Lời văn trong tác phẩm văn học

loi-van-trong-tac-pham-van-hoc

Lời văn trong tác phẩm văn học

Thuật ngữ lời văn nghệ thuật rất gần nghĩa với các thuật ngữ ngôn ngữ, ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ văn học, lời văn. Đây là những thuật ngữ có nét tương đồng nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Lời văn nghệ thuật  là hình thức vật chất duy nhất cho sự tồn tại nội dung tác phẩm. Nhờ vận dụng vào lớp lời văn mà toàn bộ thế giới nghệ thuật được định hình. Từ yếu tố trực tiếp, đầu tiên, duy nhất ấy người đọc có cơ sở tìm hiểu, khám phá thế giới hình tượng và các lớp nội dung ý nghĩa của văn bản nghệ thuật.

Lời văn trong tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật. Lời văn nghệ thuật chính là biểu hiện sinh động của cách viết. Đó là “dạng phát ngôn được tổ chức một cách nghệ thuật, tạo thành cơ sở ngôn từ của văn bản nghệ thuật,là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học ”(Từ điển thuật ngữ văn học).

Mọi tác phẩm văn học đều được viết hoặc kể bằng lời: lời thơ, lời văn, lời tác giả, lời nhân vật, … gộp chung lại gọi là lời văn. Nếu ngôn từ viết trong tất cả tính chất thẩm mĩ của nó là chất chất liệu của sự sáng tạo văn học, thì lời văn là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học. Lời nói thực chất cũng là một dạng của ngôn từ nhưng đã được tổ chức theo quy luật nghệ thuật về mặt nội dung, phương pháp, phong cách, thể loại. Lời nói trong tác phẩm nghệ thuật không còn là hiện tượng ngôn ngữ mang chức năng giao tiếp thông thường, mà đã được đưa vào một hệ thống giao tiếp, mang chức năng khác. Vì vậy, vấn đề ngôn ngữ trong tác phẩm văn học và lời văn trong tác phẩm văn học không đồng nhất với nhau.

Lời văn cũng là một dạng của lời nói, nhưng lời nói của tác phẩm khác hẳn lời nói hàng ngày. Lời nói hàng ngày giải quyết các nhiệm vụ tức thời, một lần; có quan hệ rất chặt với hoàn cảnh nói mà người nghe phải biết đầy đủ hoàn cảnh đó thì mới hiểu được. Nếu tách khỏi hoàn cảnh ấy, lời nói trở nên vô nghĩa, vô giá trị, lời văn trong tác phẩm văn học không chỉ có tác dụng thông báo một ý nghĩa cụ thể, nhưng nó có tham vọng trở thành “lời nói cho nhiều lần, với muôn đời”. Bởi vì, chức năng cơ bản của nó là nhằm mục đích đưa đến một thông điệp về tình cảm, tư tưởng và nghệ thuật trọn vẹn, để có thể thuyết phục được người đọc.

Dạng phát ngôn được tổ chức một cách nghệ thuật, tạo thành cơ sở ngôn từ của văn học nghệ thuật, là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học. Lời thơ, lời trần thuật, lời nhân vật, lời thoại trong kịch và các dạng của chúng đều là các bộ phận tạo thành lời văn nghệ thuật.

Ngôn từ của tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật. Bất kì một tác phẩm nào cũng đều được viết hoặc kể bằng lời. Ở phương diện thể loại văn học có lời thơ, lời văn, ở phương diện chức năng và các thành phần cấu tạo của lời văn nghệ thuật có lời tác giả, lời nhân vật, lời trực tiếp, lời gián tiếp, … nói chung là lời văn. Lời văn là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học.

Lời văn thực chất là một dạng ngôn từ tự nhiên đã được nhà văn tổ chức theo quy luật nghệ thuật về mặt nội dung, phương pháp, phong cách, thể loại, được đưa vào hệ thống giao tiếp khác và mang chức năng khác, không phải giao tiếp thông thường như lời nói thông thường. Nhà văn hoàn thiện văn bản, tạo thành lời văn duy nhất hợp với ý tình định nói. Ví dụ, người đọc chỉ cần tập trung vào văn bản Truyện Kiều là hiểu được thông điệp mà Nguyễn Du gửi gắm, không nhất thiết phải biết tác phẩm ấy được viết ra trước hay sau khi đi sứ, khi ấy tác giả làm chức gì và ở đâu.

Như vậy, lời văn không đơn giản là lời nói mà đã là hình thức của một tác phẩm văn học có quy luật tổ chức riêng của nó. Và muốn tham gia vào giao tiếp văn học, nhất thiết phải biết đặc trưng của lời văn nghệ thuật.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.