Nghị luận: Nếu sống không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì nếu như mục đích tầm thường

nghi-luan-neu-khong-co-muc-dich-anh-khong-lam-duoc-gi-ca-anh-cung-khong-lam-duoc-cai-gi-neu-nhu-muc-dich-tam-thuong

Nếu sống không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì nếu như mục đích tầm thường”.

  • Mở bài

Đi-đơ-rô là nhà văn, nhà lí luận, phê bình nghệ thuật, nhà triết học duy vật vĩ đại của nước Pháp trong thế kỉ XVIII. Hình ảnh Đi-đơ-rô, nhà tư tưởng lớn, khi nói lẽ sống, mục đích của cuộc đời, ông từng nhắc nhở độc giả gần xa, đặc biệt là thế hệ tuổi trẻ trong các học đường câu nói bất hủ: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả, anh cũng không làm được cái gì nếu như mục đích tầm thường”.

  • Thân bài

“Mục đích” là chỗ người ta nhằm tiến tới, cái mà người ta nhằm thực hiện cho bằng được. Tầm thường nghĩa là nói dưới mức trung bình. Mục đích trung bình, mục đích tầm thường là mục đích chẳng có gì cao xa, chỉ nhỏ bé, nhạt nhẽo.

Mục đích cuộc sống thường gắn liền với lẽ sống và lí tưởng của mỗi người. Phải sống như thế nào, học tập và làm việc như thế nào thì mới thực hiện được mục đích, ước mơ của mình. Có mục đích gần mà cũng có mục đích xa, có mục đích cao cả nhưng cũng có mục đích tầm thường, nhỏ bé. Mục đích thường gắn với ước mơ, hoài bão. Có mục đích cao cả, đúng đắn mới tạo thành động lực, sức mạnh, giúp ta vươn tới làm nên sự nghiệp, giúp ích cho đời.

Câu nói của Đi-đơ-rô không chỉ nói lên tầm quan trọng của mục đích sống mà còn nhắc nhở mọi người phải sống với mục đích cao cả, không nên sống với mục đích tầm thường. Câu nói của Đi-đơ-rô là một lời giáo huấn hàm chứa tư tưởng sâu sắc, tiến bộ. Nếu không có mục đích, anh chẳng làm nên công trạng gì. Và anh chỉ sống cho hiện tại, không hề nghĩ tới ngày mai. Cuộc đời anh trở nên nhỏ nhoi, thấp hèn, chật hẹp, chỉ là phường giá áo túi cơm.

Sống không có mục đích thì người ta chỉ nhìn thấy những lợi ích vặt vãnh, ti tiện hàng ngày, lãng phí thời gian, phí hoài tuổi trẻ. Cuộc sống trở nên tẻ nhạt vì không biết tu dưỡng đạo đức, học hành mở mang trí tuệ, trau dồi nhân cách, tài năng. Sống không có mục đích là sống thừa, sống theo bản năng. Sống không có mục đích, không chỉ không có hạnh phúc mà còn là nguồn gốc của mọi điều xấu, điều ác trong xã hội.

Nếu mục đích tầm thường anh cũng không làm được cái gì vĩ đại. Sống bằng mục đích tầm thường, anh sẽ bị buộc chặt vào danh lợi, ham muốn tầm thường. Cuộc đời anh quẩn quanh, không bao giờ nghĩ tới chuyện cao xa, bay bổng; sống không có ước mơ, khát vọng. Con chim cánh nhỏ, sức yếu không thể bay cao, bay xa. Chỉ có đại bàng mới tung cánh gió bổn phương trời được. Sống với mục đích tầm thường, con người ta tự bằng lòng với mình, không chịu học tập nên không có tài năng. Không có tài năng thì chẳng làm được cái gì vĩ đại, phi thường như Đi-đơ-rô đã nói.

Xưa và nay, lịch sử loài người cũng như lịch sử dân tộc ta chứng minh một cách hùng hồn rằng, các anh hùng, các danh nhân… tên tuổi sáng ngời sử sách là những nhân vật vĩ đại đã sống và chiến đấu vì một mục đích cao cả, vĩ đại:

Lê Lợi và Nguyễn Trãi:

“Ngẫm thù lớn, há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không cùng sống”.

(Bình Ngô đại cáo)

Phan Bội Châu:

“Muốn vượt biển Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.

(Xuất dương lưu biệt)

Và Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Có lý tưởng cao đẹp mới biết sống có mục đích. Có ý chí và bản lĩnh phi thường mới thực hiện được mục đích vĩ đại. Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Tuổi trẻ chúng ta phải phấn đấu trở thành người công dân tốt, người lao động chân chính… để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Sống vì mục đích đúng đắn, cao cả, học sinh mới thực hiện được lời Bác Hồ dạy: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.Có được giáo dục, được học hành chu đáo, chúng ta mới sống có mục đích đẹp đúng đắn, cao cả. Khi đã có mục đích sống đẹp, đúng đắn, chúng ta phải biết phấn đấu đến cùng để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Mọi thành quả trên hành trình đi tới tương lai đâu dễ gặt hái ? Phải bền chí và có quyết tâm cao để chiến thắng mọi trở lực trên đường đời. Chúng ta càng thâm thía bài thơ của Bác Hồ:

“Đi dường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

(Đi đường)

  • Kết bài

“Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Nếu sống không có mục đích, rõ ràng chúng ta không làm được gì cả. chúng ta cũng không làm được cái gì nếu như mục đích tầm thường. Câu nói của nhà văn Đi-đơ-rô thật sâu sắc và chí lí. Đã hơn hai thế kỉ qua, câu nói của ông vẫn sáng ngời chân lí, nó trở thành một danh ngôn, có sức cảm hóa kì diệu.

Nghị luận: Sống không mục đích khác nào con thuyền lênh đênh ngoài biển khơi mà không có la bàn

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Dàn bài nghị luận: Nếu không có mục đích, anh không làm được điều gì cả. Anh cũng không làm được một cái gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường (Điđơrô) - Theki.vn
  2. Nghị luận: Tìm ra mục đích sống của bạn là bước quan trọng đầu tiên để sống cuộc sống không giới hạn - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.