Nghị luận: Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức

nghi-luan-cong-viec-cua-nha-van-la-phat-bieu-cai-dep-chinh-o-cho-ma-khong-ai-ngo-toi-tim-cai-dep-kin-dao-va-che-lap-cua-su-vat-cho-nguoi-khac-mot-bai-hoc-trong-nhin-va-thuong-thuc

Khi nói về hướng tìm tòi nên có ở mỗi người cầm bút chân chính, nhà văn Thạch Lam có viết : “Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”  (Dẫn theo Vương Trí Nhàn – Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa, NXB Đại học Quốc gia, HN, 2005, trang 294)

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam và “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân để chứng minh.


1. Giải thích:

– Thạch Lam yêu cầu người viết phải có cái nhìn khám phá sâu sắc và tinh tế trước hiện thực cuộc sống (độc đáo trong cái nhìn).

– Nhà văn phải phát hiện được cái Đẹp – cái Đẹp với ý nghĩa toàn vẹn cao quí, cái Đẹp viết hoa. Không đơn giản là cái vẻ hào nhoáng ,dễ thấy bề ngoài, mà căn bản là cái Đẹp khuất lấp, tiềm ẩn trong đời sống nội tâm con người, trong sự bằng lặng của cuộc sống.

– Cao hơn, Thạch Lam còn muốn nói tới sự phát hiện cái Đẹp ở địa hạt tưởng chừng cái Đẹp không thể xuất hiện, không thể tồn tại.

⇒ Đây là một yêu cầu nghiêm nhặt, khắt khe nhưng xác đáng về nghề văn, một nghề đòi hỏi sự khám phá và sáng tạo.

– Tác phẩm văn học chứa đựng cái Đẹp ấy phải (và tất yếu) đem lại cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức. Ở đây, Thạch Lam khẳng định: văn chương không chỉ lấy cái Đẹp làm cứu cánh, không được chỉ ngợi ca cái Đẹp mà xa rời hiện thực. Trái lại, văn chương phải tác động tích cực tới con người, làm giàu có, làm phong phú ,nâng cao đời sống tinh thần cho con người, phải làm đẹp cho cuộc đời.

⇒ Có thể nói , với hai bình diện- bình diện về sự độc đáo và bình diện về sứ mệnh, trách nhiệm mà Thạch Lam đặt ra , nếu nhà văn phấn đấu thì đó sẽ là con đường của một nhà văn chân chính.

2. Chứng minh:

* Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Cái đẹp trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam:

– Thạch Lam là nhà văn có ý thức về sứ mệnh của người cầm bút. Vì vậy, ông luôn tìm tòi khám phá và sáng tạo. Là nhà văn của chủ nghĩa lãng mạn, nhưng nguồn chân cảm của ngòi bút Thạch Lam lại nghiêng về phía những kiếp người bé mọn, nghèo khổ ở nước ta trước Cách mạng. Ở đó ông tìm thấy cái Đẹp trong cái Khổ.

– Thạch Lam phát hiện ra cái Đẹp, nét thi vị trong thiên nhiên tạo vật nơi phố huyện quạnh quẽ đìu hiu lúc chiều tối. Nhà văn dựng lại phảng phất hồn quê, cây cỏ ,tiếng ếch nhái , đêm tối và ruộng đồng…rất đỗi thân thương. Có điều gì đó man mác trong trang văn Thạch Lam.

– Thạch Lam đã đi tìm cái Đẹp không gì có thể làm phôi phai trong tâm hồn những con người mà thân phận và cuộc đời họ dường như bị cầm tù, quẩn quanh bế tắc nơi phố huyện tiêu sơ, nghèo và buồn, vì nghèo nên buồn . Nhân vật của Thạch Lam dù cuộc sống có thế nào vẫn giầu lòng trắc ẩn, nhạy cảm, mang nét đẹp nhẫn nại ,hi sinh ,hiền hòa của tâm hồn người Việt nói chung, người phụ nữ Việt nói riêng. Họ sống trong bóng tối, nhưng luôn thắp sáng tâm hồn bằng tình thương, bằng ước mơ và hi vọng. Toàn truyện ngắn là câu chuyện đợi tàu vừa tội nghiệp vừa lãng mạn và cảm động, có sức rung, sức gợi sâu xa.

Một phát hiện rất riêng về cuộc sống và con người đòi hỏi và qui chiếu một hình thức nghệ thuật tương hợp mới tạo ra cái Đẹp.

– Điểm độc đáo của Thạch Lam là việc tạo dựng một truyện ngắn trữ tình xuất sắc : không có cốt truyện, ít sự kiện, không có xung đột, chỉ nhiều hình ảnh có sức biểu trưng cao và nhiều cảm giác mơ hồ, tinh tế…
– Ngôn từ của Thạch Lam trong sáng, thấm đượm chất thơ , chất nhạc, khiến người đọc được tước bỏ, thanh lọc.

Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân cũng là nhà văn của cái Đẹp trong cuộc sống. Ông đã khai thác, tôn vinh cái Đẹp ở những chỗ , những người mà không ai ngờ tới nhất.

– Ai ngờ được một tử tù, một tên đại nghịch phiến loạn , lại là một bậc anh hùng nghệ sĩ, nhân cách sáng ngời cao cả.

– Ai ngờ được một chúa ngục mà lại là một tâm hồn tài hoa nghệ sĩ, biết giữ thiện căn, một tấm lòng biệt nhỡn liên tài hiếm có.

– Ai ngờ ở nơi ngục tù tăm tối lại diễn ra cảnh cho chữ vốn thanh cao, tao nhã. Đúng là Một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Cái Đẹp nảy sinh từ mảnh đất chết, đẩy lùi bóng tối, cái ác và cái xấu. Người tử tù lại cho chữ ,ban phát cái đẹp, khuyên răn điều thiện. Quản ngục lại khúm núm, vái lạy, nước mắt nghẹn ngào mà trở nên cao đẹp hơn bao giờ. Cái Đẹp đã hòa quyện cùng cái Thiện và có sức mạnh nhân đạo hóa lớn lao.

Nguyễn Tuân đã tạo dựng một truyện ngắn đầy nhã thú, đem lại mĩ cảm cho người thưởng thức.

– Điểm độc đáo của Nguyễn Tuân là đã xây dựng được một cốt truyện hấp dẫn, xoay quanh tình huống gặp gỡ bất ngờ ,giầu kịch tính.

– Nguyễn Tuân đặc biệt tài tình trong việc phục chế lại một thời xưa cũ nay chỉ còn vang bóng qua kĩ thuật truyện ngắn hiện đại : ngôn ngữ vừa cổ kính ,trang trọng (sự xuất hiện của từ Hán Việt, cách xưng hô, hình ảnh biểu tượng…) vừa mới mẻ , hiện đại, đậm chất tạo hình, điện ảnh; bút pháp miêu tả nội tâm, tâm trạng , cuốn người đọc vào thế giới của cái Đẹp phi thường, tài hoa, tài tử.

3. Đánh giá, bình luận:

– Tác phẩm của Thạch Lam và Nguyễn Tuân đánh thức nơi người đọc thiên chức làm người cao quí, mang lại cho mỗi chúng ta một bài học trông nhìn và thưởng thức. Tác phẩm của họ ngời sáng giá trị nhân văn, họ là những nhà văn của chủ nghĩa lãng mạn tích cực.

– Đòi hỏi của Thạch Lam là một thái độ tự trọng nghề nghiệp sâu sắc, có văn hóa, khẳng định thiên chức, trách nhiệm cần có của người nghệ sĩ giữa cuộc đời, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu tiếp nhận đối với độc giả.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.