luu

Thầy giáo Trần Lê Duy, tác giả sách giáo khoa Ngữ văn bộ Chân trời sáng tạo chia sẻ cách nhận biết, phân tích cấu tứ trong thơ trữ tình (Ngữ văn 11).
Ở chương trình mới, yêu cầu về đánh giá giá trị thẩm mĩ của cấu tứ trong thơ trữ tình là một yêu cầu mới – đã tạo ra một số khó khăn trong quá trình dạy học bởi những quan điểm khác nhau về lí luận văn học, bởi bản chất cấu tứ là một yếu tố có tính hệ thống, bao quát nội dung toàn bài thơ, để phân tích được đòi hỏi khả năng khái quát, khả năng phân tích liên hệ và kinh nghiệm thẩm mĩ nhất định.
Ở bài viết này, thầy giáo Trần Lê Duy chia sẻ với thầy cô dạy Ngữ văn một số vấn đề về cấu tứ trong thơ trữ tình, từ đó gợi ra những cách thức dạy học kĩ năng phân tích cấu tứ.

  1. Một số quan điểm về ý thơ, tứ thơ, cấu tứ trong thơ trữ tình
    Có ba quan điểm về ý thơ, tứ thơ và cấu tứ trong thơ trữ tình.
    Quan điểm thứ nhất: Phân biệt “ý thơ” và “tứ thơ”. Theo đó “ý thơ” là ý đồ sáng tác của nhà thơ, nảy sinh trong đầu nhà thơ với tư tưởng, tình cảm, dự định viết,…; “tứ thơ” là sự hiện thực hoá, vật chất hoá “ý thơ” trong văn bản, thể hiện qua các hình ảnh thơ, bố cục, cấu trúc văn bản, các biện pháp nghệ thuật,… trong tính chỉnh thể.
    Quan điểm thứ hai: Phân biệt “cấu tứ” (động từ) và “tứ thơ”. Theo đó, “cấu tứ” là một khâu trong quá trình sáng tác thơ, là những dự định, ý đồ sáng tạo trong việc sắp xếp, tổ chức các chất liệu thơ, thực hiện trong tâm trí của nhà thơ và giai đoạn phác thảo, làm nháp, trước khi viết ra văn bản thơ hoàn chỉnh. “Tứ thơ” là sản phẩm của quá trình “cấu tứ”.
    Quan điểm thứ ba: Nhìn từ góc độ văn bản, không phân biệt “cấu tứ” và “tứ thơ”. Theo đó, “cấu tứ” (danh từ) – hay còn được gọi là “tứ thơ”, là “cách thức triển khai mạch cảm xúc và tổ chức hình tượng trong tác phẩm thơ trữ tình”.
    Mỗi quan điểm đều có cái lí của nó. Vấn đề là chọn quan điểm nào để thuận lợi cho quá trình dạy đọc hiểu văn bản thơ trữ tình với đối tượng là học sinh lớp 11.
    Theo tôi, không nên chọn quan điểm thứ nhất vì yêu cầu cần đạt của chương trình không đặt ra vấn đề phân biệt “ý thơ” và “tứ thơ”.
    Không nên chọn quan điểm thứ hai, bởi vì nhìn từ hoạt động đọc hiểu văn bản, học sinh chỉ có thể nhận biết, giải mã, phân tích những yếu tố thể hiện trong văn bản và qua văn bản (đọc hiểu hình thức, đọc hiểu nội dung).
    Như vậy, yêu cầu học sinh từ văn bản mà suy luận lại về “cấu tứ” như một khâu trong quá trình sáng tác, một hoạt động của nhà thơ thì mọi kết quả cho ra đều là võ đoán, cảm tính.
    Muốn nhận ra “cấu tứ” như một khâu trong quá trình sáng tác, có lẽ nên dựa vào căn cứ đáng tin cậy hơn là chính những phát biểu của nhà thơ (phỏng vấn, nhật kí, …) về quá trình sáng tác nên bài thơ đó, về khâu nung nấu ý tưởng và tổ chức các chất liệu sáng tác; chứ không phải suy luận ngược từ văn bản.
    Ta nên chọn quan điểm thứ ba, xem “cấu tứ” như một yếu tố trong văn bản. Từ cơ sở đó, ta có được những căn cứ thuận lợi hơn để hướng dẫn học sinh tìm hiểu tri thức Ngữ văn và thực hành kĩ năng đọc, phân tích cấu tứ trong thơ trữ tình. Những phần tiếp theo của bài viết này sẽ hiểu “cấu tứ” theo quan điểm thứ ba.
  2. Các bước phân tích, đánh giá cấu tứ trong tác phẩm thơ trữ tình
    Như đã trình bày ở trên, cấu tứ là một yếu tố có tính chất bao trùm, hệ thống đối với văn bản thơ. Để nhận biết và phân tích được cấu tứ, đòi hỏi người đọc phải nhìn nhận được tổng thể văn bản thơ trong tính chỉnh thể, có kinh nghiệm thẩm mĩ để phát hiện cái độc đáo, sáng tạo của thi nhân trong việc tổ chức cấu tứ, vì vậy gần như không có một công thức chung cho việc nhận biết, phân tích cấu tứ.
    Tuy vậy, trong việc dạy học sinh kĩ năng đọc, ta vẫn cần những điểm neo để học sinh có thể thực hiện kĩ năng và giáo viên có được những căn cứ trực quan để đánh giá việc hình thành kĩ năng của học sinh. Tôi đề xuất quy trình phân tích cấu tứ trong tác phẩm thơ trữ tình như sau (nhấn mạnh: quy trình có tính chất tương đối):
    Bước 1: Đọc bao quát bài thơ và tập trung vào mạch tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo, các hình tượng tiêu biểu của bài thơ.
    Bước 2: Nhận xét về cách thức tổ chức mạch tình cảm, cảm xúc; cách thức sắp xếp tổ chức hình tượng trong bài thơ; nhận xét về mối tương quan giữa hai yếu tố này.
    Bước 3: Nhận xét, đánh giá về cách cấu tứ thể hiện tư tưởng chủ đề, thông điệp của bài thơ.
    Sau đây là một số ví dụ xác định cấu tứ trong thơ trữ tình dựa vào quy trình này.
    Ví dụ 1: Cấu tứ trong bài thơ “Thu điếu”
  • Cách triển khai mạch cảm xúc: Mượn cớ đi câu để bày tỏ tình cảm của chủ thể trữ tình trước mùa thu và trước thời cuộc.
  • Thể hiện qua cách triển khai hình tượng: đi từ hình tượng mùa thu trong và tĩnh (điển hình cho mùa thu đồng bằng Bắc Bộ) đến hình tượng ngư ông ngồi bất động giữa không gian và thời gian; tâm sự của chủ thể trữ tình từ ẩn vào cảnh thu đến thể hiện kín đáo qua dáng ngồi câu.
  • Thể hiện tư tưởng, chủ đề của bài thơ: tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước vẻ đẹp thiên nhiên; tâm trạng ưu thời mẫn thế của một nhà nho yêu nước trước tình cảnh mất nước.
    Ví dụ 2: Cấu tứ trong bài “Thơ duyên”
  • Cách triển khai mạch cảm xúc: Khát vọng giao hoà, giao cảm, thể hiện xuyên suốt bài thơ qua các cặp giao duyên: thiên nhiên với thiên nhiên, con người với thiên nhiên, con người với con người.
  • Thể hiện qua cách triển khai hình tượng: Yếu tố “duyên” bao trùm xuyên suốt mạch thơ, chi phối hệ thống hình tượng của bài thơ. Cụ thể như sau:
    –> Nhóm hình tượng 1 (khổ 1, 2, 3): Thiên nhiên giao hoà, vạn vật nên duyên: “anh” với “em” cần gắn bó, giao hoà như một lẽ tự nhiên của vũ trụ.
    –> Nhóm hình tượng 2 (khổ 4, 5): Thiên nhiên lạnh lẽo, cô tịch, trơ trọi: “anh” với “em” càng cần gắn bó, “lòng anh thôi đã cưới lòng em” để vơi nỗi lẻ loi giữa thế gian.
  • Thể hiện tư tưởng, chủ đề của bài thơ: Khát vọng giao hoà, giao cảm tha thiết giữa con người với con người, con người với thiên nhiên vũ trụ; nỗi buồn thời thế của cái tôi Thơ mới.
    Ví dụ 3: Cấu tứ trong bài “Nguyệt cầm”
  • Cách triển khai mạch cảm xúc: Một người nghe tiếng đàn nguyệt trong đêm trăng lạnh, xót thương, suy ngẫm về giá trị của cái đẹp và số phận của những kiếp tài hoa xưa, nay.
  • Thể hiện qua cách triển khai hình tượng:
    Hệ thống hình tượng trong bài thơ là sự hoà điệu những rung động ánh sáng, âm thanh và hồn người. Cụ thể như sau:
    -> Sự tương giao giữa trăng – đàn: Hình tượng trăng – đàn tương giao với nhau (sự xuất hiện cùng lúc trong khổ thơ; các từ ngữ vừa gợi trăng vừa gợi đàn); hợp thể với nhau như hồn và xác (“ánh nhạc”, “biển pha lê)
    –> Sự rung động của hồn người: cảm thấy lạnh, rung mình, đắm say rợn ngợp trước sự tương giao trăng – đàn; xót thương cho số phận kiếp tài hoa đi từ quá khứ (nương tử, bến Tầm Dương), đến hiện tại (bản thân mình) và muôn đời (sao Khuê).
    –> Đỉnh điểm của hai mạch phát triển hình tượng là cặp “biển pha lê” – “chiếc đảo hồn tôi”: trăng và đàn hợp thể trọn vẹn bao trùm tạo ra không gian huyền diệu, hồn người hoàn toàn rợn ngợp, mê đắm, cô đơn; sững sờ trước vẻ đẹp và nỗi đau.
  • Thể hiện chủ đề, tư tưởng của bài thơ:
    –> Niềm say mê trước vẻ đẹp huyền diệu của nghệ thuật và sự thăng hoa tột đỉnh giữa cuộc sống – nghệ thuật – hồn người.
    –>Trăn trở về giá trị của cái đẹp và thân phận đau khổ, cô đơn muôn đời của các kiếp tài hoa xưa nay.
  1. Một số lưu ý khi dạy học sinh kĩ năng nhận biết, phân tích cấu tứ trong thơ trữ tình
    Để thuận lợi trong tiến trình dạy kĩ năng nhận biết, phân tích cấu tứ, giáo viên có thể lưu ý những điểm sau:
    Thứ nhất, nên đặt hoạt động tìm hiểu cấu tứ sau cùng. Bởi vì cấu tứ là yếu tố có tính hệ thống và bao quát, nên học sinh cần tìm hiểu hết các yếu tố khác như từ ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, mạch tình cảm, cảm xúc thì mới có đủ căn cứ để khái quát, suy luận, phát hiện ra cấu tứ.
    Thứ hai, về dạy Tri thức Ngữ văn, không nên cung cấp quá nhiều kiến thức về cấu tứ như một giờ dạy lí luận văn học cho sinh viên Ngữ văn, mà cần tinh lọc, ngắn gọn, và gắn với quá trình thực hành đọc. Có nghĩa là, ngôn từ diễn đạt các khái niệm cần dễ hiểu với HS, cần quan tâm đến cả “cái” và “cách” khi cung cấp khái niệm.
    Thứ ba, giáo viên có thể đưa ra ví dụ để học sinh phân tích mẫu hoặc làm mẫu kĩ năng phân tích cấu tứ trong một bài thơ cụ thể.
    Lưu ý: Ngữ liệu thơ dùng để phân tích mẫu và làm mẫu nên đơn giản, ngắn gọn, vừa sức với học sinh, hoặc nên chọn những ngữ liệu thơ học sinh đã được học. Có thể kết hợp kĩ thuật nói to suy nghĩ (think – aloud) để học sinh hình dung về cách tư duy khi tìm hiểu về cấu tứ.
    Thứ tư, việc tìm hiểu văn bản thơ nên trực quan, có nghĩa là học sinh cần quan sát được bằng mắt những yếu tố hình thức (gợi ra yếu tố nội dung) trên văn bản thơ để từ đó phát hiện, kết nối các yếu tố riêng lẻ thành một chỉnh thể.
    Đây là bước đầu giúp học sinh nhận ra cấu tứ. Vì vậy nếu giáo viên dạy bằng phần mềm trình chiếu, nên chiếu đoạn thơ lên slide và thao tác với đoạn thơ để học sinh quan sát. Nếu dạy bằng bảng thì cũng cần chép đoạn thơ lên và thực hành các thao tác hướng dẫn học sinh quan sát, rút ra kinh nghiệm.
  • Nội dung bài viết chia sẻ quan điểm, góc nhìn của thầy Trần Lê Duy.
    (Sưu tầm)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.