“Ngâm vịnh tình tính” nghĩa là gì?
NGÂM VỊNH TÌNH TÍNH (吟咏性情) là thuật ngữ dùng khi luận bàn văn chương, ý nói sáng tác văn học phải thể hiện được tư tưởng, tình cảm của con người. Thuật ngữ này xuất xứ từ bài Đại tự sách “Kinh thi” : “Quốc sử minh hồ đắc thất chi tích, thương nhân luân chi phế, ai hình chính chi hà, ngâm vịnh tình tính dĩ phong kỳ thượng…” (Sử sách phải làm sáng rõ những dấu tích tốt xấu, phải đau thương vì nhân luân đồi phế, phải lo buồn vì chính sự hà khắc, phải ngâm vịnh nói lên tình tính , để giúp thay đổi cho bề trên).
Bài Tựa sách “Mao thi” thì nói: “Tại tâm vi chí, phát ngôn vi thi” (Ở trong lòng là chí, phát ra lời thành thơ); lại nói: “Tình động vu trung nhi hình vu ngôn” (Tình cảm xúc động trong lòng và hiện ra ở lời thơ). Ý nhấn mạnh rằng thơ ca phải thuật tả “tình tính”, từ đó mà có sự thống nhất “ngôn chí” với “trữ tình”.
Có thể thấy nhận thức của người đời Hán về đặc trưng bản chất của văn học đã đi vào chiều sâu. Về sau, Lục Cơ trong “Văn phú” nói: “Thi duyên tình nhi kỳ mị” (Thơ theo tình mà lộ vẻ đẹp), Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long” nói: “Thi giả, trì dã, trì nhân chi tình tính” (Thơ là sự giữ lại, giữ lại tình tính của con người). Chung Vinh trong “Thi phẩm” cũng nói đến “Ngâm vịnh tình tính”, đều là từ thuật ngữ này cả.