Lịch sử ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và sự tàn bạo của Đức quốc xã

ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6-khac-ghi-toi-ac-cua-phat-xit-duc

Lịch sử ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, khắc ghi tội ác của Đức quốc xã

Giết chóc, báo thù và diệt chủng là cách Đức quốc xã gieo rắc nỗi sợ hãi nhằm khuất phục con người. Để báo thù cho việc chỉ huy trưởng SD Reinhard Heydrich bị quân kháng chiến Tiệp Khắc sát hại, Himmler ra lệnh tiến hành thảm sát thường dân Tiệp Khắc để trả đũa.

Nằm ở miền trung Tiệp Khắc, ngôi làng yên bình Lidice đã được chọn. Sáng sớm ngày 1/6/1942, quân phát xít tiến vào ngôi làng và cuộc thảm sát man rợ bắt đầu.

Lúc bấy giờ, dân làng Lidice có tổng cộng 193 nam giới trên độ tuổi 15. Quân phát xít tiến hành bắt giữ họ và hành quyết tại chỗ ngay lập tức, một vài người bị đem đến Praha để xử tử công khai. Toàn bộ nam giới ở ngôi làng này đều bị quân Đức giết sạch chỉ trong một buổi sáng.

Phần phụ nữ trong làng, quân Đức tiến hành cách li các bà mẹ khỏi con cái của họ và cuối cùng tống hết phụ nữ đến trại tập trung. Với những người mang thai, Himmler ra lệnh phá thai họ rồi tống đến trại với những người kia. Sau khi chiến tranh kết thúc, 60 trong tổng cộng 213 phụ nữ trong làng đã chết trong trại tập trung.

Đến cả bọn trẻ trong làng, quân Đức cũng không buông tha, chúng tiến hành bắt bớ hết 105 trẻ em và cách li khỏi bố mẹ của các em. Chỉ 17 trẻ được đem nuôi ở các gia đình sĩ quan, tất cả các em được đem trả về nhà sau khi chiến tranh kết thúc. Riêng 88 em còn lại thì bị mang đến phòng hơi ngạt trong trại hủy diệt, khi ấy có nhiều em chưa đến một tuổi.

Ngôi làng bị Himmler đặt thuốc nổ hủy diệt hoàn toàn. Tất cả còn lại sau vụ thảm sát là một bãi hoang tàn, nham nhở máu và đất đá. Ngay cả ngôi nhà thờ 600 tuổi ở đây cũng bị hủy diệt không còn dấu vết. Quân Đức cho rằng đây sẽ là bài học suốt đời cho các dân tộc bị trị cả gan chống lại người Đức.

Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc thế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Năm 1954, nhằm khuyến khích các nước ghi nhớ về trẻ em và bảo vệ quyền lợi trẻ em, Liên Hợp Quốc đã đề xuất Ngày Thiếu nhi Thế giới tổ chức vào ngày 20/11 mỗi năm. Cũng chính vào ngày này, nhiều sự kiện quan trọng về trẻ em trên thế giới đã diễn ra: Tuyên bố về quyền trẻ em (1959), Công ước về quyền trẻ em cũng được ký kết vào ngày này (1989), có hơn 191 nước phê chuẩn. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, thứ hai của thế giới ký vào Công ước này.

Mặc dù đề nghị ngày 20/11, nhưng Liên Hợp Quốc lại để cho các quốc gia thành viên có thể tổ chức ngày Thiếu nhi của riêng nước mình vào các ngày tự chọn khác nhau. Và một số nước đã kỷ niệm chính ngày 20/11 ở chính quốc như: Canada, Úc, Parkistan, Ai Cập…

Trên thực tế, ngày 1/6 phần lớn chỉ được kỷ niệm ở vài chục nước theo chế độ Chủ nghĩa xã hội trước đây. Việt Nam thuộc khối Xã hội chủ nghĩa, đã chọn ngày 1/6 làm ngày Quốc tế thiếu nhi. Trung Quốc và Liên Xô cũ cũng chọn ngày này hàng năm để kỉ niệm về trẻ thơ cũng như tổ chức các chương trình bảo vệ quyền trẻ em.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.