Nghị luận: Tự hào về sức mạnh văn hóa dân tộc

nghi-luan-tu-hao-ve-suc-manh-van-hoa-dan-toc

Trong bức thư của một du học sinh Nhật bàn về “văn hóa Việt” có đoạn:

“Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”.

Là một người Việt trẻ tuổi, anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?


* Gợi ý làm bài:

1. Giải thích:

– Tự hào: là sự hãnh diện, tự tin về điều gì đó.

– 4000 năm văn hiến: là quá trình lịch sử dài lâu, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo nên những truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp của dân tộc.

– Xấu hổ: cảm giác hổ thẹn vì lỗi lầm hoặc sự kém cỏi, không xứng đáng.

– 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”: chỉ sự tương phản đầy nghịch lý, nhấn mạnh những truyền thống văn hoá lâu đời tốt đẹp chỉ là lý thuyết đóng khung trong sử sách, còn thực tế đời sống không chứng minh cho truyền thống văn hoá lâu đời đó.

Ý cả câu là một lời cảnh tỉnh đối với mỗi người Việt Nam: không nên ngủ quên trong quá khứ và hãnh diện về truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc mà cần để truyền thống văn hoá tốt đẹp đó thể hiện trong thực tế cuộc sống hàng ngày.

2. Bàn luận:

Vì sao nói “thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến”?

– Vì trong thực tế không phải dân tộc nào cũng có lịch sử phát triển lâu đời như vậy.

– Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, hình thành bản sắc văn hoá của dân tộc với những nét tốt đẹp, biểu hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực của đời sống.

Vì sao nói “Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”?

– Vì 4000 năm văn hiến là nền tảng, hành trang quý báu, nhưng nó hoàn toàn là thành tựu của quá khứ. Không thể chỉ tự hào về những điều trong sử sách, vì văn hoá của một dân tộc cần biểu hiện thành những điều cụ thể trong cuộc sống hiện tại.

– Thực tế hiện nay đáng cảnh báo vì sự xuống cấp của những giá trị văn hoá trong lối sống. VD: truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái ngàn xưa đang đứng trước nguy cơ bị đẩy lùi bởi thói vô cảm và chủ nghĩa cá nhân; truyền thống trọng tình nghĩa mai một trước chủ nghĩa thực dụng và toan tính….

3. Đánh giá:

– Ý kiến trên có tác dụng nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi người Việt Nam nhìn lại chính mình, để biết trân trọng quá khứ của cha ông đồng thời có ý thức gìn giữ và phát triển những truyền thống văn hoá tốt đẹp trong hiện tại.

– Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu không ghi nhận những tấm gương nỗ lực để bảo vệ và phát huy truyền thống đó trong đời sống. Từ đó, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về ý thức bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc của học sinh ngày nay - Theki.vn

Đã đóng bình luận.