Nghị luận: Những tác hại của việc thiếu kỹ năng sống đối với học sinh ngày nay

nghi-luan-nhung-tac-hai-cua-viec-thieu-ky-nang-song-doi-voi-hoc-sinh

Tác hại của việc thiếu kỹ năng sống đối với học sinh ngày nay.

  • Mở bài:

Làm nên thành công trong cuộc sống của con người không chỉ ở kiến thức và kỹ năng làm việc mà còn phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng sống. Một hiện trạng dễ thấy đó là học sinh ngày nay đăng thiếu kỹ năng sống. Thiếu kỹ năng sống gây ra những tác hại to lớn đối với sự phát triển của mỗi học sinh. Bởi thế, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một việc làm rất cần thiết và cấp bách.

  • Thân bài:

Kỹ năng sống là gì?

– Kỹ năng sống là tập hợp các hành vi tích cực và khả năng thích nghi cho phép mỗi cá nhân đối phó hiệu quả với các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày; nói cách khác là khả năng tâm lý xã hội. Đó là tập hợp các kỹ năng mà con người tiếp thu qua giáo dục hoặc trải nghiệm trực tiếp được dùng để xử lý các vấn đề và câu hỏi thường gặp trong đời sống con người. Kỹ năng sống có chức năng đem lại hạnh phúc và hỗ trợ các cá nhân trở thành người tích cực và có ích cho cộng đồng.

Vai trò của kỹ năng sống.

– Kĩ năng sống giúp con người ứng xử linh hoạt và hiệu quả nhất trước những tình huống nảy sinh trong cuộc sống.

– Kĩ năng sống giúp mỗi người bình tĩnh, tự tin vào bản thân, dám khẳng định năng lực, sở trường của mình.

– Những người có kĩ năng sống tốt thường dễ thành đạt hơn trong cuộc sống.

– Nếu không có kĩ năng sống tốt thì con người sẽ thiếu tự tin, thiếu chủ động khi cuộc sống nảy sinh những vấn đề phức tạp. Con người sẽ khó thành công hơn trong cuộc sống, không dám thể hiện, khẳng định mình trong các môi trường hoạt động nếu kỹ năng sống yếu kém.

– Có thể nói, kỹ năng sống sẽ giúp con người có nhận thức và hành động đúng đắn phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội. Người có kỹ năng sống phù hợp sẽ vững vàng, bản lĩnh hơn trước những khó khăn thử thách; có thái độ ứng xử và giải quyết vấn đề một cách thấu đáo và tích cực.

Tác hại của việc thiếu kỹ năng sống đối với học sinh?

– Để có được kỹ năng sống, học sinh cần trải qua quá trình giáo dục trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội. Giáo dục kỹ năng sống là hoạt động giáo dục giúp người học hình thành và phát triển những thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong việc ứng xử các tình huống của cuộc sống cá nhân và tham gia đời sống xã hội, qua đó hoàn thiện nhân cách và định hướng phát triển bản thân tốt hơn dựa trên nền tảng các giá trị sống.

– Đối với lứa tuổi học sinh – lứa tuổi đang hình thành và phát triển những giá trị nhân cách, có nhiều mơ ước và khát vọng, tò mò thích khám phá nhưng còn thiếu hiểu biết về xã hội, còn thiếu kỹ năng sống nên trước những thử thách và những tình huống khó khăn trong cuộc sống dễ nhận thức và ứng xử lệch lạc, có phản ứng tiêu cực, dễ rơi vào bế tắc, không tự mình làm chủ được chính bản thân. Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là thật sự cần thiết, giúp các em rèn luyện bản thân để có những hành vi đúng đắn phù hợp có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

– Thiếu kỹ năng sống khiến học sinh suy thoái đạo đức, dễ sa vào lối sống buông thả và hư hỏng. Sự suy thoái đạo đức dẫn đến những hành vi tiêu cực. Thực trạng đáng buồn hiện nay khi mà chúng ta chứng kiến các em học sinh cấp 2 cũng đánh nhau, bắt bạn quỳ xuống chỉ vì lỗi nhỏ. Khi cha mẹ, thầy cô nhắc nhở thì các em lập tức thể hiện thái độ căng thẳng, chống đối. Không ít các em học sinh nam hút thuốc khi vừa ra khỏi cổng trường, bỏ tiết … Học sinh nữ đi học nhưng lại nhuộm tóc, ăn mặc sai đồng phục. Hiện tượng nói tục, chửi thề, gian lận trong thi cử trở nên phổ biến hơn.

– Thiếu kỹ năng sống, học sinh sống buông thả, lệch lạc,. Ngày càng có nhiều học sinh có hành động lệch lạc trong nhận thức, trong trang phục, lời nói và lệch lạc trong vấn đề tôn trọng và phát huy các giá trị đạo đức chuẩn mực. Ngày nay, học sinh tùy tiện trong cách ăn mặc, sống buông thả, thụ hưởng, sa ngã vào tệ nạn xã hội hoặc các thú tiêu khiển tầm thường, nguy hại, đánh mất vẻ đẹp của đạo đức và chuẩn mực văn hóa của dân tộc.

– Thiếu kỹ năng sống, học sinh khó thành công trong học tập và làm việc. Trong học tập, học sinh hoàn toàn thụ động, không có khát vọng học tập. Nhiều học sinh đến trường là để làm hài lòng cha mẹ chứ không chăm lo học tập. Họ hoàn toàn không hiểu được học để làm gì. Bởi thế, việc học đối với học sinh ấy là một cực hình. Từ việc lười học dẫn đến việc học đối phó, học tủ, học vẹt, nói dối và gian lận trong thi cử. trong công việc, học sinh không có định hướng, mục đích và động lực để thực hiện. Học sinh hay tránh việc và ngày càng trở nên lười biếng, thu mình trong thế giới riêng của mình.

– Thiếu kỹ năng sống, học sinh đánh mất cơ hội thành công và ý nghĩa cuộc sống. Ai cũng khao khát thành công. nhưng để đạt đến thành công, đó là một quá trình gian nan, cần nhiều ý chí và nghị lực. Thiếu kỹ năng sống khiến học sinh không thể làm tốt công việc, không biết ứng xử tỏng quan hệ với mọi người và trong công việc. Bởi thế, thất bại đối với người thiếu kỹ năng sống là một điều hiển nhiên. Không những thế, bởi luôn thất bại, khó hòa nhập với cộng đồng, con người cũng không thể xây dựng hoặc cảm nhận ý nghĩa đích thực của cuộc sống này.

– Kỹ năng sống có vai trò rất quan trọng đối với tất cả mọi người, nhất là giới trẻ. Bên cạnh tích lũy kiến thức hàn lâm từ nhà trường, sách vở,… mỗi người cần thường xuyên trau dồi, rèn luyện, bồi dưỡng kĩ năng sống – kĩ năng mềm để dễ dàng thích nghi với cuộc sống hiện đại.

  • Kết bài:

Tri thức là sức mạnh. Tri thức ấy có trở thành sức mạnh hay không là do cách mỗi chúng ta sử dụng nó. Thiếu kỹ năng sống là thiếu đi sức mạnh điều khiển tri thức ấy. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngày nay cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Nếu chậm trễ, chúng ta sẽ nhận lấy những hậu quả khủng khiếp, có tác động sâu sắc đến đời sống xã hội và tương lai đất nước.

Có ý kiến cho rằng: “Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức”. Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.