Nghị luận: Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay niềm vui sướng hân hoan, nếu nó không đặt ra câu hỏi hay trả lời những câu hỏi

Nhà phê bình văn học người Nga Biêlinxki từng viết: “Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay niềm vui sướng hân hoan, nếu nó không đặt ra câu hỏi hay trả lời những câu hỏi.”

Anh, chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy chọn và phân tích một vài tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ Văn 11 để làm rõ ý kiến của mình.


1. Giải thích:

– Tiếng thét khổ đau, niềm vui sướng hân hoan: sự phong phú và mãnh liệt của cảm xúc.

– Đặt ra câu hỏi hay trả lời những câu hỏi: sự sâu sắc trong tư tưởng của tác phẩm trong việc đưa ra và trả lời những câu hỏi trong cuộc sống.

⇒ Nhận định suy tư về sức sống và sự bất tử của tác phẩm văn học.

2. Bình luận:

a) Vì sao sức sống của tác phẩm văn học lại phụ thuộc vào sự mãnh liệt của cảm xúc?

– Đối tượng phản ánh của văn học là toàn bộ thế giới. Nhưng trung tâm của nó, mối quan tâm hàng đầu của nó vẫn là con người bởi “văn học là nhân học” (M.Gorki). Khi quan tâm đến con người, văn học lại đặt trọng tâm vào thế giới tâm hồn với đủ mọi cung bậc của nó.

→ Tác phẩm văn học là bách khoa toàn thư về thế giới tâm hồn con người. Chính sự phong phú của cảm xúc giải thích vì sao tác phẩm văn học luôn là người bạn tri âm với mỗi con người trong toàn bộ cuộc đời của mình. Nói cách khác, tác phẩm văn học sống với buồn vui của con người và qua đó, văn học tìm thấy sức sống của nó.

– Tác phẩm văn học trước tiên là sáng tác, rung động của một cá nhân. Nhưng khi những cảm xúc đó đạt đến giới hạn sâu xa nhất, đến cường độ mãnh liệt nhất (“tiếng thét”, “hân hoan”) thì nó lại tác động tới mẫu số chung của mọi người. Khi ấy, tình cảm riêng của mỗi cá nhân trở thành trải nghiệm chung của con người ở nhiều thế hệ, nhiều thời đại.

→ Sự mạnh mẽ, mãnh liệt trong cảm xúc giúp tác phẩm văn học có khả năng lan truyền và cộng hưởng với cảm xúc của người đọc, tạo ra sức lan tỏa trong không gian, thời gian. Từ đó, làm nên sức sống lâu bền, sự bất tử của tác phẩm văn học.

(dẫn chứng cụ thể, phù hợp).

b) Vì sao sức sống của tác phẩm văn học lại phụ thuộc vào việc đặt ra câu hỏi hay trả lời những câu hỏi?

– Văn học có thể đặt ra và trả lời những câu hỏi bao quát trên tất cả mọi bình diện khác nhau trong đời sống con người. Tuy nhiên, thấm thía và sâu xa nhất vẫn là về sự tồn tại, sự trải nghiệm của con người trong cuộc đời.

– Trả lời câu hỏi rất quan trọng nhưng nhiều khi và thường khi văn học chỉ là đặt ra những câu hỏi. Vì câu trả lời chỉ có một mà cuộc đời rất nhiều cảnh ngộ, nhiều số phận cho nên khó có câu trả lời trọn vẹn cho tất cả mọi con người. Tuy nhiên, những câu hỏi chung vẫn luôn luôn tồn tại (về tình yêu, về niềm tin,..). Nó giúp mài sắc những cảm nhận của chúng ta về cuộc đời, khơi gợi và đánh thức ở chúng ta những khát vọng sống. Mỗi tác phẩm lớn lại là một câu hỏi lớn.

(dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ).

c) Mối quan hệ hai chiều giữa sự phong phú mãnh liệt của cảm xúc với việc đặt ra hay trả lời những câu hỏi trong tác phẩm văn học

– Sự phong phú mãnh liệt của cảm xúc là cội nguồn sâu xa để chúng ta quan tâm tới những câu hỏi, bận tâm về câu hỏi, thôi thúc chúng ta tìm kiếm câu trả lời.

– Sự hiểu biết sâu sắc về thế giới, khả năng biết đặt ra những câu hỏi đã khiến cảm xúc của chúng ta trở nên tinh tế hơn, mãnh liệt hơn.

3. Mở rộng vấn đề:  Làm thế nào để tác phẩm văn học có một sức sống bất tử?

– Nhà văn: trau dồi vốn sống, sống sâu sắc với thế giới nội tâm của mình, lao động công phu, nỗ lực không ngừng trong hoạt động sáng tạo.

– Bạn đọc: tiếp nhận tác phẩm bằng toàn bộ thế giới tinh thần của mình trên tinh thần đối thoại, đồng sáng tạo với nhà văn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang