Nghị luận: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích

nghi-luan-dung-co-gang-tro-thanh-nguoi-noi-tieng-ma-truoc-het-hay-la-nguoi-co-ich

Nghị luận: “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”

  • Mở bài:

“Thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà là cống hiến”. Bởi thế, có người khuyên rằng: “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”

  • Thân bài:

1. Giải thích ý kiến:

– Người nổi tiếng nổi danh, lừng danh) là người có tiếng tăm, được nhiều người biết đến về tài năng và sự thành công ở một lĩnh vực nào đó.

– Người có ích là người đem lại lợi ích, có ý nghĩa và có giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội bằng những việc làm cụ thể và thiết thực của mình.

* Ý nghĩa: Mượn cách nói “Đừng….mà hãy…” biểu thị ý khuyên răn, khẳng định, thuyết phục, là lời khuyên thiết thực, bổ ích, sâu sắc về mục đích, lẽ sống, triết lý sống: Hãy khẳng định giá trị của bản thân bằng những đóng góp tích cực, có ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội đừng chạy theo những danh vọng hão huyền, không tưởng.

2. Bàn luận:

* Người nổi tiếng là người như thế nào?

– Những người có danh tiếng thường là những người có tố chất, thông minh, có năng khiếu, tài năng vượt trội, khác thường trong các lĩnh vực như: âm nhạc, hội họa, khoa học,…Không phải ai sinh ra cũng đã có tố chất, tài năng bởi người có khả năng thiên phú thường chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Người có năng khiếu mà không được nuôi dưỡng, không dày công khổ luyện cũng dễ bị mai một, khó trở nên nổi tiếng. Trái lại có nhiều người, dù không có năng khiếu bẩm sinh nhưng chăm chỉ cần cù, khổ luyện cũng có thể trở nên nổi tiếng.

* Tại sao nói: “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”?

Về thực chất, ý kiến này khẳng định giá trị đích thực của mỗi cá nhân thông qua những đóng góp của họ đối với gia đình và xã hội. Đồng thời, đây cũng là một lời khuyên về một trong những mục đích sống của con người : hãy sống với một mục đích sống chân chính đừng cố gắng theo đuổi tiếng tăm, danh vọng mà hãy quan tâm đến giá trị của cuộc sống, nhất là với mọi người.

– Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng :

+Tiếng tăm, danh vọng thường không phải là mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống.

+ Danh vọng có thể làm tha hóa con người, làm băng hoại đạo đức và đẩy con người ta vào tội lỗi.

+ Để cố trở thành người có danh tiếng có những người đã đi vào những con đường bất chính, sử dụng những phương cách xấu xa. Do đó, nổi tiếng như thế chỉ là vô nghĩa.

– Trước hết, hãy là người có ích :

+ Người sống có ích mang lại nhiều ích lợi cho người khác trong cuộc sống.

+ Sống có ích sẽ làm thăng hoa giá trị con người, thăng hoa giá trị cuộc sống.

+ Người có ích dù không được nổi tiếng nhưng cuộc sống của họ là cần thiết, có giá trị, có ý nghĩa đối với người khác, gia đình, xã hội. Ngay cả trong quan niệm của người xưa về “chí nam nhi”, chữ “danh” (Phải có danh gì với núi sông) luôn gắn với thực chất của hành động (Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ).

– Khát vọng trở thành người có tiếng tăm là chính đáng nhưng không phải ai cũng có năng lực, tố chất và điều kiện để đạt được. Nếu cố gắng bằng mọi cách chỉ để nổi tiếng, con người dễ trở nên mù quáng, ảo tưởng về bản thân, thậm chí gây tác hại cho xã hội.

– Nếu không có ước mơ, khát vọng khẳng định mình để đạt được thành công trong cuộc sống, chỉ bằng lòng, an phận với những gì mình đã có, thiếu ý chí và khát vọng vươn lên thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt, vô nghĩa, khó có thể thành người nổi bậc trong đám đông.

– Bất kỳ ai, kể cả những người sinh ra đã bị khiếm khuyết (người khuyết tật) song có mục đích sống đúng đắn, cao đẹp, bằng việc làm, hành động cụ thể để đem lại lợi ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội đều có thể trở thành người có ích. Những người thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội có thể trở nên nổi tiếng. Song cũng có những người nổi tiếng chưa hẳn đã là người có ích. Hãy bắt đầu làm những việc có ích để trở thành người có ích là lời khuyên, phương châm sống đúng đắn, tích cực.

* Cần làm gì để trở thành người sống có ích:

– Mỗi cá nhân, bằng những suy nghĩ, việc làm bình thường, hoàn toàn có thể khẳng định được giá trị của bản thân, đóng góp cho cộng đồng, trở thành người có ích mà vẫn có cơ hội nổi tiếng. Tuy nhiên, có ích là điều kiện để nổi tiếng, vì thế trước khi thành người nổi tiếng thì hãy là người có ích.

– Những người chỉ bằng lòng, an phận với những gì mình đã có, thiếu ý chí và khát vọng thì cuộc sống sẽ mất dần ý nghĩa và sẽ không còn hi vọng trở nên nổi tiếng.

+ Hãy sống có lý tưởng; ước mơ và hoài bão lớn lao.

+ Hãy sống có đạo đức, có trách nhiệm;

+ Hãy sống vì gia đình, vì xã hội, vì cộng đồng, đặt lợi ích tập thể, cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân.

– Ý kiến này là một biểu hiện cụ thể của vấn đề danh và thực trong cuộc sống con người. Giải quyết tốt mối quan hệ của vấn đề nổi tiếng và có ích, của danh và thực, người ta sẽ dễ có cuộc sống bình an, hạnh phúc, chân chính.

3. Phê phán:

– Trong cuộc sống, vẫn còn có những người nổi tiếng nhưng kiêu căng, ích kỷ; người ảo tưởng về bản thân, tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để được nổi tiếng; người chỉ sống an phận không có hoài bão, ước mơ. Những người như thế thật đáng chê trách.

4. Bài học nhận thức và hành động:

– Lời khuyên mang tính triết lý nhân sinh sâu sắc. Điều quan trọng trong cuộc đời trước tiên là sự khẳng định giá trị của bản thân bằng những đóng góp tích cực cho xã hội song vẫn phải không ngừng nuôi dưỡng khát vọng, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

– Cần xác định rõ mục đích sống, ý thức được điều quan trọng trong cuộc đời là sự khẳng định giá trị của bản thân bằng những đóng góp tích cực cho xã hội.

  • Kết bài:

Tiếng nói của người có danh tiếng thường có tác động nhiều hơn, lớn hơn đối với người khác, xã hội. Nhưng đừng cố gắng chạy theo việc trở thành người nổi tiếng bằng mọi cách vì điều đó mang lại nhiều tác hại. Hãy để cho tiếng tăm được đến một cách tự nhiên bằng hành động có thực chất: hữu xạ tự nhiên hương.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.