Một số thể loại kí

mot-so-the-loai-ki

Một số thể loại kí

Do hướng tới những phạm vi thông tin và nhận thức rất đa dạng, kí cũng đa dạng về kiểu loại và kết cấu. Ở đây chỉ trình bày những đặc điểm nổi bật và cốt yếu nhất của một số tiểu loại.

1. Phóng sự.

Phóng sự là loại kí ghi chép kịp thời một vấn đề có ý nghĩa thời sự với một địa phương hay toàn xã hội. Phóng sự được sáng tác nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức của công chúng về một vấn đề, một hiện tượng xã hội nào đó. Phóng sự rất xác thực trong việc ghi chép, phản ánh sự việc và chi tiết đời sống đang diễn ra hay vừa kết thúc nhưng có khuynh hướng rõ rệt trong việc nêu bật thực chất và xu thế vận động, phát triển của vấn đề. Để trình bày một cách trung thực, khách quan diễn biến của câu chuyện, sự việc, đồng thời nêu bật một kết luận, đề xuất những vấn đề xã hội nhất định, người viết phóng sự thường sử dụng những biện pháp nghiệp vụ báo chí như điều tra, phỏng vấn ghi chép tại chỗ, các phương tiện ghi âm, ghi hình, … Sự phân biệt phóng sự báo chí hay phóng sự văn học tùy thuộc ở mức độ sử dụng một số phương tiện biểu đạt của văn học như các biện pháp tu từ, ngôn ngữ giàu hình ảnh, hướng vào thế giới nội tâm của nhân vật, …

Trong phóng sự Cơm thầy cơm cô, Vũ Trọng Phụng lại dõi theo cuộc hành hương của những đoàn nông dân rách rưới, lam lũ, bị xua đuổi khỏi làng quê bởi đủ thứ tai hoạ: nạn bão lụt, hạn hán, nạn sưu cao thuế nặng, nạn quan lại cường hào, nạn đình đám xôi thịt, … chẳng quản mưa nắng, đói khát, đến bước về thành phố – vùng ánh sáng rực rỡ đêm đêm vẫn hiện lên ở phía chân trời – mong tìm được công ăn việc làm và miếng cơm manh áo ở chốn “thiên đường” ấy; để rồi tự biến mình thành món: “hàng tươi sống” rẻ mạt, phải nằm ngồi trên những cống rãnh, rác rưởi sặc mùi cá thối, mùi phân, nước tiểu, đờm dãi, mùi bùn và rêu lưu niên. Thành phố vẫy gọi họ đến với nó chỉ để “chết đói một lấn thứ hai sau khi bỏ cửa bỏ nhà. Nó đã làm cho bọn trẻ đực vào Hoả Lò với một bọn trẻ cái làm nghề mãi dâm”.

Phóng sự nổi bật bằng những sự thật xác thực, dồi dào và nóng hổi. Nội dung chủ yếu của phóng sự lại thiên về vấn đề người viết muốn đề xuất và giải quyết.

2. Kí sự.

Thể kí ghi chép một câu chuyện, một sự kiện tương đối hoàn chỉnh, có quy mô gần với truyện ngắn hoặc truyện vừa. Kí sự sử dụng nhiều biện pháp và phương tiện biểu đạt nghệ thuật để ghi lại xác thực những diễn biến khách quan của cuộc sống và con người thông qua bức tranh toàn cảnh của sự kiện, trong đó sự việc và con người đan chéo vào nhau. Kí sự thiên về phản ánh sự kiện, sự việc hơn là phản ánh con người. Tính cách và tâm hồn những người trong cuộc cũng có khi hiện lên khá rõ nét nhưng đó chỉ là cách kí sự ghi việc, gây ấn tượng về sự việc.

Các tác phẩm thường được nhắc đến như Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác, Trận Phố Ràng của Trần Đăng, Kí sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Họ sống và chiến đấu; Tháng ba Tây Nguyên của Nguyễn Khải; Miền đất lửa của Nguyễn Sinh và Vũ Kì Lân; trong Kí sự của Bùi Hiển, …

Kí sự ghi chép khá hoàn chỉnh một sự kiện, một phong trào, một giai đoạn. Kí sự là bức tranh toàn cảnh, trong đó sự việc và con người đan chéo với nhau nhưng gương mặt của nhân vật không thật rõ nét.

Kí sự khá gần gũi với phóng sự vì nó chú trọng đến việc, ít yếu tố trữ tình. Kí sự ghi chép khá hoàn chỉnh một sự kiện, một phong trào, một giai đoạn,… gần với truyện ngắn, ít hư cấu.

3. Hồi kí.

Đặc điểm nổi bật của hồi kí là ở chỗ chủ thể trần thuật phải là người trong cuộc, người đã sống, đã trải nghiệm và là nhân vật chính. Hồi kí có thể viềt về một giai đoạn quan trọng của đời người, hoặc viết về một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc như Nhớ lại và suy nghĩ của Giucốp, Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp. Nhưng hồi kí cũng có thể là những chuyện đời tư, cá nhân, thường là của những người có phần nào nổi tiếng. Trong hồi kí, tính xác thực cũng là một tiêu chuẩn quan trọng.

Hồi kí với đặc điểm là chủ thể trần thuật phải là người trong cuộc, kể lại những sự việc trong quá khứ. Hồi kí có thể nặng về người hay việc, có thể theo dạng cấu trúc – cốt truyện hoặc dạng kết cấu – liên tưởng. Ghi lại những sự việc đã xảy ra qua hồi tưởng. Đó có thể là câu chuyện mà người viết đã tham gia, chứng kiến hoặc được nghệ thuật lại một cách tường tận và gắn liền với kỉ niệm của người viết hoặc kể.

Hồi kí đòi hỏi phải tôn trọng tính chân thực của câu chuyện và có sự khái quát cao.

4. Bút kí.

Nếu kí sự đòi hỏi tính xác thực cao về sự kiện thì bút kí lại “là một thể loại phóng khoáng, tự do mà cá tính nghệ sĩ trực tiếp tham gia vào đặc điểm thể loại”. Bên cạnh việc tái hiện những chi tiết xác thực về con người và sự việc, bút kí cũng ghi lại những cảm nghĩ về những sự việc, hiện tượng được phản ánh, qua đó biểu hiện cách nhìn, cách đánh giá cũng như quan niệm của tác giả. Trong bút kí, yếu tố trữ tình luôn xuất hiện xen kẽ với ghi, tả sự việc, hiện tượng. Trong bài bút kí viết về chuyến trở lại thăm quê Nam Bộ sau ngày giải phóng, Xuân Diệu vừa ghi việc, vừa thể hiện cảm nhận và suy nghĩ của mình: “Mỗi bước tôi thăm Nam Bộ sau ba mươi hai năm xa cách là tôi lại giàu thêm một miếng thịt của tâm hồn. Tôi sống toàn thân thể của đất nước, sống toàn cõi cho bõ lúc chiến tranh dài đằng đẵng. Hình của Tổ quốc ở xa xôi hóa ra như là trừu tượng. Đây là một cuộc sum họp, đây là một sự tái sinh”1. Nhằm ghi lại những sự việc, cảnh vật mà nhà văn đã mắt thấy, tai nghe cũng như cảm xúc, suy nghĩ của họ qua một chuyến đi. Ở đây, những sự việc luôn xen kẽ với những yếu tố liên tưởng, tưởng tượng, cảm xúc. Vì vậy, bút kí luôn mang đậm sắc thái trữ tình.

Khi tác phẩm nghiêng về yếu tố trữ tình, bút kí có hướng chuyển sang tùy bút. Ví dụ, Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường với nhịp điệu hết sức chậm rãi, nghiêng hẳn về chất thơ thi vị, ngọt ngào.

5. Truyện kí.

Truyện kí thường tập trung cốt truyện vào việc trần thuật một nhân vật: những danh nhân về khoa học và nghệ thuật, những anh hùng trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, những chính khách, nhà hoạt động cách mạng. Xoay quanh một nhân vật, truyện kí dễ triển khai những tình tiết thành một cốt truyện hoàn chỉnh. Đây là một thể loại có tính chất trung gian giữa truyện và kí. Chính vì thế, khi sự hư cấu ở đây đã vượt ra ngoài phạm vi và mức độ cần thiết, nó sẽ trở thành tiểu thuyết hoặc truyện vừa và truyện ngắn viết về người thật.

Loại kí có cốt truyện hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh như kí sự và truyện kí, không phải là không có yếu tố trữ tình và chính luận nhưng khuynh hướng của tác giả được toát ra từ tình thế và hành động.

Trong truyện kí, tác giả có thể hư cấu để câu chuyện được hoàn chỉnh nhưng phải giữ được tính xác thực của sự việc và con người.

6. Du kí

Có thể hiểu du kí là thể loại ghi chép về vẻ kì thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời, những cảm nhận suy tưởng của con người trong những chuyến du ngoạn, du lịch. Du kí phản ánh, truyền đạt những nhận biết, những cảm tưởng, suy nghĩ mới mẻ của bản thân người du lịch về những điều mắt thấy tai nghe ở những xứ sở xa lạ, những nơi mọi người ít có dịp đi đến, chứng kiến.

Hình thức của du kí rất da dạng, có thể là ghi chép, nhật kí, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại thông tin, tri thức và cảm xúc tươi mới về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở còn ít người biết đến, làm giàu cho nhận thức, kinh nghiệm, tình cảm của người đọc. Ví dụ, Hành trình quá ba bể của nhà văn Nga Niculin viết về Ấn Độ thế kỉ XV, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Kí (1881); những thưởng ngoạn, nhận xét về danh lam thắng cảnh đất nước: Bao Thiên sơn kí của Vương An Thạch đời Tống, Bút kí tháp Linh Tế núi Dục Thúy của Trương Hán Siêu, Bài kí chơi núi Phật Tích của Nguyễn Án; các tác phẩm có tính chất du kí như: Nhị Thanh kí sự, Song Tiên sơn động kí, Nhị Thanh động nội sóng kí của Ngô Thì Sĩ; nhiều tác phẩm tùy bút của Nguyễn Tuân cũng đậm màu sắc du kí.

7. Tùy bút.

Đây là loại kí thiên về trữ tình. Nhà văn tùy theo cảm hứng, tùy cảnh, tùy việc mà suy tưởng, nhận xét, đánh giá, trình bày, … Theo Phạm Đăng Dư, “tùy bút là tác phẩm văn xuôi cỡ nhỏ và có cấu trúc tự do, biểu thị những ấn tượng và suy nghĩ cá nhân về những sự việc, những vấn đề cụ thể và hoàn toàn không tính tới việc đưa ra cách giải thích cố định và đầy đủ về đối tượng”.

Nét nổi bật của tùy bút so với các loại kí khác là những chi tiết về con người và sự kiện cụ thể, có thực được ghi chép trong tác phẩm thường chỉ là cớ, là tiền đề để bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức, đánh giá của tác giả về con người và cuộc sống. Mỗi tác phẩm tùy bút có giá trị thường đem lại cho người đọc một điều gì đó mới mẻ trong cách nhìn nhận, phát hiện và lí giải các hiện tượng của đời sống. Yếu tố đóng vai trò thống nhất tổ chức của tác phẩm, chi phối việc phản ánh trung thực cuộc sống, con người, chi phối ấn tượng và sức tác động của tùy bút là chất trữ tình, những yếu tố suy tưởng, triết lí, chính luận là mạch tư tưởng của tác giả. Cái hay của tùy bút là qua tác phẩm làm hiện lên một nhân cách, một chủ thể uyên bác, sắc sảo, tài hoa, giàu có về tâm hồn, trí tuệ.

Cấu trúc của tùy bút nói chung ít bị ràng buộc, câu thúc bởi trình tự diễn biến của sự việc hay quan hệ của những con người ngoài đời thực. Trong tùy bút, sự kiện khách quan thường không được trình bày liên tục do sự xen kẽ của các cảm xúc chủ quan, các yếu tố trữ tình của người viết, hoặc vì những sự kiện đó được khai thác từ nhiều địa điểm và thời gian khác nhau tùy theo dòng liên tưởng, suy tưởng của tác giả, nhăm triển khai một cảm hứng chủ đạo, một tư tưởng chủ đề nhất định. Người viết tùy bút phải làm nổi bật trong tác phẩm bản lĩnh riêng, cách cảm nghĩ sâu sắc, độc đáo về cuộc sống, con người.

8. Tản văn.

Tản văn là một thể loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể xếp vào thể kí. Nó không đòi hỏi phải có một cốt truyện đầy đủ hay phải sáng tạo những nhân vật hoàn chỉnh. Cấu tứ tác phẩm được triển khai từ một vài tín hiệu thẩm mĩ đóng vai trò trung tâm trong thế giới nghệ thuật. Đó có thể là những hình ảnh, chi tiết hoặc một hiện tượng đời sống cụ thể. Những tín hiệu thẩm mĩ này là điểm hội tụ toàn bộ nội dung tư tưởng và vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm. Người viết tản văn thường lựa chọn vài ba nét từ chất liệu đời sống, nương vào đó để bày tỏ thế giới nội tâm, những suy cảm của mình về thế giới. Ví dụ, từ một chiếc que cời bếp có thể nghĩ về những cuộc đời lam lũ, thầm lặng, bình dị của bao người (Chiếc que cời – Băng Sơn); bát cháo trắng ăn với củ cải muối có thể khơi dậy bao tình cảm gia đình, tình cảm quê hương (Ăn cháo Tiều – Lí Lan). Với sự tiết chế chất liệu như vậy, những chi tiết xuất hiện trong tản văn thường rất tinh lọc, hàm súc, giàu sức gợi.

Kết cấu tác phẩm tản văn không lệ thuộc vào sự sắp đặt sự kiện, nhân vật mà dựa trên mối tương liên giữa các hình ảnh, chi tiết. Quan hệ giữa chúng là quan hệ liên tưởng; quan hệ này thống nhất những điều tưởng như rời rạc, tản mạn, ngẫu hứng trong một trường nghĩa. Ví dụ, trong Tờ hoa của Nguyễn Tuân, những chi tiết tổ ong, hành trình làm mật của con ong, hạt cát, quá trình làm ngọc của con trai biển và công việc của người sáng tạo văn chương có một sự gắn kết dựa trên quan hệ tương đồng. Để làm nổi rõ khuynh hướng tư tưởng, ngoài việc thiết lập những mối tương liên này, tản văn thừa nhận sự “can dự” của chủ thể lời như một cách tạo nghĩa cho tác phẩm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.