Hướng dẫn cách làm bài nghị luận về một đạo lí, tư tưởng lớp 9.

nhũng-chuyen-bien-ve-hinh-anh-tho-tu-1932-den-het-the-ki-xx

Hướng dẫn cách làm bài nghị luận về một đạo lí, tư tưởng.

I. Khái niệm:

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh (như các vấn đề về nhận thức, về tâm hồn nhân cách, về các quan hệ gia đình, xã hội, cách ứng xử, lối sống của con người trong xã hội…).

Đối với học sinh trong nhà trường phổ thông, do đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, tầm nhận thức nên những vấn đề đặt ra để bàn luận không phải là những vấn đề quá phức tạp, lớn lao mà chỉ là những vấn đề đạo đức, tư tưởng, tình cảm gắn liền với cuộc sống hàng ngày như tình cảm quê hương, bạn bè, ý thức trách nhiệm, tinh thần học tập… Những vấn đề này có thể được đặt ra một cách trực tiếp, nhưng thông thường là được gợi mở qua một câu danh ngôn, châm ngôn, ngạn ngữ, ca dao hay câu nói của một nhà văn hóa, nhà khoa học, người nổi tiếng…

II. Các dạng đề nghị luận đạo lí tư tưởng thường gặp:

– Dạng mệnh lệnh ( thường có các mệnh lệnh bắt đầu với lệnh từ “ hãy”: suy nghĩ, bình luận, giải thích, chứng minh, bác bỏ…). Đây là kiểu đề thường gặp. Thường không đi kèm ngữ liệu

– Dạng đề mở, không có mệnh lệnh ( thường chỉ cung cấp một câu tục ngữ, một khái niệm mang tư tưởng, đòi hỏi người làm bài phải suy nghĩ để làm sáng tỏ).

– Từ hai dạng đề tổng quát trên, có thể chia làm các dạng đề cụ thể như sau:

1. Dạng đề bàn về quan niệm về cuộc sống, lí tưởng sống, thái độ sống của con người.

Ở dạng đề này, vấn đề nghị luận đưa ra thường là cách lựa chọn một tư tưởng sống, một lối sống, một thái độ sống của con người trước những điều khác biệt được đặt ra. Kết luận cuối cùng của bài nghị luận là khẳng định lối sống, tư tưởng sống, thái độ sống đúng đắn, phù hợ và cao đẹp, có sức mạnh cổ vũ con người vươn lên.

Ví dụ:

– Chết trong còn hơn sống đục (sống phải cao đẹp)

– Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống (Lép Ton-xtôi) (sống có lí tưởng dẫn hướng ta đến thành công)

– Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối C, năm 2011) (biết xấu hổ nâng cao phẩm giá con người)

– Như một thứ a-xít vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối C, năm 2010) (đề cao lối sống có trách nhiệm)

– Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2011) (sống có ích đối với xã hội)

– Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2010) (thói đạo đức giả)

– Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2009) (vai trò của niềm tin vào bản thân)

2. Dạng đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lí bàn về quan niệm tốt – xấu, thiện – ác, chính nghĩa – gian tà, vị tha – ích kỉ…

– Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy điều ác nhỏ mà làm (làm mọi việc miễn là hữu ích)

3. Dạng đề bàn luận về các quan hệ xã hội, tình đồng loại, tình cốt nhục, tình bạn, tình yêu…

– “Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

– “Bạn là người đến với ta khi mọi người đã bỏ ta đi”.

4. Dạng đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lí bàn về  các hành động hoặc cách ứng xử (phổ biến hơn cả): tích cực – tiêu cực, ý thức – vô ý thức, có văn hóa – vô văn hóa…

– “Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

– Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối C, năm 2012)

– Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2012)

5. Yêu cầu:

Các yêu cầu của kiểu bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

– Bố cục: Gồm 3 phần mở bài, thân bài, kết luận.

– Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát,…..

– Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích… chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của một tư tưởng nào đó nhằm khẳng định tư tưởng của người viết. Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức…

6. Dàn ý chung:

Mở bài: – Giới thiệu, nêu tư tưởng, đạo lí cần nghị luận.
Thân bài:

 

– Luận điểm 1: Giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lí (Bằng cách giải thích các từ ngữ, các khái niệm..),
– Luận điểm 2: Phân tích các mặt đúng của tư tưởng đạo lí (Dùng dẫn chứng từ cuộc sống và văn học để chứng minh) ,
– Luận điểm 3: Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng đạo lí (dùng dẫn chứng từ cuộc sống và văn học để chứng minh).
– Luận điểm 4: Đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lí đã nghị luận.
Kết bài: – Khái quát lại vẫn đề cần nghị luận.
– Nêu ý nghĩa và rút ra bài học nhận thức từ tư tưởng đạo lí đã nghị luận

III. Cách làm:

1. Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý :

Đọc kỹ đề và trả lời các câu hỏi:

  • Đề thuộc kiểu loại nào?
  • Đề nêu vấn đề tư tưởng, đạo lý gì?
  • Đề yêu cầu làm gì ?
  • Thao tác lập luận nghị luận?

Tìm ý: Phân tích để khẳng định (hoặc phủ định) tư tưởng đạo lí đó bằng những ý kiến nào?

Phần tìm hiểu đề giúp người viết xác định chính xác vấn đề và phậm vi nghị luận. Từ đó đưa ra phương thức nghị luận hiệu quả. Ở phần này, người viết nên bình tĩnh tìm ra được những ẩn ý mà người ra đề đã cài đặt, tránh chủ quan, vội vã làm cho bài viết lạc đề, diễn đạt lan man.

2. Bước 2: Lập dàn ý.

I. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề được đưa ra bàn luận.
– Nêu luận đề: dẫn nguyên văn câu danh ngôn hoặc nội dung bao trùm của danh ngôn (nếu có ).
– Giới hạn nội dung và thao tác nghị luận sẽ triển khai.

II. Thân bài:

1. Giải thích:

Làm rõ khái niệm hoặc ý nghĩa tư tưởng, đạo lí cần nghị luận (nêu các khía cạnh nội dung của tư tưởng, đạo lí này).

2. Bàn luận:

– Nêu những biểu hiện của vấn đề trong thực tế đời sống (Vấn đề biểu hiện như thế nào?).
– Phân tích, bàn luận, định hướng nhận thức và hành động (Vấn đề đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực? Tại sao phải nhận thức hoặc hành động như thế ?).
– Khẳng định nhận thức và hành động (Muốn được như thế ta phải làm gì ?).

3. Bày tỏ quan điểm, thái độ:

– Đồng tình, biểu dương, ca ngợi (Nếu là vấn đề tích cực ).
– Phê phán, chỉ trích, bác bỏ những suy nghĩ và hành động sai trái ( Nếu là vấn đề tiêu cực).
– Nêu ý nghĩa, liên hệ thực tế, rút ra bài học nhận thức và hành động.

III. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của hành động và bàn luận mở rộng vấn đề

* Lưu ý: Trong quá trình giải thích, phân tích, bàn luận vấn đề cần lấy dẫn chứng minh họa (ngắn gọn, tiêu biểu, dễ hiểu) để chứng minh làm cho lý lẽ thêm phần xác đáng và thuyết phục. Bài viết thường không quá dài. Nên phải có lựa chọn chính xác, tiêu biểu làm tăng sức mạnh biểu đạt của bài viết.

IV. Dàn ý nghị luận vấn đề tư tưởng, đạo lí (vấn đề tích cực)

  • Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận được đưa ra bàn luận.
– Nêu luận đề: Dẫn nguyên văn câu danh ngôn hoặc nội dung bao trùm của danh ngôn ( nếu có ).
– Giới hạn nội dung và thao tác nghị luận sẽ triển khai.

  • Thân bài:

1. Giải thích tư tưởng, đạo lí, phát ngôn cần nghị luận (nêu các khía cạnh nội dung của tư tưởng, đạo lí, này).

2. Phân tích, chứng minh, bình luận các khía cạnh ; bác bỏ, phê phán những sai lệch liên quan:

– Nêu những biểu hiện của tư tưởng, đạo lí trong thực tế đời sống (Vấn đề biểu hiện như thế nào ?).
– Phân tích, chứng minh, bàn luận làm sáng tỏ các khía cạnh biểu hiện của tư tưởng, đạo lí ( Vấn đề đúng hay sai? Có Tác động thế nào đối với đời sống xã hội?)

3. Bày tỏ quan điểm, thái độ:

– Khẳng định vấn đề, định hướng nhận thức và hành động (Tại sao phải nhận thức và hành động như thế ?).
– Khẳng định nhận thức và hành động đúng đắn; đồng tình, ca ngợi, biểu dương và kêu gọi học tập làm theo ( Muốn phát huy, phổ biến vấn đề ta phải làm gì ?).
– Phê phán, bác bỏ những nhận thức và hành động sai trái, lệch lạc.

4. Nêu ý nghĩa, liên hệ thực tế, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

  • Kết bài:

– Tóm tắt các ý, nhấn mạnh luận đề đã nêu ở đầu bài nhằm chốt lại bài viết hoặc dẫn thơ, văn để mở rộng, gợi ý thêm cho người đọc về vấn đề đang bàn luận.

V. Dàn ý nghị luận vấn đề tư tưởng, đạo lí (vấn đề tiêu cực)

  • Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận được đưa ra bàn luận.
– Nêu luận đề: Dẫn nguyên văn câu danh ngôn hoặc nội dung bao trùm của phát ngôn ( nếu có ).
– Giới hạn nội dung và thao tác nghị luận sẽ triển khai.

  • Thân bài:

* Giải thích tư tưởng, phát ngôn cần nghị luận (nêu các khía cạnh nội dung của tư tưởng này).

* Bàn luận:

– Nêu những biểu hiện của tư tưởng, phát ngôn trong thực tế đời sống (Vấn đề biểu hiện như thế nào ?).
– Phân tích, chứng minh, bàn luận làm sáng tỏ các khía cạnh của tư tưởng ( Vấn đề đúng hay sai ? Có tác động thế nào đối với đời sống xã hội?).

* Bày tỏ quan điểm, thái độ:

– Phê phán, bác bỏ, phủ nhận vấn đề. Khẳng định nhận thức và hành động đúng đắn ( Muốn hạn chế, khắc phục, loại bỏ vấn đề ta phải làm gì ?).
– Ca ngợi, biểu dương những tấm gương tích cực và kêu gọi học tập làm theo .
– Nêu ý nghĩa, liên hệ thực tế, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

  • Kết bài:

– Tóm tắt các ý, nhấn mạnh luận đề đã nêu ở đầu bài nhằm chốt lại bài viết hoặc dẫn thơ, văn để mở rộng, gợi ý thêm cho người đọc về vấn đề đang bàn luận.

Lưu ý: Các vấn đề đạo lí tư tưởng thường là lí tưởng sống, cách sống, hoạt động sống hoặc mối quan hệ trong cuộc đời giữa con người với con người. Thường ở kiểu bài này bàn luận về những vấn đề có tác động tích cực đối với đời sống con người (chiếm phần lớn), có vai trò bồi dưỡng, nâng đỡ, cổ vũ con người nhận thức và hành động đúng đắn. Ngoài ra còn có kiểu đề nghị  luận về một tư tưởng, một lối sống lệch lạc, sai lầm nhằm mang lại cho con người một cái nhìn thấu suốt, nhận diện đúng sai từ đó đi đến hành động đúng đắn.

* Một vài kiểu đề thường gặp:

Đề bài 1: Hãy làm sáng tỏ nhận đinh: “Bàn tay làm giàu khối óc”.
Đề bài 2: Bằng kinh nhiệm học tập của bản thân, hãy làm rõ ý kiến: “Chỉ có kẻ ngốc mới thấy mình tài giỏi”.
Đề bài 3: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Từ ý nghĩa câu nói của Đac-uynh, hãy trình bày ý nghĩa của học tập.
Đề bài 4:Thói quen xấy ban đầu là khách qua đường, sau là người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng là ông chủ nhà khó tính”. Hãy bàn luận về ý kiến trên.
Đề bài 5: “Cốt lõi của quá trình dạy học là giúp học sinh biết tự học”. Hãy bàn luận về ý kiến trên.
Đề bài 6: Lep-ton-toi nói: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương pháp kiên định”. Còn Belinsky cho rằng: “Tuổi trẻ không có lý tưởng như buổi sáng không có mặt trời”. Hãy nêu ý kiến của anh chị.
Đề bài 7: “Một tránh sách tốt là một người bạn hiền”. Hãy nêu ý kiến của anh chị về vai trò của sách.
Đề bài 8: Người xưa có câu: “Ba người cùng đi, tất có một người là thầy”. Hãy suy nghĩ về ý kiến.
Đề bài 9: “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực”.
Đề bài 10: “Lời nói dối thường ngọt ngào. Lời nói thật thường khó nghe” (Lão Tử). Suy nghĩ về câu nói trên.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Ngữ văn 9 - Kiến thức ôn tập học kỳ 2 - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.