Nghị luận: suy nghĩ về tính nhẫn nhịn, nhường nhịn lẫn nhau

nghi-luan-suy-nghi-ve-tinh-nhan-nhin-nhuong-nhin-lan-nhau

Nghị luận: suy nghĩ về tính nhẫn nhịn, nhường nhịn lẫn nhau

  • Mở bài:

Nhân dân ta thường nhắc nhở: “một điều nhịn, chín điều lành”. Hậu quả của cơn nóng giận bao giờ cũng nghiêm trọng hơn nguyên nhân gây ra nó”. Ai biết nhường nhịn, biết kìm giữ con giận của mình sẽ có một tâm hồn thanh thản, cuộc sống hạnh phúc và làm nên những điều lớn lao trong cuộc sống này. Nhường nhịn lẫn nhau là đức tính cần có ở mỗi con người.

  • Thân bài:

Nhẫn nhịn, nhường nhịn là gì?

Nhường nhịn hay nhẫn nhịn là tự nhận lấy phầm kém hơn, nhận lấy thiệt thòi về mình, để cho người khác được hưởng phần hơn trong quan hệ đối xử. Nhường nhịn còn là là thái độ hoà nhã không có ý định tranh giành hơn thua, cảm thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn. Câu tục ngữ đặt ra mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc sống. Nếu ta biết nhường nhịn, mềm mỏng thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, cuộc sống sẽ bình yên và hạnh phúc.

Tại sao sống phải biết nhẫn nhịn, nhường nhịn lẫn nhau?

Không phải lúc nào ta cũng hài lòng với tất cả, kể cả với chính mình. Cũng không phải lúc nào sự việc diễn ra, người khác ứng xử như ý mình mong muốn. Trong mối quan hệ giao tiếp xã hội, mỗi người có một ý nghĩ, một khát vọng riêng. Khi đó, mâu thuẫn nảy sinh khiến chúng ta đối diện với vấn đề lợi ích trong công việc và trong giao tiếp.

Nếu không biết nhường nhịn lẫn nhau, có thể dẫn đến xung đột, gây nên mất đoàn kết, chia rẻ tập thể, khiến cho công việc kém hiệu quả hoặc không thể hoàn thành. Còn gì tốt đẹp hơn khi chúng ta biết nhẫn nhịn, nhường nhịn lẫn nhau để tránh những va chạm không cần thiết. Nhân dân ta dùng một chữ nhịn để đổi lấy chín chữ lành cho thấy được tầm quan trọng của sự nhún nhường.

Nóng nảy, không biết kiềm chế cảm xúc của bản thân, không biết nhường nhịn sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Ta vẫn thường thấy những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, khi con người không biết nhường nhịn lẫn nhau sẽ đẩy sự việc đến mâu thuẫn cao độ và xảy ra bạo lực, gây ra những hậu quả hết sức nặng nề.

Cuộc sống phức tạp bởi nhiều mối quan hệ khác nhau. Mỗi người một thái độ, một cá tính sẽ tạo nên sự đa dạng về tính cách. Vì thế, lấy quan niệm xử thế “một sự nhịn chín sự lành” giúp ta thận trọng, bình tĩnh trong mọi tình huống, tạo mọi thuận lợi trong cuộc sống…

Trong những trường hợp đứng trước sự nóng nảy của bạn bè, người thân hay của cấp trên… chúng ta cần nhún nhường để tạo không khí hòa thuận, thân thiện. Chính sự nhường nhịn lẫn nhau giúp mối quan hệ trở nên tốt đẹp, hợp tác với nhau tốt hơn giúp công việc tiến triển thuận lợi.

Người biết nhẫn nhịn và nhường nhịn người khác, không tranh giành, không hơn thua sẽ có được tâm hồn thanh thản, sức khỏe mạnh mẽ, cuộc sống hạnh phúc, được mọi người yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ. Nhẫn chịu khổ còn là biện pháp tôi luyện ý chí, rèn giũa khả năng chịu đựng, kiên trì bền bỉ, là sự chuẩn bị cho năng lực gánh vác trọng trách lớn hơn trong tương lai.

Biết nhẫn nhịn, nhường nhịn người khác, không so đo, tính toán, hơn thua là một phẩm đức cao đẹp. Thế nhưng trong một số trường hợp, nhịn một cách vô điều kiện, nhịn trước mọi sự đúng sai thì sự nhịn chưa hẳn là chín sự lành,Nên nhẫn nhịn nhưng không đồng nghĩa với hèn nhát, không dám đấu tranh với cái ác, cái xấu, không dám bảo vệ cái tốt, cái đúng. Chỉ nên nhường nhịn với những người thấu hiểu, biết điều, chứ không nhịn với kẻ đa ngôn, chèn ép, áp bức những kẻ yếu hơn mình. Nhường nhịn kẻ xấu cũng chẳng khác gì tiếp tay cho cái ác.

Rèn luyện tính nhẫn nhịn, nhường nhịn như thế nào?

Muốn có được tính nhường nhịn và biết khiêm nhường trước người khác, trước hết phải chăm lo học tập thật tốt, phấn đấu tự hoàn thiện bản thân. Chỉ có tri thức mới giúp con người trở nen tự tin, mạnh mẽ, đủ sức mạnh để có thể nhường nhịn người khác.

Trong giao tiếp ứng xử cần phải mềm dẻo, bình tĩnh nhưng có giới hạn, có nguyên tắc mới là phương châm xử thế đúng. Phải biết nhẫn nại, khiêm tốn và bảo vệ cái đúng; khi cần thiết dám tấn công đẩy lùi cái xấu.

Phương thuốc hữu hiệu nhất cho giận dữ là trì hoãn. Sự trì hoãn giúp cơn giận vơi đi, trí tuệ tỉnh táo để có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Đừng hành động khi đang nóng giận bởi cơn giận thường thôi thúc chúng ta hành động sai lầm nhằm làm thảo mãn tính ích kỉ của bản thân.

Phê phán:

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người không biết nhường nhịn người khác. Họ thường tỏ ra tham lam, ích kỉ, tranh đoạt lợi ích, giành lấy phần hơn về mình, bất chấp cả đạo lí và đạo đức làm người. Những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học:

Không phải lúc nào cũng đòi hỏi sự công bằng. Không biết nhường nhịn là tự đánh mất cơ hội hòa hợp với người khác. Việc gì có thể nhường nhịn được thì hãy nhường nhịn, đừng quá cố chấp. Giận là đem lỗi lầm của người khác trừng phạt bản thân mình.

  • Kết bài:

Sông sâu thường phẳng lặng, người khôn thường biết nhường nhịn. Ai cũng muốn giành lấy phần hơn và là người chiến thắng trong cuộc sống này nhưng nếu không biết nhường nhịn người khác, không biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thì không có chiến thắng nào được tạo nên.

7 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về tính thiện và ác của con người - Theki.vn
  2. Nghị luận: "Nếu bạn không biết tin vào chính bạn, sẽ không có ai có thể tin vào bạn" - Thế Kỉ
  3. Nghị luận ý thức tôn trọng người khác - Theki.vn
  4. Nghị luận: Sống có lương tâm - Theki.vn
  5. Nghị luận: “Một điều nhịn là chín điều lành” - Theki.vn
  6. Suy nghĩ về đức tính khiêm tốn - Theki.vn
  7. Ý nghĩa của chữ nhẫn. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.