Nội dung:
Một số kiểu cấu trúc xây dựng nhân vật văn học
Trong quá trình lịch sử văn học đã xuất hiện và cùng tồn tại nhiều kiểu cấu trúc nhân vật đa dạng. Để hiểu đúng nội dung nhân vật, cần tìm hiểu một số cấu trúc của nó. Nếu căn cứ vào các phương thức cấu trúc nhân vật văn học ta có các loại hình nhân vật sau đây:
1. Nhân vật chức năng (nhân vật mặt nạ).
Loại nhân vật chức năng không được miêu tả nội tâm, các phẩm chất đặc điểm nhân vật cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối. Sự tồn tại của nó chỉ nhằm thực hiện một số chức năng, một số vai trò nhất định. Ví dụ, ông Bụt, ông Tiên trong truyện cổ tích có chức năng thực hiện các phép màu, thử thách con người, ban phúc cho người tốt, trừng phạt kẻ xấu xa, độc ác. Các anh hùng trong truyện cổ tích thường có chức năng giết yêu quái, cứu người đẹp. Còn các cô công chúa thì thường bị lâm nạn, được cứu và trở thành phần thưởng cho các anh hùng. Nhân vật chức năng rất phổ biến trong văn học dân gian. Hạt nhân của loại nhân vật chức năng là các vai trò và chức năng mà chúng thực hiện trong truyện và trong việc phản ánh đời sống.
Những giai đoạn văn học về sau, nhân vật chức năng thường chỉ hoạt động trong một chức năng nhất định. Chẳng hạn, trong Nhị độ mai, Mai Bá Cao, Trần Đông Sơ là kiểu người chính trực; Hoàng Tung, Lư Kỷ là kiểu gian thần. Các vị Thần, Phật trong Lục Vân Tiên, thần Sơn Tinh trong Tống Trân Cúc Hoa, Ngọc Hoàng trong Phạm Công Cúc Hoa đều là những nhân vật chức năng thể hiện sức mạnh thần bí và lòng tốt. Phân tích các loại nhân vật này cần tìm hiểu các vai trò và chức năng mang nội dung xã hội thẩm mĩ của chúng.
2. Nhân vật loại hình.
Nhân vật loại hình là nhân vật thể hiện tập trung các phẩm chất xã hội, đạo đức của một loại người nhất định của một thời. Đó là nhân vật nhằm khái quát cái chung về loại của các tính cách và nhờ vậy mà được gọi là điển hình. Ví dụ, các nhân vật trong kịch của Môlie được xem là nhân vật loại hình. Ácpagông trong Lão hà tiện là biểu hiện tập trung của thói keo kiệt. Táctuýp là tên đạo đức giả, giở mọi mánh khoé giả nhân giả nghĩa để cướp đoạt cả con gái lẫn vợ kế trẻ tuổi, nhà cửa, gia tài to lớn của Orgông.
Hạt nhân của loại nhân vật này là một nét nào đó của tính cách được tô đậm hơn các nét khác và thường là trở thành tên gọi về loại của nhân vật đó. Nền văn học mới của chúng ta có một số nhân vật cũng được chú ý nhiều về bản chất loại nên cũng có tính chất nhân vật loại hình. Lão Am (Cái sân gạch – Đào Vũ), Tuy Kiền (Tầm nhìn xa – Nguyễn Khải) là loại hình nhân vật nông dân nặng đầu óc tư hữu. Do phản ánh các loại phẩm chất, tính cách phổ biến mà nhân vật loại hình thường được sử dụng như những danh từ chung để chỉ các sự vật cùng loại.
3. Nhân vật tính cách.
Nhân vật được miêu tả như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật. Khác với nhân vật loại hình lấy khái niệm loại làm hạt nhân, nhân vật tính cách có hạt nhân là cá tính, hiện ra trong tác phẩm như một nhân cách mà các yếu tố tâm lí, khí chất có vai trò quan trọng trong cấu trúc nhân vật. Trong nhân vật tính cách, cái quan trọng không chỉ là cái đặc điểm, thuộc tính xã hội này nọ mà người ta có thể liệt kê ra được. Tính cách còn thể hiện ở tương quan của các thuộc tính đó với nhau, tương quan giữa các thuộc tính đó với môi trường, tình huống. Nó thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lí, những chuyển hóa, và chính vì vậy tính cách thường là một quá trình tự phát triển, nhân vật không đồng nhất vào chính nó.
Ví dụ, nhân vật Anđrây Bôncônxki của L. Tônxôi, vừa có vẻ ngoài kiêu kì, lạnh lùng, tự cao, nhưng bên trong lại là con người có lòng tự trọng, sống có lí tưởng và rất có trách nhiệm. Nhân vật Xcarlét trong Cuốn theo chiều gió, vừa luôn mang trong mình những bài học chuẩn mực về cách cư xử mà mẹ cô, một phụ nữ quý tộc cao quý, đã từng dạy dỗ, nhưng bên cạnh đó, Xcarlét lại có tính cách rất thực dụng để có thể tồn tại được qua những giai đoạn khốn khó nhất của cuộc đời.
Nếu ở nhân vật loại hình là hạt nhân của nhân vật, thì ở nhân vật tính cách, hạt nhân của nó là cá tính. Cá tính là giới hạn kết tinh các bản chất xã hội của tính cách. Nhưng cái quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh, các xung đột trong nội bộ tính cách tự chúng lại có ý nghĩa phổ biến, phơi bày một quan niệm về quan hệ giữa con người với hoàn cảnh. Sự xung đột giữa những tính cách ấy trong quan hệ với tình huống, môi trường, đã góp phần làm nhân vật luôn phải tự đấu tranh, dằn vặt. Nhân vật Hộ (Đời thừa – Nam Cao) là một dạng như vậy.
Trong những mối liên hệ đó, ta thấy nổi lên cách ứng xử riêng biệt của nhân vật, bộc lộ những mâu thuẫn xung đột, chuyển biến của tính cách. Như vậy, nhân vật tính cách thường hiện ra như một quá trình, có biến động, thay đổi một cách sinh động, biện chứng giống như những con người hiện thực. Nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo), chị Dậu (Tắt đèn), chị Đào (Mùa lạc), Pie Bêdukhôp (Chiến tranh và hòa bình), bà Bôvari (Bà Bôvari), … là những nhân vật tính cách. Do vậy, không nên lẫn lộn nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật mặt nạ. Nhưng mặt khác, xây dựng những tính cách điển hình, vừa có cá tính, vừa có ý nghĩa loại hình lại là một đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực.
4. Nhân vật tư tưởng.
Trong văn học có những nhân vật mà hạt nhân cấu trúc của nó không phải cá tính, cũng không phải là các phẩm chất loại hình mà là một tư tưởng, một ý thức. Nhân vật tư tưởng là loại nhân vật tập trung thể hiện một ý thức, một tư tưởng nào đó mà theo tác giả, loại ý thức, tư tưởng ấy rất đáng chú ý trong đời sống xã hội. Giăng Van-giăng là nhân vật tư tưởng nhân đạo, thể hiện lòng yêu thương con người vô bờ bến, thậm chí thương và tha thứ cho kẻ thù của mình. Giave là con người của tư tưởng phụng sự pháp luật Nhà nước. Nhân vật người điên trong Nhật kí người điên của Lỗ Tấn thể hiện tư tưởng lên án lễ giáo phong kiến, cái lễ giáo nhân nghĩa ăn thịt người của xã hội trung cổ. Nhân vật Độ (Đôi mắt – Nam Cao) là thể hiện quan niệm về lối sống, cái nhìn, trách nhiệm của hai kiểu nhà văn. Nhân vật hoạ sĩ trong Bức tranh của Nguyễn Minh Châu cũng là nhân vật tư tưởng khẳng định một phẩm chất phải có của nhân cách: đó là sự tự biết xấu hổ, biết sám hối, biết tự phán xét mình.
Nhân vật tư tưởng trong văn học cổ và văn học lãng mạn thường mang tính chất tượng trưng, trong chủ nghĩa hiện thực lại kết hợp mật thiết với yếu tố tính cách hoặc loại hình. Trong sáng tác, loại nhât vật này dễ rơi vào công thức, minh họa, trở thành cái lò tư tưởng của tác giả và loại nhân vật thiếu sức sống.
Trên đây là các loại nhân vật thường gặp. Trong văn học cũng còn có thể gặp một số kiểu nhân vật khác nữa. Những sự phân biệt loại hình trên đây còn rất tương đối, loại này bao hàm yếu tố của loại kia nhưng cần thấy nét ưu trội trong cấu trúc từng loại. Các loại nhân vật trên tuy xuất hiện không đồng đều trong lịch sử văn học nhưng có thể tồn tại song song trong một nền văn học. Cần ý thức hết sự đa dạng của cấu trúc nhân vật và các khả năng phản ánh hiện thực của chúng. Trong việc đánh giá không nên đòi hỏi nhân vật kiểu này theo các yêu cầu của kiểu kia để tránh sự giản đơn tầm thường.