Nghị luận: Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận (Euripides)

nghi-luan-duy-chi-co-gia-dinh-nguoi-ta-moi-tim-duoc-chon-nuong-than-de-chong-lai-tai-uong-cua-so-phan-euripides

Euripides từng nói: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”. Từ câu nói trên của Euripides, em hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của en về vai trò của gia đình với cuộc đời mỗi con người.

  • Mở bài:

Gia đình là yếu tố cấu thành nên đời sống xã hội. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Con người sinh ra và lớn lên từ gia đình. Gia đình chính là cái nôi nâng đỡ con người trên mỗi bước đừng đời. Bàn về vai trò và ý nghĩa của gia đình, Euripides khẳng định: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”

  • Thân bài:

1. Giải thích ý nghĩa câu nói.

“Gia đình”: tổ ấm của mỗi con người, nơi mỗi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên;

“Chốn nương thân“: nơi che chở tin cậy, chỗ dựa vững chắc.

– “Tai ương của số phận”: những bất hạnh, rủi ro gặp phải trong cuộc đời;

“Duy chỉ có …mới… “: nhấn mạnh tính duy nhất.

→ Câu nói khẳng định giá trị, tầm quan trọng của gia đình với mỗi người: là chỗ dựa, điểm tựa duy nhất để chống lại những bất hạnh, rủi ro gặp phải trên đường đời. Chỉ có nơi gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương số phận là bởi gia đình có giá trị bền vững và vô cùng to lớn không bắt cứ thứ gì trên cõi đời này sánh được, cũng như không có bất cứ vật chất cũng như tinh thần nào thay thế nổi. Chính gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, chở che cho ta khôn lớn?”

2. Chứng minh vai trò và ý nghĩa của gia đình đối với mỗi con người.

– Câu nói có ý nghĩa sâu sắc, là lời nhắc nhở thấm thía về ý nghĩa, giá trị to lớn của gia đình đối với mỗi người. Bởi vì gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng với cuộc đời của mỗi con người:

+ Mỗi con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành đều có sự giáo dục từ truyền thống gia đình. Gia đình là cái nôi hạnh phúc của mỗi người. Trong chiếc nôi gia đình, chúng ta được nuôi dưỡng, chở che, bao bọc, được đón nhận tình yêu thương thiêng liêng vô bờ bến của những người thân, những người ruột thịt.

+ Và cũng từ đó, chúng ta được dạy dỗ, giáo dục nên người. Mỗi con người sinh ra và lớn lên, trường thành đều có sự ảnh hường, giáo dục to lớn từ truyền thống gia đình (dẫn chứng: văn học, cuộc sống). Truyền thống, lối sống và sự giáo dục của gia đình là môi trường hình thành nhân cách, phẩm chất cho mỗi con người – những hành trang cần thiết khi đối mặt với thử thách trên đường đời.

+ Gia đình là cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, lời dặn dò, lời dạy dỗ từ gia đình sẽ theo con người suốt hành trình dài và rộng để không bạc lòng, không vấp ngã.

+ Hơn nữa trong cuộc sống mỗi con người không tránh khỏi những tai ương bất trắc, khi đó gia đình chính là bến đỗ bình an vô điều kiện, là chốn nương náu cuối cùng giúp con người vượt qua giông bão cuộc đời, là nơi ta trở về khi đã chồn chân mỏi gối. Gia đình còn là nền tảng, là bệ phóng cho mỗi con người đến với những thành công sau này (điều kiện kinh tế, mối quan hệ xã hội… của gia đình).

+ Gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc: nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã, tiếp thêm sức mạnh khi chúng ta gặp khó khăn, trở ngại, an ủi, chia sẻ khi chúng ta đau buồn.

+ Gia đình là tế bào của xã hội, có xây dựng gia đình hạnh phúc, mới có thể tạo nên một xã hội tốt đẹp.

3. Khẳng định, bàn bạc mở rộng vấn đề.

– Gia đình không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với cuộc đời mỗi người mà còn có vai trò quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển của xã hội (gia đình là tế bào của xã hội).

– Phê phán những người không biết yêu quý, trân trọng giá trị của gia đình (sống thờ ơ, vô cảm, không quan tâm đến những người thân, chà đạp lên những giá trị truyền thống của gia đình…).

– Ý kiến của Éuripides đã tuyệt đối hóa vai trò của gia đình đối với mỗi người, song trong thực tế:

+ Ngoài gia đình, mỗi người còn có những điểm tựa khác để vượt qua những khó khăn, thử thách như: bạn bè, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp…

+ Những người không có được điểm tựa gia đình vững chắc vẫn biết vươn lên, trưởng thành, trở thành người có ích.

– Euripides đã đặc biệt coi trọng và đề cao vai trò của gia đình đối với mỗi con người bởi đã nhìn nhận thấy được vai trò, giá trị to lớn của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, là nền tảng để con người vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, câu nói chưa hoàn toàn chính xác. Bởi trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều người ngay từ khi sinh ra đã không được sự chở che, đùm bọc, giáo dục, nâng đỡ của gia đình nhưng vẫn thành đạt, trở thành con người hữu ích của xã hội.

Bài học nhận thức và hành động.

– Ý thức rõ vai trò của gia đình, vì vậy phải ra sức gìn giữ, bảo vệ gia đình. Luôn yêu quý, trân trọng gia đình, nhận thức được vai trò, ý nghĩa của gia đình đối với mỗi người và xã hội. Bằng những việc làm cụ thể góp phần xây dựng gia đình của mình hạnh phúc, bền vững, giàu mạnh; vận động những người xung quanh cùng chung tay xây dựng gia đình vì một xã hội tốt đẹp.

– Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng, yêu gia đình là hoàn toàn đúng nhưng điều đó không có nghĩa là bao che cho những người thân làm việc sai trái với chuẩn mực và pháp luật.

  • Kết bài:

– Câu nói “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận” đã đặt ra trách nhiệm của mỗi con người đối với gia đình: Bảo vệ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Muốn làm được điều đó cần: trong gia đình mọi người phải biết thương yêu, đùm bọc chở che nhau; phê phán những hành vi bạo lực gia đình, thỏi gia trường….

– Liên hệ bản thân: là thành viên của gia đình ta phải giữ gìn gia đình hạnh phúc, phải chăm ngoan học giỏi, hiếu kính với ông bà cha mẹ, anh em phải yêu thương hòa thuận có như thế gia đình mới ấm êm, hạnh phúc.

Bài văn tham khảo:

Euripides – một nhà viết kịch của Athena thời Hy Lạp cổ đại đã từng nói rằng: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”. Câu nói của Euripides đã gợi lên trong ta không ít những suy nghĩ về vai trò của gia đình đối với cuộc đời mỗi con người.

Đúng như vậy, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng với cuộc đời của mỗi con người. Mỗi con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành đều có sự giáo dục từ truyền thống gia đình. Trong chiếc nôi gia đình, chúng ta được sống trong tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh chị em ruột thịt, từ khi lớn lên đến lúc trưởng thành ta lại nhận được sự đùm bọc, che chở, yêu thương từ gia đình. Và cũng từ đó, chúng ta được dạy dỗ, giáo dục nên người.

Gia đình là cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, lời dặn dò, lời dạy dỗ từ gia đình sẽ theo con người suốt hành trình dài và rộng để không bạc lòng, không vấp ngã. Hơn nữa trong cuộc sống mỗi con người không tránh khỏi những tai ương bất trắc, khi đó gia đình chính là bến đỗ bình an vô điều kiện, là chốn nương náu cuối cùng giúp con người vượt qua giông bão cuộc đời, là nơi ta trở về khi đã chồn chân, mỏi gối.

Gia đình là yếu tố cơ bản hình thành nên xã hôi, có xây dựng gia đình hạnh phúc, mới có thể tạo nên một xã hội tốt đẹp.

Nói về vai trò của gia đình, ta lại nhớ đến nhân vật Nhĩ trong tác phẩm “Bến quê” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Nhĩ quá nửa đời người phiêu dạt, đến khi nằm trên giường bệnh mới nhận ra điều giản dị và thiêng liêng nhất là gia đình và người vợ tần tảo với những đứa con ngoan chính là bến đỗ bình an nhất, là điểm tựa cho anh những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Hay một nhân vật trong bộ phim nổi tiếng “Người phán xử” cũng đã từng nói “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Những cái khác, có hay không có, không quan trọng”.

Có thể nói rằng, gia đình là điều không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người. Ý thức được vai trò của gia đình, chúng ta phải ra sức gìn giữ, bảo vệ gia đình. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng, yêu gia đình là hoàn toàn đúng nhưng điều đó không có nghĩa là bao che cho những người thân làm việc sai trái với chuẩn mực và pháp luật. Và khi còn là học sinh, với tư cách là một thành viên trong gia đình, chúng ta cần giữ gìn gia đình hạnh phúc, phải chăm ngoan học giỏi, hiếu kính với ông bà cha mẹ, anh em phải yêu thương hòa thuận có như thế gia đình mới ấm êm, hạnh phúc.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hướng dẫn phân tích văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương" - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.