Nghị luận vấn đề ý thức rèn luyện đạo đức của thanh niên ngày nay

nghi-luan-van-de-y-thuc-ren-luyen-dao-duc-cua-thanh-nien-ngay-nay-12606-2.jpg

Nghị luận vấn đề ý thức rèn luyện đạo đức của thanh niên ngày nay.

  • Mở bài:

Bàn về đạo đức của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa”. Điều đó cho thấy, chính đạo đức mới là yếu tố giúp ta sống thành công và hữu ích. Bởi vậy, thanh niên ngày nay rất cần rèn luyện đạo đức và bồi dưỡng nhân cách cho bản thân mình.

  • Thân bài:

Đạo đức là gì?

Đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của minh cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Đạo đức điều chỉnh hành vi mang tính tự nguyện (điều chỉnh bằng lương tâm) và thường là những yêu cầu cao của xã hội đối với con người. Nghĩa là việc rèn luyện bản thân theo những chuẩn mực đạo đức là hành vi hoàn toàn tự giác, tự nguyện.

Các giá trị đạo đức có thể thay đổi theo thời đại để phù hợp với lối sống, văn hóa và những yêu cầu mới của cuộc sống và tư tương. Tuy nhiên, những giá trị đạo đức đúng đắn có thể tồn tại dài lâu.

Tại sao thanh niên phải có ý thức rèn luyện đạo đức cho bản thân?

Thanh niên là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội. Thanh niên với những ưu điểm vượt trội về tuổi trẻ, sức khoẻ, khả năng lao động, sáng tạo và tiếp thu các tri thức mới. Với tinh thần hăng hái, nhiệt huyết, say mê, không ngại khó, ngại khổ, thanh niên trở thành lực lượng lao động tiên tiến nhất của xã hội, là chủ nhân tương lai của đất nước. Để tiếp nhận trọng trách ấy, thanh niên nhất định phải có ý thức rèn luyện và bồi dưỡng đạo đức của mình ngay từ bây giờ.

Có ý thức rèn luyện bản thân theo những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc và thời đại sẽ giúp thanh niên sớm hoàn thiện nhân cách, nhân phẩm, tăng cường ý chí, niềm tin vào bản thân và cuộc sống. 

Các giá trị đạo đức tốt đẹp giúp thanh niên có năng lực sống thiện, sống có ích, yêu tổ quốc, đồng bào và toàn nhân loại. Biết nhận rõ điều đúng – sai, phải – trái, việc nên làm và việc không nên làm. Thiếu đạo đức thì mọi phẩm chất năng lực khác không còn ý nghĩa

Chính đạo đức là nền tảng của hạnh phúc gia đình, tạo sự ổn định và phát triển vững chắc của gia đình, là nhân tố không thể thiếu để xây dựng gia đình hạnh phúc. Sự tan vỡ của một số gia đình hiện nay thường có nguyên nhân từ việc vi phạm nghiêm trọng các quy tắc chuẩn mực đạo đức. Sống thiếu đạo đức thanh niên sẽ khó tìm kiếm dược mục đích sống và hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình.

Các chuẩn mực đạo đức còn góp phần tạo dựng một xã hội có các quy tắc, chuẩn mực đạo đức được tôn trọng, củng cố và phát triển, thì xã hội có thể phát triển bền vững. Một môi trường xã hội các chuẩn mực đạo đức bị xem nhẹ, không được tôn trọng, thì nơi đó sẽ xảy ra mất ổn định, thậm chí đổ vỡ nhiều mặt của xã hội. Điều đó có được đều bắt đầu từ việc bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức của mỗi thanh niên hiện nay.

Thanh niên cần bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức bản thân như thế nào?

Trước hết, thanh niên phải ra sức học tập, bồi dưỡng và nâng cao trình độ trí thức, có tri thức, có kĩ năng làm việc, trở thành lực lượng lao động và tham gia lao động tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân và gia đình, ổn định xã hội.

Thanh niên phải sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Đối với bản thân phải có hiểu biết, có đạo đức trong sáng, nhân cách vững mạnh. Với gia đình phải chăm sóc và tạo dựng hạnh phúc. Với xã hội, phải đóng góp xây dựng xã hội phát triển trong sạch, vững mạnh, Với đất nước, phải bảo vệ và giữ gìn đọc lập chủ quyền đất nước. Cá nhân cần biết đặt nhu cầu, lợi ích của xã hội lên trên, hơn thế còn phải biết hi sinh quyền lợi của mình vì lợi ích chung.

Thanh niên phải có năng lực tự đánh giá và điều chỉnh hành vi đạo đức của bản thân trong mối quan hệ với người khác, với xã hội. Thường xuyên rèn luyện tư tưởng, đạo đức tiến bộ. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đạo đức đối với xã hội và không ngừng bồi dưỡng những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ. Luôn đề cao nhân phẩm và coi trọng danh dự của bản thân và người khác. Bởi chính nhân phẩm và danh dự làm nên giá trị làm người của mỗi con người. Người có nhân phẩm được xã hội đánh giá cao, kính trọng.

Vượt lên trên tất cả đó là bằng sức lao động của mình phải gây dựng được hạnh phúc cho bản thân và cho người khác. Sống có lòng nhân ái, độ lượng, vị tha. Lấy đạo nghĩa làm nguyên tắc của hành động, lấy lý tưởng là ngọn đèn sáng soi đường bước tới tương lai.

Phê phán:

Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều thanh niên không có ý thức bồi dương và rèn luyện đạo đức. Họ sống buông thả, dễ dãi, tùy tiện, thiếu khát vọng và niềm tin. Họ thường là những người thất bại trong cuộc sống và dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, đánh mất cả tương lai. Những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học nhận thức:

Người không có đạo đức là người sống trong bóng tối của tâm hồn, không thể cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống. Rèn luyện đạo đức, sống đúng với đạo đức của dân tộc và thời đại phải là trách nhiệm của mọi thanh niên ngày nay.

  • Kết bài:

Đạo đức như bông hoa nở trên cành. Cây có đẹp, có giá trị là bởi bông hoa ấy đẹp. Đạo đức chính là bông hoa đẹp của đời người. Con người có trở nên hữu ích và có giá trị hay không là bởi có biết bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức và thực hành lối sống có đạo đức hay không. Rèn luyện đạo đức là việc không khó. Như Albert Schweitzer đã từng nói: “đạo đức không gì hơn là lòng tôn kính cuộc sống”. Đạo đức ở con người không tự nhiên mà có. Muốn có đạo đức trong sạch, vững mạnh và tiến bộ, ngay từ bây giờ, mỗi thanh niên phải tự rèn luyện mình.

Nghị luận: Cuộc sống là nguyên liệu thô. Chúng ta là những nghệ nhân. Nhào nặn nên một tác phẩm tuyệt đẹp hay một vật thể xấu xí tất cả đều nằm trong tay chúng ta

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.