Nghị luận: Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống

nghi-luan-li-tuong-la-ngon-den-chi-duong-khong-co-li-tuong-thi-khong-co-phuong-huong-kien-dinh-ma-khong-co-phuong-huong-thi-khong-co-cuoc-song

“Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

– Belinsky từng nói: “Tuổi trẻ không có lý tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời”. Còn nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi lại cho rằng: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Quả thực, sống lý tưởng, ước mơ, hoài bão, khát vọng lớn lao  đối với con người là việc rất quan trọng.

  • Thân bài:

1: Giải thích:

“Lý tưởng” là gì? Lý tưởng: những điều cao cả, tốt đẹp, hoàn mĩ, hoàn hảo mà con người mong muốn hướng tới. Lý tưởng thể hiện ở cái khát vọng, khát khao vươn đến những giá trị chuẩn mực trong cuộc sống và sống một cuộc đời có ý nghĩa..

“Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường”: cách nói ẩn dụ, nhấn mạnh vai trò soi sáng, định hướng cho mỗi
người mang trong mình lý tưởng sống tốt đẹp.

“Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định”: không có mục tiêu cụ thể để phấn đấu, thiếu động lực, ý chí vươn lên.

“Không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”: sống ở đây không phải là chuyện sinh tử mà là cuộc sống đúng nghĩa, tốt đẹp, có giá trị.

– Có lý tưởng thì con người ta mới thật sự sống: Khi con người không hoài bảo, lý tưởng, mục tiêu phấn đấu thì cuộc sống trở nên nhàm chán, tẻ nhạt “sống mòn”, “đời thừa”, đánh mất cuộc sống, dễ sa ngã, lệch lạc, mù quáng.

→ Nhấn mạnh vai trò của lý tưởng: con người cần có lý tưởng để xây dựng cuộc sống đích thực cho mình.

2. Bàn luận:

– Tại sao nói lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường?

+ Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường; không có lý tưởng thì không có cuộc sống. Sống có lý tưởng làm cho cuộc sống ý nghĩa, hướng con người đến những điều tốt đẹp, cao quý. Lý tưởng vì dân vì nước của các cha anh, tiêu biểu là Bác, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi. Lý tưởng vì cuộc sống của loài người, cả nhân loại: các nhà khoa học.

+ Lý tưởng giúp cho con người không đi lạc đường. Khả năng lạc đường trước cuộc đời là rất lớn nếu không có lý tưởng tốt đẹp. Lý tưởng xấu có thể làm hại cuộc đời của một người và nhiều người. Không có lý tưởng thì không có cuộc sống.

+ Nâng vai trò của lý tưởng lên tầm cao ý nghĩa của cuộc sống.

– Câu nói của Lép Tôn-xtôi chứa đựng một quan niệm nhân sinh sâu sắc khi nhấn mạnh lý tưởng là kim chỉ nam cho hành động, cho cuộc sống con người. Muốn có cuộc sống chân chính, đích thực thì con người cần có lý tưởng của riêng mình.

3. Phê phán:

– Những người có lối sống hưởng thụ, không có mục đích, phó mặc, buông xuôi trước số phận, cuộc sống mờ nhạt, vô nghĩa.

4. Rút ra bài học:

* Nhận thức:

– Giúp mỗi chúng ta nhận thức được vai trò của lý tưởng trong cuộc sống.

– Lý tưởng mang đến động lực, thúc đẩy ý chí, sự tự tin, chủ động, năng động sáng tạo.

– Hiểu được tầm quan trọng của lý tưởng, sống phải có lý tưởng, khát vọng, mục đích chân chính, rõ ràng và có ý nghĩa.

– Phải nỗ lực biến lý tưởng thành hiện thực chứ không nói suông.

* Hành động:

– Lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng.

– Rèn luyện, tu dưỡng bản thân, phấn đấu để có nội lực vững vàng, mạnh mẽ.

  • Kết bài:

– Khái quát lại vấn đề: lời khuyên hoàn toàn đúng đắn và sâu sắc.

– Liên hệ với lý tưởng sống của giới trẻ ngày nay.


Tham khảo:

“Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường”

  • Mở bài:

Chúng ta làm việc bởi nhu cầu thực tế nhưng lại sống bằng lý tưởng. Cuộc sống của mỗi con người đều được nuôi dưỡng bằng những lý tưởng. Sống không có lý tưởng cũng chẳng khác gì bước đi trong bóng tối. Bàn về vai trò vô cùng quan trọng của lý tưởng với cuộc sống con người, nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi nói: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định. Mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

  • Thân bài:

Ý nghĩa câu nói: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường…”

“Lý tưởng” là mục đích cao nhất, ước mơ tốt đẹp nhất, cuộc sống hoàn hảo nhất mà người ta muốn đạt tới, luôn luôn hướng tới. “Ngọn đèn chỉ đường” là ánh sáng của lý tưởng soi rọi cho ta hướng đi đúng đắn, hành động đúng đắn. “Phương hướng” là còn con đường chúng ta bước đi, dẫn ta tới thành công. “Cuộc sống” là sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi con người.

Câu nói của Lép Tôn-xtôi khuyên chúng ta sống cần biết xây dựng lý tưởng, xây dựng ước mơ, khát vọng, hoài bảo lớn lai.

Lý tưởng của thanh niên ngày nay:

Mỗi chúng ta khi chạm đến hai chữ “lý tưởng” thì cảm thấy như gặp một điều gì xa vời, không thực tại chút nào. Ta cứ nghĩ rằng lý tưởng là cái gì đó vĩ đại như lý tưởng cách mạng của Các Mác-Ăngghen, lý tưởng vô sản của Lê-Nin. Nhưng chúng ta lại không biết rằng lý tưởng là thực tại, rất đời thường và gần gũi gắn bó bên cuộc sống mỗi chúng ta.

Hoàn toàn có thể hiểu “lý tưởng là một ngọn đèn”, nói dễ hiểu lý tưởng là niềm tin, lòng ao ước mong mỏi của mỗi người đặt ra trong cuộc sống. Lý tưởng chính là cái mục tiêu phấn đấu. Lý tưởng trở thành một phần của cuộc sống, và vì thế cuộc sống sẽ vô vị biết bao nếu thiếu đi “lý tưởng”.

Theo cách nói của Lép Tôn-xtôi thì lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường, và vì là ngọn đèn chỉ đường nên khi thiếu vắng nó con người ta sẽ dễ lầm lạc, đôi khi chậm trễ trên lô trình của cuộc sống: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống.”

Hành trình đi đến lý tưởng, phấn đấu theo lý tưởng, cũng như một vận động viên điền kinh đang ra sức chinh phục chặng dường đua của mình, anh chàng vận động viên chỉ biết rằng phía trước, những bước cuối cùng của chặng đường đua là dãi băng gôn về đích, anh cố hết sức và lao về trước với một tinh thần sức mạnh thiêng liêng, như mỗi chúng ta đều hướng về lý tưởng của mình. Cuộc sống cũng là một chặng đua và nếu chặng đua ấy không có đích đến, không có hướng đi thì chúng ta sẽ đi đâu về đâu.

Nhưng Lép Tôn-xtôi bảo rằng: “lý tưởng là phương hướng kiên định”, đó không có nghĩa rằng lý tưởng là một khối vật chất khổng lồ, nặng nề không bao giờ có thể chuyển dịch. Đó hoàn toàn không phải là lý tưởng. Đã là lý tưởng thiêng liêng của một cuộc sống tươi đẹp thì đòi hỏi ở cái khí chất cao đẹp.

Nghịch cảnh không những là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người. Chính nghịch cảnh là động lực làm nên lý tưởng sống của mỗi con người. Trong cuộc sống có vô vàn lý tưởng nhưng như thế nào mới là một lý tưởng chính đáng. Lý tưởng của một người kinh doanh là làm giàu, nhưng không phải là được làm giàu mọi cách. Anh ta phải tuân theo khuôn khổ của pháp luật và trách nhiệm của lương tâm. Lý tưởng của một cậu học sinh vừa tốt nghiệp trung học là đỗ cao trong kì thi đại học. Thế rồi ngày anh đến phòng thi để thực hiện cái lý tưởng đó của mình, thì lương tâm, không bao giờ cho phép anh có quyền làm ngơ khi thấy một người sắp chết đuối. Một hành động đi trái lại pháp luật, trái với đạo lý thì không còn là lý tưởng.

Mỗi bước đi của chúng ta bây giờ đều bước theo những bậc thang của lý tưởng, và luôn luôn có lý tưởng sáng soi chỉ đường. Lúc ấy chúng ta như những đứa trẻ vô tri được bàn tay người mẹ nâng niu dìu dắt từng bước đi. Và khi ấy nếu không có mẹ, không có lý tưởng còn là đứa trẻ bơ vơ, lạc loài, rồi sẽ đi đâu về đâu. Anh muốn chinh phục nóc nhà thế giới, muốn đứng trên đỉnh Everest dù chỉ là một giây, dù phải trải qua ngàn giờ hãi hùng, có lúc tưởng rằng hi sinh cả tính mạng, nhưng vẫn hết mình thực hiện cái lý tưởng của bản thân.

Nếu chỉ tồn tại như một bản năng, hoạt động như một cái máy, khởi động thì chạy, hết nhiên liệu thì tắt, ta tự hòi thế có phải là cuộc sống? Để chứng minh rằng ta đang sống, đang tồn tại trước tiên ta phải có lý tưởng, và khi đã có lý tưởng ta sẽ có dũng khí làm những gì ta quyết.

Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng đã dũng cảm bước xuống tàu buôn ra nước ngoài mang trên mình hành trang duy nhất là lý tưởng tìm đường cứu nước. Nếu không có lý tưởng sống đủ mạnh thì Bác đã không bao giờ có can đảm ra đi. Chính vì thế ta hãy sống, và thực sự sống khi đã có lý tưởng riêng của bản thân. Xuân Diệu thì mải mê với lý tưởng:

Thà một phút huy hoàng rơi chợt tắt
Còn hơn ngồi buồn le lói suốt trăm năm

Xuân Diệu là một nhà thơ khát khao khát giao cảm với cuộc đời, yêu cuộc đời một cách tha thiết nhất. Chính vì thế nhà thơ đem hết trái tim của minh cống hiến cho cuộc sống này cho lý tưởng sống tràn đầy yêu thương. Xuân Diệu mong muốn được sống chân thành với lý tưởng của riêng ông, được hiến dâng cả cuộc đời để đổi lấy “một phút huy hoàng”, đó là giây phút cháy bổng của một tâm hồn sống trong lý tưởng. Đồng thời nhà thơ, nhà thơ cũng muốn gửi gắm lý tưởng sống ấy cho mọi người trong cuộc đời. Sống phải sống sao cho đáng sống, phải đem hết dũng cảm để sống cho cái lý tưởng của mình, để từ đó tìm ra phương hướng đi theo tiếng gọi của “lý tưởng” như Lép.Tôn-xtôi đã khẳng định “không có lý tưởng thì không có phương hướng, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”

Nhưng thử hỏi có mấy ai có đủ dũng cảm để sống hết mình, sống một cách trọn đấy cho lý tưởng. Chắc hẳn, chúng ta – những người con của dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên và cũng không bao giờ được quên người thiếu nữ đã chết cho “mùa hoa lê-ki-ma nở, ở quê ta vùng Đất Đỏ”, và chết cho đời sau. Nữ anh hùng Võ Thi Sáu đã dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho tổ quốc yêu thương và cũng cho riêng lý tưởng sống của chị, khi mới trọn đầy cái tuổi 16.

Mỗi chúng ta đều có thể gắng hết sức vì lý tưởng sống của bản thân mình để thật sự có một phương hướng sống, phương hướng để tồn tại. Lý tưởng không hề xa vời, lý tưởng là lối đi gắn bó với chúng ta trong suốt cuộc đời.

  • Kết bài:

“Tuổi trẻ không có lý tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời”. Cuộc đời là những chuyến đi không ngừng nghỉ. Đôi khi có thể bạn đi nhầm đường, nhưng nếu bạn vẫn cứ đi, nó có thể là con đường mới. Bằng câu nói ngắn gọn, Lép.Tôn-xtôi đã đem đến cho chúng ta cái nhìn tổng quát về lý tưởng. Con đường hôm qua, hôm kia của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta đều đã lùi vào quá khứ một cách mờ nhạt. Nhưng con đường của hôm nay và của ngày mai còn tùy tôi, bạn, chúng ta đi như thế nào, chọn lựa “ngọn đèn lý tưởng” nào, đi theo phương hướng nào, để tiếp tục phát triển và đi lên cùng với sự thăng hoa của “ánh sáng lý tưởng”.


Tham khảo:

“Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Cuộc sống ngày càng vận động và phát triển theo chiều hướng mới. Để tồn tại và có một cuộc sống bền vững thì mỗi người chúng ta cần phải có một phương hướng sống nhất định, một lý tưởng mà ta sẽ hướng tới để thực hiện trong suốt cuộc đời. Nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi đã nói: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Vậy cuộc sống sẽ ra sao nếu mỗi người không xác định được lý tưởng đúng đắn? Cuộc đời sẽ ra sao nếu mỗi người chỉ sống vì những mục đích không rõ ràng và chỉ cho bản thân mình?

“Lý tưởng” là gì? Đó chính là cái đích của cuộc sống mà mỗi con người khát khao đạt được. Còn “ngọn đèn”, đó là một vật dùng để thắp sáng vào ban đêm, nhờ có nó mà ta thấy được rõ đường đi và những vật xung quanh. “Phương hướng kiên định” chính là mục tiêu, là đường lối xác định sẽ thực hiện một cách quyết tâm và không thay đổi. “Cuộc sống” là cuộc đời thực tiễn của mỗi người, nhưng đó sẽ là cuộc đời có ý nghĩa, cuộc đời tươi đẹp khi mà con người sống chứ không phải tồn tại. Cuộc sống đó là thành quả rực rỡ của một cuộc sống có lý tưởng. Qua đó, ta thấy câu nói của Lép Tôn-xtôi mang một nghĩa rất rõ ràng: sống trên đời, mỗi con người cần phải có riêng cho mình một lý tưởng sống, đó chính là ngọn đèn chỉ phương rõ ràng nhất.

“Lý tưởng” rất quan trọng với chúng ta. Vì nếu sống mà không có lý tưởng thì chúng ta sẽ khó mà xác định những việc nên làm, còn nếu có xác định được thì cũng không có quyết tâm để thực hiện cho tới nơi, tới chốn. Như trong học tập, nếu không chắc chắn mục tiêu học để làm gì thì khi gặp khó khăn, ta dễ buông xuôi và không chịu cố gắng. Bên cạnh đó, khả năng thực hiện sai hướng hay cảm thấy khó khăn hơn khi không xác định được lý tưởng là rất lớn. Và cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao khi con người ta sống thiếu “lý tưởng”. Thiếu lý tưởng, ta dễ nản chí, ta dễ cảm thấy buồn chán với chính cuộc đời của mình.

Vậy một người có lý tưởng là người như thế nào? Đó chính là người luôn xác định rõ mục tiêu sống và tận tuỵ với những việc mà mình cần hoàn thành, thể hiện rõ thái độ quyết tâm vươn tới sự hoàn thiện bản thân, mong muốn cống hiến cho sự nghiệp chung. Hơn thế nữa đó là một người sẵn sàng hi sinh cho lý tưởng của mình, chấp nhận sự thất bại và khó khăn để đạt đến cái đích cuối cùng của cuộc đời. Đôi khi lý tưởng của một người chỉ là kiếm được việc làm ổn định và có một gia đình đầm ấm nhưng để thực hiện được thì người đó cũng phải trải qua nhiều khó khăn. Và dù cho đó chỉ là một tlý ưởng tưởng chừng như rất đơn giản nhưng vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh. Vì người đó đã có được lý tưởng riêng để thực hiện chứ không như nhiều người sống hơn nửa cuộc đời vẫn chưa biết đâu là lý tưởng của đời mình và vẫn còn đang quẩn quanh tìm kiếm.

Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi với một lý tưởng suốt đời “tìm ra con đường giải phóng đất nước, quyết tâm vì Tổ quốc độc lập, vì dân tộc Việt Nam tự do và bền vững”. Đó cũng chính là lý tưởng của tất cả thanh niên trong thời chiến. Nhưng ngày nay khi đất nước ta đã hoàn toàn độc lập và đang trên đà phát triển nhanh thì lý tưởng của thanh niên đã khác đi rất nhiều. Tất nhiên mỗi thanh niên sẽ có cho mình một  lý tưởng riêng, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh sống, địa vị và cách sống của mỗi người nhưng nếu lý tưởng đó chỉ phục vụ cho lợi ích của bản thân thì đó không hoàn toàn là lý tưởng mà đó chính là lối suy nghĩ ích kỉ và cá nhân. Vì thế thanh niên ngày nay cần có một lý tưởng chung là: không ngừng phấn đấu vì một đất nước Việt Nam “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Mà muốn có được những lý tưởng có nghĩa cho bản thân và cho xã hội như vậy thì mỗi người nhất là thanh niên học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phải xác định được cho mình mục đích của việc học tập, phân biệt được mục đích đó là đúng hay sai và xác định xem khả năng của mình có thực hiện được hay không. Bên cạnh đó cần biết lắng nghe lời khuyên của những người xung quanh như cha mẹ, thầy cô để có một “phương hướng kiên định” cho chính mình. Một xã hội sẽ phát triển vững bền khi có những con người có chung một lý tưởng cao đẹp là sống vì Tổ quốc, vì mọi người.

Câu nói của Lép Tôn-xtôi đã để lại nhiều ý nghĩa thật sâu sắc và đầy tính nhân văn khi ông đã nhấn mạnh sự quan trọng của lý tưởng đối với mỗi người. Cuộc sống ngày càng phát triển, vì thế, mỗi người chúng ta cũng cần có một lý tưởng để thực hiện trong cuộc đời. Em cũng vậy, em sẽ luôn phấn đấu để hoàn thành lý tưởng của mình: trở thành một công dân có ích cho xã hội, đóng góp sức mình vì sự nghiệp chung của dân tộc. Để mỗi ngày trôi qua, sẽ có thêm một ngày mới được chiếu sáng bởi lý tưởng cuộc đời.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê - Theki.vn
  2. Đọc - hiểu văn bản: "Những ngôi sao xa xôi" (Lê Minh Khuê) - Theki.vn
  3. Nghị luận: "Nếu sống không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì nếu như mục đích tầm thường" - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.