Nghị luận: bàn về khát vọng và tham vọng

nghi-luan-ban-ve-khat-vong-va-tham-vong

Nghị luận: bàn về khát vọngtham vọng

* Dàn bài chi tiết:

  • Mở bài:

Khát khao sâu thẳm và mãnh liệt khẳng định sức mạnh sinh tồn và chinh phục của con người. Khát khao sẽ hình thành ý chí. Ý chí sẽ hình thành hành động. Hành động sẽ hình thành vận mệnh. Thế nhưng, nếu khao khát ở chừng mực (khát vọng) sẽ thúc đẩy con người phát triển. Nếu khao khát vượt quá năng lực (tham vọng) sẽ dẫn con người đến những tai hoạ khôn lường.

  • Thân bài:

1. Giải thích ý nghĩa của hai từ “khát vọng” và “tham vọng”:

– “Khát vọng” là những mong muốn của con người về những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ. Hướng tới khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng.

– “Tham vọng” là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt xa khả năng thực tế của bản thân, chưa có cơ sở để đạt được. Tham vọng thường gắn với sự ích kỷ, tính toán, mưu đồ dục vọng cá nhân, đặt lợi ích của bản thân cao hơn lợi ích của cộng đồng, bất chấp mọi cách để chiếm đoạt được.

– Trong cuộc sống, mỗi con người đều mang trong mình những “khát vọng” hoặc “tham vọng” hướng tới những điều lớn lao hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, “khát vọng” và “tham vọng” có những điểm khác nhau, con người thực hiện chúng vì những lý do, lợi ích khác nhau và kết quả mang lại càng không thể giống nhau. Hiểu rõ về “khát vọng” và “tham vọng”, con người mới làm chủ được bản thân và đạt được những điều mình mong ước.

2. Phân tích:

– Khát vọng và tham vọng có những điểm chung:

+ Thứ nhất, cả khát vọng và tham vọng đều là những hiện tượng tâm lý của con người.

+ Thứ hai, chúng đều là những động lực làm nên sức mạnh để con người hành động. Cả khát vọng và tham vọng đều là yếu tố có khả năng thúc đẩy, kích thích, giúp cuộc sống của con người thay đổi và phát triển.

– Khát vọng và tham vọng cũng có những điểm khác nhau và chính những điểm khác nhau ấy đã đặt con người trước yêu cầu cần phải có sự lựa chọn cho phù hợp với bản thân.

* Đối với khát vọng:

Khát vọng là một biểu hiện tâm lý mang tính tích cực, tốt đẹp của con người trong đời sống hôm nay.Người có khát vọng là người nhận thức đúng đắn bản thân mình là ai, mình đến từ đâu, mình có thể làm gì cho mình và cho mọi người.Khát vọng có thể trở thành hiện thực hoặc có thể không. Nhưng dù cho có thể không trở thành hiện thực thì con người trong quá trình thực hiện khát vọng cũng đã được sống trong một niềm tin, trong niềm lạc quan trong trẻo và mãnh liệt.

* Đối với tham vọng:

Tham vọng là một hiện tượng tâm lý ít nhiều mang sắc thái tiêu cực của con người. Đó là khi con người quá ham hố đạt được một điều gì đó lớn lao. Tham vọng xuất phát từ sự tham lam, hiếu thắng và vị kỷ của con người.Tham vọng xuất hiện khi con người không còn nhận thức đúng đắn về bản thân, mong ước những điều quá xa tầm với, nằm ngoài khả năng của chính mình. Những người quá tham vọng sẽ bất chấp tất cả, bất chấp đạo đức, luật pháp, tình người để thực hiện bằng được mục đích của chính mình.Khi không đạt được tham vọng, con người dễ rơi vào trạng thái tâm lý xấu, bi quan, chán nản, cay cú, thậm chí là hận thù vô cớ. Mang tham vọng trong lòng, con người cũng không có được sự thanh thản, bình an, thoải mái về tâm hồn.

3. Mở rộng vấn đề:

– Phê phán những hiện tượng tiêu cực liên quan đến khát vọng và tham vọng trong cuộc sống:

– Trong thực tế cuộc sống, nhiều người sống không có khát vọng, song lại có không ít kẻ bị tham vọng làm cho mờ mắt.

– Sống thiếu khát vọng sẽ dẫn đến sống nhàn nhạt, vô nghĩa, cuộc sống thụ động, không có được thành quả tốt.

– Ngược lại, bị tham vọng làm cho mù quáng, con người cũng dễ rơi vào con đường tội lỗi, có những hành động trái luật pháp và đạo đức.

– Thiếu khát vọng hay quá nhiều tham vọng đều khiến con người không thể vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

  • Kết bài

Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận: Khát vọng là điều cần có ở mỗi người. Cần nhận thức bản thân để xây đắp những khát vọng chính đáng. Ngược lại, tham vọng cần được tiết chế, con người không nên kết bạn với tham vọng.

Liên hệ bản thân: Từ khát vọng muôn thuở của con người là khát vọng yêu thương, khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc…, người viết tự nhìn nhận lại bản thân để xác định cần có khát vọng như thế nào sao cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: "Hãy khát vọng, đừng tham vọng" - Theki.vn
  2. Viết bài văn nghị luận ngắn bàn về "khát vọng" - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.