau mà tình cảm ấy được thể hiện bằng những hành động, việc làm khác nhau chứ không bao giờ mất đi. Trong hoà bình, lòng yêu nước ấy được ẩn sau những việc làm dựng xây đất nước thêm giàu, thêm mạnh. Trong thời chiến, tình cảm ấy được bộc lộ một cách sôi nổi, mãnh liệt, sự lăn xả, sẵn sàng hi sinh thân mình vì đất nước. Đi suốt chiều dọc lịch sử đất nước, ta thấy điều đó hầu như không thay đổi dẫu biết bao nhiêu biến cố, bao cuộc xoay vần thời thế xảy ra trong đời sống dân tộc.

Văn học, với vai trò tự thân là phản ánh đời sống, phản ánh xã hội đã ghi lại một cách trung thành, đầy đủ và đa dạng những biểu hiện tình cảm ấy của người dân. Có thể nói một trong những cảm hứng chủ đạo của văn học Việt Nam trong nhiều giai đoạn chính là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Cảm hứng ấy càng rõ nét hơn trong các cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước. Văn học trung đại- một trong hai loại hình văn học của văn học Việt Nam, càng thể hiện rõ điều đó.

Khi nói đến đặc điểm sâu sắc, nổi bật của tâm hồn Việt Nam, người ta thường nhắc đến lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Mà lịch sử văn học của một dân tộc cũng chính là lịch sử tâm hồn của dân tộc ấy. Chính vì thế, cảm hứng yêu nước- như đã nói ở phần mở đầu- là một nét đặc sắc về nội dung mang tính chất truyền thống của văn học Việt Nam. Khảo sát văn học trung đại Việt Nam, ta sẽ thấy rõ điều đó.

Cảm hứng ấy được thể hiện dưới nhiều hình thức, thể tài và các cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ những bài kệ chốn tu hành, các bài văn nghị luận hành chức như : cáo, chiếu, biểu, hịch…đến các thể loại tiêu biểu giàu tính nghệ thuật, điển hình cho văn học như: thơ, truyện, ngâm khúc…Cảm hứng yêu nước ấy còn được thể hiện bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với nhiều mức độ : yêu thương có, hờn giận có, buồn vui có, thao thức băn khoăn có, bàng hoàng hổ thẹn có, rạo rực hả hê có, tự hào có, xót thương có…với các giọng điệu đa dạng: bi ai, hùng tráng, xót xa, tâm tình, kêu gọi…và tình cảm ấy được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau : đó là ý thức tự cường, tự tôn dân tộc; là khát vọng xây dựng đất nước hoà bình, hạnh phúc; là sự tự hào về giống nòi, tự hào về lịch sử, văn hoá, phong tục, tiếng nói dân tộc; hoặc cũng có thể là tình yêu đối với một vùng trời cụ thể nào đó của quê hương mình, tình yêu đối với một nét riêng trong tính cách Việt Nam; hoặc có khi là nỗi đau buồn da diết của một thời đất nước tối tăm…

Với sự biểu hiện đa dạng trong thể tài, cảm xúc, dạng thức như vậy, cảm hứng yêu nước trở thành một nội dung lớn, xuyên suốt trong Văn học Việt Nam nói chung và trong loại hình Văn học Việt Nam trung đại nói riêng. Nhưng dù biểu hiện đa dạng bao nhiêu thì cảm hứng yêu nước ấy tựu trung lại vẫn chỉ được thể hiện trong hai hoàn cảnh chính : hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và hoàn cảnh đất nước thái bình. Tuỳ từng hoàn cảnh, tình cảm ấy được biểu hiện ở những xúc cảm, mức độ và dạng thức khác nhau. Để rõ hơn, ta tìm hiểu về các hoàn cảnh lịch sử của đất nước và những giai đoạn văn học tương ứng với những tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử ấy.

1. Cảm hứng yêu nước trong văn học giai đoạn đất nước bị xâm lăng.

Lòng yêu nước- như đã nói ở trên là đặc điểm sâu sắc nhất trong tâm hồn Việt Nam. Tình cảm ấy được bùng lên mãnh liệt trong hoàn cảnh nước nhà có nạn ngoại xâm. Ý thức tự tôn, tự hào dân tộc được đề cao, nhiều khi được nâng lên thành lẽ sống chết của cá nhân. Với những áng văn sôi nổi, hào hùng, giàu ý chí quyết chiến, quyết thắng, các tác giả đã để lại trong văn học trung đại những bông hoa rực rỡ toả hương đến muôn đời sau: Nam quốc sơn hà (Lí Thường Kiệt) – bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất của nước ta, Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) – bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc Việt, Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) – một áng “thiên cổ hùng văn” của văn học Việt Nam… Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm này được mệnh danh như thế. Với ý thức tự cường dân tộc, trong Nam quốc sơn hà, Lí Thường Kiệt đã khẳng định :

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Mỗi một đất nước đều có giang sơn, cương vực lãnh thổ riêng, đặt dưới sự trông coi, cai trị của một vị vua đất nước ấy. Sự phân chia ấy, quyền bính ấy đã được quy định rõ ràng ở “sách trời”. Với sự khẳng định về quyền tự do dân tộc trong cương vực lãnh thổ và chế độ chính trị như thế, tuy trong cách nhìn, Lí Thường Kiệt còn nhuốm màu duy tâm, tư tưởng thiên mệnh, Nam quốc sơn hà vẫn xứng đáng là bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất của dân tộc Việt Nam, khẳng định quyền độc lập, tự do của nước Nam là lẽ tất yếu và không kẻ nào có quyền tước bỏ điều đó. Ngược lại, nếu có kẻ nào cố tình đi ngược lại lẽ tất yếu của tự nhiên sẽ chuốc lấy bại vong. Nếu không phải ý thức sâu sắc về sự tự tôn dân tộc và xuất phát từ lòng yêu nước mãnh liệt thì không dễ gì làm nên một tác phẩm bất hủ như thế. Bài thơ chỉ gồm bốn câu thơ, nhưng mỗi câu là một lời khẳng định, một câu tuyên ngôn chắc nịch như dồn tất cả tâm huyết, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù của cả dân tộc. Tương truyền kể rằng, Lí Thường Kiệt làm bài thơ này trong cuộc kháng chiến chống quân Tống trên sông Như Nguyệt() nhằm khích lệ ý chí chiến đấu của quân lính. Nửa đêm, trong đền thờ Trương Hống- Trương Hát bên sông Như Nguyệt vang lên giọng ngâm hào sảng và hùng hồn bài thơ trên làm cho quân giặc nghe thấy đều bị lay chuyển nhuệ khí chiến đấu, còn quân ta lại càng tăng thêm sức mạnh tinh thần.

Cũng được viết trong hoàn cảnh đất nước có ngoại xâm, Hịch tướng sĩ được Trần Quốc Tuấn viết năm 1284 trong lúc chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chống quân Nguyên- Mông lần thứ hai và được đọc trước ba quân vào tháng 9 năm 1284 trong cuộc duyệt binh tại phía đông thành Thăng Long, với mục đích khích lệ binh sĩ học tập “Binh thư yếu lược”. Hịch tướng sĩ thể hiện một tấm lòng yêu nước mãnh liệt, sâu sắc của một vị tướng kiệt xuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của nước ta. Tình yêu ấy được thể hiện trên nhiều dạng thức và cung bậc cảm xúc : vừa đau xót, phẫn uất, căm tức vì gót giày xâm lược của quân giặc chà đạp lên Tổ quốc mà chưa làm được gì : “…Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa lột da nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng nguyện vui lòng…”; vừa căm thù quân giặc bạo ngược vơ vét của cải, hạch sách dân chúng, khinh nhờn triều đình, dẫm đạp lên lòng tự tôn dân tộc : “…Nay ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sĩ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ…” ; lại vừa trách móc quân sĩ vô tâm không chú ý đến việc quân cơ đại sự : “…Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để đãi yến nguỵ sứ mà không biết căm…”. Tất cả dạng thức và cung bậc tình cảm ấy thực ra đều bắt nguồn từ một cảm hứng chủ đạo và cũng là duy nhất : cảm hứng yêu nước. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, có một chút khác trong cảm hứng yêu nước thời trung đại và yêu nước thời hiện đại. Yêu nước trong thời trung đại gắn liền với lí tưởng trung quân. Ái quốc là trung quân, trung quân là ái quốc. Hai tình cảm đó không thể tách rời nhau mà hoà quyện vào nhau, làm nên lí tưởng của một công dân tốt thời kì phong kiến. Chính vì thế, trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã kêu gọi quân sĩ chiến đấu, học tập không chỉ vì bản thân cơm no áo ấm, vinh hiển của mình mà còn cao hơn nữa là thể hiện sự tận trung với chủ tướng, với triều đình, với vua.

Cũng được mệnh danh là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta, nhưng Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, với sự ra đời muộn hơn và là sự đúc kết nhận thức của một đầu óc thiên tài cộng với sự thừa kế tinh hoa của cha anh đi trước, đã có cái nhìn toàn diện hơn về quyền tự chủ, độc lập của dân tộc so với Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt. Bình Ngô đại cáo ra đời sau đại thắng quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn, đứng đầu là Lê Lợi. Năm 1428, sau khi đất nước sạch bóng quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi với cương vị là cố vấn quân sự cho chủ tướng Lê Lợi, thay mặt Lê Lợi viết văn bản bố cáo với toàn dân sự nghiệp chống quân Minh toàn thắng, công bố ngày 17 tháng 12 năm 1428. Bình Ngô đại cáo được viết theo thể văn biền ngẫu, hoàn toàn xứng đáng là một bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của Việt Nam. Trong tác phẩm, bằng sự nhận thức sâu sắc về chủ quyền đất nước và độc lập tự do dân tộc, Nguyễn Trãi đã khẳng định quyền tự do, độc lập của nước ta trên nhiều phương diện:

“…Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có…”

Những cụm từ như : văn hiến, phong tục, hào kiệt không xuất hiện trong tư tưởng, ý thức về chủ quyền dân tộc trong Nam quốc sơn hà và các tác giả trước đó. Nguyễn Trãi cũng khẳng định, không chỉ núi sông bờ cõi đã chia, mà còn khẳng định mỗi quốc gia đều có lịch sử dựng nước và giữ nước. Sự tồn vong của Đại Việt không phải ngẫu nhiên và dễ dàng xoá bỏ hoặc thay đổi theo ý kẻ khác, bởi đất nước ấy, dân tộc ấy đã tồn tại từ lâu đời và được xây đắp, gìn giữ bằng nước mắt, mồ hôi và máu xương của bao triều đại phong kiến và nhân dân Đại Việt. Bằng lối văn nghị luận mẫu mực và nhận thức mang tầm thời đại về độc lập dân tộc, Nguyễn Trãi đã để lại một áng văn bất hủ, một minh chứng điển hình cho cảm hứng yêu nước trong văn học trung đại nước ta.

Cảm hứng yêu nước ấy càng được phát triển trong giai đoạn văn học nửa cuối thế kỉ XVIII-XIX- giai đoạn đánh một dấu mốc trong lịch sử nước ta: thực dân Pháp chiếm đánh Việt Nam. Văn học yêu nước không còn là khuynh hướng nữa mà trở thành một phong trào: phong trào văn học yêu nước chống Pháp. Lực lượng sáng tác rất đông đảo mang tính quần chúng rộng rãi, trong đó nổi trội là các lãnh tụ và quần chúng nghĩa quân của các phong trào chống Pháp trong cả nước. Họ làm thơ, văn vì nhu cầu của cuộc chiến đấu, để cổ vũ mọi người và vì cảm xúc của chính mình. Họ sáng tác trong mọi hoàn cảnh : lúc tự do, lúc trong tù, lúc ra pháp trường…Tất cả đều thể hiện một tấm lòng yêu nước sắt son, chung thuỷ và sẵn sàng quên mình vì nghĩa lớn, vì nhân dân, vì dân tộc. Ở đây có thể kể đến những tác giả tiêu biểu : Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Phan Văn Trị, Nguyễn Cao… để lại rất nhiều tác phẩm (tuy không có tác phẩm quy mô) giàu tính chiến đấu và lòng yêu nước. Ngoài ra còn rất nhiều bài thơ cảm tác, thơ tuyệt mệnh, vè, hịch của các tác giả khác ( Phan Đình Phùng, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Duy Hiệu, Lê Duy Cung…). Tất cả tuy cùng chung một cảm hứng nhưng thể hiện rất nhiều nội dung khác nhau: ngợi ca những tấm gương liệt nghĩa của các anh hùng hi sinh vì dân tộc (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, Điếu Trương Định, Điếu Phan Tòng, Văn tế Cao Thắng, Vịnh thủ khoa Huân…); lời kêu gọi đánh giặc (Hịch kêu gọi đánh Tây, Hịch đánh giặc Pháp…); lên án bọn vua quan triều đình nhu nhược, tham sinh đã đầu hàng, bán nước, làm tay sai cho giặc, tố cáo bọn thực dân Pháp cướp nước đồng thời nói lên lòng căm thù giặc và ý chí chiến đấu chống giặc cứu nước (Hịch đánh Tây, Hà thành thất thủ ca, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)… bổ sung cho văn học yêu nước trở thành một dòng văn học sôi nổi, đa dạng và có đặc trưng riêng trong văn học Việt Nam.

Nhưng cảm hứng yêu nước, với sự biểu hiện đa dạng, không chỉ có trong các tác phẩm giàu tính chiến đấu và hào sảng như vậy. Đất nước có chiến tranh, nhân dân lầm than nô lệ, truyền thống phong tục của cha ông bị chà đạp, giày xéo, vinh nhục của bản thân là vinh nhục của quốc gia, trong khi sức mình còn yếu mà giặc ác cuồng loạn cướp bóc, hoành hành bạo ngược… Những dòng cảm xúc bi thương, sầu tủi và buồn đau da diết, những tâm sự của bản thân nghệ sĩ với hoàn cảnh đất nước tối tăm trong nô lệ nhưng đồng thời muốn khẳng định niềm tin sắt son vào tương lai, vào chính nghĩa, cũng được ghi lại đầy đủ trong văn học, đặc biệt là giai đoạn thế kỉ XVIII-XIX. Đó là những nỗi bi thương, buồn đau trong thơ Nguyễn Đình Chiểu- đại diện tiêu biểu nhất, là một “ ngôi sao sáng trên bầu trời văn học dân tộc”, rất thiết tha và đi sâu vào phạm trù Đạo Nghĩa để tìm ra lời giải về chỗ dựa tinh thần, tư tưởng trong sáng tạo văn học và là kim chỉ nam cho hành động trong hoàn cảnh đất nước oằn mình đau thương trong nô lệ. Đó là tâm sự của những chí sĩ, những nhà nho có tâm với dân tộc, với thời cuộc: Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Với Nguyễn Khuyến, nỗi đau, day dứt không làm gì được cho đất nước đến nỗi chỉ cần nghe tiếng cuốc kêu cũng làm xao xuyến nhà thơ:

Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt tà
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước phải nằm mơ…

(Cuốc kêu cảm hứng)

Hay nỗi đau đáu vì “ Quân ân vị báo đầu tiên bạch” cho mãi đến cuối đời ông vẫn chưa hết ân hận :

“Ơn vua chưa chút đền công
Cúi xuống hổ đất, ngửa trông thẹn trời”

Hình ảnh đất nước xuất hiện thường xuyên trong thơ Nguyễn Khuyến mà mỗi lần bị biến đổi đều làm cho nhà thơ: “Nhất độ giang sơn, nhất bạch đầu” (Thu tứ).

Còn với Tú Xương, cái nỗi niềm với dòng sông trong dĩ vãng cũng là nỗi niềm ông dành cho đất nước, sự thay đổi của dòng sông cũng là sự thay đổi của đất nước:

Sông kia rày đã nên đồng
Nơi làm nhà cửa, nơi trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

(Sông lấp)

Cũng có khi ông nói thẳng nỗi buồn của mình :

“Trời không chớp bể lại mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”

Sự quan tâm của Tú Xương đối với vận mệnh non sông, đất nước không kém những nhà nho có tâm đương thời khác:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”

Nhưng cảm hứng yêu nước được thể hiện trực tiếp nhất, đa dạng nhất, nhiều nhất là trong thơ Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888), tục gọi là Đồ Chiểu, là một nhà trí thức kiên cường, một chiến sĩ xuất sắc và là nhà thơ yêu nước lớn của nước ta. Tác phẩm thơ văn yêu nước của ông gồm có : Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1862), Văn tế Trương Định (1864), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (sau 1874), mười bài Điếu Phan Tòng (1868), Ngư Tiều y thuật vấn đáp dài 3644 câu và một số bài thơ khác : Sĩ, Công, Nông, Thương, Chạy Tây, Xúc cảnh… Tất cả những sáng tác ấy đều có chung một cảm hứng là yêu nước, căm thù, vạch trần tội ác của giặc ngoại xâm, kịch liệt lên án bọn tay sai bán nước cầu vinh, ca ngợi các anh hùng nghĩa sĩ hi sinh vì nước vì dân nhưng lại đa dạng trong giọng điệu : xót xa trong cảnh quê hương, dân tình ngơ ngác chạy loạn trong khói lửa chiến tranh:

“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ đàn chim dáo dác bay
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”

(Chạy Tây)

Bi thương với nỗi đau khôn cùng trước sự hi sinh anh dũng của các anh hùng nghĩa sĩ vì nước vì dân:

“…Ôi thôi thôi !
Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm
Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ !
Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều
Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ…”

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Khẳng khái trong lập trường bản thân và quan điểm sáng tác:

“…Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ…”

(Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

(Thơ)

“Lạc quan về tương lai đất nước:
Một trận bão rồi bờ cõi sạch
Trời thu như cũ mãi không hao !”

(Trời bão)

“Chừng nào thánh đế ân soi thấu
Một trận mưa nhuần rửa núi sông !…”

(Xúc cảnh)

Với sự đa dạng trong giọng điệu như vậy, Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện được một tấm lòng yêu nước mãnh liệt, sâu sắc trên nhiều phương diện, nói thay bao lời người dân tâm huyết với dân tộc.
Để làm rõ được cảm hứng yêu nước trong văn học giai đoạn đất nước bị xâm lăng trên đây chỉ khảo sát một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Ngoài ra còn có bao nhiêu tác giả, tác phẩm khác nữa cũng góp phần tạo cho văn học yêu nước trở thành một dòng riêng trong văn học dân tộc.

2. Cảm hứng yêu nước trong văn học giai đoạn đất nước thái bình.

Khi đã trở thành một dòng riêng, văn học yêu nước cũng có nhiều phương diện phản ánh, có nhiều giai kì, nhiều sắc thái. Bên cạnh phản ánh tâm tư, suy nghĩ, tâm hồn của dân tộc trong giai đoạn đất nước có chiến tranh; văn học yêu nước còn có nhiều thành tựu rực rỡ trong hoàn cảnh đất nước thái bình. Cảm hứng yêu nước trong giai đoạn này được phát triển theo hướng phản ánh mới, nội dung mới, sắc thái mới nhưng người đọc vẫn nhận ra được những trăn trở, những tự hào, những băn khoăn, lo lắng, những tình yêu nồng nàn, sâu sắc… của người viết đối với đất nước trên từng ý văn, lời thơ với nhiều dạng thức biểu hiện khác nhau. Có thể đó là một lời hứa quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh như trong thơ Trần Quang Khải:

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu

(Phò giá về kinh)

Cũng có thể đó là những nỗi niềm âu lo cho hướng đi, tương lai của đất nước, của dân tộc : Quốc tộ – nhà sư Đỗ Pháp Thuận; Thiên đô chiếu – Lí Công Uẩn… Với hình thức là trả lời ý vua, nhà sư Đỗ Pháp Thuận đã thể hiện cái tâm của bản thân đối với hướng đi, tương lai của dân tộc và cả cách trị nước thái bình. Còn Lí Công Uẩn- với vai trò là một thiên tử, một đấng minh quân đã băn khoăn lo lắng biết bao nhiêu về việc làm sao để đất nước được hưng thịnh, dân tình ấm no, để rồi đưa ra một quyết định, một bản Thiên đô chiếu vừa đưa đất nước đi đúng hướng vừa thể hiện được cái tâm yêu nước của mình.

Cảm hứng yêu nước cũng có thể được thể hiện dưới dạng thức niềm tự hào về những chiến công lẫy lừng, hiển hách của cha anh trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ngợi ca quá khứ hào hùng như trong thơ Trương Hán Siêu đối với cuộc đại thắng quân Nguyên Mông của dân tộc ta. Tác giả coi đấy là chẳng khác gì huyền sử xưa:

“…Khác nào khi xưa:
Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi
Đến nay nước sông tuy chảy hoài
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi
Tái tạo công lao
Nghìn xưa ca ngợi…”

Và Trương Hán Siêu còn so sánh:

“…Hội nào bằng hội Mạnh Tân: có vương sư họ Lã
Trận nào bằng trận Duy Thuỷ, có quốc sĩ họ Hàn
Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn
Tiếng thơm còn mãi
Bia miệng không mòn…”

Nhưng bên cạnh niềm tự hào về chiến công của các bậc tiền bối, tác giả còn thể hiện nỗi niềm tiếc nhớ cảnh cũ người xưa:

“…Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu…”

Niềm tự hào, tôn kính đối với các bậc minh quân và tính chính nghĩa của dân tộc:

“…Anh minh hai vị thánh quân
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh
Giặc tan muôn thuở thái bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”.

Niềm tự hào dân tộc còn được thể hiện cụ thể với niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương, đất nước như trong thơ Lê Thánh Tông (Thiên Trường vãn vọng), thơ Trần Thánh Tông (Đề Huyền thiên Động, Hạ cảnh), thơ bà huyện Thanh Quan (Qua Đèo Ngang), thơ Nguyễn Trãi (Dục Thuý sơn, một số bài thơ khác trong Ức Trai thi tập…), Mạc Thiên Tích với Hà Tiên thập vịnh…

Yêu nước là mong muốn nước giàu mạnh, yên bình và mong đóng góp một phần công sức mình vào sự giàu mạnh, yên bình ấy. Đó cũng là chí nam nhi của thời đại phong kiến: lập công lập danh để trả nợ đời, nợ nước và hoàn thành sứ mạng làm trai. Để Phạm Ngũ Lão từng day dứt:

Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thâu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

(Thuật hoài)

Tình yêu nước còn được thể hiện dưới dạng thức một tình yêu một vùng quê, danh thắng nào đó của đất nước hoặc tình cảm sâu sắc đối với phong tục, văn hoá dân tộc, thể hiện ý thức dân tộc trong việc gìn giữ những bản sắc văn hoá của cha ông.

Cảm hứng yêu nước trong sự đa dạng trong nội dung, phương diện phản ánh, xúc cảm đã theo suốt hành trình văn học dân tộc nước ta, trong mọi hoàn cảnh, thời gian và tuy có những lúc thăng trầm nhưng không bao giờ mất đi trong ý thức của người dân Việt.

Có thể nói, cảm hứng yêu nước là một cảm hứng mang tính chất truyền thống trong Văn học Việt Nam nhưng không bao giờ nhàm chán, sáo rỗng bởi tình cảm quê hương- đất nước luôn chân thật và tràn đầy trong mỗi người dân khi sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, sự mới lạ và hấp dẫn của các tác phẩm có nội dung yêu nước không chỉ bởi tính chân thực và dạt dào của xúc cảm mà còn bởi sự đa dạng và phong phú trong cách biểu đạt của tác giả và phương diện phản ánh của tác phẩm. Và tuỳ theo từng hoàn cảnh, có những phương diện và cách biểu đạt nổi trội lên hơn so với các phương diện và cách biểu đạt khác là vì đòi hỏi của hoàn cảnh xã hội, nhu cầu của bản thân người sáng tác.

Như vậy, cảm hứng yêu nước không bao giờ mất đi mà sẽ trường tồn mãi cùng với sự trường tồn của dân tộc Việt, văn học Việt, luôn luôn là dòng thi hứng dạt dào và nổi bật trong diễn trình của văn học nước ta bên cạnh những dòng cảm hứng khác, và sẽ tiếp tục có những thành tựu rực rỡ bổ sung cho dòng văn học yêu nước nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung thêm phong phú và đa dạng.

Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.