Nội dung:
Nghị luận: “Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát dẫn người ta đến cái chết”
- Mở bài:
Can đảm và hèn nhát là hai biểu hiện sinh động trong tính cách con người. Nếu can đảm là biểu hiện của mặt tích cực trong ứng xử thì hèn nhát là biểu hiện của mặt tiêu cực của nó.
- Thân bài:
Lòng can đảm là gì?
Lòng can đảm là một phẩm chất của tinh thần để đối mặt với hiểm nguy, thử thách. Người có lòng can đảm không sợ sệt, dám làm việc lớn lao mà đại đa số người không làm được hay không dám làm. Lòng can đảm hình thành từ rất nhiều yếu tố như sự tự tin, sự nhiệt tình, sự kiên định và lòng khát khao chiến thắng.
Hèn nhát là gì?
Hèn nhát là khiếp nhược, thiếu can đảm đến mức đáng khinh. Hèn nhát xuất phát từ thái độ thiếu tự tin, bất lực, không dám khẳng định mình. Kẻ hèn nhát không đủ can đảm để làm những việc nên làm vì lương tâm, vì đạo đức, hay vì nghĩa vụ đối với cộng đồng, với đất nước… Ý kiến của Seneque nêu lên lợi ích to lớn của lòng can đảm và tác hại vô cùng của tính hèn nhát.
- Nghị luận: “Chỉ cần có ước mơ đủ lớn, ý chí sẽ đưa bạn đến thành công”
- Nghị luận: “Ở trên đời, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng nếu ước mơ của mình đủ lớn”
Những biểu hiện của tính can đảm và sự hèn nhát.
Khi đối diện với bản thân mình, người can đảm: tự tin vào bản thân, dám nhìn nhận những khuyết điểm của mình và tìm cách sửa chữa, luôn có ý thức vượt lên chính mình.
Kẻ hèn nhát không tự tin vào năng lực, phẩm chất của mình, không dám đối mặt với những sai trái, không thành thật với lương tâm mình, thậm chí không dám công nhận bản thân mình.
Trong cuộc sống hàng ngày, người can đảm dám sống là mình; dám thể hiện quan điểm mình; dám vượt lên những khó khăn, thử thách bảo vệ tình yêu, hạnh phúc của mình, của người khác; dám đấu tranh chống lại những sai trái để bảo vệ chính nghĩa; khi thất bại biết đứng dậy và thay đổi hoàn cảnh…
Kẻ hèn nhát không dám sống như cách mình có thể sống; không dám vượt lên cuộc sống để tìm hạnh phúc cho chính mình; không dám yêu và bảo vệ tình yêu của mình; không dám nói những điều mình có thể nói; không dám bảo vệ lời nói, quan điểm của mình; không dám hành động như mọi người hạnh động; khi thất bại thì chán nản, bỏ cuộc…
Trên chiến trường hay ở những nơi dữ dội ác liệt người can đảm và kẻ hèn nhát có cách phản ứng hoàn toàn trái ngược. Người can đảm: bình tĩnh dùng mưu trí để giải quyết vấn đề; gan góc không sợ chết, sẵn sàng chiến đấu đến dù hi sinh xương máu. Kẻ hèn nhát: sợ sệt, mất bình tĩnh, thiếu sáng suốt để giải quyết vấn đề ham sống sợ chết, trốn tránh, đầu hàng
Tại sao sống phải có lòng can đảm?
Sống có lòng can đảm sẽ củng cố niềm tin hằng ngày thực hiện kế hoạch của bản thân, do đó người can đảm bao giờ cũng giành lấy sự chiến thắng. Can đảm là đức tính lớn nhất và quý báu nhất trong mọi đức tính, nhờ nó mà ta bảo vệ danh dự lẫn sinh mệnh cho mình và cho người. Lòng can đảm không những dẫn ta tới mọi thành công mà còn đem lại sự dễ chịu, cuộc sống có ý nghĩa và được mọi người yêu quý, kính trọng. Chính lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang.
Hèn nhát sẽ làm người ta rụt rè, không dám quyết, không dám làm và do đó sẽ luôn thất bại trong cuộc sống. Hèn nhát ngăn chặn sự phát triển của nhân cách, chính sự yếu đuối của tâm hồn và thể xác khiến cho con người không đủ can đảm để chống lại áp lực của những ảnh hưởng xấu, là bước đầu dẫn đến xa đọa, trụy lạc và độc ác. Kẻ hèn nhát sẽ luôn luôn sống lo sợ, tẻ nhạt và bị người ta xem thường. Tính hèn nhát dẫn người ta đến cái chết.
Bài học nhân thức và hành động:
Luôn rèn luyện lòng can đảm. Hãy sống quả cảm, dừng bao giờ run sợ hay lùi bước trước khó khăn thử thách. Luôn ngưỡng mộ và học tập những tấm gương can đảm của người khác.
- Kết bài:
Can đảm và hèn nhát là hai biểu hiện trái ngược vẫn luôn luôn tồn tại ở mỗi con người. Mỗi người cần phải nhận thức đúng vai trò của nó. Lòng can đảm dẫn ta đến chiến thắng. Tính hèn nhát dẫn ta đến thất bại. Thất bại hay thành công phần lớn là do bản thân ta tạo nên. Bởi thế, hãy sống mạnh mẽ và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.