Nghị luận: Quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào đấy, từ tình huống ấy bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng

Bàn về truyện ngắn hiện đại, Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào đấy, từ tình huống ấy bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng”.

Ý kiến của em về vấn đề trên? Làm rõ qua một truyện ngắn mà anh (chị) đã học trong chương trình.


Hướng dẫn làm bài:

1. Giải thích:

– Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó.

– Đối với truyện ngắn, tình huống là hạt nhân trong cấu trúc của tác phẩm. Nó chính là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất..

Như vậy, nhận định của Nguyễn Đăng Mạnh đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò làm bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng của tình huống truyện trong tác phẩm truyện ngắn.

2. Bình luận

Ý kiến là hoàn toàn đúng, bởi:

– Đặc trưng của thể loại truyện ngắn và ngắn về dung lượng nhưng hàm súc trong nội dung biểu đạt. Mỗi truyện chỉ giống như một lát cắt của đời sống nhưng vẫn phản ánh được đầy đủ hiện thực cuộc sống qua cách nhìn, cách khám phá và cách biểu hiện riêng của nhà văn.

– Đặc trưng trên đòi hỏi người viết truyện ngắn phải sáng tạo được những tình huống độc đáo, phải biết chớp lấy những khoảnh khắc giàu ý nghĩa để có thể qua ngắn mà nói được dài, qua khoảnh khắc ngắn ngủi mà thấy diện mạo toàn thể (Chu Văn Sơn)

– Đặc trưng về đối tượng, nội dung, mục đích của văn chương nói chung, truyện ngắn nói riêng là phải hướng đến cuộc sống con người. Sáng tạo được tình huống truyện có ý nghĩa sẽ giúp nhà văn làm bật nổi được tính cách nhân vật, bản chất đời sống, đồng thời giúp nhà văn bộc lộ đầy đủ nhất tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Có người so sánh tình huống truyện giống như một thứ nước rửa ảnh cũng là vì thế.

– Trong quá trình sáng tác một truyện ngắn, sáng tạo tình huống có lẽ là một trong những khâu đầu tiên quan trọng, có ý nghĩa khơi mở mạch truyện phát triển hợp lí ở phần sau.

– Sáng tạo được tình huống truyện độc đáo, giàu ý nghĩa, truyện ngắn đáp ứng được mong muốn của người đọc khi đến với thể loại này: muốn thấy cái phần đậm đặc nhất, sâu xa nhất của đời sống được phản ánh, của tư tưởng nhà văn muốn thể hiện qua một hình thức nghệ thuật ngắn gọn và súc tích.

3. Phân tích, chứng minh

HS có thể chọn một trong những tác phẩm truyện ngắn đã học trong chương trình và phân tích, làm nổi bật ý nghĩa, tầm quan trọng của tình huống truyện mà nhà văn đã sáng tạo ở đó.

4. Đánh giá, nâng cao:

– Khẳng định tính đúng đắn của nhận định, thành công trong sáng tạo tình huống của tác phẩm được chọn.

– Rút ra bài học sâu sắc với người viết truyện ngắn nói riêng, nhà văn nói chung và với người tiếp nhận văn chương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang