Nghị luận: Người đọc muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay (Xuân Diệu)

nghi-luan-nguoi-doc-muon-rang-tho-phai-xuat-phat-tu-thuc-tai-tu-doi-song-nhung-phai-di-qua-mot-tam-hon-mot-tri-tue-va-khi-di-qua-nhu-vay-tam-hon-tri-tue-phai-in-dau-vao-do-that-sau-sac-cang-ca

“Người đọc muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay” (Xuân Diệu).

Trình bày suy nghĩ của anh, chị về nhận định trên. Qua các tác phẩm đã học ở sách Ngữ văn lớp 12 tập 1, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Dàn bài 1:

1. Giải thích:

– Ý kiến của Xuân Diệu đã nêu lên một cách khái quát những yêu cầu cơ bản của người đọc thơ đối với thơ ca.

+ Nguồn gốc của thơ ca: “thơ phải xuất phát từ thực tại”. Thơ được sinh ra từ trong hiện thực cuộc đời, cái đẹp trong thơ phải mang dấu ấn của cái đẹp trong sự thật đời sống.

+ Nội dung của thơ ca: phải thể hiện “một tâm hồn, một trí tuệ”. Thơ ca phải thể hiện được tình cảm và tư tưởng của thi nhân để rồi đưa tình cảm, tư tưởng đó đến với mỗi người đọc. Thơ ca chính là tiếng nói của một cái tôi cá nhân với cuộc đời.

+ Nghệ thuật sáng tạo thơ ca:càng cá thể, càng độc đáo càng hay”. Thơ ca phải mang dấu ấn sáng tạo và thể hiện phong cách nghệ thuật riêng biệt của thi nhân.

Tóm lại, đối với Xuân Diệu, một tác phẩm thơ cần bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, thể hiện những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, độc đáo cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật để đem lại giá trị thẩm mỹ.

2. Bàn luận:

– Cuộc sống là điểm xuất phát (là đề tài vô tận, gợi nhiều cảm xúc phong phú … ), là đối tượng khám phá chủ yếu và cũng là cái đích cuối cùng của thơ ca nghệ thuật. Thơ ca nghệ thuật luôn vận động và phát triển trong sự ràng buộc tự nhiên với đời sống xã hội. Những giá trị nghệ thuật chân chính xưa nay đều là những sáng tác bắt rễ sâu xa trong mảnh đất thực tế của thời đại mình. Thơ ca chỉ có ý nghĩa thẩm mỹ, chỉ chinh phục trái tim người đọc khi thể hiện những vấn đề, những cảm xúc mà con người hằng quan tâm, trăn trở. Nếu thơ ca không bắt nguồn từ hiện thực, xa rời cuộc đời, thoát ly thực tại, thơ ca sẽ không thể đến với người đọc, không thể tồn tại trong cuộc đời, khi ấy thơ ca đã tự đánh mất chức năng cao quý nghệ thuật vị nhân sinh của mình.

– Vẻ đẹp của thơ ca trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa. Không có chất liệu đời sống thì không làm nên nội dung và giá trị của tác phẩm. Nhưng  sự việc đời sống mà không âm vang vào tâm hồn, không lay động sâu xa cảm xúc của người nghệ sĩ thì không thể hóa thân thành cái đẹp của nghệ thuật. Chính vì vậy cần thấy rằng thơ ca là cuộc đời nhưng đó không phải là sự sao chép máy móc mà phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ của thi nhân để thành thơ. Thơ ca là hình ảnh của đời sống tươi nguyên được tái hiện qua lăng kính tình cảm của người nghệ sĩ. Vì vậy nếu thơ không có tư tưởng, tình cảm thì đó chỉ là những lời sáo rỗng, nhạt nhẽo, vô vị, tầm thường, chỉ là trò làm xiếc ngôn từ vụng về chẳng thể đánh lừa được người đọc.

– Vẻ đẹp của thơ ca còn cần được đánh giá ở hình thức thể hiện. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Vì vậy, thơ ca cũng đòi hỏi nhà thơ phải in dấu tâm hồn, trí tuệ mình vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay. Nhờ khả năng sáng tạo tuyệt vời mà các thi nhân luôn tìm ra những cách nói mới về những điều đã cũ. Nếu không có sáng tạo, không có phong cách riêng thì tác phẩm và tác giả đó sẽ không thể tồn tại trong văn chương. Những sáng tạo về hình thức biểu hiện rất phong phú qua thể loại, cấu tứ tác phẩm, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ…

3. Chứng minh:

(Học sinh biết vận dụng, phân tích một số bài thơ giai đoạn 1930-1945 trong chương trình Ngữ văn 11 để chứng minh và bình luận về ý kiến của Xuân Diệu. )

4. Đánh giá, nâng cao.

– Ý kiến của Xuân Diệu đã thể hiện tiêu chuẩn để đánh giá một thi phẩm đích thực và giúp ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa to lớn của thơ ca đối với cuộc sống con người.

– Đây cũng là một quan điểm sáng tác định hướng cho mọi nhà thơ: thơ phải từ cuộc đời, hướng về cuộc đời, vẻ đẹp của một tác phẩm văn học phải kết hợp hài hòa cả nội dung và hình thức. Từ đó giúp nhà thơ có ý thức và trách nhiệm hơn trong quá trình sáng tạo thơ ca.

Dàn bài 2:

Bàn về thơ, Xuân Diệu cho rằng: “Người đọc muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu ấn vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”. (Xuân Diệu, Toàn tập, Tập 5, NXB Văn học, Hà Nội, 2001, tr 36).
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu (Ngữ văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục) và bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng (Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

1. Giải thích:

– Nguồn gốc của thơ ca “phải xuất phát từ thực tại”: thơ được sinh ra từ trong hiện thực cuộc đời, từ thế giới tình cảm của con người, là người thư kí trung thành của tâm hồn con người. Nhưng hiện thực đó “phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ” là hiện thực được cảm nhận qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Thơ chính là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”.

– Nội dung của thơ ca phải thể hiện được tình cảm và tư tưởng (tâm hồn, trí tuệ) của thi nhân để rồi đưa tình cảm tư tưởng đó đến với người đọc. Thơ chính là tiếng nói của một cái tôi cá nhân trước cuộc đời.

– Nghệ thuật sáng tạo thơ ca “càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”: thơ phải mang dấu ấn sáng tạo, thể hiện chất riêng biệt của thi nhân.

Tóm lại: Đối với Xuân Diệu, tác phẩm thơ cần bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, thể hiện những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, sâu sắc, độc đáo cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Có như vậy, thơ mới trở thành một chỉnh thể nghệ thuật giàu giá trị thẩm mĩ.

2. Lý giải ý kiến:

– Cuộc sống là điểm xuất phát, là đề tài vô tận, là đối tượng khám phá của thơ ca nghệ thuật, gợi nhiều cảm xúc phong phú:

+ Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ, nhưng tình cảm, cảm xúc ấy bao giờ cũng bắt rễ từ hiện thực cuộc đời. Hiện thực chính là điểm tựa cho cảm xúc, tình cảm, là cội nguồn không bao giờ vơi cạn để con người trữ tình bộc lộ cảm xúc và suy tưởng. Nếu tách rời hiện thực khách quan, thì cảm xúc và ý nghĩ sẽ không có cơ sở hiện thực để nảy sinh.

+ Hiện thực chân thực bao giờ cũng có khả năng dồn nén sức biểu cảm, khơi gợi tình cảm mãnh liệt, có sức dư ba lớn.

– Vẻ đẹp của thơ ca trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa, là dấu ấn trí tuệ, tâm hồn của thi sĩ. Thơ thể hiện thế giới chủ quan của người nghệ sĩ. Tình cảm, tư tưởng trong thơ trước hết là của cá nhân tác giả, là thế giới riêng tư của tác giả nảy sinh từ hiện thực.

– Vẻ đẹp của thơ còn được đánh giá ở sự sáng tạo hình thức “càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”:

+ Bản chất nghệ thuật là sáng tạo, vì thế thơ ca không chỉ đòi hỏi nhà thơ phải in dấu tâm hồn, thể hiện cảm xúc mà còn phải in dấu cả trí tuệ, thể hiện tài năng trong việc sáng tạo hình thức biểu hiện. Thiếu sự sáng tạo thì tác phẩm và tên tuổi của tác giả sẽ không thể tồn tại.

+ Sự sáng tạo về hình thức biểu hiện của thơ ca rất phong phú, từ thể loại, cấu tứ, ngôn ngữ, hình ảnh thơ…Sự sáng tạo này tạo nên cách nói mới về những đề tài không mới, làm nên sự không lặp lại mình, không lặp lại người khác, đồng thời mang đến sức sống của thơ.

3. Chứng minh qua bài Từ ấy của Tố Hữu và bài Tây Tiến của Quang Dũng.

a. Bài thơ Từ ấy củaTố Hữu.

– Từ ấy “xuất phát từ thực tại”:

+  Tháng 7/1938, sau thời gian tham gia phong trào đấu tranh cách mạng của Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế, Tố Hữu vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản. Niềm vui sướng hân hoan và tự hào khi được đứng dưới hàng ngũ của Đảng là cảm xúc chân thực từ trái tim của người chiến sĩ trẻ. Ngày được đứng vào hàng ngũ những người cùng phấn đấu vì một lí tưởng cao đẹp là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhà thơ. Ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với những cảm xúc, suy tư sâu sắc, Tố Hữu viết Từ ấy.

+ Bài thơ Từ ấy là tiếng nói của riêng Tố Hữu, là tuyên ngôn về lẽ sống đích thực của nhà thơ.

– Từ ấy thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của Tố Hữu:

+ Niềm vui sướng say mê khi bắt gặp lí tưởng của Đảng: giữa lúc đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, đang “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/Chọn một dòng hay để nước trôi”, nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cộng sản. Lí tưởng như nguồn sáng mặt trời chiếu rọi tâm hồn chàng thanh niên, khiến tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi Tố Hữu vui sướng vô hạn, như được sưởi ấm và thức tỉnh.

+ Những nhận thức sâu sắc mới mẻ về lẽ sống: khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, Tố Hữu đã có những nhận thức mới về lẽ sống và có những chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của mình. Nhà thơ khẳng định quan niệm mới về lẽ sống là sự gắn bó hài hoà giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của cộng đồng. Không còn là con người “Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn/Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời”, tác giả đã tự buộc lòng mình với mọi người để sống chan hoà với trăm nơi, để có được sự đồng cảm chân thành, sâu sắc. Từ đó, nhà thơ đã hoà trong một khối đoàn kết, gắn bó với mọi người. Đó là tuyên ngôn sống và sáng tác nghệ thuật của một con người tự nguyện gắn bó cả cuộc đời mình với quần chúng lao khổ, phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của đồng bào, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

– Từ ấy in dấu ấn rõ nét vẻ đẹp sáng tạo độc đáo của thơ Tố Hữu:

+ Tố Hữu đã dùng những hình ảnh nắng hạ, mặt trời chân lí, vườn hoa lá để chỉ lí tưởng. Những động từ bừng, chói, những cụm từ đậm hương, rộn tiếng chim đã được nhà thơ sử dụng sáng tạo nhằm thể hiện niềm vui sướng tột cùng khi nhà thơ được đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản,

+ Các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hoá, điệp từ, điệp ngữ được tác giả dùng trong bài thơ vừa có tác dụng tạo nên những hình ảnh thơ trong sáng, gần gũi, có sức mạnh lôi cuốn sự chú ý của người đọc, người nghe lại vừa thể hiện được tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình đang say mê lí tưởng. Đặc biệt, trong bài thơ, cách sử dụng kết hợp các điệp từ, điệp ngữ đã tạo được một nhịp điệu vui tươi, luyến láy, giàu sức biểu cảm…

Từ ấy được coi là thi phẩm có ý nghĩa mở đầu, định hướng cho toàn bộ quá trình sáng tác của Tố Hữu. Những sáng tạo độc đáo của thi phẩm tạo nên nét riêng cho phong cách thơ Tố Hữu: trữ tình – chính trị, giàu tính dân tộc.

b. Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

– Tây Tiến “xuất phát từ thực tại, từ đời sống”:

+ Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền tây Bắc Bộ Việt Nam. Quang Dũng là đại đội trưởng của đoàn binh Tây Tiến. Cuối năm 1948 ông chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là Tây Tiến.

+ Tây Tiến là cuộc sống, là tấc lòng, là con người rất thật của Quang Dũng. Bài thơ được khơi nguồn từ những cảm xúc mãnh liệt và chân thực của nhà thơ khi nhớ về đồng đội và mảnh đất, con người Tây Bắc một thời gắn bó. Quang Dũng từng tâm sự: Hồi ấy, tấm lòng, cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy.

– Tây Tiến thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của Quang Dũng:

+ Vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa: nhạy cảm trước thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ dữ dội mà huyền ảo, thơ mộng; đằm thắm tình người; những khao khát, mộng mơ mãnh liệt.

+ Vẻ đẹp ý chí, lí tưởng: dù sống và chiến đấu trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt nhưng Quang Dũng cũng như đoàn binh Tây Tiến vẫn hiên ngang vượt lên, coi thường gian khổ, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Vẻ đẹp của họ vừa mang dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước vừa mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

– Tây Tiến in dấu ấn rõ nét vẻ đẹp sáng tạo độc đáo của thơ Quang Dũng:

+ Khi viết về những người lính Tây Tiến, Quang Dũng không hề che giấu cái bi. Nhưng bi mà không bi lụy. Chất lãng mạn bi tráng là vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính cách mạng trong thơ Quang Dũng.

+ Thể thơ bảy tiếng chắc khỏe mang giọng điệu hào hùng như một khúc quân hành; sử dụng phong phú các biện pháp tu từ; kết hợp hài hòa chất họa, chất nhạc trong thơ; bút pháp hiện thực kết hợp với cảm hứng lãng mạn; ngôn ngữ vừa giản dị, trong sáng vừa trang trọng, tài hoa; giọng điệu linh hoạt khi tha thiết, bồi hồi, khi hồn nhiên, vui tươi, lúc lại trở nên trang trọng rồi lắng xuống bi tráng…

Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu nhất cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện tập trung nét đặc sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ: hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Với bài thơ Tây Tiến “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo…, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến” (Vũ Quần Phương).

4. Bình luận:

– Nhận định của Xuân Diệu không chỉ đúng trong lĩnh vực sáng tạo thơ ca mà còn đặt ra yêu cầu cho mọi sáng tạo nghệ thuật nói chung. Từ ấy (Tố Hữu) và Tây Tiến (Quang Dũng) được ra đời ở những thời điểm khác nhau, bởi hai phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng đều là minh chứng rõ nét cho ý kiến của Xuân Diệu.

– Bài học cho người nghệ sĩ sáng tạo và người tiếp nhận:

+ Đối với người sáng tạo: trau dồi vốn sống, sống sâu sắc với thế giới nội tâm của mình, lao động công phu, nỗ lực không ngừng trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

+ Đối với người đọc: tiếp nhận tác phẩm bằng toàn bộ thế giới tinh thần của mình trên tinh thần đối thoại, đồng sáng tạo với nhà thơ để thấy được những đóng góp của nhà thơ cả về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Bàn về nhiệm vụ của nhà văn, Vũ Trọng Phụng đã từng nói: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Xá định vị trí của nhà thơ, Xuân Diệu cho rằng: “Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”.

  • Thân bài:

Văn học mang vẻ đẹp thay đổi qua từng thời đại bởi đây không chỉ là nghệ thuật đơn thuần như hội họa hay âm nhạc. Văn học hơn hết là sự phản ánh về đời sống của người dân, xuất phát từ hiện thực đã định sẵn, từ đó mà chiếm lĩnh tâm hồn của độc giả. Không như các cuốn tiểu thuyết ngôn tình hay bất cứ quyển truyện khoa học viễn tưởng, văn học đích thực mang trong mình vẻ đẹp riêng biệt, chẳng phải một “ánh trăng lừa dối” (Nam Cao) hay một lớp màn hư ảo che đậy sự thật nào.

Chế Lan Viên từng nhận đinh: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim” . Nếu văn phong và cốt truyện của tác giả có hay cỡ nào mà nội dung toàn là những điều vô thực, dối trá, tránh né sự thực ở đời thì không thể nào chạm sâu vào đáy trái tim người đọc. Thay vào đó, văn học có thể chỉ đơn giản là những tác phẩm lên án về cuộc sống hay nghịch cảnh quá rõ ràng để ai xem vào cũng đều cảm thấu nỗi đau của con người lúc bấy giờ.

Quang Dũng từng viết:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

(Tây Tiến, Quang Dũng)

Tuy phải đối mặt với căn bệnh sốt rét rừng, va chạm với trùng trùng hiểm nguy, bao nhiêu gian khó, hình ảnh người lính Tây Tiến thể hiện qua giọng văn hóm hỉnh của ông, kể cả khi rụng hết cả tóc, tái xanh cả người vẫn không hề chùn bước. Họ khoác trên mình một tâm thế vững vàng, dữ tợn mà mạnh mẽ tựa “oai hùm”. Nhưng cuối cùng, biết bao chiến binh một lòng vì nước đã ngã xuống: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”, “Áo bào thay chiếu, anh về đất”. Nỗi nhớ về đoàn quân này dâng trào lên trong lòng người thi sĩ. Ông không vì cái đau sót ở hiện thực mà vùi lấp đi sự mất mát để lại sau chiến tranh, vốn là những người anh em đã đồng hành với nhau suốt tuyến đường hành quân. Tất cả đều bắt nguồn từ nỗi nhớ, khởi sinh từ cốt lõi của lịch sử. Suy cho cùng, bụi thời gian khó có thể làm dịu đi những tàn tích đau thương của chiến tranh, chúng hiện lên thành chữ, thành dòng trên tác phẩm bi hùng của ông.

Thay đổi theo thời đại, chiến tranh kết thúc. Các tác phẩm văn học nay lại xoáy sâu hơn vào cuộc sống và tình thương giữa người với người, sự thực phũ phàng một lần nữa được phơi bày khi nấm mộ người bà của Nguyễn Duy đã xanh màu cỏ dại:

khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!

(Đò lèn, Nguyễn Duy)

Đứng trước ngôi mộ của bà, Nguyễn Duy không thể kiềm nén nỗi chua xót cho số phận để rồi bằng tấm lòng, tâm hồn một thi sĩ, ông như thốt lên thật lớn rằng: “bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”. Ông tiếc nuối cho quá khứ, trách móc thời gian, trách móc chính mình vì đã quá vô tâm, mải rong chơi suốt thời non trẻ để khi trưởng thành lại nhận ra rằng lúc bấy giờ cháu đã khôn lớn, đến thời điểm bà phải ra đi, không thể kề cạnh, chăm nom cho cháu nữa. Tất cả những dòng thơ “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế / bà mò cua xúc tép ở đồng Quan”, “bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn” hay “khi tôi biết thương bà thì đã muộn / bà chỉ còn là một nấm có thôi!” như rút hết tâm can, buông hết nỗi niềm của tác giả một cách chân thực nhất, gần gũi nhất, lay động nhất. Chúng chạm đến trái tim những con người “đa sầu đa cảm” bằng một giọng điệu thơ chân thành, thân thuộc mà bất ngờ như cái vỗ tay để cho ta giật mình bừng tỉnh khỏi các cuộc vui nhất thời, để hiểu và tin rằng ai trong chúng ta cũng đều có thể tránh phạm phải sai lầm của ông trước những giây phút muộn màng.

Bài thơ “Đò Lèn” của Nguyễn Duy tuy chủ đề chẳng gì là lạ lẫm cũng như không mang theo một màu hồng như bao người vẫn lầm tưởng về thơ ca. Đấy đơn giản là sự tái hiện về chuỗi ngày khó khăn của bà được tác giả ghi lại qua ngòi bút với cái nhìn sâu sắc để bày tỏ nỗi lòng, tâm tư; đồng thời cũng là để cảnh tỉnh cho bạn đọc về lối sống vô tâm một cách thật chân tình. Bởi lẽ đó mà Nguyễn Duy hiện tại là một trong những nhà thơ xuất chúng được rất nhiều độc giả, thi nhân nhắc đến khi bàn về văn học Việt Nam.

Thế nhưng, cái đẹp trong văn học không chỉ thể hiện qua cốt lõi của hiện thực trong đời sống mà kèm theo đó là nét độc đáo, đặc trưng vốn có của lĩnh vực đầy tính nghệ thuật này. Nghệ thuật, một trong những thứ phục vụ cho đời sống tinh thần của con người Việt Nam từ rất lâu, vốn dĩ là sự sáng tạo, sự đổi mới cho phù hợp với thời đại mà song hành với nó là “tâm hồn”“trí tuệ” của con người sáng tạo nên. “Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống” nhưng nó phải được thanh lọc qua lăng kính tâm hồn của người nghệ sĩ một cách kĩ lưỡng trước khi nó hiện hình trên ngôn ngữ. “Tâm hồn” trong tác phẩm của thi nhân chính là cảm xúc và tâm sự xuất phát từ tận đáy con tim như nỗi nhớ Tây Tiến trong bài thơ cùng tên được viết bởi Quang Dũng hay nỗi đau của Nguyễn Duy trước ngôi mộ người bà thân thương.

Cái ta càng cần phải chú ý hơn là hai chữ “trí tuệ” trong câu nói của Xuân Diệu. “Trí tuệ” có thể hiểu ở đây là cách vận dụng ngôn từ, gợi tả hình ảnh, diễn đạt xúc cảm qua ngữ điệu trong thi ca cũng như các thủ pháp nghệ thuật với hiệu quả mà chung mang lại. Đấy chính là cái đặc thù của văn học mà các lĩnh vực về nghệ thuật khác chưa bao giờ có, là lý do mà các nhà văn, nhà thơ cũng như rất nhiều nhà phê bình văn học hướng tới để tìm kiếm sự mới mẻ trong cách vận dụng sự đặc sắc về ngôn ngữ của người Việt. Các tác gia lỗi lạc cũng chính là những người cao nhân đã bước chân vào thế giới “muôn màu muôn vẻ” này và in một dấu chân không thể phai nhòa.

Được mệnh danh là cánh chim đầu đàn trong Cách Mạng thơ ca Việt Nam, Tố Hữu sử dụng từ ngữ và văn học như một thứ vũ khí trên sàn đấu nghệ thuật. Với giọng thơ trữ tình chính trị; viết về kháng chiến, đề tài người lính với giọng điệu thủ thỉ, tâm tình như những lời nói ngọt ngào khiến ta liên tưởng đến một bài thơ tình yêu thật lãng mạn; ông tỏ bày tình cảm giữa các anh cán bộ với người dân Việt Bắc như sau:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

(Việt Bắc, Tố Hữu)

Nỗi nhớ của các anh chiến sĩ giành cho người dân Việt Bắc lúc ra đi thật dạt dào lại tha thiết như tình yêu đôi lứa giữa các chàng trai trẻ với những cô thôn nữ miền quê. Mượn ý ca dao, người con nơi xứ Huế mộng mơ này đã mang vẻ đẹp từ văn học dân gian đến tác phẩm của mình để gợi lên nét đẹp trong lòng những người lính Việt Bắc về tình cảm giữa chiến sĩ với nhân dân: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi / Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Với ngòi bút tinh tế của mình, ông sử dụng 3 lần điệp từ “nhớ”, so sánh tình yêu ấy như nỗi niềm bao cặp tình nhân, nỗi sót cho “người thương”, nỗi luyến tiếc vì phải xa cách “người yêu”. Buổi chia tay để lại trong lòng các anh bộ đội niềm xao xuyến lặp đi lặp lại thâu ngày, thâu đêm kể cả vào thời điểm ra quân.

Cái tình cảm cao đẹp giữa những con người đã gắn bó với nhau suốt mười mấy năm trời đang lan tỏa trong chiều rộng của không gian, trải dài từ “đầu núi” đến “lưng nương”. Không dừng lại ở đó, nó ngự trị cả thời gian, nồng thắm ngay cả khi “nắng chiều” buông xuống cho tới lúc “trăng lên” tận đỉnh bầu trời mây mờ giữa đêm, vượt xuyên cả buổi sáng sớm, thời điểm mà “từng bản khói cùng sương” vẫn còn màu xám xịt, hư ảo. Nhưng dầu “sớm”, dầu “khuya”, tình yêu các anh bộ đội vẫn luôn một lòng hướng về nhân dân, tổ quốc thân yêu, hướng về Việt Bắc – một nơi tuy không giàu về điều kiện vật chất nhưng đầy ắp tình người.

Nỗi nhớ bao trùm lên các anh chiến sĩ, vây quanh hình tượng “bếp lửa”, vốn là nỗi ám ảnh của những người con xa nhà. Dường như vẻ đẹp ấy ta đã từng bắt gặp đâu đó trong bài thơ “Bếp lửa” được viết bởi Bằng Việt. Nay lại được tái hiện qua tác phẩm của người thi sĩ Cách Mạng kia. Ta thấy rằng, thơ ca là sự bắt gặp ngẫu nhiên của những con người có tâm hồn đồng điệu, “bếp lửa” giờ đây thêm lần xuất hiện trong “Việt Bắc” của Tố Hữu, gợi lên biết bao cái đẹp trong cảm xúc và tư tưởng của nhà thơ về cuộc sống con người. Ta nhận thấy rằng, lối viết thơ của Tố Hữu không thiên về vốn từ đa dạng, phong phú; hỉnh ảnh thơ không quá xa lạ mà thay vào đó ông mang đến cho bạn đọc của mình nét đẹp ở những con người đứng lên vì kháng chiến. “Việt Bắc” thực chất hoàn toàn có thể viết dưới phong cách ngôn ngữ báo chí bởi đây chẳng khác nào việc đưa tin về một cuộc chia tay lịch sử. Thay vào đó, ông sử dụng phong cách ngôn ngữ nghệ thuật để từng vần thơ, từng khoảnh khắc mà ông ghi lại sẽ bất tử với dòng chảy thời gian.

  • Kết bài:

Như vậy, ta có thể khẳng định rằng Xuân Diệu hoàn toàn đúng khi nói “thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống” và được “in dấu” khi đi qua một ngòi bút có “tâm hồn” sâu sắc và “trí tuệ” thâm sâu. Nếu các nhà thơ cho ra đời những thi phẩm đầy tính nghệ thuật mà chẳng có giá trị nhân văn về đời sống con người thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải. Ngược lại, một sáng tác văn chương với bao nhiêu chân lý sống và triết lý nhân sinh đi chăng nữa, chỉ cần không có tính nghệ thuật, vốn là cái không thể thiếu trong văn học, thì kết quả ấy cũng không thể gọi là tác phẩm, nội dung có thể hay nhưng người đọc sẽ dễ dàng bỏ qua khi nó không phục vụ được cho họ về đời sống tinh thần vì chỉ có “linh hồn” mới là “ấn tượng của một tác phẩm” mà thôi (Puskin). Vậy nên trong sáng tác, sự sánh bước của nghệ thuật và nội dung dường như là không thể tách rời trên chặng đường đến với đỉnh cao của lĩnh vực về nghệ thuật ngôn từ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.