Nghị luận: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình

nghi-luan-hoc-de-biet-hoc-de-lam-hoc-de-chung-song-hoc-de-tu-khang-dinh-minh (1).jpg

Nghị luận: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.

  • Mở bài

Trong thời đại khoa học tiên tiến như hiện nay, giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng. Học tập là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Học không bao giờ là thừa vì kiến thức như đường chân trời, càng đi càng thấy rộng. UNESCO đã đề xướng mục đích học tập: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” như một lời khẳng định về sự bất diệt của việc học.

  • Thân bài:

Mục đích học tập mà UNESCO đề ra không chỉ phù hợp với thời đại mà còn là mục đích rất nhân văn. Mục đích học tập phải đáp ứng 2 yêu cầu: tiếp thu kiến thức và yêu cầu thực hành, vận dụng kiến thức, từng bước hoàn thiện nhân cách.

Trước hết “học để biết”. Bài học đầu tiên của mỗi học sinh là học chữ cái, con số rồi cách viết, cách đọc. Chính từ nền tảng cơ bản nhất ấy đã dần hình thành nên một hệ thống kiến thức toàn diện ở mức phổ thông.

Học ở đây là quá trình tiếp nhận kiến thức do người khác truyền lại và tự mình làm giàu vốn kiến thức cho mình. Qua việc học, chúng ta biết được những quy luật vận động của tự nhiên, những quy tắc chuẩn mực của xã hội, cách sống và hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Thu nhận kiến thức có thể nói là mục đích học tập cơ bản nhất. Học tập trau dồi trí thức cho con người và làm cho trí tuệ con người sáng rạng ra.

Tuy nhiên, “trăm hay không bằng tay quen”. Học còn để làm việc. Nếu như chỉ chăm học lí thuyết mà không chịu thực hành thì khi làm việc không tránh khỏi những khó khăn, thậm chí là thất bại. Một ví dụ dễ thấy rằng: trong cuộc sống của chúng ta, không ít người hiểu rộng biết nhiều nhưng khả năng thực hành lại rất kém. Ngược lại, tại sao những người nông dân “chân lấm tay bùn” suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không được học hành, đào tạo qua trường lớp nhưng Tay nghề lại tài giỏi,xuất sắc như vậy? Đó là khả năng quan sát, đúc rút kinh nghiệm trong lao động của họ. Những người hay nói mà không hay làm là những người vô dụng. Đó là những con người chỉ biết trang trí bản thân chứ ko biết rèn luyện bản thân.

Như vậy “học” thôi chưa đủ mà còn phải “đi đôi với hành” nữa. Tất nhiên, chúng ta ko nên nghiêng phiến diện một phía: “học” quan trọng hơn hay “hành” quan trọng hơn mà cần biết điều hòa kết hợp giữa hai yếu tố này. Trong xã hội ngày nay, tri thức là tiền đề quan trọng.

Để hoàn thành được công việc có kĩ thuật cao cần phải nắm vững lí thuyết để vận dụng cho phù hợp. Công nghệ hiện đại khác nhiều với việc cày cấy, luân phiên mùa vụ của nông dân trên đồng ruộng. Lí thuyết gắn với thực hành sẽ tạo ra năng suất công việc cao hơn. Qua đây, ta thấy được tác động hai chiều giữa “học” và “hành”, “biết”“làm”, chúng bổ sung, tương tác với nhau, là 2 mặt của 1 quá trình.

Bên cạnh việc đề cao giữa thu nhận kiến thức và thực hành, UNESCO đã chỉ ra: “học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Đây chính là mục đính học tập rất nhân văn. Học tập giúp ta hiểu hơn về thế giới xung quanh, làm cho những trạng thái tâm hồn ta trở nên linh hoạt hơn, đa dạng phong phú hơn. Ta đã biết mỉm cười truớc niềm vui của người khác, biết đau trước những nỗi đau của con người, biết giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông và tìm được chính mình. Tri thức tự nó đã là sức mạnh giúp cho con người rộng lượng hơn, vị tha hơn và tự tin hơn trong cuộc sống.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã tác động đến suy nghĩ con người. Một bộ phận học sinh, sinh viên thời nay đã không xác định đúng đắn mục đích học tập củạ mình. Họ miệt mài trong học tập như cái máy, coi việc học như nghĩa vụ, trách nhiệm không thể chối bỏ, đối với cha mẹ, thầy cô. Họ học cho bằng cấp, cho sự nghiệp công danh mà họ trở nên thực dụng trong việc học và quên đi lợi ích của việc học, thiết nghĩ: nếu như cả xã hội này coi học tập chỉ là nghĩa vụ bắt buộc và chỉ dừng lại ở mức độ biết thì mỗi cá nhân sẽ không phát huy được tài năng, cá tính sáng tạo của bản thân và vô tình kìm hãm sự phát triển xã hội. Vì vậy việc xác định mục đích học tập là rất quan trọng.

  • Kết bài

Mục đích học tập mà UNESCO đề xướng rất đúng đắn, nhân văn. Qua đó ta định hướng học tập dễ dàng hơn, việc học trở nên hiệu quả và hữu ích hơn. Tri thức như cái cái thang dài vô tận, bước qua một bậc thang ta có thêm hành trang để tự tin bước lên bậc kế tiếp. Học vấn làm đẹp con người!


Bài tham khảo:

Suy nghĩ về mục đích của việc học qua đề xướng của UNESCO: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” .

  • Mở bài:

Tổng thống N.Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”.  Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện. Nghĩa là sau khi được giáo dục, ai cũng trở thành người tốt và có một cuộc sống tốt đẹp. Khẳng định điều đó, UNESCO đưa ra mục đích học tập cho toàn nhân loại: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” .

  • Thân bài:

Học là để biết.

Học là một công việc mà mỗi chúng ta phải làm hằng ngày và có thể là cả cuộc đời. Học là một quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích luỹ kiến thức cho bản thân mình từ thầy cô giáo bạn bè trên tư liệu sách vở và học ở ngoài cuộc sống. Kiến thức nhân loại vô cùng phong phú khoa học kĩ thuật không ngừng phát triển cố nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống cần được chúng ta giải quyết và tiếp thu.

Tuy nhiên những điều ta biết chỉ là một giọt nước nhỏ trong khi đó điều ta chưa biết lại là biển cả rộng lớn bao la. Vì vậy còn có nhiều miền tri thức cần được chúng ta khám phá học hỏi. Thế nên việc học trước hết là hướng đến mục đích học để biết nhiều miền kiến thức ấy để thế giới xung quanh mở ra một cách sáng tỏ trước mắt bạn lật mở mọi vấn đề mọi khía cạnh của cuộc sống muôn màu. Có vậy chúng ta mới có thể không lạc hậu với thời đại và yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Học là để làm việc thành công.

Học phải đi đôi với hành” lời dạy thật có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc học của chúng ta ngày nay. Tiếp thu kiến thức hôm nay mà không quên những điều đã học ngày hôm qua thì đó mới gọi là việc học đúng cách. Muốn vậy thì tất cả chúng ta phải học tập kiến thúc lí thuyết sau đó vận dụng làm nó ngoài thực tế để thêm hiểu phần kiến thức ấy và ghi nhớ sâu hơn. Ở đây theo unesco muốn nhắn bảo chúng ta phải kết hợp song song việc học và làm với nhau có như vậy việc học mới thực sự có ích.

Học và làm việc dựa trên những kiến thức đã học vừa là mục đích vừa còn là phương phát học tập. Một khi đã nắm vững kiến thức, đã tiếp thu kiến thức mà không vận dụng vào thực tiễn thì việc học thật khô khốc không linh động. Trong khi vừa học ta lại áp dụng giải quyết những công việc của cuộc sống thì đó là cơ hội để giúp đỡ bản thân gia đình và xã hội đó còn là dịp để bạn phát triển tư duy sáng tạo của mình.

Học là để cùng nhau chung sống.

“Ngọc không mài không thành đồ vậy người không học không biết rõ đạo” làm người ở đời phải có có học, cần am tường hiểu biết mọi vấn đề xã hội. Đó là điều cần thiết cho mỗi chúng ta. Nhưng việc học còn mang lại cho con người ta sự hiểu biết về đạo lí làm người đạo lí đối nhân xử thế cách ứng xử với mọi người trong cuộc sống hằng ngày. Một đứa trẻ được dạy bảo tốt sẽ trở thành người tốt. Đó là điều cần thiết để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và tiến bộ.

Trong quá trình học tập chúng ta sẽ có nhiều bài học về đạo đức nhiều câu chuyện hay về lòng nhân hậu … Từ đó hình thành ý thức rèn luyện nên nhân cách con người ý thức cái hay cái đẹp làm việc tốt giúp đỡ mọi người xung quanh có những đức tính tốt và cần thiết trong cuộc sống của mỗi người: siêng năng chăm chỉ hiếu thảo nhân hậu,… Tất cả đã làm hoàn thiện bản thân bạn.

Hơn thế nưa là con người có văn hoá có đạo đức biết cách ứng xử đúng đắn với mọi người bạn sẽ thực sự hoà nhập và thích ứng nhanh với môi trường khác nhau của xã hội. Đó là chúng ta đã học được cách chung sống. Thế giới này chỉ tồn tại nhưng con người biết chung sống hoà thuận gân gũi gắn bó với nhau để tạo thành một cộng đồng một xã hội bền vững từ đó biết giữ gìn nó và giữ gìn cải tạo thiên nhiên đang ngày càng xấu đi do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Khi con người biết chung sống thì người người nắm tay nhau trong tình thân ái đất nước hoà bình thịnh trị. Giữa đất nước trên thế giới sẽ không có mâu thuẫn, chiến tranh tất cả đều hướng tới sự phát triển của nhân loại làm chủ thế giới làm chủ vũ trụ và những miền tri thức mới. Có vậy mới có thể hướng tới một xã hội tốt đẹp một thế giới phát triển trong hoà bình.

Học là để tự khẳng định mình.

Một người vừa có tri thức vừa có trình độ văn hoá hay giúp đỡ người khác thành công trong công việc và cuộc sống thì sẽ được mọi người kính nể cảm phục. mọi người khác sẽ lấy đó làm tấm gương học hỏi theo và bạn luôn được tôn trọng và nhận những tình cảm yêu mến.

Mình có tài có đức ai lại không trọng dụng. Đó là học để tự khẳng định mình. Mỗi người đều có một tính cách riêng và luôn muốn khẳng định mình được xã hội công nhận. Nếu không ngừng nỗ lực học tập rèn luyện cả chí tài đức trở thành người có ích cho xã hội thì bạn sẽ có một “thương hiệu” riêng cho bản thân mình. Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình.

  • Kết luận:

“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Mục đích học tập của UNESCO đề xướng thật đúng đắn và có ý nghĩa to lớn trong việc học tập ngày nay của mỗi chúng ta trước những thay đổi từng ngày từng giờ của thế giới. Hiểu rõ và thực hiện theo đúng như thế tương lai tươi sáng đang chờ đón bạn hãy biết nắm lấy cơ hội.

Suy nghĩ về ý thức học tập của học sinh ngày nay

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: "Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích" - Theki.vn
  2. 92 nhận định hay về học tập dùng để trích dẫn trong bài văn nghị luận - Theki.vn
  3. Nghị luận: Vai trò của học tập đối với sự thành công của con người - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.