Nghị luận: Một chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc. Cái gốc tròn mắt ngạc nhiên hỏi: “Sao sớm thế?” Lá vàng giơ tay lên chào, cười và chỉ vào những lộc non

nghi-luan-mot-chiec-la-vang-tu-but-khoi-canh-roi-xuong-goc-cai-goc-tron-mat-ngac-nhien-hoi-sao-som-the-la-vang-gio-tay-len-chao-cuoi-va-chi-vao-nhung-loc-non

Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa được gợi ra từ câu chuyện sau:

“Một chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc. Cái gốc tròn mắt ngạc nhiên hỏi: “Sao sớm thế?” Lá vàng giơ tay lên chào, cười và chỉ vào những lộc non”.

(Theo “Những câu chuyện ngụ ngôn chọn lọc” – NXB Thanh niên, 2003)

  • Mở bài:

“Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Trái tim biết sẻ chia, cống hiến chính là trái tim đẹp nhất, tâm hồn cao quý nhất. Nếu cuộc sống trở nên xấu xa, tăm tối bởi những toan tính nhỏ nhen, thấp hèn thì sự cao thượng của tâm hồn, sự vị tha của trái tim giúp cho cuộc sống có thêm những vì sao sáng. Cùng trong dòng mạch cảm xúc ấy, ta thấy được lẽ sống cao đẹp, bài học đạo đức triết lí về sự hi sinh, cống hiến vì người khác trong câu chuyện ngụ ngôn xúc động kể về chiếc lá vàng trích từ “Những câu chuyện ngụ ngôn chọn lọc”, NXB Thanh niên 2003”:

“Một chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc.
Cái gốc tròn mắt ngạc nhiên hỏi: “Sao sớm thế?”
Lá vàng giơ tay lên chào, cười và chỉ vào những lộc non”.

  • Thân bài:

Câu chuyện kể về chiếc lá vàng, nó có hồn, suy nghĩ và hành động. Việc chiếc lá tự mình bứt khỏi cành rơi xuống gốc cây tượng trưng cho lòng vị tha, hết mình cống hiến cho người khác, thậm chí hi sinh bản thân để gieo mầm sự sống, tiếp nhựa cho những “lộc non” – sự sống mới, hi vọng mới đang nảy nở, căng tràn. Cái chào, cái cười, cái thản nhiên của chiếc lá không chỉ gợi quy luật của tự nhiên, vạn vật trên cõi đời này mà ẩn đằng sau đó là cả một bài học nhân sinh sâu sắc, lời khuyên chân thành mà câu chuyện muốn gửi gắm tới bạn đọc: Sống trong cuộc đời, con người không nên chỉ sống cho riêng mình mà hãy hướng lòng mình đến cả những người khác, chấp nhận hi sinh, cống hiến cho họ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những lời hát rất hay:

“Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi…”

“Tấm lòng” ấy là trái tim cao cả, vị tha, là cái “cho” cao quý trong cuộc đời. Hạnh phúc là gia vị ngọt ngào của cuộc sống, giúp con người sống có ý nghĩa hơn. Nếu con người cứ ích kỉ nghĩ đến cá nhân mình thì sẽ không bao giờ thưởng thức được thứ gia vị ấy. Giống như chiếc lá vàng kia, nó rời khỏi thân mẹ để gieo sự sống cho những lộc non. Nếu nó cứ ích kỉ ở lại cành thì liệu có những nhành non mới, sự sống mới hay không? Nếu chúng ta biết cống hiến, chúng ta sẽ đem cơ hội và hạnh phúc đến cho mọi người, cả những người khốn khó, bất hạnh và cả những người cần được quan tâm.

Việc làm suốt cuộc đời tần tảo của người mẹ chính là sự hi sinh cao cả nhất cho những đứa con của mình. Mẹ hi sinh tuổi xuân, công sức, tình cảm, mọi thứ tốt đẹp và đáng quý nhất trao cho đứa con thân yêu của mình tất cả, bằng một trái tim đong đầy tình cảm, bằng sự sẵn sàng cho đi cao đẹp nhất. “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”, “Chẳng có gì so được tình thương – Của mẹ dành cho con như đất dành cho cây sự sống – Dẫu biển kia có sâu có rộng – Sánh chi bằng ở mẹ tấm lòng tiên”.

Chúng ta xúc động trước những chiến sĩ dũng cảm, những anh hùng đã ngã xuống trên mặt trận chiến cường khốc liệt. Họ nguyện đem thân mình, máu thịt mình hòa vào sắc cờ đỏ thắm của dân tộc Việt Nam hôm nay. Nhờ có lòng vị tha và trái tim khoan dung, nghệ sĩ Phan Anh đã tình nguyện quyên góp của cải vật chất, quyên góp cả “tình thương” của mình cho đồng bào miền Trung đang phải đối mặt với bão lũ, hiểm họa thiên nhiên. Như vậy, lẽ sống vì người khác được thể hiện ở cả những hành động đời thường nhất.

Việc trao đi cơ hội và niềm vui cho những người khác giúp cho chính những người cho đi ấy được sống hạnh phúc hơn. “Bạn càng cho nhiều, bạn càng nhận được nhiều”. Câu danh ngôn rất đúng. Lá vàng kia rời cành, nhường chỗ cho sự sống khác, màu xanh khác. Nó rơi xuống đất, tưởng như mọi thứ kết thúc nhưng chính hành động ấy bồi cho đất thêm tốt. Dưới gốc cây, chiếc lá được “chứng kiến” sự sống mới, thành quả mà nó đã làm được, chắc hẳn là hạnh phúc. Niềm vui ấy đáng quý hơn nhiều lần việc cứ ngồi chờ đợi trên cành cây chờ thời gian bóc mòn. Cùng lắng nghe tâm sự của người phụ nữ tình nguyện hiến thận cho một bệnh nhân trong cơn nguy kịch: “Tôi rất vui vì đã làm được điều gì đó có nghĩa cho họ, cảm giác thật tuyệt vời khi nhận từ họ lời cảm ơn chân thành nhất”. Thật đáng quý, hạnh phúc nhận lại đôi khi chỉ giản dị như thế: một cái ôm thay lời muốn nói, cái nhìn trìu mến, cảm kích, cái nắm tay thật chặt, nụ cười chân thành hay giọt nước mắt xúc động…

“Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý”. Khi chúng ta biết mở rộng lòng mình, đem tình thương và sự cao thượng vốn ẩn rất sâu ở bên trong để trao cho mọi người thì cũng chính là lúc sợi dây yêu thương giữa con người ngày càng bền chặt. Cuộc sống sẽ tốt đẹp, nhân văn, con người sống với nhau bằng tình cảm thay vì sự hờ hững, vô tình, vô cảm.

Còn ngược lại, nếu có những tấm lòng đẹp thì cũng có những tâm hồn đen, đó là biểu hiện của những kẻ dửng dưng, ích kỉ, không chia sẻ, không quan tâm, không còn biết đến tình người trong cuộc sống vốn tươi đẹp này. Những kẻ đó sẽ không bao giờ biết đến sự khoan dung, biết vươn đến vẻ đẹp của chân – thiện – mĩ. Nếu không có hành động cao đẹp của cụ Bơ-men trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”, chắc hẳn Giôn-xi sẽ chết. Tuổi trẻ của cô giống như chiếc lá thật vậy, bị gió bão và sương tuyết dập vùi. Nếu không có sự cống hiến hết mình của anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, liệu có người tự nguyện dậy lúc một giờ sáng trên đỉnh núi để đo gió, đo mưa và cam chịu cái rét đến thấu xương của thời tiết khắc nghiệt?

Hãy làm tất cả những điều tốt đẹp bạn có thể làm, cho tất cả những người bạn có thể, theo mọi cách bạn có thể, chừng nào bạn còn có thể. Sống vì người khác, hi sinh để trao cơ hội và niềm vui cho người khác nhưng đó phải là một sự hi sinh sáng suốt, tỉnh táo. Nếu đem cơ hội cho những người xấu xa, vụ lợi, đem sự giúp đỡ, độ lượng cho những kẻ hèn kém thì chẳng phải sự cho đi ấy là vô nghĩa hay sao?

Từ câu chuyện về chiếc lá vàng, mỗi người hãy tự mình nhận thức, biến hành động của chiếc lá thành lẽ sống của bản thân. Cần có bản lĩnh, tấm lòng đẹp, bao dung, độ lượng, lòng nhân ái để đem những gì tình túy, tốt đẹp cho xã hội của chúng ta, cho những con người đang rất cần đến sự giúp đỡ ấy. Cho đi bằng sự chân thành, không đòi hỏi thì hạnh phúc sẽ tự đến với mọi người. Hãy thẳng thắn phê phán những kẻ còn quá ích kỉ, nhỏ nhen, sống trong vỏ bọc của mình mà vô cảm với người khác, thậm chí phê phán chính bản thân chúng ta nếu chúng ta là những người như thế. Hãy luôn cho mà không ghi nhớ và luôn nhận mà không lãng quên.

  • Kết bài:

“Người giàu có không phải là người có nhiều, mà là người cho nhiều” (Erich Fromm). Qua câu chuyện về chiếc lá vàng, chúng ta học được bài học sâu sắc về sự cho đi trong cuộc sống. Sống trên đời này là để “in dấu trên mặt đất, in dấu trong tim người khác”, vậy nên hãy chọn mình lối sống phù hợp nhất để đem lại cho cuộc đời những gì tốt đẹp nhất. Là thế hệ trẻ, là những con người chịu trách nhiệm về tương lai của xã hội, chúng ta hãy tôi rèn bản thân để sống đẹp nhất, để cảm nhận hạnh phúc từ những hành động của mình:

“Đủ nắng hoa sẽ nở
Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện "Chiếc lá và chồi non" - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.