Mối quan hệ giữa thi pháp văn học dân gian và thi pháp văn học viết.

Mối quan hệ giữa thi pháp văn học dân gian và thi pháp văn học viết.

Khi nghiên cứu về thi pháp văn học dân gian và thi pháp văn học viết thì ta có thể kết luận rằng giũa chúng vừa có điểm tương đồng vừa có điểm khác biệt rất cơ bản.

1. Về điểm tương đồng.

Khi nói đến hai dòng thi pháp này đều có nghĩa là nói đến phương diện hình thức nghệ thuật của tác phẩm, những nguyên tắc, cách thức chi phối việc sáng tạo nên cái phần hình thức đó.

Krapsxoops(1906 – 1980), nhà phôncơlo học Xô viết nổi tiếng đã đưa ra hai cách hiểu chung cho cả hai khái niệm “Thi pháp học viết”“Thi pháp văn học dân gian” như sau:

“Thi pháp với tư cách là tổ hợp những đặc điểm hình thức nghệ thuật của tác phẩm ngôn từ bao gồm:

– Những đặc điểm của cấu trúc tác phẩm.

– Hệ thống những phương tiện phản ánh, nhờ những phương tiện này mà văn học viết và văn học dân gian xây dựng được những bức tranh về cuộc sống, những hình tượng về con người và tái tạo những hiện tượng khác nhau của thực tại (các sự kiện lịch sử, sinh hoạt và đạo đức của con người, thiên nhiên).

– Những chức năng tư tưởng – thẩm mĩ của cấu trúc tác phẩm và những chức năng tư tưởng – thẩm mĩ của phương tiện thể hiện tác phẩm (sự thể hiện một cách xúc cảm trước hiện thực, sự đánh giá những sự kiện và hành vi của nhân vật, sự khám phá ý đồ sáng tạo cùng giá trị tư tưởng – nghệ thuật và tay nghề sáng tạo ra tác phẩm”.

Như vậy điểm tương đồng ở đây xét đến cùng có cơ sở ở chỗ, thế giới nghệ thuật trong tác phẩm văn học viết hay trong tác phẩm văn học dân gian đều phản ánh thế giới thực tại khách quan. Chúng chỉ khác nhau về nguyên tắc, cách thức phản ánh.Vì vậy mà chúng ta có thể nói đến thi pháp văn học viết và thi pháp văn học dân gian.

2. Về điểm khác biệt.

Thứ nhất, nói đến văn học viết trước hết là nói đến sự xem xét, tìm ra những đặc trưng nghệ thuật của từng tác giả (trào lưu, khuynh hướng…). Nhưng nói đến thi pháp văn học dân gian lại có nghĩa là nói đến thi pháp của thể loại văn học dân gian. Tác phẩm văn học dân gian bao giờ cũng thuộc một thể loại xác định. Thi pháp văn học dân gian là thi pháp của những thể loại văn học dân gian. Những gì tạo nên đặc trưng của văn học dân gian một mặt là chung cho tất cả những tác phẩm thuộc cùng một thể loại, một mặt là chỉ riêng cho thể loại này khi so sánh với thể loại khác.

Thứ hai, theo Chu Xuân Diên thì: “Thi pháp văn học dân gian là toàn bộ các đặc điểm về hình thức nghệ thuật, về phương thức và thủ pháp miêu tả, biểu hiện, về cách cấu tạo đề tài, cốt truyện và phương pháp xây dựng hình tượng con người”. Việc nghiên cứu thi pháp học dân gian bao gồm từ việc khảo sát các yếu tố thi pháp riêng lẻ như phép so sánh thơ ca, các biểu tượng và luật thơ, các mô típ và cấu tạo cốt truyện … đến việc khảo sát những đặc điểm thi pháp chung của từng thể loại và những đặc điểm dân tộc của thi pháp văn học dân gian nói chung. Nghiên cứu thi pháp văn học dân gian còn bao gồm cả việc khảo sát những đặc điểm phong cách cá nhân của người sáng tạo và diễn xướng trong mối quan hệ với những đặc điểm thi pháp truyền thống…

Thứ ba, theo Đỗ Bình Trị thì : “Để hiểu một thể loại văn học dân gian, trước hết cần có được một định nghĩa chính xác về nó, tức là cần nghiên cứu toàn bộ những đặc trưng cơ bản của nó”. Theo ông, để phân biệt các sáng tác văn học dân gian cần xuất phát từ những tiêu chí sau:

– Hệ đề tài. Mỗi thể loại văn học dân gian, trên thực tế, chỉ chú trọng khai thác một số phạm vi nhất định những hiện tượng của cuộc sống – đó là hệ đề tài của nó.

– Thi pháp.

– Chức năng. Chủ yếu là chức năng sinh hoạt, tức là việc ứng dụng, sử dụng những tác phẩm thuộc mỗi thể loại tuân theo, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của phong tục, tập quán sinh hoạt nào đó trong đời sống của nhân dân.

– Phương thức diễn xướng – tức là việc trình diễn các tác phẩm tùy thể loại mà có sự kết hợp khác nhau giữa tiếng nói, âm nhạc, điệu bộ, động tác (nói – kể – ca – diễn).

Những dấu hiệu trên làm nên đặc trưng của thể loại. Điều cần lưu ý là những đặc trưng của thể loại hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh, giữa các yếu tố dấu hiệu có mối quan hệ qua lại với nhau, tạo nên một mặt là sự khác biệt giữa thể loại này với thể loại khác và mặt khác là mối liên hệ giữa các thể loại.Ở đây chỉ trình bày về yếu tố thi pháp của thể loại mà thôi.Nhưng do đặc trưng thể loại là một hệ thống gồm nhiều yếu tố nên cần xem xét yếu tố thi pháp trong sự tương quan với các yếu tố khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang