Nguyên nhân của hiện tượng vô cảm trong xã hội ngày nay

nghi-luan-nguyen-nhan-cua-hien-tuong-vo-cam-trong-xa-hoi-ngay-nay

Nguyên nhân của hiện tượng vô cảm trong xã hội ngày nay.

  • Mở bài:

Ngày nay, vô cảm ở con người đã trở thành một hiện tượng phổ biến, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội. Vô cảm ở con người ngày nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau vừa do tác động của đời sống xã hội vừa do sự suy thoái đạo đức, nhân cách ở mỗi cá nhân.

  • Thân bài:

Nguyên nhân nảy sinh căn bệnh vô cảm ở con người trước hết là do sự phát triển của nền kinh tế, văn hóa và công nghệ thông tin trên thế giới. Một lớp người nhanh chóng trở nên giàu có hoặc nghèo đi thường chọn lấy lối sống thờ ơ, vô cảm, tự xây dựng cho mình một thế giới riêng. Sự giao thoa các nền văn hóa qua các mạng truyền thông khiến các giá trị văn hóa đặc thù dân tộc bị xói mòn và xâm hại. Công nghệ truyền thông phát triển vượt bậc khiến việc kiểm soát vấn đề bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy, tuyên truyền phản động,.. khó khăn hơn bao giờ hết. Tội ác có cơ hội xâm nhập sâu vào trong đời sống con người.

Lối sống lệch lạc của con người khiến cho hiện tượng vô cảm tăng cao. Lối sống đua đòi, bắt chước của một số bạn trẻ đã tạo ra một thế hệ lệch lạc. Họ ra sức cổ súy cho những trào lưu văn hóa sai lầm khiến cho sự vô cảm ở giới trẻ trở nên phổ biến. Các bạn chỉ quan tâm đến chính mình, thờ ở, vô cảm với thế giới xung quanh. Nhiều bạn sống ích kỉ, không muốn chia sẻ với ai điều gì.

Hệ thống pháp luật nước ta còn thiếu chặt chẽ. Kẻ xấu chưa được nghiêm trị thích đáng. Tội ác vẫn còn lộng hành khiến cho nhiều người bất mãn. Từ đó làm nảy sinh những hành vi chống đối, không tuân thủ pháp luật và trở nên hung bạo, thiếu tình người.

Gia đình và xã hội ít chú trọng giáo dục lối sống lành mạnh và đạo đức cho tuổi trẻ. Điều này cũng dễ hiểu khi nền kinh tế phát triển, con người cũng bận rộn hơn. Họ không đủ thời gian để giáo dục con cái mà ủy thác cho người khác. Họ đã không lường hết được những hậu quả của sự vô trách nhiệm ấy gây ra. Bởi thế, xã hội đã xuất hiện một thế hệ trẻ lạc lõng, cô đơn. Đó là một thế hệ “gấu bông” tự tìm lấy niềm vui trong “thế giới ảo” của riêng mình.

Nhà trường, gia đình và xã hội mất kiểm soát trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách, nhân phẩm và tấm lòng nhân ái. Các bài học đạo đức, nhân cách, nhân phẩm và hành vi đạo đức được nhà trường chú trọng giáo dục. Xong vẫn chưa đạt được hiệu quả cần thiết. Các bài học chưa bám sát thực tế, chưa bắt kịp với thực tiễn đang diễn ra. Các thầy cô chỉ nói về những gì đang diễn ra mà thiếu giải pháp khắc phục hữu hiệu. Việc giáo dục đạo đức mới, tiến bộ và tiến tới hòa nhập cho học sinh vẫn còn nằm trên khẩu hiệu hoặc trên sách vở.

Nền kinh tế thị trường với những quy luật cạnh tranh khắc nghiệt của nó đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí và hành vi ứng xử của con người. Con người ngày càng đề cao quá trị tiền bạc, lấy mục tiêu lợi ích kinh tế đặt lên hàng đầu. Việc làm ăn không còn tuân thủ nguyên tắc đạo đức và pháp luật. Họ cứ thấy lợi là làm. Ta vẫn thấy các dòng sông đã “chết” dần từng ngày vì chất thải. Những kênh rạch hôi hám, đầy chất bẩn trôi quẩn quanh trong thành phố. Chúng ta cũng nhận thấy con người đã “bức tử” những cánh rừng, những miền đất, những đại dương. Tất cả chỉ vì tiền.

Dân số tăng nhanh, áp lực việc làm và đời sống khiến con người không còn biết nhường nhịn hay yêu thương nhau nữa. Càng bận rộn, họ không còn biết quan tâm hay giúp đỡ lẫn nhau. Lâu dần trở thành thói quen, thành lối sống, thành cách ứng xử. Một xã hội vô tình, vô cảm cũng dần hình thành. 

Tuổi trẻ ngày nay còn thiếu những sân chơi lành mạnh, mang tính tập thể cao để bồi dưỡng và rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp. Họ tự tìm lấy thú vui cho riêng mình. Và dĩ nhiên đó chỉ là tổ chức của một vài cá nhân, mang tính lợi ích nhóm cao. Họ tự bảo vệ cho nhóm của mình, không thích bị can thiệp, bị chia rẽ, bị phân tán. Từ đó việc tranh giành, đấu đá lẫn nhau sảy ra một cách hiển nhiên. Sự cảm thông hay chia sẻ không bao giờ được ủng hộ hay đề cao.

Tuổi trẻ ngày nay với khát vọng làm giàu nhanh chóng mà bỏ qua các quy luật phát triển của đời sống xã hội. Họ nhận ra các cơ hội làm giàu mà không hề nghĩ đến những hậu quả xấu do sự phát triển gây ra. Hoặc là họ cố biện minh, né tránh, ngụy biện vấn đề, bất chấp hậu quả.

Không có một sự chuyển động nhanh nào mà không có rủi ro. Tuy vậy, phong trào khởi nghiệp làm giàu được khuyến khích trong toàn xã hội khiến tuổi trẻ phấn khích. Họ tự gây áp lực làm giàu cho mình mà bất chấp rủi ro. Họ chỉ có công việc, ngày đêm đối diện với các vấn đề trong công việc. Họ đã không còn đủ thời gian để sống, để vui chơi, để yêu thương hoặc cảm thông trước những bất hạnh trong xã hội. Và hiện tượng vô cảm cũng nảy sinh, từng bước làm xói mòn đạo đức và tình yêu thương của con người.

  • Kết bài:

Ai cũng muốn được sống yên bình trong tình yêu thương và hạnh phúc. Và để đạt được điều đó, không còn cách nào khác là nên tự xây dựng ở mỗi con người một lối sống tích cực, lành mạnh, hướng đến cộng đồng, hướng đến dân tộc và đất nước. Toàn xã hội đang quyết tâm tìm kiếm giải pháp để khắc phục những tác hại của căn bệnh vô cảm. Nhiều chương trình nghiên cứu đã được tiến hành. Nhiều giải pháp cũng đã được thực thi. Tất cả chỉ vì một thế giới ai cũng sống bằng tình yêu thương, ai cũng có được hạnh phúc.

Suy nghĩ về những tác hại của căn bệnh vô cảm

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Trình bày cách khắc phục và loại bỏ hiện tượng vô cảm ra khỏi đời sống con người - Theki.vn
  2. Suy nghĩ về những tác hại của căn bệnh vô cảm - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.