Nghị luận: Các bài hát dân gian là những bài có tính chất dân tộc nhất và gắn liền với những đặc điểm bẩm sinh dân tộc (Hê ghen)

nghi-luan-cac-bai-hat-dan-gian-la-nhung-bai-co-tinh-chat-dan-toc-nhat-va-gan-lien-voi-nhung-dac-diem-bam-sinh-dan-toc-he-ghen

“Các bài hát dân gian là những bài có tính chất dân tộc nhất và gắn liền với những đặc điểm bẩm sinh dân tộc” (Hê ghen)


Giải thích:                                                                         

Các bài hát dân gian là những bài có tính chất dân tộc nhất:

Tính chất dân tộc” là “màu sắc” độc đáo, nét riêng của mỗi dân tộc. Sự độc đáo ấy thể hiện ở cách nhìn, cách cảm về thế giới, con người; là hình thức thể hiện mang nét “đặc thù” của mỗi vùng văn hóa.

– Gắn liền với những đặc điểm bẩm sinh dân tộc:

“Bẩm sinh dân tộc” là những đặc điểm tự nhiên, vốn có ngay từ khi mới hình thành cộng đồng.  Thơ ca dân gian ra đời từ thuở ấu thơ của loài người, khi các dân tộc đang trong quá trình phát triển đầu tiên, chưa chịu nhiều sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Vì vậy ở thể loại này, những nét tính cách của mỗi dân tộc được bộc lộ rõ nhất. Đi qua thăng trầm của lịch sử, những tính cách ấy dần ổn định dần trở thành những phẩm chất riêng.

=> Khái quát: Bản sắc dân tộc đậm đà của thơ ca dân gian được Hê ghen nhấn mạnh bằng hình thức câu khẳng định. Tính chất dân tộc của thơ ca dân gian không chỉ được biểu hiện qua nội dung là thể hiện đời sống tâm hồn của con người mà còn được biểu hiện qua hình thức nghệ thuật bởi mỗi nền văn học có cách thức thể hiện riêng, đặc điểm ngôn ngữ riêng.

Chứng minh:

– Ca dao thể hiện tâm hồn người Việt Nam: Sống trong một đất nước nông nghiệp, phụ thuộc vào thiên nhiên, con người phải dựa vào nhau để chống chọi với thiên tai, địch họa. Do đó, tính cộng đồng là một đặc điểm tâm lý đặc trưng của người Việt Nam. Chính nét tâm lý đặc trưng ấy đã góp phần hình thành lối sống nghĩa tình của con người. Gắn bó với thiên nhiên, đồng thời trải qua nhiều gian khó, bão táp lịch sử, người Việt Nam nổi bật với tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước thiết tha. Bên cạnh đó, môi trường ấy cũng hun đúc cho con người sức sống dẻo dai, mãnh liệt, lòng ham sống. Những phẩm chất, đặc điểm rất riêng đó đã được thể hiện đậm nét trong ca dao. Chiếm số lượng lớn hơn cả là ca dao yêu thương tình nghĩa, bên cạnh bộ phận ca dao than thân còn có ca dao hài hước nổi bật với tiếng cười vui vẻ, lạc quan.

– Ca dao sử dụng hình thức đậm đà tính dân tộc:

+ Thể loại: Thơ lục bát – một trong những thể thơ thân thuộc nhất với người Việt Nam. Thể thơ lục bát nhịp nhàng, với cách gieo vần, phối thanh linh hoạt, có khả năng vô tận trong việc biểu hiện cảm xúc của con người.

+ Hình ảnh: Ca dao sử dụng những hình ảnh gần gũi với đời sống của nhân dân một đất nước nông nghiệp như cánh cò, cây cầu, cây đa, bến nước… Đặc biệt những hình ảnh này trong ca dao đã được nâng lên ý nghĩa khái quát, mang tính biểu tượng cao.

+ Ngôn ngữ: Ca dao sử dụng vốn từ trong đời sống, gần gũi mà có sức biểu cảm lớn. Ca dao sử dụng nhiều các biện pháp so sánh, ẩn dụ với cách nói bóng bẩy, ý nhị. Bên cạnh đó, ngôn ngữ ca dao không chỉ mang đậm màu sắc dân tộc mà còn đậm màu sắc địa phương, vùng miền.

Đánh giá:

– Tính dân tộc chính là thuộc tính tất yếu trong quá trình sáng tạo, tạo nên sự phong phú, độc đáo của văn học. Tính dân tộc biểu hiện rõ nét nhất trong thơ ca dân gian nhưng là yêu cầu với mọi nền văn học, với nghệ sĩ ở mọi thời đại.

– Tính dân tộc trong thơ ca dân gian có ảnh hưởng sâu sắc tới văn học viết sau này. Trên thực tế, thơ ca dân gian chính là cái nôi nuôi dưỡng văn học viết.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.