Nghị luận: Thơ là một điệu hồn đi tìm các hồn đồng điệu; Thơ là tiếng nói tri âm. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ quan niệm trên qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du.

nghi-luan-tho-la-mot-dieu-hon-di-tim-cac-hon-dong-dieu-tho-la-tieng-noi-tri-am-anh-chi-hay-lam-sang-to-quan-niem-tren-qua-bai-tho-doc-tieu-thanh-ki-doc-tieu-thanh-ki-cua-nguyen-du

Nghị luận: “Thơ là một điệu hồn đi tìm các hồn đồng điệu; Thơ là tiếng nói tri âm”. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ quan niệm trên qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du.

Hướng dẫn làm bài:

1. “Thơ là một điệu hồn đi tìm các hồn đồng điệu; Thơ là tiếng nói tri âm”.

– Thơ bộc lộ thế giới nội tâm, giãy bày cảm xúc của người nghệ sĩ trước một vấn đề nào đó trong cuộc sống; mỗi một nhà thơ khi làm thơ đều mong muốn tìm được sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm sâu sắc từ bạn đọc.

– Mỗi nhà thơ khi sáng tác đều có nhu cầu đồng cảm và giao tiếp bằng hình tượng nghệ thuật. Chính thông qua hình tượng nghệ thuật này, mà nhà thơ bộc bạch được nỗi lòng, tâm trạng, suy tư, xúc cảm, rung động trước cuộc đời.

– Đến lượt người đọc, khi đến với thơ thì cần phải có sự sáng tạo, đồng cảm và rung động hòa nhịp cùng với tâm hồn nhà thơ. Bởi muốn hiểu, muốn giải thích được ý thơ thì phải “biến thành” tri âm tri kỉ với nhà thơ. Đọc thơ là đọc ở đó những niềm vui nỗi buồn, những băn khoăn hờn giận, hạnh phúc hay khổ đau…

–  “Tri âm” nghĩa gốc là nghe tiếng đàn hiểu được lòng nhau. “Hồn đồng điệu’, “tiếng nói tri âm” có thể được hiểu là sự “đồng cảm”, sự hòa điệu giữa hai tâm hồn, hai trái tim, chỉ những xúc động tương đồng hoặc gần gũi của bạn đọc ở những giai cấp, dân tộc, thời đại khác nhau đối với cùng một tác phẩm. Nó là sự xúc động của bạn đọc đối với những tư tưởng, tình cảm lý tưởng và nguyện vọng được bộc lộ qua số phận nhân vật hay nhân tình thế thái nói chung trong tác phẩm, khiến họ yêu ghét những gì mà chính tác giả yêu ghét.

2. Làm sáng tỏ ý kiến qua bài thơ “Độc Tiểu Thanh Kí” của Nguyễn Du.

– Qua bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du đã thể hiện mối đồng cảm chân thành và tình yêu thương bao la đối với người con gái Tiểu Thanh có sắc có tài mà lại “bạc mệnh”. Đồng thời Nguyễn Du cũng tự nhận mình là người “cùng hội cùng thuyền” với Tiểu Thanh vì cùng mắc nỗi oan khiên lạ lùng “phong vận kì oan”.

– “Trông người lại ngẫm đến ta”, Nguyễn Du đã khóc thương cho nàng Tiểu Thanh, đồng thời cũng đã gửi gắm nỗi niềm khát khao tri âm cháy bỏng đến hậu thế “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”.

– Người đọc ở mọi thời đại khi đọc bài “Độc Tiểu Thanh kí” có cùng mối đồng cảm với Nguyễn Du về số phận đáng thương của Tiểu Thanh. Đồng thời, hiểu được nỗi lòng của Nguyễn Du, sự cô đơn và nỗi niềm khao khát tri âm của Nguyễn Du. Hơn thế nữa, đó còn là sự đồng cảm, yêu thương đối với số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa nói riêng, với cả những kiếp người tài hoa mà bạc mệnh của muôn đời nói chung. Và có thể, người đọc sẽ thấy được chính bóng dáng của mình trong những vần thơ.

– Không chỉ hòa điệu tâm hồn cùng nhà thơ về những gì nhà thơ giãi bày mà người đọc còn phải biết cảm nhận, biết rung động trước vẻ đẹp nghệ thuật mà nhà thơ sử dụng để chuyển tải tư tưởng, tình cảm của mình.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.