Nghị luận: Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ thì quý cong… (Viên Mai)

nghi-luan-he-lam-nguoi-thi-quy-thang-ma-lam-tho-thi-quy-cong-vien-mai

Nghị luận: “Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ thì quý cong…” (Viên Mai)

1. Giải thích ý kiến:

– Hễ làm người thì quý thẳng: làm người quý ở sự ngay thẳng trung thực

– Làm thơ thì quý cong: cong theo Viên Mai là lối nói gián tiếp, ý tại ngôn ngoại của thơ

⇒ Viên Mai nhấn mạnh thơ phải có tứ, có sự kín đáo, hàm súc.

2. Bàn luận:

– Viên Mai chú trọng đến hình thức biểu hiện của thơ. Nhà thơ không nói trực tiếp, không nói hết mà chỉ gợi, người đọc phải phát hiện, suy ngẫm mới có thể lĩnh hội được nội dung.

– Nói thơ quý ở chỗ cong là vì đặc trưng của văn thơ là sự phản ánh hiện thực qua thế giới hình tượng nghệ thuật được xây dựng bởi ngôn từ. Đặc trưng ngôn ngữ thơ là hàm ẩn, hàm súc đa nghĩa. Sức hấp dẫn của thơ là ý ở ngoài lời, tạo dư vị, gợi liên tưởng, suy ngẫm sâu sắc cho người thưởng thức.

– Đọc thơ, hiểu thơ là cả quá trình khám phá đầy bất ngờ thú vị. Vì vậy thơ “ cong” vừa có sức chuyển tải lớn, vừa tạo điều kiện cho người đọc phát huy vai trò chủ động trong cách đọc hiểu.

3. Làm sáng tỏ ý kiến của Viên Mai qua bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du.

– Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc, nhà thơ hiện thực và nhân đạo lớn nhất trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII. “Thanh Hiên thi tập” sáng tác bằng chữ Hán thể hiện tình cảm sâu sắc của Nguyễn Du với thân phận con người – nạn nhân của chế độ phong kiến. Độc Tiểu Thanh ký là một trong những sáng tác được nhiều người biết đến, thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du.

– Bài thơ là sự kết hợp hài hoà giữa nỗi thương người và sự thương mình, giữa sự xót thương cho kiếp người mệnh bạc và lòng trân trọng ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của con người. Nghệ thuật thơ chữ Hán Đường luật thể hiện cô đúc tâm sự Nguyễn Du trước thời cuộc, minh hoạ cho ý kiến của Viên Mai, thể hiện rõ tính hàm súc, vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca.

– Cảm hứng xuyên suốt toàn bài được diễn tả trong khuôn khổ cô đúc của thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú, với những ngôn từ, hình ảnh mang tính biểu trưng đa nghĩa “ý tại ngôn ngoại”- ý ở ngoài lời.

– Hai câu mở đầu là tiếng khóc Tiểu Thanh. Không nước mắt, không thổn thức, lời thơ giàu sức gợi:

+ Nguyễn Du khóc Tiểu Thanh, viếng Tiểu Thanh không phải ở mộ nàng. “ Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư”, Nguyễn Du không nhằm tả cảnh đẹp Tây Hồ mà chỉ mượn sự thay đổi của không gian để nói lên một cảm nhận về sự biến đổi của cuộc sống. Mối quan hệ giữa “vườn hoa – gò hoang”hàm ý tượng trưng những biến thiên của trời đất. Nhìn hiện tại để nhớ về quá khứ, câu thơ trào dâng một nỗi đau xót ngậm ngùi cho vẻ đẹp chỉ còn trong dĩ vãng.

+ Nguyễn Du khóc nàng chỉ qua một tập sách mỏng (nhất chỉ thư). Chữ độc- người chết là một kẻ cô đơn, chữ nhất- người viếng cũng là một kẻ cô đơn, hai tâm hồn cô đơn gặp nhau. Sự gặp gỡ bất chấp hạn định không gian( tẫn thành khư), thời gian( xưa- nay gần 300 năm), vật chất( nhất chỉ thư)- sự gặp gỡ của những tâm hồn tri kỉ

+ Hai từ “độc điếu” không phải là tiếng “thổn thức” mà nước mắt lặng lẽ thấm vào trong. Tiếng khóc bộc lộ lòng nhân ái, sự đồng cảm xót xa. Hai câu thơ dịch đã thoát ý nguyên tác nên làm giảm đi phần nào hàm ý súc tích của câu thơ chữ Hán.

– Hai câu thực là sự hồi tưởng, cảm nhận số phận của Tiểu Thanh. Với nghệ thuật đối, ngôn từ hàm súc ước lệ, Nguyễn Du đã bộc lộ niềm trân trọng ngưỡng mộ tài năng tâm hồn Tiểu Thanh, bộc lộ sự xót thương cho số phận bi kịch của nàng.

+ Nhưng nàng phải chịu bi kịch hồng nhan đa truân- tài mệnh tương đố. Bi kịch đến mức chôn vẫn hận- đốt còn vương, bi kịch cả lúc sống và khi đã chế, bi kịch đến tột đỉnh vô mệnh- chẳng có gì( so với bạc mệnh- mệnh mỏng)

– Hai câu luận là sự đồng cảm, đồng điệu với Tiểu Thanh:

+ Từ số phận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã khái quát thành cái nhìn về con người trong xã hội phong kiến. Những người như Tiểu Thanh, Thuý Kiều, Đạm Tiên vì có phong vận mà mang sẵn kì oan mà phải chịu số phận bị thảm- hận cổ kim, trời khôn hỏi.

+ Đồng cảm, Nguyễn Du tự nhận” phong vận kì oan ngã tự cư” ta là người cùng hội cùng thuyền với kẻ mắc nỗi oan lạ lung vì nết phong nhã. Cùng có số phận bi kịch, cùng tâm trạng, thương người đến thương mình, Nguyễn Du thương cho số phận con người nói chung trong cuộc đời.

– Hai câu kết là sự tự khóc mình. Nguyễn Du kết bằng một câu hỏi lớn. Một câu hỏi với nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc:

+ Nguyễn Du muốn vượt hạn định thời gian để tìm sự đồng cảm ở hậu thế, chứng tỏ hiện tại bi kịch, Nguyễn Du hoàn toàn cô đơn, không người tri kỉ. Đó là một sự tự thương cực độ vừa thất vọng vừa nhen nhóm một niềm hi vọng về cuộc đời.

+ Lời tự xưng đau đáu thể hiện ý thức về bản ngã, về cái Tôi. Khóc Tiểu Thanh, Nguyễn Du đang làm điếu văn tự khóc mình.

+ Điếu văn này cũng chính là sự bộc lộ thái độ của Nguyễn Du với chế độ phong kiến đương thời.

4. Đánh giá:

Lời thơ hàm súc, cô đọng mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. “Ý tại ngôn ngoại”, “làm thơ quý cong” Nguyễn Du không nói trực tiếp, không nói hết mà chỉ gợi, người đọc phải phát hiện, suy ngẫm. Bài thơ thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du, tài năng thơ chữ Hán hàm súc, uyên thâm của ông.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.